Đưa tiêu quê ra thế giới

Tây Long |

Dầu dãi nắng mưa với cây tiêu, người nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị luôn mong muốn đưa sản vật cay nồng của quê nhà ra thế giới để mang về cuộc sống no ấm. Ước mong ấy đã trở thành hiện thực nhờ sự góp sức của Tổ chức Roots of Peace (ROP) đến từ Mỹ.

Với những bước đi tuần tự, vững chắc, Dự án “Phát triển nông nghiệp bền vững” của Tổ chức ROP đã sớm thành lập 100 câu lạc bộ trồng tiêu ở các huyện: Vĩnh Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa, Gio Linh và Hải Lăng với 3.568 thành viên. Trong đó, các hộ nghèo, cận nghèo, nạn nhân bom mìn, người nhiễm chất độc da cam, đơn thân, đồng bào dân tộc thiểu số… được ưu tiên chọn lựa, hỗ trợ. Tổng ngân sách giải ngân cho các gói hỗ trợ người trồng tiêu lên đến 2.160 nghìn USD. Thông qua hoạt động của dự án, hơn 5.000 m2 đất của các hộ trồng tiêu đã được rà phá bom mìn, vật liệu nổ.

Hạt tiêu khô do nông dân Quảng Trị làm ra được xuất khẩu sang Mỹ - Ảnh: T.L
Hạt tiêu khô do nông dân Quảng Trị làm ra được xuất khẩu sang Mỹ - Ảnh: T.L

Hàng trăm lớp tập huấn được Tổ chức ROP mở để nâng cao năng lực cho nông dân. Dự án cũng đã thành công trong việc xây dựng quy trình kỹ thuật, giúp việc trồng tiêu trở nên thuận lợi, bền vững hơn. Trong 3 năm, từ 2018 đến 2021, Tổ chức ROP đã hỗ trợ cho 500 hộ nông dân lắp đặt mô hình tưới nước nhỏ giọt cho cây tiêu với quy mô 500 - 1.000 m2/hộ. Ngoài ra, Tổ chức ROP còn chú trọng xây dựng mạng lưới đối tác và tạo mối quan hệ tốt với các cấp, ngành, đơn vị liên quan ở địa phương để hỗ trợ nông dân nhiều hơn.

Từ ngày trở thành một phần của Dự án “Phát triển nông nghiệp bền vững”, thành viên 100 câu lạc bộ trồng tiêu trên địa bàn đã đi từ niềm vui này sang niềm vui khác. Trước đây, hạt tiêu do bà con làm ra thường gặp khó khi ra những thị trường lớn. Tình trạng được mùa, mất giá hoặc bị tiểu thương o ép hay xảy ra. Từ khi trồng tiêu theo hướng bền vững, nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật tốt và đảm bảo các tiêu chuẩn mà hạt tiêu của bà con thuận lợi vươn xa. Thông qua sự hỗ trợ, kết nối của Tổ chức ROP, hơn 70 tấn tiêu đã được xuất khẩu sang Mỹ.

Tín hiệu đáng mừng ấy đã giúp người dân tham gia Dự án “Phát triển nông nghiệp bền vững” có thêm động lực để gắn bó với cây tiêu. Anh Trần Hà (65 tuổi), trú tại thôn Phương An, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ cho biết, trước đây, có thời điểm, gia đình anh trồng cả nghìn gốc tiêu. Tuy nhiên, vì thấy vườn tiêu già cỗi, cho thu nhập thấp, anh Hà quyết định phá bớt một số gốc. Trong lúc chưa biết mở lối nào để làm ăn kinh tế có hiệu quả, anh Hà đã nhận được sự hỗ trợ của Tổ chức ROP thông qua Dự án “Phát triển nông nghiệp bền vững”.

“Trước đây, hầu hết người dân trồng tiêu theo kiểu… nhờ trời. Từ ngày tham gia dự án, bà con đã thay đổi cách nghĩ, cách làm. Biết chúng tôi còn gặp nhiều khó khăn, dự án đã hỗ trợ các gói vật tư và xây lắp mô hình tưới nước nhỏ giọt. Trong thời điểm dự án hỗ trợ, có lúc 1 kg tiêu khô có giá lên đến 180 ngàn đồng. Nhờ thế, thu nhập của bà con được cải thiện đáng kể”, anh Hà cho biết.

Cũng như anh Hà và các hộ trồng tiêu ở xã Cam Nghĩa, anh Trần Đức Tài (49 tuổi), trú tại xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh rất mừng khi trở thành một phần của Dự án “Phát triển nông nghiệp bền vững”. Tham gia dự án, anh không chỉ cải thiện thu nhập mà còn được nâng cao hiểu biết, kinh nghiệm trồng tiêu. Anh Tài cho biết, mình vốn là người trồng tiêu có khá nhiều kinh nghiệm, lại từng học chuyên ngành trồng trọt tại đại học nông lâm nên tương đối tự tin khi gắn bó với loại cây này. Dẫu vậy, lúc tiếp cận những kiến thức, kinh nghiệm mới, bổ ích từ các chuyên gia, anh vỡ ra rất nhiều điều.

“Chúng tôi liên tục được tập huấn vào các thời điểm như: đầu vụ, giữa vụ, trước mùa mưa, trước khi thu hoạch… Vì thế, bà con nắm rất vững quy trình và áp dụng kịp thời, hiệu quả. Năng suất của cây tiêu tăng mạnh so với những năm trước, có hộ tăng lên gấp đôi”, anh Tài nói.

Đến thời điểm hiện tại, các hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Phát triển nông nghiệp bền vững” của Tổ chức ROP đã khép lại. Dẫu vậy, nhiều hộ nông dân tham gia dự án vẫn đang kiên trì thực hiện theo quy trình của dự án với niềm tin sẽ mở ra con đường rộng hơn cho cây tiêu. Nêu cao quyết tâm, một số hộ dân đã nhân rộng diện tích trồng tiêu của gia đình theo hướng bền vững. Đối với bà con, đây cũng chính là cách để tri ân Tổ chức ROP và các cán bộ, nhân viên Dự án “Phát triển nông nghiệp bền vững”, nhất là tổ chức này vẫn tiếp tục hỗ trợ bà con trong việc đưa hạt tiêu ra thế giới.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Triển vọng phát triển cây tràm năm gân ở Vĩnh Linh

Lê An |

Tại vùng gò đồi của xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), trong khi mọi người đều tập trung trồng rừng và các loại cây ăn quả thì anh Phan Ngọc Vũ lại đi ngược lại khi quyết định trồng cây tràm năm gân để nấu tinh dầu. Chỉ qua hơn 6 tháng trồng và chăm sóc nhưng cây tràm năm gân đã phát triển rất tốt, hứa hẹn mở ra hướng đi mới cho nghề sản xuất tinh dầu tràm.

Đề xuất xây dựng và cấp mã số vùng trồng đối với Hồ tiêu

Mỹ Hằng |

Hồ tiêu là loại cây trồng nổi tiếng của huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị). Hiện nay, toàn huyện có trên 1.300 ha trồng hồ tiêu. Trong đó có 1.263ha ở giai đoạn khai thác.

Hướng Hóa tích cực phục hồi diện tích cây hồ tiêu

Bích Liên |

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, cùng với sự bấp bênh về giá cả nên nhiều hộ nông dân trồng tiêu tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) không đầu tư chăm sóc, làm cho cây hồ tiêu bị giảm năng suất. Trước tình hình đó, được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp huyện và giá hồ tiêu đang tăng lên đã tạo động lực cho nhiều hộ nông dân Hướng Hóa tích cực phục hồi, trồng mới diện tích cây hồ tiêu.

Năng suất hồ tiêu giảm gần 50% so với trung bình nhiều năm

Thanh Lê |

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, trong năm 2021, năng suất hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giảm gần 50% so với trung bình nhiều năm, ước đạt từ 6-6,5 tạ/ha, sản lượng ước đạt 1.487,7 tấn.