Ký ức ngày Hòa bình

Nguyễn Xuân Sang |

Ngày 28.4.1972 Đông Hà được giải phóng, mở đường cho quân và dân trong toàn tỉnh thừa thắng xông lên tiêu diệt địch. Ngày 01.5.1972 giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị. Sau đó quân giải phóng tiến quân như vũ bão giải phóng lần lượt các tỉnh thành phía Nam. Ngày 30.4.1975 , chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã toàn thắng, miền Nam và cả nước ngập tràn sắc đỏ cờ, hoa mừng ngày hội lớn, ngày hội đại thắng của toàn dân tộc Việt Nam.

Đã 49 năm giải phóng Huế (26.3.1975), tôi nhớ như in hình ảnh ba tôi ngày ấy từ Ty y tế tỉnh Quảng Bình đóng tại thị xã Đồng Hới, theo đường 15 đạp xe về nhà ở Xóm Chợ, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh xa 20 cây số. Vừa dựng vội chiếc xe đạp Thống nhất ở bậc thềm, ông chạy ào vào nhà ôm lũ chúng tôi giọng nghẹn ngào: - Các con ơi, Huế quê nội giải phóng rồi! Huế quê nội giải phóng rôi!... Ông cười nhưng đôi mắt ngấn lệ. Chúng tôi thấy vậy cũng vui lây theo: - Huế giải phóng rồi! Huế giải phóng rồi! Hoan hô, hoan hô... các chú bộ đội đánh đuổi lũ Mỹ - Ngụy giỏi lắm!.

 

Rồi 3 đứa em ngây thơ hỏi ba tôi: - Ba ơi, răng ba biết tin Huế giải phóng rứa? (Vì lúc ấy làng quê tôi sống bình lặng bên dòng sông Long Đại xanh trong, vừa ngừng tiếng bom đạn ngày đêm rú rít, không nhà nào có radio để nghe tin tức, nói gì đến có cái tivi để xem!). Ba tôi rưng rưng trả lời các con: - Đêm qua ở Ty y tế, ba nghe thời sự qua radio và biết tin Huế giải phóng, nên ba không đợi trời sáng, vội đạp xe về báo tin vui cho mẹ và các con.

“…Chiến dịch mùa xuân năm 1975 giải phóng Huế diễn ra trong hai đợt: Đợt 1 từ ngày mồng 5 đến ngày 14 tháng 3; đợt 2 từ ngày 21 đến ngày 26 tháng 3. Các hướng Bắc, Tây, Nam đồng loạt tiến công, hình thành nhiều mũi vây chặt toàn bộ tập đoàn phòng ngự của địch ở Huế. Đồng thời tiếng súng tiến công của quân và dân đồng loạt nổ ra trên khắp mặt trận Thừa Thiên – Huế. Đội biệt động thành Huế ở cánh Bắc được cấp trên giao nhiệm vụ đánh vào phân chi khu xã Hương Sơ, cầu An Hòa để mở cửa phía Bắc thành phố Huế cho bộ đội chủ lực tiến vào. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng và hết sức nặng nề, bởi phải đụng nhiều tuyến phòng ngự dày đặc của địch. Khi bộ đội chủ lực tiếp cận thành nội Huế, đó là thời điểm ác liệt nhất. Trên đường tiến vào, các chiến sỹ biệt động phải dấu mình trong các lùm cây bụi cỏ, dưới ao hồ đợi trời chập choạng tối đánh các mục tiêu đã định. Tuy nhiên, do địch tăng cường phòng thủ kiên cố, nhiều lần bộ đội bị địch chống cự quyết liệt nên không tránh khỏi tổn thất. Gần cuối tháng 3 năm 1975 trước sức tấn công trên khắp các chiến trường, cục diện ở Huế thay đổi nhanh chóng, quân địch bắt đầu co cụm chống đỡ yếu ớt rồi vỡ trận. Địch tháo chạy vào Đà Nẵng, để lại nhiều lọai xe quân sự, súng đạn và các phương tiện chiến tranh ngỗn ngang trong nội thành Huế. Khoảng 2 giờ sáng ngày 24 tháng 3, Đội Biệt động thành Huế ở cánh Bắc đã vào được trung tâm thành phố. Các cánh quân phối hợp đã giải phóng nhanh chóng nhiều địa danh thuộc Huế, như: Văn Thánh, Thiên Mụ, Kim Long, Đông Ba, Vĩ Dạ, cửa Ngọ Môn, cửa An Hòa, cửa Thượng Tứ… Bộ đội chủ lực và các chiến sĩ Biệt động trên đường tiến vào gặp rất nhiều lính Ngụy xin đầu hàng…”

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tỉnh Thừa Thiên –Huế là địa bàn chiến lược quan trọng về cả 3 mặt: Chính trị, Quân sự, Ngoại giao. Đặc biệt, thành phố Huế là một trong hai đô thị lớn nhất miền Nam lúc bấy giờ. Vì vậy, với sự kiện ngày 26 tháng 3 năm 1975 lá cờ cách mạng được kéo lên trên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu, tung bay trên bầu trời Cố đô Huế, đánh dấu mốc son lịch sử thành phố Huế hoàn toàn giải phóng có ý nghĩa vô cùng to lớn. Theo thế trận thần tốc, quân chủ lực nhanh chóng tiến vào giải phóng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng… bàn giao lại Huế cho chính quyền lâm thời, bộ đội địa phương và dân quân du kích tiếp quản.

Lúc ấy tôi đang học lớp 9/10, chuẩn bị thi các môn học kỳ 2, nên cũng gần nghỉ hè và hỏi ba tôi: - Ba ơi, không biết ông bà nội ở Huế có còn sống không? Hay bị Mỹ Ngụy bắt giam vào ngục tù vì có người con trai thoát ly theo cách mạng? Từ ngày ba tôi tập kết đến ngày giải phóng Huế 21 năm ròng, mọi tin tức về nội đều mù tịt. Câu hỏi đó khi ông với vai trò là bác sĩ, gốc gác lại ở thành phố Huế nên tổ chức phân công trong Đoàn của Ty y tế Quảng Bình vào tiếp quản ngành Y ở thành phố Huế mới trả lời được.

Đoàn tiếp quản đại diện của Ty Y tế tỉnh Quảng Bình, Ty y tế tỉnh Quảng Trị lưu trú trong nhà khách Y tế thành phố Huế, nằm ở bên bờ Nam sông Hương. Buổi tối ngày đầu tiên đặt chân đến Huế, ba tôi nóng ruột ngồi xe xích lô qua Cửa An Hòa thăm ông bà nội.

Gian hàng tạp hóa trong ngôi nhà số 186 đường Tăng Bạt Hổ (ngoài cửa An Hòa), khoảng 7 giờ tối, dưới ánh điện sáng rõ, ba tôi thấy bà nội đã già hơn so với hai mươi năm trước, đang bán hàng cho mấy người khách. Ba tôi kìm lòng đợi cho người khách cuối ra về rồi mới bước nhanh vào ôm lấy bà nội khóc nức nở: - Mạ ơi, thằng Chương của mạ về đây này (Chương là bí danh mà tổ chức đặt cho ông lúc đang tham gia hoạt động bí mật đội biệt động thành Huế, tên đầy đủ của ông là Nguyễn Văn Sung). Vì cách đó khoảng mười lăm năm sau, bà nội đi coi bói, thầy phán là ông bị chết bom bên cây đa làng Xuân Dục, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình nên ông bà nội lập bàn thờ cúng giỗ hàng năm. Khi ba tôi ôm bà nội, bà nội sợ quá kêu thảng thốt, tưởng hồn ma con trai hiện về: - Con ơi là con ơi, con sống khôn thác thiêng đừng về nhà ta quấy rầy nữa, để cho ba mạ yên thân con ơi…huhuhu.

Nghe tiếng la lớn và tiếng khóc thảng thốt của bà nội, ông nội từ nhà trên vội đi xuống, mẹ cả đang nấu ăn sau bếp cuống cuồng bước ra, con trai đang đọc tài liệu trong phòng mở cửa đến với bà nội, bà con khối phố cũng nhanh chân chạy đến. Lúc đầu chủ và khách bất giác đều đứng ngây người ra nhìn. Qua khỏi phút giây kinh ngạc, khi chứng kiến ba tôi bằng xương bằng thịt hẳn hoi, khuôn mặt rắn rõi, cương nghị của một người trí thức từng trải. Một ai đó mạnh dạn lên tiếng: - Hai bác ơi, đây đúng là eng Chương nhà ta thiệt rồi, eng Chương thiệt rồi…không phải ma qủy chi mô! Mà tướng tá eng ni chắc là cán bộ xộp đó!. Rồi mọi người xôn xao, đồng thanh nói: - Đúng là eng Chương rồi hai bác ơi. Ông nội tôi đứng ngây người sung sướng khi biết đứa con trai yêu quí vẫn còn sống trở về, sau mấy chục năm tập kết. Còn bà nội khi tĩnh tâm lại mới ôm ba tôi cười cười, mếu mếu và trách yêu: - Tổ cha mi, mạ tưởng mi không còn sống để về phụng dưỡng hai thân già này nữa chơ!. Ba tôi vửa rời khỏi bà nội mừng khóc sụt sùi lại đến ôm ông nội mếu máo; qua ôm vợ cả và anh con trai đã trưởng thành, cả ba cùng khóc nghẹn ngào, vui sướng. (theo Hiệp định Giơ Ne Vơ (Thụy Sĩ) ngày 20 tháng 7 năm 1954 bãi bỏ quyền cai trị của thực dân Pháp, công nhận quyền độc lập của quốc gia Việt Nam, sau 2 năm đình chiến sẽ tổ chức Tổng tuyển cử hợp nhất, nhưng Đế quốc Mỹ ngang nhiên nhảy vào cướp nước, phá bỏ Hiệp định, những người con miền Nam tập kết không biết lúc nào trở về, nên phần lớn đều xây dựng gia đình ở miền Bắc. Trước khi tập kết, ba tôi đã lập gia đình và vợ đang mang bầu đứa con đầu lòng, anh sinh ra chưa biết mặt cha; trước ngày giải phóng Huế, anh dạy khoa Lâm nghiệp Trường Nông - Lâm – Súc, nay là Trường đại học nông nghiệp Huế. Bà con khối phố chia sẻ  niềm vui quá lớn của gia đình nội, rồi lặng lẽ về nhà cho ba tôi, ông bà nội, mẹ cả và anh trai quây quần bên nhau. Đêm đó, ba tôi ở lại trong ngôi nhà cũ đã hơn hai mươi năm xa cách. Những ngày làm nhiệm vụ tiếp quản Y tế ở Huế, buổi tối ba tôi xin phép tổ chức cho về nghỉ ở nhà để quây quần bên những người ruột thịt.

Sau khi cùng Đoàn vào tiếp quản Y tế Huế, ba tôi thuyên chuyển công tác vào Ty y tế tỉnh Bình Trị Thiên, đóng tại thành phố Huế và sống trong ngôi nhà thân thương của tuổi ấu thơ ở ngoài cửa An Hòa. Ngôi nhà đó từng chở che cho người con trai là biệt động thành nội Huế cùng đồng đội xuất quỹ nhập thần, tả xung hữu đội một thời làm cho Mỹ-Ngụy kinh hồn bạt vía. Người vợ đầu của ba tôi sinh hạ một anh là Kỷ sư khoa nông lâm, bà vẫn ở vậy thờ chồng, phụng dưỡng bố mẹ chồng. Bảy anh chị em tôi theo ba vào Huế cúi lạy ông bà nội và mẹ đầu. Giải phóng Huế, đại gia đình chúng tôi mới chính thức đoàn tụ, không còn “thân ở đất Bắc mà hồn ở đất Nam” nữa. Sau này chúng tôi lần lượt tốt nghiệp đại học ở nước ngoài và trong nước, con trai phần lớn tham gia cầm súng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ thành quả cách mạng. Ngôi nhà cũ ở Quảng Bình giành cho anh trai thương binh, mang quân hàm thiếu tá binh chủng Tăng thiết giáp hôm sớm hương khói cho mẹ chúng tôi. Ngôi nhà đó đầy ắp bao kỷ niệm ngọt ngào với ba tôi, những năm tháng dài đằng đẳng chờ mong ngày miền Nam giải phóng, dù lúc ấy trên bom dưới đạn…

Viết những dòng này, tôi bùi ngùi nhớ lại hình ảnh ba tôi nghẹn ngào ôm lấy chúng tôi vào lòng báo tin Huế giải phóng. Ba tôi đã yên nghỉ thảnh thơi dưới bóng mát của ngàn thông núi Ngự Bình. Chắc ba tôi cũng đã mãn nguyện khi được trở về Huế chăm sóc ông bà nội. Ông bà nội yên lòng cưỡi hạc về trời lúc xấp xỉ gần trăm tuổi.  

134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tháng Năm nhớ Bác

Thu Hạnh |

Sinh thời, cứ mỗi dịp sinh nhật Bác, đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế lại gửi tới Bác những tình cảm sâu nặng, lời chúc tốt đẹp nhất

Khúc tráng ca Bộ đội Trường Sơn

Tú Linh |

Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn là lực lượng hiệp đồng quy mô lớn bao gồm nhiều binh chủng làm nhiệm vụ chiến đấu mở đường, đảm bảo tuyến giao thông huyết mạch và hậu cần từ hậu phương lớn miền Bắc phục vụ kịp thời cho chiến trường miền Nam. Từ buổi đầu thành lập chỉ ít người lấy đi bộ gùi thồ làm chính đến xây dựng tuyến đường chiến lược vinh dự được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhiều sư đoàn vận tải bằng cơ giới xuyên qua dãy Trường Sơn hùng vĩ nối liền Bắc- Nam đã góp phần đắc lực vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trong đại thắng mùa xuân năm 1975.

Viết tiếp trang sử mới trên con đường Hồ Chí Minh

Minh Đức |

Hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử trong thời chiến, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh vẫn đang tiếp tục sứ mệnh vẻ vang trong thời bình, tác động tích cực và hiệu quả đến sự phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, làm khởi sắc những vùng quê nơi con đường đi qua.

Nhớ một thời theo dấu chân Bác Hồ từng đi qua

Tống Phước Trị |

Trong suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, một trong những vấn đề Bác Hồ kính yêu rất quan tâm là: “Tích cực tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm”. Quan điểm này của Bác xuyên suốt từ thời kỳ hoạt động bí mật tới khi cách mạng thành công, nắm chính quyền trong tay.