Trịnh Công Sơn là nghệ sĩ hiếm hoi của thế giới khi thổi hồn vía tinh hoa tư tưởng, triết lý, tôn giáo vào ca khúc bằng một cảm xúc chân thành, da diết. Mỗi bài hát của ông đều như mang sinh khí của một con người, hay ít ra cũng là phập phồng da thịt của một linh hồn sống đang cựa quậy vui buồn, muốn nương tựa hồng trần không nỡ chia tay. Nó vừa như cổ tích lại vừa là câu chuyện hôm nay, thậm chí thế sự đến từng hơi thở, điều này thể hiện rõ nét trong ca khúc Da Vàng, một hướng sáng tác đặc sắc để cực lực phản chiến và thống thiết kêu gọi hòa bình, thống nhất cho Tổ quốc Việt Nam. Đó quả thật là một kỳ công hy hữu trong nghệ thuật.
Khát vọng hòa bình, thèm ước một cuộc đời an lành, sống tử tế với nhau...vốn là tâm nguyện của loài người lương thiện, và đó càng là ý tưởng của các văn nghệ sĩ khi hướng thượng, không riêng gì với Trịnh Công Sơn. Nhưng ước mơ này ở ông luôn mãnh liệt, xuyên suốt và thôi thúc không ngừng, nhất là trong thời điểm khi nước non chia cắt, chinh chiến triền miên. Ca khúc Da Vàng, một sáng tạo có một không hai, ít ra là ở Việt Nam ra đời trong bối cảnh đó như một tiếng nói cất lên từ trong lòng người con Lạc cháu Hồng, thấy vừa quen vừa lạ, vừa thân thuộc đến nao lòng nao dạ, lại vừa xa cách đến rùng rợn, bi ai. Vì rằng chiến tranh dù là chiến tranh tự vệ chính nghĩa cũng là “cát đất ăn thịt người”(Mạnh Tử) nên những hy sinh, mất mát hữu hình hay vô hình là điều không tránh khỏi và đồng loại, đồng bào dù không muốn cũng phải gánh chịu. Cho nên dù là chiến tranh chính nghĩa thì cũng là cuộc chiến tranh bất đắc dĩ mà thôi, khi phải buộc lòng cầm súng để bảo vệ quê hương đất nước, bảo vệ độc lập, tự do, bởi không còn con đường nào khác.
Trong cảm hứng như vậy, ca khúc phản chiến Trịnh Công Sơn khác với nhiều sáng tác “nhạc lính” cùng thời. Ông không thi vị hóa đời lính chiến, không ôn nghèo, kể khổ theo kiểu thông thường, không nói đến sự sinh tử cá nhân của một đôi người, mà đó là kinh nhật tụng, “chuông nguyện hồn ai” cho cả nòi giống Lạc Hồng. Nhạc sĩ đã sáng tác nên những ca khúc hò đưa linh tập thể, dù có khi nói về cái chết sinh học của một cá nhân hoặc không hẳn thế. “Gia tài của mẹ”, “Hát trên những xác người”, “Cho một người nằm xuống”, “Đại bác ru đêm”, “Ca dao Mẹ”...là kinh cầu hồn bằng âm thanh. Chiến tranh hiện lên với gương mặt “thần chết” lạnh lùng và tàn nhẫn, với những khổ đau, tang tóc không thể nào nói hết qua nhân ảnh và dư ba của ca khúc Trịnh Công Sơn càng trở nên thống khổ và bi ai luôn ám ảnh phận người. Và dường như tất cả đớn đau, gánh nặng vô cùng của chiến tranh đều trút xuống trên lưng, trên vai và cắm vào tim những bà mẹ Việt Nam vốn đã là “Hòn Vọng Phu” từ muôn kiếp trước. “Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn, đong đưa phận mình/Mẹ ngồi ru con nghe đất gọi thầm trọn nợ lưu vong/Mẹ ngồi trăm năm như thân tượng buồn để lại quê hương/Tuổi còn ngây thơ, thế giới hận thù, chiến tranh ngục tù” (Ca dao Mẹ). Và cho dù không mang thương tích trên da thịt người thì con dân Việt qua chiến tranh cũng phải hứng chịu những chấn thương tinh thần không dễ thuốc thang. Ca khúc Trịnh là người thư ký thông minh và mẫn cảm, đã kê đơn thuốc cho những ai hát nhạc của mình.
Nhạc Trịnh đốt lên ngọn đuốc hòa bình, tạo nên dòng sông cuộn sóng trong hàng loạt ca khúc phản chiến, luôn khước từ bạo lực làm tha hóa con người. Nhưng đau đáu của ông rất nhiều khi thể hiện độc đáo không giống ai khi dường như thi vị hóa chiến tranh để tố cáo chiến tranh gấp bội: “Đại bác ru đêm”, “Hát trên những xác người”..., thậm chí đưa nhân vật trữ tình trong âm nhạc vào tình thế tới hạn và đầy ắp nghịch lý, nghịch cảnh: “Mẹ vỗ tay reo mừng chiến tranh, chị vỗ tay hoan hô hòa bình...” để phơi bày những nỗi éo le thế sự, những trái khoáy binh đao.
Đối với riêng quê hương Quảng Trị, nhạc sĩ thiên tài đã có ít nhất một duyên nợ khó quên. Đó là tác phẩm “Bà mẹ Ô Lý” da diết diễn tả người mẹ chạy tránh đạn bom trong mùa hè đỏ lửa 1972 vào cố đô Huế. Đây là tác phẩm phản chiến độc đáo, khi không trực tiếp nói về chiến sự với đầu rơi máu chảy, với khói lửa mịt mùng, với sinh ly tử biệt. Nhưng khi hát lên vẫn thấm đẫm nỗi đau chinh chiến. Người mẹ buộc phải rời quê hương Quảng Trị mà “gia tài của mẹ” chỉ là trái bí. Từ câu chuyện cụ thể, nhạc sĩ đã đồng cảm và sẻ chia tận đáy lòng mình mà viết nên một ca khúc mang âm hưởng đồng dao, phong cách dân gian với giọng thứ quen thuộc trong ca khúc của ông, đau đáu đến tận cùng gan ruột. Và đoạn cuối vang lên như một đoạn trường tân thanh về chiến cuộc đau thương, như một khúc ru về một người mẹ quê hương Ô Lý (như cách gọi ngày xưa về một dải đất trong đó có Quảng Trị): “Mẹ ôm trái bí/Mắt còn ngẩn ngơ/Đường vắng bên lề/Một thân bé nhỏ/Mẹ ôm trái bí/Đi về chợ xa/ Mẹ nhớ mái nhà/Hàng cau sau hè/Còn riêng trái bí/Nhớ giàn đầy hoa”...
Để rồi quê hương đất nước hiện lên trong khát vọng cháy bỏng và bền bỉ như một lời hiệu triệu bằng âm nhạc: “Huế-Sài Gòn-Hà Nội, quê hương ơi sao vẫn còn xa, Huế-Sài Gòn-Hà Nội bao nhiêu năm sao vẫn thờ ơ/Việt Nam ơi còn bao lâu, những con người ngồi nhớ thương nhau/Triệu chân anh, triệu chân em, hỡi ba miền vùng lên cách mạng...” Và một viễn cảnh an hòa, thống nhất cả địa lý và lòng người đã được nhạc sĩ hân hoan, mong đợi bao ngày: “Bắc, Trung, Nam ơi đoàn kết một miền. Phá biên thùy mở rộng đường thêm, dựng nước bình yên”. (Huế-Sài Gòn-Hà Nội). Hòa bình và yêu thương đồng loại là thông điệp ruột gan của người nhạc sĩ khi ông luôn mong mỏi “Nối vòng tay lớn”. Nhìn kỹ lại ca khúc của Trịnh đẹp trong mơ ước bằng an và hợp quần nhưng cũng đôi khi xa vời bởi muốn níu kéo một thời xa xưa quay trở lại. Khát vọng “Ngày vui lớn sẽ qua trăm cầu, mẹ dâng miếng cau rồi dâng ngọn trầu, cho hai miền trùng phùng lòng thấy nao nao...”(HuếSài Gòn-Hà Nội). Trong rất nhiều chiếc cầu đi dọc đất nước Việt Nam, chắc chắc sẽ có chiếc cầu Hiền Lương đặc biệt đã nối lại non sông và bước chân con cháu Lạc Hồng trong niềm vui đoàn viên thống nhất. Mơ ước ấy chỉ trở thành hiện thực khi ngọn lửa chiến tranh không còn và hòa bình nở hoa trên những hoang tàn, đổ nát. Luôn mang theo mơ ước thiện lành, ca khúc Trịnh luôn mang một tâm thế hướng đến thái hòa và ông đã dựng nên trong âm nhạc một triết mỹ an bình lồng lộng.
Quảng Trị hôm nay đã và đang nỗ lực trở thành địa chỉ đỏ vun đắp khát vọng hòa bình, nhân văn cho tâm hồn và ý chí Việt Nam thống nhất, hòa hợp và hùng cường, cởi mở lòng ra mà kết nối bạn bè quốc tế. Đó cũng là khao khát bao năm của dân tộc Việt Nam, trong đó có một người yêu nước bằng cả tấm lòng mang tên: Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)