Nếu ai có dịp ghé qua làng Bồ Bản thuộc xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong (Quảng Trị), sẽ thấy một ngôi cổ tự tọa lạc ở một nơi phong thủy hữu tình, cảnh sắc hiền hòa và biết thêm nhiều câu chuyện lạ lùng, ý nghĩa từ chốn thiền môn.
Ngôi chùa làng Bồ Bản này có tuổi đời vài trăm năm. Khuôn viên chùa hiện nay rộng thoáng cũng nằm trên nền đất cũ xưa kia. Bên cạnh chùa là miếu tam tòa thờ phụng các ngài tiền khai khẩn, khai canh có công lớn lập làng. Chùa trước kia là một ngôi nhà rường bằng gỗ mít, nay được xây dựng bằng vật liệu hiện đại thông dụng thời nay nhưng mô hình vẫn như cũ, phổ biến ở miền Trung, mỹ thuật cũng ảnh hưởng khá nhiều thời hậu Lê, còn hương khói thì tiền Phật, hậu linh, phía sau thờ vị tiền khai khẩn của làng.
Lai lịch chùa Trường Khánh mà dân gian thường quen gọi là chùa Bồ Bản cũng có xuất xứ khác thường. Sự tích cứ lưu truyền từ đời này sang đời khác để ghi tạc công đức của tiền nhân, cũng là thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn không bao giờ vơi cạn. Cũng như nhiều giếng trong vùng bị phèn nhưng giếng chùa từ xưa đến nay, kỳ lạ thay nước luôn đầy ắp và trong lành, ngọt mát, nuôi dưỡng thân tâm biết bao cuộc đời với nhiều thế hệ đã từ đây mà khôn lớn thành người có ích. Ông lão Lê Đình Quốc, một người dân Bồ Bản cho hay: “Chùa này liên quan đến một quyết định quan trọng của nhà vua lúc ấy, lúc đầu tưởng họa nhưng rất may sau lại biến thành phúc”.
Xin nói thêm cho rõ. Xưa kia một hôm nhà vua từ kinh thành Huế nhân một lần theo đường thủy ra đến con sông Vĩnh Định chảy qua làng Bồ Bản, thấy phong thủy hữu tình định chọn mảnh đất này để táng mộ hoàng gia, tin tưởng hậu vận cháu con ắt sẽ cát tường theo cách nhìn của thầy địa lý ngày xưa. Nhưng một người làng Bồ Bản làm việc trong triều, may hoàng bào cho vua biết chuyện, lo lắng sợ quê nhà bị mất đất nên báo cho dân làng biết và bàn bạc tìm cách dựng lên một thảo am thờ Phật, mong ngăn lại dự định của đế vương. Mấy năm sau, nhà vua tuần du ra lại, ngạc nhiên khi thấy một ngôi chùa xuất hiện nên bỏ ý định thu hồi đất trước kia. Quân vương cũng là bậc sùng đạo Phật nên hoan hỉ tiếp nhận sự đổi thay và còn sắc phong cho chùa mang tên Trường Khánh Tự, có thể hiểu là niềm vui ngân dài như tiếng chuông chùa làng Bồ Bản, thể hiện tâm nguyện cầu mong cho bách tính nơi đây an cư lạc nghiệp. Như vậy đất vua đã hóa chùa làng, một kết cục rất có hậu, để rồi tiếp tục mở ra những truyền kỳ kế tiếp.
Một sự lạ lại xảy ra trong kháng chiến chống Pháp. Chùa Trường Khánh có một đại hồng chung. Chiếc chuông cổ và lớn này cũng là vật quý của chùa. Nhưng trong cuộc chiến vệ quốc, nó lại được đưa lên chiến khu Ba Lòng ở miền núi tỉnh Quảng Trị để đúc vũ khí chống giặc ngoại xâm. Có người đọc được chữ Hán khắc trên chuông, biết là vật quý nên tìm cách đưa lại về xuôi. Chuông về rồi phải đưa giấu dưới giếng chùa, khi tạm yên mới “Châu về Hợp Phố”, hội ngộ chùa xưa sau bao nhiêu chìm nổi như thể số phận con người. Âu cũng là nhân duyên trong cõi ta bà.
Rồi chuyện bức tượng Phật lưu lạc đúng nửa thế kỷ qua nửa vòng trái đất cũng là sự hi hữu đến khó tin dù đó hoàn toàn là sự thực. Năm 1968, một đơn vị lính Mỹ hành quân qua làng trong cơn binh lửa, hoang tàn. Một chỉ huy đại đội tên là Muller nhìn thấy một tượng Phật và lấy cất vào ba lô. Người này để lại một chân ở chiến trường Việt Nam và về Mỹ. Sau đó, ông ta cứ day dứt tìm cách trả pho tượng Phật cho ngôi chùa làng nhưng rồi bị bệnh nặng nên không qua khỏi. Trước khi chết, ông trăng trối nhờ một đồng đội cũng là cấp dưới trong quân ngũ trước kia tên là Anderson tìm cách đưa trả lại cho cổ tự. Người bạn lính phải ba lần sang Việt Nam với bao câu chuyện vất vả và ly kỳ mới giao trả lại bức tượng Phật cho chùa Trường Khánh, một bảo pháp thiền môn. Đại đức Thích Mãn Toàn, sư trụ trì chùa Trường Khánh, nhớ lại: “Buổi trưa, một đoàn người Mỹ có thông dịch viên vào đây gặp và hỏi tôi có phải đây là chùa Trường Khánh, tôi đáp phải. Ông cựu binh Anderson lại hỏi, có gì chứng minh không. Tôi liền đưa “sổ đỏ” có tên chùa Trường Khánh, lúc ấy ông ta mới tin và trang trọng trả lại bức tượng cho chùa. Mọi sự đã được hóa giải và cũng thể hiện tâm nguyện hòa giải khi chiến tranh đã thành quá khứ”.
Sau bao tao loạn, chùa làng mới được khôi phục lại phần nào và không có sư trụ trì. Hơn 10 năm nay thì giáo hội mới cử chức sắc tôn giáo đến đây đảm nhiệm ở Trường Khánh Tự theo nguyện vọng chính đáng của đạo hữu. Chùa ngày được mở rộng như cũ, có phần khang trang hơn, đáp ứng những nhu cầu Phật sự, trở thành một địa chỉ tâm linh nhiều ý nghĩa không chỉ của dân làng Bồ Bản mà còn với khách thập phương, đặng nuôi dưỡng những tâm hồn hướng thượng và hướng thiện, từ bi bác ái trong đời sống thường nhật.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)