Tại vùng gò đồi của xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), trong khi mọi người đều tập trung trồng rừng và các loại cây ăn quả thì anh Phan Ngọc Vũ lại đi ngược lại khi quyết định trồng cây tràm năm gân để nấu tinh dầu. Chỉ qua hơn 6 tháng trồng và chăm sóc nhưng cây tràm năm gân đã phát triển rất tốt, hứa hẹn mở ra hướng đi mới cho nghề sản xuất tinh dầu tràm.
Trao đổi với chúng tôi về cơ duyên đến với cây tràm năm gân, anh Vũ cho biết, thôn Thủy Ba Đông, xã Vĩnh Thủy nơi anh đang sinh sống trước đây cây tràm gió địa phương phát triển rất tốt. Tuy nhiên, do người dân khai thác quá mức để bán cho các lò nấu dầu tràm nên hiện tại hầu hết diện tích cây tràm gió đã không còn. Trước thực trạng đó, sau khi tìm hiểu anh đã cất công tìm vào tận xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế để học tập kinh nghiệm trồng cây tràm năm gân. Đồng thời mua cây giống về trồng thử trên diện tích khoảng 1 ha để đánh giá sự phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Đây là giống tràm mới lần đầu tiên được trồng trên địa bàn tỉnh.
Sau một thời gian trồng thử nghiệm, cuối năm 2021, anh quyết định đầu tư gần 4 tỉ đồng bao gồm cây giống, phân bón, trải bạt, nhân công… để mở rộng diện tích trồng cây tràm năm gân lên hơn 11,5 ha. Mặc dù chỉ mới hơn 6 tháng trồng và chăm sóc nhưng theo đánh giá, cây tràm năm gân đã cho thấy sự thích hợp với đất đồi khô hạn, khí hậu khắc nghiệt. “Dự kiến đến cuối tháng 8/2022, tôi sẽ cho thu hoạch lần đầu để đưa vào chưng cất. Cây tràm càng lớn thì cành lá lại càng nhiều. Chu kỳ khai thác ngắn lại nên sản lượng sẽ tăng lên. Đến năm thứ 2 cây tràm năm gân sẽ cho thu hoạch 2 lần/năm. Đến năm thứ 3 sẽ tăng lên 3 lần/năm với năng suất có thể lên đến 60 tấn/ha/năm”, anh Vũ cho biết thêm.
Theo anh Vũ, giống tràm năm gân là giống tràm mới, được du nhập, chọn giống và lai tạo từ giống tràm của Úc. Đây là giống tràm có 5 sọc gân ở trên lá. Giống tràm này cho hương thơm nồng, hàm lượng tinh dầu cũng cao hơn so với giống tràm gió địa phương. Cây sống thích hợp ở mọi biên độ sinh thái, sống khỏe ở trên các loại đất thịt, cát, đồi, ẩm, vùng ngập nước và cả trên những vùng đất đồi khô hạn, khí hậu khắc nghiệt. Tuổi thọ của cây tràm năm gân lên đến 25 - 30 năm. Kỹ thuật trồng cũng đơn giản, chỉ cần đào hố, bón lót bằng phân chuồng và phân NPK, sau đó trồng cây giống xuống, phủ bạt để giữ ẩm và hạn chế cỏ dại. Mật độ trồng từ 10.000 - 15.000 cây/ha.
Nếu trồng và chăm sóc tốt, cây có thể đạt chiều cao trung bình từ 2,5 - 3 m, lá nhiều, hàm lượng tinh dầu cao. Để chưng cất tinh dầu, khi cây đạt chiều cao trung bình từ 1 - 1,5 m thì bắt đầu thu hoạch lá. Bình quân mỗi lần thu hoạch một cây tràm sẽ thu được 1 - 2 kg thân, lá, trung bình 100 kg nguyên liệu chưng cất được 0,5 lít tinh dầu tràm. Chất lượng, mùi vị tinh dầu từ cây tràm năm gân cũng được đánh giá cao hơn.
“Với hàm lượng tinh dầu như thế này tôi dự kiến từ năm thứ 2 sẽ thu được khoảng 100 triệu đồng/ha và đạt khoảng 300 triệu đồng/ha từ năm thứ 3 trở đi”, anh Vũ khẳng định.
Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, anh Vũ cho biết, hiện tại anh đang đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc để chưng cất tinh dầu tràm từ diện tích trồng cây tràm năm gân của mình. Sản phẩm tinh dầu tràm của anh cũng đã có đơn vị cam kết thu mua. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu, trong năm 2022 này anh sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây tràm năm gân ra toàn bộ 22 ha của gia đình. Đồng thời xây dựng kế hoạch liên kết với các hộ nông dân có nhu cầu để mở rộng diện tích lên khoảng 100 ha trong năm 2023.
Trong đó, anh sẽ cung cấp cây giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật và cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm. Chi phí đầu tư sẽ được anh khấu trừ dần trong thời gian 3 năm. Theo anh Vũ, nếu so với trồng rừng hay các loại cây ngắn ngày thì trồng tràm năm gân sẽ hiệu quả hơn. Do người nông dân chỉ cần đầu tư chi phí trồng, chăm sóc cho năm đầu tiên. Từ năm thứ 2 trở đi đã không cần phải chăm sóc, từ 20 - 30 năm tuổi mới phải tái đầu tư trồng mới.
Trong khi diện tích cây tràm gió trên địa bàn huyện Vĩnh Linh nói riêng và toàn tỉnh nói chung đang ngày càng thu hẹp, để có nguyên liệu sản xuất tinh dầu tràm, các lò chưng cất phải tìm ra các địa phương lân cận mua về. Do vậy, mô hình cây tràm năm gân được đưa vào trồng đại trà hứa hẹn sẽ mở ra hướng đi mới trong việc nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích, chuyển đổi cây trồng trên những diện tích đất sản xuất kém hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)