Tôi sợ mùa đông. Bàn tay mạ nhăn nheo, khô khốc đặt xuống dòng nước lạnh căm để kiếm ốc, kiếm nhái bằm cho vịt. Đàn vịt ngày một lớn lên nhưng thưa dần vì dăm ba bữa mạ lại mang ra chợ bán.
Gom số tiền ít ỏi đó để mua cho thằng út chiếc áo đón mùa đông. Đàn vịt ngày một lẻ đàn khi dăm ba bữa nhà thiếu gạo, bán tháo vài con để mua mớ gạo còn nguyên mùi lúa mới.Tôi sợ mùa đông. Dòng sông lạnh, ba dầm mình đi kéo chắt chắt, hến. Thiên hạ bảo làng mình “ăn tới mần lui”. Vốn nghề cào chắt chắt phải kéo lui, còn cơm gạo trong nồi thì cứ “ăn tới”. Thế nên chẳng dư dã gì nhưng cứ phóng khoáng như dòng sông cuồn cuộn con nước về biển. Dòng sông đã cho con người những đặc ân. Con chắt chắt nhỏ xíu mà bao đời cào hoài không hết. Từ đời ông nội đã cào chắt chắt. Ở một bờ doi cát làng mà nuôi bao thế hệ. Mạ bảo tôi “không lo học thì cũng thừa kế cái nghề của ba mi". Cũng sớm chiều dầm mình trong nước, làn da bạc phếch, trắng nhợt như người sốt dậy.
Tôi sợ mùa đông. Mưa miền Trung trắng trời, hơi nước như mây là đà ngang tầm mắt giấu mặt trời suốt cả ngày. Thương chị vẫn chiếc áo mưa cũ nhèm từ tỉnh chạy về ướt sũng trên chiếc xe đạp cộc cạch. Chị làm công nhân một nhà máy với mức thu nhập gấp đôi nghề cào chắt chắt của ba. Mạ kỳ vọng con gái lên phố làm ăn, mong một tấm chồng đàng hoàng, khấm khá để êm bề gia thất. Chị lại bảo phải làm nuôi ba mạ, nuôi thằng út đến lúc hết học mới tính chuyện chồng con.Những mùa đông thương nhớ đi qua. Ba tôi vẫn dầm mình dưới con nước với cái nghề cũ. Mạ vẫn vậy, đi ven bờ hói, dọc con mương kiếm thức ăn cho đàn vịt. Chị vẫn đi về sớm hôm. Bức tranh mùa đông của mấy năm trước ở làng vẫn y như cũ. Chỉ có con người là già đi, ốm yếu nhưng đầy lạc quan.
Tôi không theo nghề của ba. Người làng bảo tôi thoát khỏi làng là thoát khổ. Tôi có điều kiện học dăm ba chữ để rồi mưu sinh với chính vốn liếng đó. Bạn tôi không may mắn như tôi, họ ở lại làng mình, lấy vợ ở tuổi rất trẻ, sinh con và làm lụng vật vã nhưng bình dị. Mỗi khi về làng họ bảo tôi về làm gì, ở trên luôn cho ra người thành phố. Tôi buồn như mình là người ở xứ khác bị lạc loài. Chợt xét lại, tự hỏi mình đã mất hết cái tính khoai sắn trong người chưa. Và rồi lại thấy mình không thể nào xa được một áng khói chiều ở gian bếp mùa đông. Hay đống lá tre nơi đầu ngõ mỗi chiều bà cụ lưng còng gom lại để đốt cho sạch. Bà cụ đã đi qua gần 90 mùa đông mà vẫn hồn nhiên như trẻ. Cụ bảo bây giờ áo ấm đầy đủ, áo ngoài áo trong chứ ngày xưa mùa nắng mang tơi mà mùa rét cũng mang tơi. Chiếc tơi như một mái nhà, một vỏ ốc để người nhà nông thu mình lại trước cái rét.Tôi đã đi qua những mùa đông. Từ vùng núi có những đứa trẻ đi chân đất mang chiếc áo mong manh đi học băng qua cánh rừng giá rét đến bác xích lô muốn mua chiếc áo mới nhưng lại nhường tiền đó để mua quà sinh nhật con ở nơi thành phố. Những nhát cắt cuộc sống ở đâu đó cứ đẩy tôi lại gần với cuộc sống áo cơm rất thực mà chẳng cần một phút trải nghiệm nào thêm nữa.
Và mỗi lần như thế, tôi lại nghĩ về làng quê, nơi có những con người đang gồng mình với mùa đông. Cuộc sống không thể khác được và chẳng thể khác được. Chỉ khác có những con người trong đó luôn xem thực tại cuộc sống vốn dĩ chẳng dễ dàng là một thứ hiển nhiên, không thể tránh.
Không riêng gì mùa đông.