Thế rồi cũng qua cái năm Canh Tý 2020 lắm nỗi nhọc nhằn, âu lo chồng chất âu lo. Chưa đến lúc nhẹ nhõm thở phào bởi sự bề bộn của năm cũ còn bày biện đây đó, chắc cần thêm thời gian dài dài nữa may ra mới được gọn gàng, tinh tươm như mong muốn.
Cuộc sống luôn đặt ra cho con người bao thách thức lớn nhỏ, cái “vòng kim cô” đời là bể khổ như một ám ảnh nhân sinh khó phai mờ, càng day dứt hơn khi trái đất đang có nhiều biến đổi khôn lường về khí hậu cùng với kho vũ khí đang đầy ắp ở các nước lớn. Chẳng biết bao giờ con người hiện đại mới biết đối xử tử tế với thiên nhiên và làm được cái điều như thiền sư Thích Nhất Hạnh mong muốn: Chấm dứt được cuộc chiến trong tâm thức, chắc chắn ta sẽ biết cách chấm dứt cuộc chiến tranh bên ngoài. Muốn hay không, con người ta cũng chẳng dễ buông bỏ hết được bấy nhiêu ưu tư của năm cũ khi bước vào năm mới. Hành trang cuộc đời còn mang chứa nhiều ký ức lắm, dẫu rằng bước qua một giây thời gian ta không còn vẹn nguyên ta nữa, huống hồ chi là ngày tháng năm, cũ mới đan xen vào nhau, cái nhắc nhở, cái hy vọng níu vai cùng bước. Sự thật là vậy, không ai trốn tránh được, nếu muốn sống như không thể mất thì phải xốc lại tinh thần, bình tĩnh nghĩ và bình tĩnh làm trong dào dạt yêu thương. Yêu thương chính ta để có cơ hội tiếp nhận bài học yêu thương được nhiều người và ngược lại.
Ngôi nhà Tổ quốc, đó là cách tôi thích gọi về đất nước mình. Năm cũ ta vừa tiễn biệt có những chuyến bay cất cánh từ Việt Nam vào các tâm dịch thế giới chở đưa đồng bào về đất mẹ. Trước đó là một đêm giao thừa mà có lẽ tôi và rất nhiều người nữa chẳng bao giờ quên nổi. Tôi thực sự bồn chồn trước khi cánh cửa mùa xuân Canh Tý 2020 mở ra. Hầu như không có cái lâng lâng man mác trong đêm trừ tịch mưa phùn nhè nhẹ bay của những năm trước. Một trận mưa rào dữ dội trút xuống, gió rít liên hồi kèm theo sấm sét ùng oàng nổ ra giữa đêm giao thừa. Hà Nội chìm lặng trong cơn mưa giông trái mùa, bất ngờ hơn cả bất ngờ. Và, từ Vũ Hán…
Chắc rằng, nhiều nhiều năm sau nữa loài người còn phải nhắc tới thành phố đông tới 11 triệu dân ở nước láng giềng phía bắc Việt Nam này. Vũ Hán là điểm xuất phát của một đại dịch kinh khủng nhất từ trước tới nay trong lịch sử nhân loại, vi rút chủng mới gây ra bệnh viêm phổi cấp tính lây lan theo cấp số nhân. Covid-19, một “siêu bão đen” phủ trùm toàn cầu, gây ra nhiều tổn thất chưa tính hết, nhà giàu nhà nghèo đều có thể bị dính đòn. Hiểm họa thế kỷ này mới khó tránh làm sao. Ta phải tính cách của ta, bình tĩnh, chủ động và kiên quyết, chống dịch như chống giặc. Dẫu rằng chưa như mong muốn nhưng những gì Việt Nam làm được trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 thật đáng ghi nhận, khen ngợi. Ta khen ta ít thôi, thế giới khen Việt Nam nhiều hơn. Tạp chí Counter Punch (Mỹ) có bài viết khẳng định: Người dân coi dịch bệnh Covid-19 là kẻ thù vô hình mà cả nước phải đoàn kết chống lại. Tinh thần đoàn kết này đảm bảo rằng hầu hết mọi người sẽ cư xử bằng sự cảm thông và lòng nhân ái trong hoàn cảnh cần thiết…
Quả đúng, tinh thần đoàn kết dân tộc, một trong những nguyên nhân cơ bản giúp Việt Nam chiến thắng nhiều kẻ xâm lăng giàu có hơn hẳn mình gấp bội, và còn tạo ra năng lượng đáng kể làm nên kỳ tích trong cuộc chiến chống dịch bệnh thế kỷ. Thế đấy, không phải tự nhiên mà rất nhiều người Việt ở nước ngoài muốn trở về Tổ quốc trong những tháng ngày đại dịch vừa qua. Sau cánh cửa của ngôi nhà Tổ quốc có rất nhiều lửa ấm, rất nhiều tin yêu ngay thẳng đón ta vào… Tổ quốc như người mẹ hiền, áo vá chân đất, bữa no bữa đói vẫn dành cho con cái những gì tốt nhất. Miếng ăn, chỗ ngủ, viên thuốc dành cho người cách ly, người nhiễm bệnh chính là sự chia sẻ, nhường nhịn lặng thầm của hàng triệu đồng bào trong nước. Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng. Ít người Việt nào không biết câu ca dao ân nghĩa này, biết và thấm vào lòng để khi gặp người hoạn nạn chẳng nỡ ngoảnh mặt quay lưng.
Cũng vậy, trước thềm năm mới Tân Sửu 2021, không thể không nhắc tới những ngày lũ chồng lũ, bão nối bão ở miền Trung. Với dải đất đòn gánh khắc bạc này, năm nào chẳng bão lũ cơ chứ. Nhưng cái kiểu chồng chất “siêu lũ, siêu bão” như năm qua thì cái bình thường đã không còn bình thường nữa, thảm họa thiên tai thực sự đổ xuống nhiều tỉnh ở miền Trung. Đêm trắng. Mưa trút. Nước dâng. Gió rít. Trong tâm lũ của Quảng Trị, mặt tôi chạm vào bộ mặt khác của thiên nhiên, cuồng nộ dữ dội bất thường, thấy rõ cái mong manh của phận người chẳng hề mất đi trong thời đại 4.0. Tận mắt chứng kiến những cánh đồng, vườn tược bỗng nhiên bị biến mất, xóm làng ngập chìm trong lênh loang nước bạc, đường sá biến hình đổi dạng. Và, nước cuốn, núi lở. Và Rào Trăng, Hướng Phùng, Trà Leng, Phước Sơn… Và không cầm nổi nước mắt khi thấy nhiều người dân bấy lâu nay tảo tần chiu chắt bỗng dưng trắng tay sau cơn đại hồng thủy. Thế mà khi lụt rút họ còn rơm rớm cười: “May mà nước kịp đứng, chứ hắn dâng lên chút nữa chắc cả nhà tui trôi”.
Lội trong sền sệt bùn non ngập tới đầu gối của những làng ven sông Hiếu, tôi cảm thấu sâu hơn nỗi nhọc nhằn truân chuyên của kiếp người. Cái xác xơ của cảnh vật là bề nổi sau lũ lụt, còn cái hoang hoải của nỗi lòng đâu dễ nhìn thấy ngay. Chao ôi, lấy gì, làm gì để sống chung, sống ổn được với bão lũ? Đấy là câu hỏi cần được trả lời của thời biến đổi khí hậu đầy bất an. Đã nói nhiều rồi, có lẽ chỉ cần nhắc lại một chút thế này thôi để khẳng định rằng tình người đang tỏa sáng trên đất nước ta. Yêu thương được coi như căn cốt của đạo lý được người Việt coi trọng. Có lẽ ta nên xem lại độ chính xác về định lượng cái gọi là vô cảm trong xã hội hiện thời. Nên chăng là thế. Yêu thương của người Việt, tôi nghĩ không đơn giản là duy tình mà nó dường như được nương tựa vào sự hiểu biết và lớn hơn sự thông cảm. Đó là giúp người cũng chính giúp mình. Cho đi cái này sẽ nhận được cái khác. Cái khác mới là bền vững, mới là mãi mãi. Cái khác đó chính là yêu thương. Chỉ có yêu thương mới mãi mãi mà thôi.
Vượt qua gian nan, vượt qua hiểm nguy, vượt qua chính mình là chiến thắng. Trước thềm năm mới, tôi có về một trường tiểu học vừa chịu nhiều thiệt hại trong đợt lũ vừa qua. Vào phòng cô giáo hiệu trưởng tôi không khỏi xúc động khi thấy trên tường còn in rất đậm ngấn lụt vừa đi qua. Ngấn lụt ấy cao gấp đôi người tôi, nghĩa là nước ngập gần hết tầng một của trường. Sau lụt, lớp bùn non ngồn ngộn trên sân trường đã được dọn sạch sẽ để hôm nay tíu tít bước chân các cháu giờ ra chơi; chỗ này nhảy dây, chỗ kia đuổi bắt, chỗ khác có mấy bé túm tụm kể chuyện gì đó rồi cười khúc khích… Hồn nhiên tuổi thơ chính là phúc lộc của một đất nước hòa bình, một xã hội nhân văn. Hình ảnh đẹp đẽ như thế không phải ở đâu, lúc nào cũng có. Lại thấy đồng phục, áo ấm học sinh còn quá mới mẻ. Thương cô trò bao nhiêu càng rưng rưng xúc động bấy nhiêu trước những tấm lòng từ thiện của đồng bào cả nước dành cho miền Trung, cho Quảng Trị mà hình ảnh tôi chứng kiến ở đây là một dẫn dụ. Cuộc sống vẫn tiếp diễn, đang tiếp diễn như không thể mất, con người được truyền thêm năng lượng từ yêu thương, hy vọng tỏa ra từ ánh nhìn tin cậy.
Cũng vậy, ngẫm ngợi thật kỹ ta thấy trong Tết cổ truyền Việt có thật nhiều yêu thương, tình nghĩa. Từ bữa cơm sum vầy chiều ba mươi tháng Chạp, rồi tập tục thờ cúng tổ tiên ông bà lấy thiện tâm làm trọng, không nệ lụy vào mâm cao cỗ đầy; mừng tuổi trẻ con, chúc thọ bậc cao tuổi vào mồng một tết... đều toát lên sự coi trọng hiếu nghĩa, xưa nay trước sau vẹn toàn. Nhắc lại để thêm minh tường rằng, mọi cái đều có cội nguồn, gốc gác hết chứ chẳng phải từ trên trời rơi xuống đâu mà xem thường, rẻ rúng.
Yêu thương đùm bọc như là phần nổi trội của tính cách Việt, lớp lớp thế hệ gìn giữ và chuyển giao trên dòng thời gian điệp trùng sóng gió. Đấy là mùa xuân của mùa xuân, tình người làm nên hương sắc tâm hồn Việt, dịu lành như cỏ cây, không chói chang, chẳng ầm ào. Trong chiếc bánh chưng bánh giầy của hoàng tử thôn mạc Lang Liêu dâng Vua Hùng có nhiều gửi gắm đẹp đẽ của nhân dân. Trời tròn đất vuông không chỉ là cách nhìn vũ trụ của cổ nhân mà đó còn mang khát vọng của tổ tiên gửi lại mai sau. Tròn vuông là biểu tượng của an bình, vững chãi. Mẹ tròn, con vuông. Tính cuộc vuông tròn. Trăm năm. Nghìn năm. Vẫn thế. Mong sao cho đất nước thái bình, dân chúng yên lành. Chân lấm phù sa, lắng giọt mồ hôi thánh thót trên ruộng cày: Trông trời trông đất trông mây / trông mưa trông nắng, trông ngày trông đêm / trông cho chân cứng đá mềm / trời êm biển lặng mới yên tấm lòng. Mong cầu bình yên là mong cầu lớn nhất.
Thềm xuân. Chiếc nắng non mơ khẽ khàng ghé xuống những vạt rau ngùn ngụt xanh, sau lũ lụt. Những lộc non ló lé trên cành còn vương vết bùn màu cánh vạc và cây mai vượt lũ đang dồn sức cho mấy nụ hoa ngóng về Nguyên đán đã rất gần. Tất cả đều tinh khôi như sự khởi đầu. Chào nhé những thân yêu của tôi, của em, của muôn người. Chào những tươi xanh đang lấp lánh trên mọi đường xuân đất nước. Cung đàn mùa xuân cất lên bài ca hy vọng, giai điệu của yêu thương chẳng bao giờ lịm tắt. Và có những câu thơ của mùa xuân rất xa xôi trở lại với tôi, vừa là ký ức, vừa là hiện tại, cũng không hề ngần ngại gọi đó là tương lai: Có gì đẹp trên đời hơn thế / Người yêu người sống để yêu nhau (Tố Hữu). “Sống để yêu nhau”, tôi tin đó là lời chúc đẹp dành cho mọi người.
Ngày đầu tiên, tháng đầu tiên của năm mới. Văng vẳng tuổi thơ đang ríu rít trở về, dù đang tuổi ông, tuổi bà cũng muốn hồn nhiên cất giọng hòa theo: Xúc xắc xúc xẻ / Năm mới, năm mẻ… Và, nào cùng mở cửa, hít vào thật sâu, thở ra nhè nhẹ cho tâm thái lâng lâng ta chúc nhau an lành, hạnh phúc.
(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)