...Cứ độ buổi chiều sau mâm cơm cúng tất niên ở nhà mệ ngoại, gia đình chúng tôi thường có dịp sum vầy thi nhau tạo hình những chiếc bánh bao, tùy theo sự khéo tay, tính cẩn trọng, tỉ mỉ hay vụng về, hấp tấp của mỗi người. Những ngày giáp Tết trong ký ức của tôi, Quảng Trị lúc nào cũng có mưa sụt sùi, mưa lâm thâm như sương giăng đầu ngõ, thảng hoặc cũng có lúc nắng hừng lên, cả làng quê như ấm sáng trong lồng lộng heo may…
...Khi đã không còn chút hứng thú với gà luộc, su su xào, xôi đậu xanh và chè đậu huyết, một cái bánh bao bông xốp, nóng hổi với nhân thập cẩm đậm đà luôn là món đổi vị mà người già, con nít ai cũng thích. Hơn hết, làm bánh bao thì đơn giản, mỗi người “bao trọn gói” một việc và lại có thời gian quây quần để rôm rả chuyện nọ xọ chuyện kia sau một năm dài ít dịp gặp nhau. Những câu chuyện có khi không đầu, không cuối, khi gần gũi, khi xa lắc xa lơ và ngắt quãng từng đoạn là những tràng cười nối dài không dứt…
Có một lần, sau màn chờ hấp bánh rất hồi hộp và thú vị, mở vung ra, thất vọng ùa về như cơn gió thoảng vì mọi người thấy bánh ướt và chảy nhoét, dính bết lại với nhau. Dì tôi, người phụ trách củi lửa, gãi tay lên mớ tóc bạc, cười cười, phân trần là cố ý để lâu hơn một chút cho mềm vì sợ dượng tôi răng yếu khó nhai, nghe thương gì đâu! Câu chuyện dở khóc dở cười này gia đình tôi lâu lâu vẫn nhắc lại mỗi khi có dịp tụ họp.
Năm đầu tiên, khi người anh bên ngoại của tôi phải ở lại trực trang trại trong Đồng Nai, đứa em gái chụp ảnh những chiếc bánh bao kích cỡ tùy hứng vừa ra khỏi nồi còn cựa quậy nóng sốt gửi vào coi “cho thèm chơi”. Rồi đến lượt nó cũng lên đường sang Nhật làm việc và năm nay tôi đi học xa nhà. Đường về nhà hút tầm mắt không phải vì quê hương rời xa mình mà vì những người trẻ thì thường có dịp đi ra bên ngoài vậy thôi. Nhưng xa thì xa, hương vị thân thuộc của những chiếc bánh bao bình đạm đó, khi nhớ về như vẫn còn lẩn quất đâu đây ở bên mình…
Ở Mỹ khó kiếm bột bánh bao đã trộn sẵn. Năm, sáu đứa bạn đã phải ăn những cái bánh bao đanh cứng vì ủ chưa đủ lâu, nhăn nheo vì để hơi nước thấm xuống, nhân một đường, vỏ một nẻo vì ghém lại không kỹ, cho đến khi tôi cố công tổng hợp được công thức với lượng bột, lượng men và thời gian hấp khá chuẩn xác.
Lễ Tạ ơn ở Mỹ là lúc mà nhiều gia đình quây quần nấu các món ngon để đánh dấu thời gian bắt đầu Mùa Vọng. Một người bạn trong lớp nảy ra ý tưởng tổ chức tiệc Tạ ơn cùng nhau như một gia đình với từng người mang một món đến chung vui. Trong khi cô bạn người Argentina chuẩn bị món bánh sô cô la chocotorta và một chai vang đỏ trứ danh, anh bạn Mỹ vật lộn với món gà tây nướng ăn kèm khoai nghiền, chị gái Pakistan lặn lội lên khu Queens mua bằng được món kabab gà cay thơm, tôi đong bột, kích hoạt men cho món bánh bao thập cẩm nhân thịt bò băm. Dù mới giữa mùa thu, thời tiết New York đã xuống còn 2 - 3 độ. Trời trong, hanh và lạnh buốt, vậy mà không hiểu sao khi đứng chăm chút từng chiếc bánh bao trong bếp, tôi lại cứ nôn nao nhớ đến những ngày giáp Tết ở quê nhà.
Những đêm trừ tịch của nhiều năm về trước luôn là lúc gia đình ba người chúng tôi vừa ngồi lau lá, nhào bột, gói bánh vừa xem chương trình Táo quân trên ti vi. Có năm, khi mẹ tôi còn rất trẻ, đương gói bánh thì hết lá, phải ra vườn cắt thêm. Đêm đen tĩnh mịch và mưa lất phất, tôi soi đèn pin cho mẹ khều lá chuối ở trên cao, đem vào hong trên bếp than cho dịu lại để bắt cạnh không gãy. Chỉ là những chiếc lá chuối đẫm sương của một đêm cuối tháng đầu năm nơi khu vườn xưa rất xa, sao cứ làm tôi bồi hồi mãi…
Gia đình nhỏ của tôi không thường nấu hay kỳ công chuẩn bị những món truyền thống trong dịp Tết như bánh chưng, dưa món vì neo người, cũng không có thú chơi mai, chơi quất như những người hàng xóm đôn hậu. Có lẽ vì thế mà nỗi nhớ nhà của tôi thường ập đến những khi không lường trước, như lúc đứng trong căn bếp cách nhà mười mấy nghìn cây số vào một ngày giữa thu, canh chừng món bánh bao hấp chín. Dù có vẻ không đặt lắm sự tâm huyết của mình vào những món ăn đặc trưng ngày Tết, nhưng mẹ tôi vẫn tự tạo cho mình một sự lặp lại không đổi suốt hơn hai thập kỷ, đó là làm bánh ít đậu xanh.
Những cái bánh nhỏ xinh gói trong lá chuối, vỏ mỏng và nhân đầy, thơm mùi tiêu, hành tím và hết sức cay. Những ngày đầu năm mới, trên bếp ga luôn là một nồi hấp đã xếp đầy chằn chặn từng lớp bánh bên trong, tỏa một mùi hương ấm cúng, chỉ chờ khách đến chúc Tết là bày ra đãi đằng. Thậm chí có những bạn bè thân thiết của ba mẹ, đến nhà, vừa dứt câu chào năm mới đã hỏi bánh ít đâu, bánh ít đâu, xôn xao cả một căn bếp nhỏ…
Năm năm lại đây, “sứ mệnh” làm bánh ít do tôi hoàn toàn đảm nhiệm vì ba mẹ ngồi một chút đã đau lưng. Tuổi già không ập đến như một sáng mùa đông mở cửa ra và thấy gió lạnh thổi thông thốc, mà chậm rãi, mon men lấy đi những thứ đã từng là thú vui mộc mạc. Tôi thường dành ra đôi buổi chiều, từ ngày 27 đến 29 tháng Chạp để chuẩn bị lá chuối, ngào nhân và gói, vừa làm vừa nghe nhạc. Những giai điệu dìu dặt giúp tôi nhãng buông hết những lo toan năm cũ khi sum vầy bên những người thân yêu của mình. Tết năm ngoái tự tay tôi gói cả trăm cái bánh ít và làm thêm cả bánh bột lọc trong những buổi chiều bận rộn và thư nhàn như thế.
Mẹ nói, chắc khi tôi đi học rồi sẽ bỏ hẳn không làm bánh ít nữa. Tôi nghe, không buồn mà chỉ tiếc cho thời gian bên ba mẹ, bao lâu cũng là quá ngắn và cho một cái nếp nhà rất đáng lưu giữ chỉ còn là quá vãng.
Nếu tính ra, tôi đã xa gia đình gần 10 năm và chỉ trở về nhà mỗi dịp lễ lạt. Sống tự lập, tôi nấu ăn hằng ngày và còn lập hẳn một blog để chia sẻ với những người bạn trên mạng cách nấu nhiều món ngon Quảng Trị. Một trong những công thức được nhiều người hỏi thăm và lưu lại để dành nấu là bắp bò hầm xì dầu mà mẹ tôi luôn làm vào dịp Tết để đãi khách và để dành cho tôi đem ra Hà Nội khi kỳ nghỉ đi qua.
Hồi còn nhỏ, tôi thích nhất là lúc ngồi bào đường bát để chuẩn bị hầm thịt bò, hít hà mùi xì dầu quyện với gừng bên bếp lửa liu riu, nhón thử miếng gân mềm, lấy cớ là xem đã vừa vị hay chưa. Bò hầm xì dầu chỉ bắt đầu ngon sau khi để nguội và ngâm qua đêm trong tủ lạnh, đủ cứng như một thớ gỗ non để cắt thành từng lát rất mỏng.
Tối 28 tháng Chạp năm ngoái, ba nói tôi dọn thịt bò ra ăn thử và uống ly rượu nếp cẩm cho sắc mặt tươi giòn một chút. Chỉ một khoảnh khắc thế thôi đủ để tôi nhận ra mình đã là người lớn, ngồi cùng ba mẹ uống một chút rượu nồng nàn và trò chuyện, chứ không phải nghe mãi lời căn dặn, khuyên nhủ…
Từ ngày đi học, tôi ít nấu ăn hẳn, để dành trải nghiệm nền ẩm thực đa dạng của New York. Một lần, khi cùng bạn cùng phòng mua taco - một loại bánh kẹp của Mexico - ra công viên Bryant gần Quảng trường Thời Đại ăn, tôi nhìn thấy hai mẹ con người gốc Á nọ. Em bé khoảng 6 - 7 tuổi, người mẹ chắc cũng tầm 30 tuổi, họ đặt túi mua hàng của Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại (MoMA) dưới đất, trên bàn là một cái bánh pizza với xúc xích pepperoni và hai ly Coca Cola. Dưới tán cây một ngày cuối hè, họ vừa ăn vừa tám chuyện rôm rả như hai người bạn.
Tôi nhìn sang bạn mình, thấy cũng thẫn thờ như cùng chia sẻ một suy nghĩ, một mong ước - mong ước được cùng ba mẹ đi chơi phố một ngày cuối tuần, được ăn một món mà ngày thường không được ăn, được uống thức uống mà ngày thường sẽ bị nhăn nhó và chuyện trò như những người bạn tâm đắc…
Tôi không nhớ quê hương thường trực mà nỗi nhớ cứ trở đi, trở lại tâm tưởng như sự thao thức, khi cuồn cuộn, dâng trào, khi đằm đẹ như một lời thăn thỉ. Bạn tôi hỏi Tết Việt Nam năm nay trúng vào ngày nào vậy ta?, tôi không trả lời bạn. Tại không ngày nào là tôi không nói chuyện với mẹ, với ba. Những câu chuyện buồn vui về gia đình, họ hàng, tôi đều biết rõ. Ngay cả đi chợ Tàu mua cải bẹ về muối chua, tôi gọi video cho mẹ để tìm ra đúng loại cải bẹ, rồi được hướng dẫn cả cách thức muối cho giòn nữa. Mỗi lần được trò chuyện với gia đình, người thân, bạn bè, được thấy quê nhà qua từng bức ảnh chụp mảnh vườn, góc phố an bình, chưa phải Tết nhưng lòng tôi đã vui như Tết đến từng ngày…
Cơ mà công nghệ giúp lấp đầy những khoảng trống mà cách trở địa lý đã quy ước. Nhưng còn thời gian?
Tôi vừa thấy gần, vừa thấy xa. Ở nơi xứ người, những khi cơn buồn ập đến, tôi lại vào bếp, nấu một món ngon găm giữ trong ký ức. Tôi đã thuần thục món bánh bao. Thời gian còn lại chắc đủ để tôi tìm nguyên liệu cho món bánh ít và tập hầm bắp bò xì dầu ngon như mẹ vẫn làm mỗi dịp xuân về.
Chắc khi hương vị bánh ít và bắp bò tỏa ra, lan man nơi căn bếp nhỏ cách xa gia đình vạn dặm, tôi sẽ ngồi cho lòng lắng lại và tự hỏi, Tết đã chạm ngõ nhà tôi rồi đó chăng?
(Nguồn: Báo Quảng Trị)