Những người Quảng Trị góp phần làm nên Chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972

Thái Vĩnh Kháng |

50 năm trôi qua, sự kiện lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn còn đọng lại trong tâm trí bao người, nhất là thế hệ chúng tôi, những sinh viên mặc áo lính. Cùng với quân và dân Thủ đô Hà Nội, chúng tôi vô cùng tự hào vì mình là một trong những người con của quê hương Quảng Trị vinh dự có mặt cùng chung chiến hào chiến đấu, gian khổ, hy sinh để chia lửa cùng đồng đội, đánh trả và đánh thắng B52 trên bầu trời Hà Nội.


Từ ngày 18-29/12/1972, đế quốc Mỹ đã huy động 729 lượt B52; gần 4.000 lượt máy bay chiến thuật, có cả “cánh cụp, cánh xòe” F111A với hơn 10.000 tấn bom rải thảm xuống Hà Nội và Hải Phòng nhằm “đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá”, buộc ta đầu hàng, chấp nhận các điều kiện của chúng tại hội nghị Pa-ri.

Bằng sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, với lực lượng phòng không 3 thứ quân mà Đảng, Bác Hồ đã dày công xây dựng, trong đó bộ đội tên lửa phòng không là nòng cốt, trong 12 ngày đêm, ta đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó 34 B52, 5 F111A, lập nên kỳ tích “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Đế quốc Mỹ đã thua trên bầu trời Hà Nội. 7 giờ sáng ngày 30/12/1972, Chính phủ Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc, từ vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị gặp đại biểu Chính phủ ta tại Pari, bàn việc ký hiệp định. Trên mặt trận chiến đấu bảo vệ vùng trời Hà Nội đã có nhiều người con quê hương Quảng Trị trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia chiến dịch lịch sử 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Nét duyên của Thủ đô Hà Nội -Ảnh: TL
Nét duyên của Thủ đô Hà Nội -Ảnh: TL

Trước hết phải nhắc đến người sĩ quan điều khiển, lớp sĩ quan tên lửa đầu tiên của Quân chủng Phòng không - Không quân - anh Lê Quang Thừa. Anh sinh năm 1939 tại Vân Hòa, Triệu Hòa, Triệu Phong. Tháng 7/1954, anh ra Bắc. Cùng lớp học sinh Bình Trị Thiên, anh theo học phổ thông tại Hà Tĩnh và Nghệ An. Năm 1961, anh thi đỗ vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, sinh viên Khóa 6, Khoa Vô tuyến điện năm học 1961 - 1965. Vừa tốt nghiệp ra trường, anh gia nhập vào quân đội. Tháng 7/1965, sau 7 tháng học tập và giảng dạy ở Trường Sĩ quan Thông tin, tháng 2/1968, anh được điều về E278 - Binh chủng Tên lửa, làm nhiệm vụ trợ lý kỹ thuật đài điều khiển. Sau 9 tháng học chuyển binh chủng tại Liên Xô (cũ), trở về nước, anh tham gia chiến đấu bảo vệ vùng trời thủ đô, trực tiếp chỉ đạo sửa chữa khí tài. Từ tháng 7/1968 đến cuối năm 1970, anh làm trợ lý đài điều khiển, Phòng Kỹ thuật binh chủng tên lửa. Anh tham gia sửa chữa, cải tiến khí tài. Đặc biệt, anh có nhiều phương án giải quyết chống nhiễu. Suốt những năm 1971 - 1972, anh trực tiếp tham gia trên mặt trận ở các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Đặc biệt, năm 1972, anh tham gia chiến đấu E274 trong binh chủng hợp thành; phục vụ giải phóng các tuyến vòng ngoài thị xã Quảng Trị; giải phóng thị xã Đông Hà. Tháng 10/1972, anh được điều ra Hà Nội, làm trợ lý kỹ thuật tên lửa - Phòng Tên lửa, Cục Kỹ thuật tham gia chỉ đạo kỹ thuật cho các đơn vị phòng không bảo vệ thủ đô. Trong chiến dịch 12 ngày đêm vào tháng 12/1972, anh tham gia chiến đấu ở D257, D261, chỉ đạo, bảo đảm khí tài, sửa chữa khí tài khôi phục chiến đấu, duy trì hệ số kỹ thuật 95 - 100%. Anh được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công.

Một người có đóng góp nữa cho Binh chủng Phòng không - Không quân là anh Hoàng Kim Diễn (sinh năm 1938), quê ở xã Cam Thanh, huyện Cam Lộ. Cùng thế hệ với anh Thừa, anh Diễn là một trong những người con Quảng Trị nhập ngũ và chiến đấu trong binh chủng tên lửa, là một trong những sĩ quan tên lửa đầu tiên. Anh công tác tại Trường Sĩ quan Phòng không. Năm 1972, anh được điều về E277 tham gia khóa chuyển binh chủng tên lửa Sam 3. Là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn D176 - E277, Trung đoàn E276, E277 thành lập vào 22/6/1972. Đây là hai trung đoàn đặc biệt, gọi là “trung đoàn sinh viên” và đa số cán bộ, chiến sĩ đều đã tốt nghiệp đại học hoặc đang học năm cuối ở các trường đại học tại Hà Nội.

Cùng với cán bộ chỉ huy đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn có kinh nghiệm chiến đấu được lựa chọn từ các đơn vị tên lửa Sam 2, do yêu cầu cấp bách cần lực lượng cán bộ, chiến sĩ được đào tạo (chuyên binh chủng) và khí tài tên lửa mới, đảm bảo đánh trả B52 nên khóa đào tạo cho 2 trung đoàn 276, 277 được rút ngắn. Theo yêu cầu của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Xô Viết (Liên Xô cũ), thời gian huấn luyện là 8 tháng. Theo yêu cầu của phía Chính phủ, Bộ Quốc phòng Quân đội Nhân dân Việt Nam, sau nhiều lần kiểm tra kết quả học tập cả lý thuyết và thực hành, bạn đồng ý rút thời gian khóa học còn 4 tháng. Sau gần 4 tháng học tập lý thuyết tại Trung tâm Huấn luyện Sitentrai (thành phố Ba Ky, nước Cộng hòa Azerbaijan) và kết quả bắn đạn thật tại trường bắn Asulúc, sa mạc Astrakhan, cả 2 trung đoàn đều hoàn thành xuất sắc chương trình huấn luyện, về thực hành diễn tập bắn đạn thật đạt kết quả xuất sắc, các mục tiêu từ nhiều hướng và bay ở độ cao khác nhau đều bị tiêu diệt.

Do hoàn thành kế hoạch diễn tập, bắn đạn thật sớm nên chúng tôi được lệnh lên tàu liên vận, cùng với toàn bộ khí tài Sam 3 về nước. Ngày 8/12/1972, Trung đoàn 277 về đến Hà Nội (Trung đoàn 276 về chậm sau 10 ngày). Trung đoàn 276 và 277 về nước là triển khai ngay đội hình chiến đấu và sẵn sàng tham gia chiến dịch bảo vệ Hà Nội tháng Chạp năm 1972. Có điều lạ là cả hai trung đoàn chỉ nhận được khí tài gồm: đài điều khiển, bệ phóng và các trang thiết bị khác, còn đạn tên lửa thì bị đọng lại ở ga Băng Tường, trên đất Trung Quốc.

Thất đáng tiếc, sau mấy tháng miệt mài học tập trên đất bạn, đạt kết quả cao, về nước kịp thời nhưng trong chiến dịch phòng không tháng 12/1972, hai trung đoàn tên lửa Sam 3 không được đánh, chỉ vì không có đạn. Điều trăn trở nữa là không những không có điều kiện để lập công, hai trung đoàn còn phải chịu tổn thất. Mười một chiến sĩ ưu tú của E277 đã hy sinh (trong đó có 7 đồng chí là phiên dịch) trong đợt B52 ném bom vào trận địa tại Đông Anh. Có thể khẳng định rằng nếu trong trận “Điện Biên Phủ trên không” ngày ấy, tên lửa Sam 3 có đạn thì với 12 đơn vị hỏa lực, gồm 48 bệ phóng, Trung đoàn 276, 277 cùng các đơn vị Sam 2 và quân dân thủ đô sẽ lập công xuất sắc hơn, buộc đế quốc Mỹ phải ngừng gây tội ác sớm hơn.

Kết thúc chiến dịch đánh thắng B52 trên bầu trời Hà Nội, anh Diễn được điều về Cục Kỹ thuật. Sau khi nghỉ hưu, anh trở về quê hương, tiếp tục tham gia Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Trị với vai trò phó chủ tịch. Cùng thế hệ với anh Thừa, anh Diễn còn có các anh Nguyễn Ngọc Sơn (sinh năm 1941) quê ở Cam Thanh, Cam Lộ và Trần Tấn Sắc (sinh năm 1938) quê ở Hải Phú, Hải Lăng. Các anh đều là những sĩ quan tên lửa, đã trải qua chiến đấu với nhiều kinh nghiệm, lại thông thạo tiếng Nga nên được bố trí ở trung đoàn bộ, làm nhiệm vụ phiên dịch cho khóa đào tạo. Đêm 20/12, rạng sáng 21/12, bom Mỹ dội xuống xã Uy Nổ, huyện Đông Anh, trong số 11 đồng chí đã hy sinh có đồng chí Sơn và Sắc.

Sau thế hệ 3X, 4X, thế hệ 5X của chúng tôi là lớp chiến sĩ được tuyển vào binh chủng, đào tạo tên lửa Sam 3 tại Liên Xô năm 1972. Ngoài tôi còn có các anh: Nguyễn Chí Linh (sinh năm 1947) ở Vĩnh Giang, Vĩnh Linh; Lê Vĩnh Đức (sinh năm 1947), Trần Văn Dương (sinh năm 1951) đều ở Vĩnh Thủy, Vĩnh Linh. Đây là lớp chiến sĩ được tuyển chọn từ các trường đại học, cán bộ chỉ huy là những người có kinh nghiệm chiến đấu được lựa chọn từ các đơn vị tên lửa Sam 2 để sang Liên Xô, chuyển binh chủng, huấn luyện và tiếp nhận khí tài mới tên lửa Sam 3. Vậy mà về nước không được chia lửa cùng đồng đội Sam 2 chỉ vì không có đạn. Sau chiến dịch “12 ngày đêm” thắng lợi, mỗi người đi một phương, Dương trở lại Trường Đại học Bách khoa học tiếp; Linh, Đức đi nhận nhiệm vụ mới. Riêng tôi về Cục Kỹ thuật Quân chủng, công tác ở Nhà máy A34 10 năm, Phòng Quản lý xí nghiệp - trạm xưởng 7 năm. Đầu năm 1990, tôi chuyển ngành về Quảng Trị theo đuổi sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế tỉnh nhà cho đến khi nghỉ hưu.

Trong bom đạn ác liệt của chiến tranh, của 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” và trong những năm tháng hòa bình, trên cương vị công tác nào, ở bất cứ hoàn cảnh gì, chúng tôi vẫn luôn giữ được truyền thống quê hương: trung dũng, kiên cường, tận tụy và ngay thẳng, nhất là trong giai đoạn xây dựng đất nước giàu mạnh như ngày nay.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Thành công bước đầu với sản phẩm rượu chuối mật mốc men lá

Minh Long |

Xuất thân từ nhà nông nên vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Lợi và chị Nguyễn Thị Bích Chi ở thôn Tân Hào, xã Tân Liên (Hướng Hóa, Quảng Trị) có chung niềm đam mê tìm tòi để làm ra sản phẩm từ nông sản, mang đặc trưng vùng miền. Sau thời gian nghiên cứu và thử nghiệm, vợ chồng anh chị thành công bước đầu với việc chế xuất ra sản phẩm rượu chuối mật mốc men lá, được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Trường Bồ Đề Quảng Trị - Chứng tích bi hùng và nhân văn

Trúc An |

Về Quảng Trị, nếu tìm một địa chỉ còn lưu lại rõ nét nhất sự khốc liệt của mùa hè đỏ lửa 1972 thì đó chính là Trường Bồ Đề. Nằm ngay trên trục đường chính của thị xã Quảng Trị - đường Trần Hưng Đạo, chỉ cách Quốc lộ chừng trăm mét, ngôi trường qua bao khắc nghiệt của thời gian nay vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”, như minh chứng sự tàn phá của chiến tranh, song ẩn chứa trong đó là những câu chuyện nhân văn.

Nhà thơ Thạch Quỳ khép lại một đời đập đá ra có ánh lửa ngời

PV |

Nhà thơ Thạch Quỳ, một gương mặt ấn tượng trên thi đàn Việt Nam, vừa qua đời ở tuổi 81 vào sáng 10/12 tại thành phố Vinh, sau một thời gian đau ốm.

“Nếu được chọn lại vẫn sẽ cống hiến”

Trần Tuyền |

Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Xuân Phượng tại buổi giao lưu trực tiếp giữa các nhân chứng của đoàn làm phim, nhân vật trong phim “Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân” năm 1967 của đạo diễn người Hà Lan Joris Ivens với giáo viên và học sinh tại Trường THPT Vĩnh Linh (Quảng Trị).