Nhà thơ Thạch Quỳ, một gương mặt ấn tượng trên thi đàn Việt Nam, vừa qua đời ở tuổi 81 vào sáng 10/12 tại thành phố Vinh, sau một thời gian đau ốm.
Nhà thơ Thạch Quỳ cả đời sống và viết bằng tinh thần của hòn đá rắn rỏi và gan góc trên ngọn núi Quỳ ở quê hương Đô Lương, Nghệ An của ông. Nhà thơ Thạch Quỳ phác thảo bút danh mình qua sự quan sát mảnh đất chôn nhau cắt rốn: “Núi Quỳ bé mà sao nhiều đá thế/ Tuổi chăn bò hốc đá trú mưa/ Hoa chổi rụng dưới cánh ong bò vẽ/ Đá trắng phơi đầy trời nắng trưa/ Em cắt củi chưa đầy đôi lạt buộc/ Đã ngồi nghiêng trên đá, tím môi sim”.
Vì sao nhà thơ Thạch Quỳ kiên quyết làm hòn đá núi Quỳ suốt hành trình cầm bút? Vì ông tin sức mạnh nguồn cội và ý chí bản thân: “Đất nơi đây đào nơi nào cũng đỏ/ Đập đá ra có ánh lửa ngời”.
Nhà thơ Thạch Quỳ sinh ngày 8/8/1941, tên thật Vương Đình Huấn. Dòng họ của ông có nhiều người đi xa và thành đạt, nhưng ông vẫn gắn bó với xứ Nghệ. Sau khi tốt nghiệp khoa Toán trường Đại học sư phạm Vinh năm 1962, ông từng đi dạy học 11 năm rồi chuyển sang công tác văn nghệ. Thế nhưng, cái chất đồ gàn không phù hợp những khuôn phép và lễ nghi thường nhật, nhà thơ Thạch Quỳ bỏ đi làm nương làm rẫy và... làm thơ.
Ngày cả khi làm thơ thì Thạch Quỳ cũng không bớt gàn. Ông quan niệm “Thời đại là gió, nhưng nhà thơ không phải là con diều giấy”. Từ tập thơ đầu tay “Tảng đá nhành cây” xuất bản năm 1973 đến khi rời khỏi dương gian, nhà thơ Thạch Quỳ cần mẫn viết, sốt ruột viết, nhọc nhằn viết theo kiểu riêng ông. Dẫu có dăm phút giây lãng mạn “Lòng như đất lặng thầm mơ dấu guốc/ Cỏ thiên thanh hoa trắng đợi em về” thì thơ Thạch Quỳ vẫn chủ yếu dành cho sự suy tư và sự chiêm nghiệm.
Với âu lo thường trực “Giữa cuộc đời lẫn lộn cả buồn vui/ Tiếng chim cũng tiếng lành tiếng dữ”, nhà thơ Thạch Quỳ ít phô diễn sự hào hoa. Ông làm thơ theo phương pháp quan sát và tìm tòi, lập ý rồi lập tứ. Đôi khi những câu thơ của ông kém mềm mại nhưng đầy biểu cảm. Bỏ qua nhạc tính của thơ, Thạch Quỳ trọng nghĩa của chữ hơn trọng âm của chữ. Ông nhìn vào sự vật rồi ông nhìn vào lòng mình, để những câu thơ gân guốc tượng hình một quan niệm thẩm mỹ: “Có mùi mật trong hoa/ Điều đó chú ong vàng cũng biết/ Có hương thơm ẩn giữa sắc màu/ Cái chuyện này, bướm tím biết từ lâu/ Nhưng bạn ạ, hương trầm trong gỗ mục/ Thì ong vàng, bướm tím có hay đâu…”.
Nhà thơ Thạch Quỳ luôn thao thức với thơ. Ông liên tục làm mới thơ mình bằng cách nhúng bút vào nhiều thể loại khác nhau. Thế nhưng, khi Thạch Quỳ nỗ lực viết những câu thật nghiêng ngả, thật say sưa thì thơ lục bát của ông cũng chỉ dừng ở mức thường thường bậc trung. Chẳng hạn “Bây chừ gõ chén sông Hương/ Lanh canh phách nhịp bốn phương cung đình/ Một suông trăng ở Hoàng Thành/ Một trăng suông nhạt chòng chành dưới sông” hoặc “Dĩ nhiên cỏ mọc lên rồi/ Dấu chân cỏ lấp nụ cười vẫn nguyên/ Con đường như lạ như quen/ Nhớ em nhớ lúa, thương em thương đồng”.
Thạch Quỳ chỉ là Thạch Quỳ khi ông dằn vặt trong những suy nghĩ ngổn ngang của chính mình trước cuộc sống, trước thế tục, trước nhân quần. Thạch Quỳ suy nghĩ về những cuốn sách vẫn nằm im trong bụi phủ tháng năm: “Điều tôi biết, người xưa đã biết/ Cuộc phù du ớn lạnh ở da mình/ Em trong sạch và anh tinh khiết/ Muốn vào đời/ Không có giấy khai sinh”. Thạch Quỳ suy nghĩ về những oan khuất lịch sử: “Dưới tảng đá này người đã ghìm cương/ Và nhận thấy móng rùa thật, giả/ Màu lông ngỗng ngây thơ trong trắng quá/ nên máu người phải đổ Mỵ Châu ơi…/ Ở đền Công con nghê đá không cười/ Màu ngói đỏ như màu của máu/ Con trai ngọc ôm khối hồng đau đáu/ Nghìn năm rồi nước mắt rửa không tan/ Dưới rừng thông xanh biếc của thời gian/ Trưa nay nắng, tôi về thăm dấu cũ/ Vệt máu ngỡ khô rồi trên kiếm gỗ/ Bỗng sáng lên như nói một điều gì…”.
Và nhà thơ Thạch Quỳ thuyết phục người khác từ những ngẫm nghĩ về số phận từ trắc ẩn “Tôi một nửa nam mô, một nửa A men/ Một phía ngóng trời, một phần ngóng đất/ Thân thể tôi như chiếc cột ăng ten/ Vừa phát sóng vừa tự mình rỉ sét/ Điều tôi nói chừng chúa trời chưa biết/ Phật chưa tin và trời cứ làm thinh/ Tôi nhỏ nhoi tồn tại chính mình/ Nhân danh một chính mình tồn tại/ Sân chùa cứ rụng đầy hoa đại/ Thánh giá cao chót vót tận vòm mây/ Tôi vẫn đi lầm lụi giữa xuân này/ Mưa bụi thấm lông tơ đầy mặt áo”.
Có một dạo tên tuổi Thạch Quỳ được đồn thổi rất nhiều vì vướng vào một nghi án “chính trị hóa thi ca”. Bài thơ “Với con” của ông in trên báo Văn Nghệ năm 1979, bị hiểu nhầm có nội dung xấu. Thực chất, chỉ là cách thổ lộ bộc trực: “Con ơi con thức dậy giữa ngày thường/ Nghe chim hót đừng nghe mê mải quá/ Qua đường đất đến con đường sỏi đá/ Cha e con đến lớp muộn giờ”. Tấm lòng của người cha với đứa con, không chỉ được Thạch Quỳ phản ánh trong thơ, mà còn thể hiện ngay ở hành động.
Năm 1988, được sang tập huấn ba tháng tại Học viện Gorki, nhà thơ Thạch Quỳ đã một mình từ Matxcova lặn lội gần 4000 cây số đến tận vùng tuyết trắng Siberia để thăm đứa con đang hợp tác lao động tại đây. Không biết tiếng Nga, nhưng vì tình thương con, Thạch Quỳ vẫn leo lên tàu lửa với một cuốn sổ ghi những thông tin cần thiết về bản thân và về mục đích chuyến đi. Cuốn sổ ấy, Thạch Quỳ gọi là “sổ ăn mày”, một bên ghi tiếng Việt và một bên ghi tiếng Nga, có nhu cầu gì thì Thạch Quỳ di ngón tay từ câu tiếng Việt sang câu tiếng Nga để hỏi thăm người xung quanh. Phiêu lưu quá, mạo hiểm quá.
Vậy mà, kỳ lạ thay, Thạch Quỳ vẫn thực hiện trót lọt hành trình xuyên nước Nga rộng lớn. Bí quyết là gì? Thạch Quỳ bảo, nhờ ông xưng danh là nhà thơ Việt Nam, nên người ta cho ăn, cho uống và hướng dẫn chu đáo. Thạch Quỳ trổ tài đọc thơ bằng tiếng Việt cho người Nga thưởng thức, với điệu bộ mô phỏng y hệt Maiakovsky, nghĩa là cũng ngửa mặt, nhắm mắt, vung tay lên hạ tay xuống, bước chân tới bước chân lui…
Năm 1991, bài thơ “Với con” được in lại trên báo Nhân Dân, xóa tan mọi hiềm khích mà người ta cố gán ghép cho Thạch Quỳ: “Con ơi con, trái đất thì tròn/ Mặt trăng sáng cũng tròn như đĩa mật/ Tất cả đấy đều là sự thật/ Nhưng cái bánh đa tròn, điều đó thật hơn/ Mẹ hát lời cây lúa để ru con/ Cha cày đất để làm nên hạt gạo/ Chú bộ đội ngồi trên mâm pháo/ Bác công nhân quai búa, quạt lò/ Vì thế nên, lời cha dặn dò/ Cũng chưa hẳn đã là điều đúng nhất/ Cha mong con lớn lên chân thật/ Yêu mọi người như cha đã yêu con”.
Bây giờ, nhà thơ Thạch Quỳ không còn nữa. Đồng nghiệp và công chúng vẫn sẽ nhớ về nhà thơ Thạch Quỳ với chân dung một ông đồ Nghệ trọn vẹn với thơ một cách tự tin và tự trọng: “Ta bát ngát thôn quê, từ làng đến phố/ Và sống ở ngôi nhà không cửa sổ/ Bốn tường kia cửa bít kín mất rồi/ Lối đi về ta mở. Tự ta thôi!”.
(Nguồn: Ngày Nay)