Năm 2024, Quảng Trị lần đầu tiên tổ chức lễ hội "Vì hòa bình". Đây là lễ hội mà chính quyền, nhân dân địa phương "thai nghén" từ nhiều năm qua với thông điệp: Quảng Trị là mảnh đất của tri ân, của bè bạn, của hòa bình. Vậy “khát vọng hòa bình” là gì trong trái tim mỗi người?
Đổi xương máu lấy hòa bình
Những ngày tháng 7, đi khắp Quảng Trị, đi đâu cũng thấy màu áo xanh của các cựu chiến binh. Họ từ mọi miền đất nước trở về đây với Quảng Trị, mảnh đất bị bom đạn giày xéo trong chiến tranh, để thắp nén hương thơm tri ân đồng đội, nhắc nhớ lại quá khứ hào hùng một thời họ đã sống.
Tản bộ ngắm nhìn những bè hoa trôi trên dòng sông mà trước đây 52 năm bao nhiêu đồng đội đã nằm lại, cựu binh Phạm Huy Hoạt (quê Thanh Hóa, Sư đoàn 320 từng chiến đấu tại Thành Cổ Quảng Trị) không nén nỗi xúc động khi được trở lại chiến trường xưa thăm đồng đội sau bao năm âm dương cách biệt. “Đồng đội tôi nay đã hóa vào từng tấc đất nơi đây, từng gốc cây, từng con nước Thạch Hãn…Còn rất nhiều người chưa thể trở về. Trận Thành Cổ ngày xưa quá ư là khốc liệt nhưng có lẽ giờ nhìn lại đó là cái giá của độc lập, cái giá của hòa bình hôm nay”, ông Hoạt nói.
Những cựu binh như ông Hoạt, đã chiến đấu, đã đánh đổi tất cả, kể cả máu xương, tính mạng chỉ để có được 2 chữ…hòa bình. Thì nay, khi đất nước đã hòa bình, khát vọng để hòa bình được trường tồn mãi mãi là một khát vọng nhân văn và dễ hiểu.
Còn với các Mẹ VNAH như mẹ Lê Thị Mót (xã Gio Sơn, H.Gio Linh, Quảng Trị), người đã mất chồng, 1 đứa con trai, 1 người em trai…trong chiến tranh, Mẹ quá hiểu giá trị hòa bình. Mẹ Mót bảo rằng không danh hiệu nào có thể đánh đổi lại sự sống của chồng, của con, nhưng hẳn sẽ yên lòng ở cái tuổi gần đất xa trời này khi nghĩ rằng sự hy sinh đó là vì lý tưởng, góp sức mang lại bình yêu cho quê hương, đất nước…
Còn bà Lê Thị Huyên (58 tuổi, trú TT.Hồ Xá, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị) luôn trân quý tấm bằng danh giá của Nhà nước truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng cho bà ngoại của mình là Mẹ Hoàng Thị Thuyết mà nói rằng: “Bà tôi mất đã lâu nhưng giờ mới được truy tặng danh hiệu cao quý này. Trong khi đó, mẹ tôi cũng là liệt sĩ, hy sinh năm 1967. Thực sự, bản thân tôi là…nạn nhân của chiến tranh, nhưng tôi cũng là người được hưởng những điều tốt đẹp của hòa bình hôm nay nhờ sự hy sinh của mẹ, của bà mình”.
Hòa bình là gì trong trái tim người trẻ?
Người trẻ chưa từng đi qua chiến tranh, nhưng không hẳn họ không có ý niệm về…hòa bình.
Kiến trúc sư Hồ Huy, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Quảng Trị kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kiến trúc sư trẻ tỉnh Quảng Trị nói ngắn gọn rằng: “Hòa bình có thể là sự an yên trong tâm hồn, nhưng như thế là chưa đủ”.
“Tôi thuộc thế hệ trẻ Việt Nam sinh ra và lớn lên trong thời gian dài không có tiếng súng, nên càng dễ tập trung vào việc phát triển kinh tế và xây dựng cuộc sống. Thật may mắn khi buổi sáng dậy thể dục, chạy quanh công viên thành phố, hít thở không khí trong lành, nhâm nhi một tách cà phê thơm, mang nhiều năng lượng cho ngày mới. Tất nhiên, hòa bình có thể là sự an yên trong tâm hồn, nhưng như thế là chưa đủ. Nhiều cuộc đấu tranh không có tiếng súng đang xảy ra từng ngày từng giờ : tai nạn giao thông, xả rác nơi công cộng, sự ô nhiễm của không gian mạng xã hội,…cần những người trẻ chung tay góp sức. Thế giới ngày càng kết nối với nhau chặt chẽ, thế hệ trẻ Việt Nam cần phải biết bày tỏ quan điểm về các sự kiện đang diễn ra gây ảnh hưởng đến hòa bình thế giới : chiến sự Ukraina, hòa bình cho Trung Đông hay cuộc chiến bằng chứng pháp lý ở Biển Đông”, kiến trúc sư Hồ Huy bày tỏ quan điểm.
Trong khi đó, ý niệm về hòa bình với nhà văn trẻ Hoàng Công Danh (thư ký tòa soạn Tạp chí Cửa Việt) cho rằng Hòa bình trước hết là đánh thức tính thiện trong mỗi người.
“Tôi sinh ra lúc hòa bình nhưng người thân tôi có người mất trong chiến tranh. Bởi vậy cảm nhận về hòa bình thường được đúc kết qua gia đình và những điều mình đã học. Thêm nữa, tôi từng có thời gian học tập ở Belarus, nơi giáp ranh với Ukraine và Nga. Theo dõi tình hình bên đó đang xung đột căng thẳng, lại ước ao hòa bình cho vùng đất mình từng gắn bó”, Hoàng Công Danh đã mở đầu như vậy.
Anh cho rằng người Việt mình nói "an cư lạc nghiệp" là bao hàm cả ước vọng hòa bình ở trong ấy. Có hòa bình mới mong thái bình, thịnh vượng. Khát vọng chính đáng ấy chưa bao giờ ngưng trong lòng những người dân lương thiện ở khắp nơi, không riêng gì đất nước nào, địa phương nào. Tuy nhiên, những nơi từng xảy ra những bi thương chiến tranh thì tiếng vọng sẽ lớn hơn, vậy nên thông điệp hòa bình từ Quảng Trị theo tôi sẽ có sức ảnh hưởng lớn đến quốc tế.
Còn với Cao Hải Vân, Bí thư Thành đoàn Đông Hà cho rằng: “Với riêng tôi , mỗi một tấc đất quê hương, mỗi một di tích tôi đến, mỗi một bài ca cách mạng tôi hát, tôi đều thấy cái giá của hòa bình. Những tàn khốc của chiến tranh và khát vọng hòa bình của ông cha in đậm trong trái tim tôi qua từng thước phim, từng bức hình, từng di tích lịch sử. Ý niệm về hòa bình lớn thêm trong tôi theo từng năm tháng”.
Cô cũng tin rằng ý niệm về hòa bình với người trẻ, nên là khát khao giữ được những miền quê không tiếng súng mà cha ông phải đánh đổi máu xương, để trẻ thơ đi học, để người lớn đi làm, để đất nước đi lên. Đó là khát khao cống hiến cho Tổ quốc, để đất nước hùng cường, có cơ đồ, vị thế lớn, ngăn tất cả những nguy cơ của chiến tranh.
Khát vọng hòa bình của cựu binh Mỹ
Sẽ không ngoa nếu nói ông là cựu binh Mỹ “nổi tiếng nhất” tỉnh Quảng Trị bởi sẽ có rất nhiều người Quảng Trị, đặc biệt là những nạn nhân bom mìn thời hậu chiến sẽ mang ơn ông. Ông là Chuck Searcy, cựu binh lục quân Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, người đã sống và làm việt ở Việt Nam từ năm 1995, đồng sáng lập dự án RENEW.
Những ngày giữa tháng 7.2022, người viết bất ngờ gặp lại người cựu binh Mỹ coi Việt Nam như quê hương thứ 2 ở di tích quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải, nơi ghi dấu hơn 20 năm chia cắt bắc nam đằng đẵng. Rảo bước trên cây cầu lịch sử, được sơn 2 màu xanh- vàng, Chuck Searcy còn gặp gỡ những cựu chiến binh Việt Nam. Họ bắt tay nhau, nói cười…mặc cho những khác biệt về ngôn ngữ, mặc cho có 1 sự thật cũng đã được lãng quên rằng, trước đó mấy chục năm họ đã ở 2 bờ chiến tuyến.
Nhiều năm trở thành 1 người bạn của Việt Nam, ông Chuck Searcy đã đem lại nhiều điều tốt đẹp ở nhiều nơi trên dải đất hình chữ S, nhưng nhiều nhất vẫn là ở Quảng Trị vùng đất có mật độ ô nhiễm bom mìn lớn bậc nhất cả nước.
Còn với ý niệm khát vọng hòa bình, với vị cựu binh Mỹ này có nghĩa là một cam kết không ngừng để đem lại hòa bình không chỉ tại chiến trường xưa, nơi mà vật liệu nổ nguy hiểm vẫn còn sót lại, mà còn là hòa bình trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống hàng ngày của chúng ta, trong quan hệ của chúng ta với bạn bè, láng giềng, người dân trong nước, và các công dân của thế giới. “Chúng ta cũng nên khao khát hòa bình ở các vùng đất xa xôi nơi mà giao tranh, bom rơi, đạn bắn đang xảy ra hàng ngày. Chúng ta còn nhớ sự tàn phá khủng khiếp như thế nào đối với Việt Nam trong chiến tranh, vì thế ngày hôm nay chúng ta khao khát hòa bình cho các công dân thế giới những người đang đau khổ hứng chịu bom đạn ở nhiều nơi”, ông Chuck nhấn mạnh.
Mỗi người dân là những viên gạch nhỏ 'xây' lễ hội Vì hòa bình
Dự kiến lễ hội Vì hòa bình sẽ lần đầu tiên được tổ chức tại Quảng Trị vào đầu tháng 7.2024. Theo ông Hoàng Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị câu chuyện lễ hội mang thông điệp "Vì hòa bình" là không riêng một vài tỉnh hay một vài quốc gia, mà nó mang tính chất toàn cầu, tính chất quốc tế, nhân loại. Cũng theo ông Nam khái niệm hòa bình là một thứ rất mở, rất rộng, nên hằng năm sẽ có một chủ đề, một điểm nhấn khác nhau.
Ông Nam cho rằng “vạn sự khởi đầu nan”, vì thế, Quảng Trị có áp lực lớn nhất là làm sao để đáp ứng được sự mong mỏi của mọi người đối với sự kiện này. Ý tưởng là khó rồi nhưng khi được mọi người ủng hộ yêu quý, tin yêu mình cũng có áp lực khi phải làm sao để đáp ứng được kỳ vọng đó.
“Quan điểm của chúng tôi là lễ hội sẽ thuộc về chủ thể là người dân. Vì thế, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, mọi người đều cùng tham gia vào các lễ hội đó, vừa là đối tượng vừa là chủ thể lễ hội. Tất nhiên, bất kỳ các hoạt động, lễ hội nào cũng phải có sự chủ động của ngân sách. Trong giai đoạn đầu, tỉnh Quảng Trị sẽ tranh thủ sự hỗ trợ của TƯ, ngân sách địa phương và ngân sách vận động xã hội hóa cho các hoạt động lễ hội diễn ra... Còn về lâu dài phải là xã hội hóa, là lấy nguồn lực từ cộng đồng. Tôi nghĩ rằng, với lễ hội "Vì hòa bình", ai cũng sẽ có trách nhiệm, từ mong muốn, khát khao về hòa bình, sẽ sẵn sàng đóng góp những viên gạch nhỏ, những tham gia nhỏ vào trong việc lan truyền giá trị hòa bình đến nhân loại”, ông Nam nhấn mạnh.