Ký ức thời sinh viên với Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không

Bội Nhiên |

Thế là đã 50 năm trôi qua nhưng ký ức một thời sinh viên, một thời tuổi trẻ với sự kiện 12 ngày đêm Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không tại thủ đô Hà Nội lại ùa về trong tôi.

Năm đó tôi tròn 20 tuổi và là sinh viên năm thứ 4 của Trường Đại học Y khoa Hà Nội. Tổ 7, lớp Y4B chúng tôi có 25 sinh viên lúc đó đang thực tập Ngoại tại Bệnh viện Saint Paul.

Còi báo động rú liên hồi. B52 rải thảm, bầu trời Hà Nội đỏ rực lửa, người bệnh từ Khâm Thiên, Chương Dương được chuyển về Bệnh viện Saint Paul ồ ạt và sinh viên chúng tôi lăn xả vào cấp cứu người bệnh. Quên cả đạn bom, tất cả chúng tôi tập trung trí tuệ khẩn trương cấp cứu, cắt lọc, khâu vết thương, băng bó, cố định gãy xương, cáng người bệnh xuống hầm, chuyển người bệnh vào phòng mổ, chuyển người bệnh đã tử vong ngay khi được chuyển đến ra phía sau.
Vào một đêm đang phục vụ ở Gia Lâm và vì người bệnh quá nhiều không cấp cứu kịp, cấp trên điều động một kíp phẫu thuật gồm một bác sỹ, một gây mê và hai sinh viên. Lớp Y4B tập trung chớp nhoáng lấy tinh thần xung phong, không ngần ngại tôi đã giơ tay và sau đó anh Lương Ngọc Ngân quê ở Tiền Hải-Thái Bình đi bộ đội về học cùng tổ cũng giơ tay. Kíp phẫu thuật nhanh chóng được thành lập và được một chiếc xe U-oát đưa đi ngay trong đêm, vượt qua đạn bom, khói lửa khi qua cầu Long Biên bị bắn phá không ngớt. Không bật đèn pha, xe chạy vòng vèo giữa những tiếng bom nổ, tiếng gầm của máy bay B52 và cuối cùng chúng tôi cũng đến được Gia Lâm khi trời đã sáng. Ở Gia Lâm lúc ấy người bệnh nhiều vô kể với những máu me và tiếng kêu cứu thảm thiết.

Tháng 12/1972, thời tiết Hà Nội có mưa phùn và gió bấc lạnh như cắt da cắt thịt. Anh Lương Ngọc Ngân cởi chiếc áo 4 túi đưa tôi mặc vào bên trong áo blouse và thế là kíp phẫu thuật lao vào khẩn trương cấp cứu người bệnh. Sau 4 ngày tạm ổn, chúng tôi được quay về Hà Nội. Khi về, nhiều phóng viên đến tìm hiểu về tổ 7, lớp Y4B của chúng tôi và phỏng vấn tôi: “Động cơ nào mà trong bom đạn B52 đánh phá ác liệt như vậy, một sinh viên nữ nhỏ nhắn như bạn lại xung phong đi cấp cứu người bệnh?”. Không ngần ngại, tôi trả lời là vì người bệnh và vì quê tôi ở Quảng Bình chiến tranh cũng ác liệt lắm, tôi đã từng chứng kiến cảnh chết chóc do chiến tranh là đau thương lắm nên tôi góp sức cấp cứu những nạn nhân của chiến tranh.

12 ngày đêm Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không kết thúc, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Trường Đại học Y khoa Hà Nội chọn tôi tham dự hội nghị thanh niên kiên cường thắng Mỹ của thủ đô. Trong bài báo có nhắc nhiều về tôi. Tôi được Trung ương Đoàn tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong những ngày địch đánh phá ác liệt thủ đô Hà Nội. Ngày Sinh viên Việt Nam 9/1/1973 cận kề, tôi được Đoàn Trường giao viết bản thành tích và cử báo cáo thành tích. Báo cáo thành tích ấy của tôi cũng đã được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam vào buổi phát thanh văn hóa đời sống lúc 10 giờ ngày 10/1/1973.

Tháng 12/2022, quân và dân Việt Nam tự hào kỷ niệm 50 năm Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không. Và tôi cũng đã tròn 70 tuổi. Nỗi nhớ về thời sinh viên hừng hực khí thế ra trận lại ùa về. Tôi vẫn nhớ như in, cuối năm 1971, các trường đại học ở thủ đô tổ chức một đêm hội diễn văn nghệ tại hồ Hale- nay là hồ Thiền Quang để tiễn sinh viên lên đường nhập ngũ. Có chút giọng và năng khiếu ngâm thơ, tôi được Nhà trường cử tham gia hội diễn văn nghệ này. Tôi đã chọn ngâm bài thơ Từ một cổng trường ấy ta đi của nhà thơ Vương Thừa Việt. Tựa đề và nội dung của bài thơ Từ một cổng trường ấy ta đi rất phù hợp để động viên các bạn sinh viên ra trận, với những câu thơ:

... Thầy ba mươi tuổi xuân cùng nhập ngũ với trò mấp mé mười tám

Thầy trò đi như đi khai giảng

Ngọn bút xăm đầy mực để làm thơ…

... Ba lô căng phồng là sinh viên trường Văn

Nhiều thơ, truyện nên nhiều bè bạn

Trong túi cóc sinh viên trường Y dược

Có bài thuốc gia truyền và Hải Thượng Lãn ông

Này giáo trình vận trù học, này giáo trình vi tích phân

Tất cả những gì mà mười năm, hai mươi năm ta căng mắt nhìn mòn cả bảng

Điều tích lũy nay cũng ra trận cùng khẩu AK…

... Khi sáng sáng trước cổng trường chi chít dấu chân

Mũi chân nào cũng hướng ra tiền tuyến…

... Đi, đi, đi- là một chuyến đi xa cho ta làm luận án

Chiến hào đây là trang sách cuộc đời ta.

Tôi đã ngâm thành công bài thơ đó và được nhận xét như là trúng tủ. Tôi rất vui vì đã góp món quà tinh thần để tiễn các bạn ra trận bởi sinh viên hồi đó đều “Dạ mái trường nhưng chí chiến trường”.

Năm 1975, tốt nghiệp bác sỹ tôi vào công tác tại tỉnh Quảng Trị và được Nhà nước trao tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú sau 32 năm công tác. Sống rất gần Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, Thành cổ Quảng Trị là nơi có Tượng đài Sinh viên-chiến sĩ, tôi đã đến các nghĩa trang này thắp hương viếng các anh hùng liệt sĩ.
Tháng 9/2012, Hội Sinh viên Việt Nam phối hợp Tỉnh Đoàn Quảng Trị tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật Xếp bút nghiên tại Thành cổ Quảng Trị rất xúc động. Trong số những sinh viên nằm lại trên mảnh đất Quảng Trị, trước ngày lên đường ra trận, chắc nhiều người đã đến dự đêm hội diễn văn nghệ tại hồ Hale và nghe tôi ngâm bài thơ Từ một cổng trường ấy ta đi.

Ký ức về lần tiễn các bạn sinh viên ở thủ đô Hà Nội lên đường vào thời điểm đế quốc Mỹ thực hiện âm mưu hủy diệt Hà Nội, ký ức về 12 ngày đêm Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không cùng ký ức về một thời sinh viên, một thời tuổi trẻ trong tôi không bao giờ phai nhạt.

(Ghi theo lời kể của Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Long)

Hồi ức 12 ngày đêm 'Điện Biên Phủ trên không' của các chuyên gia Nga

PV |

Tháng 12 luôn là thời điểm các chuyên gia quân sự Liên Xô từng công tác ở Việt Nam cảm thấy bồi hồi, bởi nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, họ có thể gặp gỡ, hồi tưởng những kỷ niệm khó quên trong những năm tháng gian khổ song hào hùng, sát cánh cùng quân dân Việt Nam chiến đấu chống xâm lược, thống nhất đất nước.

Những người Quảng Trị góp phần làm nên Chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972

Thái Vĩnh Kháng |

50 năm trôi qua, sự kiện lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn còn đọng lại trong tâm trí bao người, nhất là thế hệ chúng tôi, những sinh viên mặc áo lính. Cùng với quân và dân Thủ đô Hà Nội, chúng tôi vô cùng tự hào vì mình là một trong những người con của quê hương Quảng Trị vinh dự có mặt cùng chung chiến hào chiến đấu, gian khổ, hy sinh để chia lửa cùng đồng đội, đánh trả và đánh thắng B52 trên bầu trời Hà Nội.

Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên làm Bộ trưởng Giao thông Vận tải

Thanh Mai |

Ông Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên, được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Giao thông Vận tải nhiệm kỳ 2021-2026.

Bắt tạm giam Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Điện Biên Phủ

Xuân Tư |

Trong quá trình thực thi công vụ, ông Nguyễn Tuấn Anh đã để xảy ra vi phạm các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đối với một số dự án trên địa bàn.