“Kỷ vật” của thầy Khuyến

An Phong |

Trong câu chuyện dưới mái nhà ấm cúng nằm ở cuối thôn Thủy Ba Đông, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), thầy Lê Văn Khuyến (91 tuổi) trải lòng với tôi rằng, trong suốt cuộc đời gắn bó với sự nghiệp “trồng người” có biết bao kỷ niệm vui buồn, nhưng in hằn trong trí nhớ của thầy là năm tháng thầy cùng với các giáo viên, học sinh xã Vĩnh Thủy theo Kế hoạch 8 vượt qua bom đạn ra Bắc và góp công sức cùng ngành giáo dục huyện Gio Linh, Vĩnh Linh xây dựng sự nghiệp giáo dục khi quê hương giải phóng…

Chảy lặng lẽ trong tâm thức thầy giáo Lê Văn Khuyến là dòng sông ký ức của năm tháng mà thầy là “người lái đò thầm lặng”. Thầy Khuyến nhớ lại, vốn là người có tiếng ham học, cũng là số ít người trong xã Vĩnh Thủy đỗ tốt nghiệp sơ học yếu lược. Từ năm 1949, ông đã tham gia phong trào “Bình dân học vụ”, với phương châm “Người biết chữ dạy người chưa biết chữ” ở xã Vĩnh Thủy. Trong suốt thời gian từ năm 1949 - 1957, ông vừa dạy “Bình dân học vụ”, vừa tiếp tục học chữ rồi học nghiệp vụ sư phạm để hoàn thành tâm nguyện gắn bó trọn đời với nghề giáo. Năm 1966, đế quốc Mỹ rải bom xuống Vĩnh Linh ngày càng ác liệt hơn. Lúc này, mọi sinh hoạt của người dân đều phải chuyển vào lòng đất. Bà con đào hầm, địa đạo khắp nơi nhưng vẫn không thể tránh khỏi thương vong do bom đạn. Để hạn chế thương vong và giảm mật độ dân số trong khu vực chiến sự, Đảng ủy khu vực đã được Trung ương Đảng chấp thuận thực hiện Kế hoạch 8. Kế hoạch 8 (gọi tắt là K8) là sơ tán dân ra khỏi vùng chiến sự ác liệt Vĩnh Linh nhằm bảo đảm nguồn lực tương lai cho quê hương, đất nước. Hơn 3 vạn em nhỏ từ 7 - 15 tuổi ở Vĩnh Linh được sơ tán ra các tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá, Ninh Bình, Nam Hà, Thái Bình, Quảng Ninh để học tập. “Năm 1967, tôi cùng các thầy, cô giáo khác trực tiếp đưa hơn 600 em học sinh của xã Vĩnh Thủy ra Bắc học tập, rèn luyện. Khó mà nói hết những vất vả, hiểm nguy trên chặng đường từ Vĩnh Linh ra đến các địa phương này. Để tránh địch phát hiện, học sinh, thầy cô giáo phải đi đêm, ngày nghỉ, luồn lách dưới những tán rừng, trèo đèo lội suối …

Thầy Lê Văn Khuyến cùng vợ đọc lại bài báo viết về Kế hoạch 8 mà thầy từng tham gia - Ảnh: A.P
Thầy Lê Văn Khuyến cùng vợ đọc lại bài báo viết về Kế hoạch 8 mà thầy từng tham gia - Ảnh: A.P

Cuối cùng hơn 600 học sinh của xã Vĩnh Thủy cũng đến nơi và được đưa về các xã của huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Hà. Học sinh được các gia đình nuôi ăn ở như con cái trong nhà. Tôi cùng các thầy cô giáo ở lại với học sinh K8 để tiếp tục làm nhiệm vụ giảng dạy. Năm 1972, tỉnh Quảng Trị giải phóng. Đến năm 1973, con em Vĩnh Linh sơ tán theo chiến dịch K8, K10 từ miền Bắc trở lại quê hương, tiếp tục đến trường, trong đó có các thầy cô giáo và học sinh của xã Vĩnh Thủy…”, thầy Khuyến kể. Trở về quê hương sau 6 năm ở lại với học sinh K8 ở huyện Vụ Bản, thầy Khuyến được ngành giáo dục Vĩnh Linh điều động về làm công tác xây dựng tủ sách trong các trường học trên địa bàn huyện. Đến khoảng tháng 10/1973, thầy Khuyến được điều động vào làm công tác chuyên môn ở Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Gio Linh. “Hồi ấy, đoạn đường từ xã Vĩnh Thủy vào đó phải mất vài tiếng đồng hồ đi bộ. Từ tờ mờ sáng, tôi mang theo một bi đông đựng nước, ăng gô đựng cơm, thức ăn, rồi cứ lách qua từng đám lau lách, sim mua, dò dẫm từng bước chân vì sợ dẫm phải bom, mìn sót lại sau chiến tranh để đến cơ quan làm việc. Và đến tối muộn lại tiếp tục đi bộ trở về nhà trên đoạn đường ấy. Có lẽ gian khổ, vất vả nhất của các thầy cô giáo ở huyện Gio Linh thời ấy là những chuyến đi bộ vài ngày để lặn lội về các xã miền biển công tác... Nhưng gian khổ, vất vả không làm tắt nụ cười của các thầy cô giáo tâm huyết với sự nghiệp “trồng người”. Năm 1981, tôi được điều động ra công tác tại Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Bến Hải, đến năm 1982 thì nghỉ hưu”, thầy Khuyến nhớ lại.

Thấy tôi thỉnh thoảng liếc nhìn chiếc xe đạp Thống Nhất cũ được dựng trang trọng ở hiên nhà, thầy Khuyến cười rồi nói với tôi rằng, chiếc xe đạp là kỷ vật của một đời gắn bó với nghề giáo còn hiện hữu bên cạnh ông cho đến tận bây giờ. Năm 1981, khi điều động ra công tác ở Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Bến Hải, cơ quan đã phân phối cho ông chiếc xe đạp Thống Nhất để làm phương tiện đi lại. Gần 39 năm nghỉ hưu trở về quê hương để vui vầy cùng con cháu, ông luôn xem chiếc xe đạp này là “gia tài” quý giá. Cứ rảnh rỗi là ông lại mang kỷ vật của mình ra lau chùi, ngắm nghía rồi dựng trang trọng ở hiên nhà bởi đây chính là một trong những kỷ vật ghi dấu một thời nhiệt huyết, tận tâm với sự nghiệp “trồng người” của riêng ông.

Dù không nói ra, nhưng với riêng thầy Lê Văn Khuyến thì những năm tháng tham gia K8 rồi cùng các thầy cô giáo xây dựng sự nghiệp giáo dục và đào tạo khi quê hương giải phóng cùng với chiếc xe đạp Thống Nhất chính là “kỷ vật” để thầy Khuyến trao truyền lại cho các con. Các con của thầy đã và đang tiếp nối sự nghiệp “trồng người” như: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Anh (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Huế, Phó Giám đốc Đại học Huế); cô giáo Lê Thị Lành (giáo viên Trường Tiểu học Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh); thầy giáo Lê Văn Thành (Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Cửa Việt, huyện Gio Linh); Thạc sĩ Lê Văn Tính (công tác ở Sở Giáo dục - Đào tạo Quảng Trị) và anh Lê Minh Tuấn (công tác ở huyện Hướng Hóa).

“Trong suốt cuộc đời gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, tôi luôn tâm niệm rằng, làm thầy giáo là để giáo dục nhân cách và tri thức cho thế hệ trẻ. Và điều mà tôi vui mừng, hạnh phúc nhất là các con của tôi hiện đang tiếp nối, miệt mài phấn đấu cống hiến cho sự nghiệp cao quý này”, thầy Lê Văn Khuyến nói với tôi như vậy khi chia tay.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Chuyện về thầy giáo Hiển

Trần Tuyền |

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở vùng quê hiếu học làng Lệ Xuyên, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong(Quảng Trị) nhưng thầy giáo, cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Hiển (sinh năm 1963) lại chọn miền rẻo cao Hướng Hóa để sinh sống và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

Người thầy Võ Nguyên Giáp

Thái Lợi |

Trước khi trở thành nhà quân sự lỗi lạc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng là thầy giáo. Thời loạn, thầy giáo làm tướng quân đánh giặc giữ nước, thời bình tướng quân chăm lo sự nghiệp giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ. Trong hành trình cách mạng ấy, dấu ấn người thầy với những phẩm chất tiêu biểu đã thêm phần khắc họa chân dung một vị tướng quân thật đặc biệt và khác biệt.

Thầy giáo nuốt ma túy vào bụng phi tang

Thanh Hà |

Khi bị Công an tỉnh Bắc Kạn dừng xe, Hiếu không chấp hành và sau đó nuốt ma túy để phi tang.

Tin mới vụ thầy giáo tử vong trong nhà nghỉ

Thu Thủy |

Liên quan tới việc một thầy giáo tử vong trong nhà nghỉ cùng phụ nữ, chủ nhà nghỉ cho biết lúc đến thầy giáo sức khỏe vẫn bình thường.