Từ vùng đất chiến khu nổi tiếng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, xứ Cùa ngày nay không còn là vùng đất xa ngái, tách biệt với bên ngoài mà đang hội nhập trong dòng chảy hối hả của đời sống xã hội.
Đến Cùa trong những ngày này bạn sẽ ngỡ ngàng với những đổi thay, ở đâu cũng thấy màu xanh bát ngát. Đã xa rồi những con đường đất đỏ lầy lội, trơn trượt trong những ngày mưa, thay vào đó là những con đường thảm nhựa, đường bê tông trải dài đến các đường quê, ngõ xóm. Ở Cùa hôm nay có đầy đủ các thứ như miền xuôi. Nào là quán ăn, giải khát, cà phê, karaoke. Chợ Cùa luôn tấp nập, hối hả trong những buổi sớm mai, ở đây có bán đầy đủ các sản vật của địa phương. Vùng Cùa luôn có nhiều đặc sản để bạn lựa chọn như gà Cùa, tiêu Cùa, chè Cùa.
1. Cách đây hơn 3 năm có một cô sinh viên được bà xã tôi hướng dẫn thực tập rất tận tình, cảm động quá đến ngày chia tay, cô sinh viên mang về tặng cho gia đình tôi một món quà thật đặc biệt của xứ Cùa, đó là một con gà mái tơ. Món mà cả nhà tôi đều ưa thích đó là món gà luộc. Nếu như những con gà trước đây luộc khoảng 15-20 phút là chín thì con gà này rất khác, phải chờ rất lâu gần cả tiếng đồng hồ thịt mới mềm. Bù lại cho khoảng thời gian chờ đợi là món thịt gà rất ngon, những thớ thịt khi xé ra ăn vừa thơm, ngon vừa dai dai. Thịt không bị nhão, không có mỡ như những loại gà khác.
Thịt gà Cùa ngon thế nên tương truyền khi đoàn của vua Hàm Nghi ra đến Tân Sở, dân làng dâng lên vua và các quan trong đoàn tùy tùng món ăn của địa phương là gà Cùa hấp và gà hầm cháo hạt sen. Ai ăn cũng khen ngon. Trong những ngày kháng chiến gian khổ ấy, vua Hàm Nghi luôn nhắc các vị đại thần sau này khi nước nhà bình yên hãy nhớ nuôi gà Cùa thành sản vật của tổ tiên.
Người dân các xã vùng Cùa khi tiếp khách phương xa thường đãi bạn món gà đặc sản của địa phương gà hấp lá chanh thơm phức, gà nướng ớt, gà hầm hạt sen...Nước luộc gà cũng có thể dùng để nấu canh măng, canh miến, canh rau…Tại sao gà Cùa lại thơm ngon, dẻo dai đến vậy? Có thể đó là do tập tính sống hoang dã của loại gà nơi vùng đất này. Gà phải vận động cả ngày, khi được thả xung quanh vườn, trên những nương sắn, nương chè. “Ngày ăn mối, tối ngủ cây”, đó là câu nói lên thuộc tính của giống gà nơi đây. Hầu như gia đình nông dân nào ở Cùa cũng có nuôi gà, ít thì vài ba con, nhiều lên tới vài chục con. Người nuôi thả rông để gà tự do bay nhảy, tự do kiếm ăn, một lối sống tự nhiên, hoang dã. Vậy nên thịt mới ngon ngọt khó quên.
Thấy được những giá trị của gà Cùa nên một số người đã xây dựng mô hình chăn nuôi gà tập trung trong các trang trại, gia trại với quy mô nuôi từ vài trăm lên tới hàng ngàn con. Như các trang trại gà ở thôn Nghĩa Phong, xã Cam Nghĩa; thôn Mai Đàn, xã Cam Chính. Gần đây chính quyền địa phương cũng đã cho triển khai mô hình chăn nuôi gà Cùa theo chuỗi giá trị tại 27 hộ thuộc địa bàn các xã: Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành. Dự án hỗ trợ người chăn nuôi về gà giống, vắc xin phòng dịch, xây dựng chuồng trại, đăng ký thương hiệu, tập huấn kỹ thuật. Tổng kinh phí thực hiện hơn 1,2 tỉ đồng, trong đó có phần đầu tư của nhà nước và nguồn vốn của người dân đóng góp. Việc triển khai thực hiện dự án chăn nuôi gà Cùa theo chuỗi giá trị góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi, hướng đến xây dựng thương hiệu gà Cùa trở thành một trong những sản phẩm theo chương trình OCOP của huyện Cam Lộ.
Gà Cùa tuy giá bán có cao nhưng được người tiêu dùng ưa chuộng, gà được cung cấp cho thị trường vùng Cam Lộ, Đông Hà và ra các địa phương khác. Nhiều gia đình nuôi gà Cùa từ nhỏ đã cho ăn tỏi, gừng, sử dụng một số cây dược liệu pha với nước cho gà uống để phòng chống bệnh tật mà ít khi sử dụng các loại tân dược, chính vì thế nên đảm bảo chất lượng thịt.
2. Tiêu Cùa cũng là đặc sản nổi tiếng từ lâu, có một thời hạt tiêu được xem là “vàng đen” mang lại cuộc sống sung túc cho nhiều người, nhiều gia đình. Ông Trần Quyết Thắng, Bí thư chi bộ thôn Mai Đàn, xã Cam Chính cho biết: “Nói về hai loại cây đặc sản ở vùng Cùa là cây tiêu và cây chè thì nhà nào cũng trồng được vài chục gốc tiêu, gốc chè để dùng trong gia đình, nếu thừa thì bán ra thị trường. Vào khoảng cuối những năm 2000 đến các xã Cam Chính, Cam Nghĩa bắt gặp bạt ngàn những vườn tiêu xanh ngát. Đây là những năm mà giá trị của hạt tiêu lên ngôi. Mỗi ki lô gam tiêu khô có giá trị hơn cả chục ki lô gam gạo, không ít người ở vùng Cùa nhờ trồng tiêu mà xây nhà, mua sắm được các thứ sinh hoạt đắt tiền. Tiêu phát triển ở khắp các thôn, làng. Diện tích tiêu những năm đó lên tới 300-400 ha. Tiêu Cùa có hương vị cay nồng, rất phù hợp để làm gia vị cho các món ăn hằng ngày như nấu canh, kho cá, xào thịt, cho tới các món bún, phở…nhờ có tiêu mới tăng thêm vị thơm ngon.
Những năm bao cấp tiêu của vùng Cùa cũng như hạt tiêu của Nông trường Tân Lâm được xuất khẩu ra nước ngoài mang về bao nhiêu thứ cần thiết cho đất nước. Gần đây nhờ sự tiếp sức của Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị mà tiêu Cùa cũng được xuất sang thị trường khó tính như Mỹ. Tiêu được lựa chọn hạt chắc để đóng gói, chế biến với những mẫu mã đẹp và chất lượng đảm bảo. Cũng nhờ sự cố gắng từ nhiều phía mà tiêu Cùa được đánh giá cao. Một tổ chức của Tây Ban Nha trao tặng giải thưởng “Chất lượng quốc tế thế kỷ”, hạng vàng cho Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị với sản phẩm tiêu Cùa. Tiêu Cùa cũng đã có mặt ở nhiều cửa hàng, siêu thị trong cả nước, được nhiều người dùng chọn làm món quà để tặng bạn bè, người thân. Ăn tiêu Cùa để ta luôn nhớ tới một vùng đất đỏ ba dan màu mỡ, bạt ngàn xanh…
3. Chè Cùa cũng là sản vật đặc trưng, nổi tiếng của vùng đất chiến khu. Chè theo người dân đến định cư ở vùng Cùa từ hàng trăm năm nay. Ở thôn Mai Trung, xã Cam Chính không chỉ có những cây chè mới lên xanh mà có nhiều cây chè cổ thụ, tuổi đời hơn cả trăm năm. Đó là những cây chè có chiều cao tới bốn, năm mét, phải bắc thang mới hái được. Tuy giá bán chè chỉ năm, bảy ngàn đồng một ki lô gam, nhưng nhiều gia đình vẫn giữ được những cây chè cổ thụ như một kỷ niệm, một sản vật mà tổ tiên, ông bà để lại cho con cháu.
Ghé thăm những gia đình người quen ở xã Cam Chính, Cam Nghĩa tôi đều nhận thấy trong vườn nhà ai cũng trồng được vài chục cây chè trở lên. Ở Cùa buổi sáng, chủ nhà thường nấu nước sôi rồi hãm bình chè xanh uống cả ngày, khách đến cũng được mời loại nước chè sóng sánh màu xanh trong ấy. Chè Cùa theo chân người dân Cùa xuôi về Đông Hà, lên với Đakrông, Ba Lòng, Triệu Nguyên hay những vùng đất xa ngái và được tiếp nhận như một loại nước uống ngon của vùng quê đầy nắng gió. Khác với cây chè của Hướng Hóa hay Hải Lăng, chè Cùa có hương vị riêng, không lẫn với chè của địa phương khác. Uống vào lúc đầu có vị chát, sau lại có mùi thơm, ngọt nhẹ, nước chè trong xanh rất đẹp nên được nhiều người ưa thích.
Tôi vẫn còn nhớ ở Cùa trước đây khi cây cối chưa lên xanh, những ngày hè thật khắc nghiệt, gió Tây Nam thổi về thông thốc, hun hút cuốn đầy bụi đỏ, mặt đất như bị nung lên, khô cứng, rắn chắc lại. Về mùa đông thì có những ngày mưa trút nước, một số đoạn đường đất đỏ nhão trơn khó đi. Phải chăng khí hậu ấy, đất đai ấy đã tạo cho vùng Cùa có những đặc sản với hương vị thật khó quên.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)