Vài tuần trước lễ kỷ niệm ngày thống nhất đất nước 30 tháng Tư, người dân Quảng Trị đã được dự một đêm nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với chủ đề “Hãy yêu nhau đi” tại công viên Phidel ở TP. Đông Hà. Ngoài giá trị âm nhạc mang đến cho mọi người, chương trình đó còn là một trong những bước chạy đà cho câu chuyện tương lai: Lễ hội Vì hòa bình sẽ được tổ chức trên quê hương Quảng Trị vào năm 2022, cũng là dịp 50 năm giải phóng Quảng Trị (1972-2022).
Nói câu chuyện về một lễ hội hòa bình vào những ngày tháng Tư nhiều cảm xúc này, bởi miền đất Quảng Trị, hơn ai hết hiểu được giá trị của hai chữ hòa bình - thống nhất khi từng có một dòng sông chia đất nước thành hai miền Nam Bắc, một dòng sông chia đôi những làng mạc, chia đôi những gia đình, chia đôi những yêu thương. Lịch sử luôn là bài học cho hiện tại và tương lai. Vì là “bài học” nên lịch sử cần được nhắc nhớ. Và Lễ hội Vì hòa bình chính là một cách nhắc nhớ lịch sử để xây đắp, vun bồi những giá trị mang tầm nhân loại. Hòa bình chính là một trong những khát vọng lớn nhất của loài người, khi mà đâu đó trên hành tinh này vẫn còn súng nổ , vẫn còn chiến tranh, vẫn còn tham vọng thôn tính xâm lược thì câu chuyện hòa bình cần được hội tụ và lan tỏa. Trong ý nghĩa ấy, Quảng Trị như là vùng đất đã phải trải qua nhiều đau thương, nhiều hy sinh, mất mát để giờ đây như là miền đất được chọn nhằm tôn vinh khát vọng hòa bình.
Tôi vẫn không quên hình ảnh một cựu chiến binh đi một mình qua những hàng bia dằng dặc ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Những đồng đội của ông đang nằm đó, khi mới tuổi mười tám, hai mươi. Nếu không có chiến tranh, những người lính ấy sẽ có gia đình, vợ con và tầm tuổi này đang vui vầy cùng con cháu.
Rồi chợt nghĩ về thế hệ chúng tôi, nếu không có ngày 30/4/1975 (ngày thống nhất đất nước, thế hệ chúng tôi đang tầm tuổi thiếu niên) hoặc ngày đó tới muộn hơn, hẳn sẽ có không ít những bạn bè cùng thế hệ, có khi cả chính mình không nhìn được ngày vui của dân tộc.
Lại nhớ trong đêm nhạc Trịnh với chủ đề “Hãy yêu nhau đi”, ca sĩ trẻ Hoàng Trang đã hát một ca khúc của Trịnh Công Sơn ít người biết, nhưng rất đúng với tinh thần của lễ hội mà chúng ta đang hướng tới. “Trên cánh đồng hoà bình này/Mặt trời yên vui lên đỏ chói/Đỏ trái tim người/Ngày Việt Nam đã qua cơn đau dài/Triệu trái tim người/ Cùng nhịp vui với con tim nhân loại/Ngày lên cùng niềm tin/Bàn tay ta quyết lo vun trồng/Hoà bình như lúa thơm nuôi dân mình/ Một sớm thanh bình/ Giọng cười em vút cao hơn bình minh”.
Hòa bình, giá trị ấy được nhắc nhớ từ hàng hàng bia mộ trong nghĩa trang khắp đất nước. Được nhắc nhớ trong buổi giỗ của từng gia đình tưởng niệm người thân đã chết trong chiến tranh bom đạn. Giá trị ấy được nhắc nhở trong từng câu ca trĩu nặng khát khao đến khắc khoải “hòa bình như lúa thơm nuôi dân mình”. Gần nửa thế kỷ trôi qua, ngọn gió hòa bình đã thổi qua những viên gạch cháy sém vì khói đạn dưới chân Thành Cổ, ngọn gió hòa bình ấy đã thổi qua những vai cầu Hiền Lương và dịu mát những làng quê đôi bờ Bến Hải.
Giá trị ấy càng được trân quý hơn khi thế giới đang trong cuộc chiến chống COVID-19. Con số mạng người mất mát được đưa ra trong những bản tin rúng động mỗi ngày từ Ấn Độ, từ Mỹ, từ nhiều quốc gia khác thì Việt Nam chúng ta vẫn đang được coi là một điểm đến an toàn. Có phải chúng ta đã đi qua quá nhiều những mất mát đau thương nên biết cách để giữ được hòa bình và ổn định. Tất cả những điều đó, chúng ta có được từ một ngày tháng Tư lịch sử của 46 năm về trước.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)