Mùa chắt chắt

Thanh Hà |

Không chỉ người quê tôi mà những người nơi khác đã biết đến con chắt chắt của sông Thạch Hãn đều khẳng định con sông này là một kho tàng vô tận của chắt chắt.

Nhắc đến con hến thì rất nhiều người biết nhưng con chắt chắt thì không phải ai cũng biết. Chắt chắt cùng họ với hến nhưng nhỏ và vỏ mỏng hơn. Hến thì sông ngòi nước ta hầu như chỗ nào cũng có. Nhưng không phải con sông nào cũng có chắt chắt.

Sông vùng nước ngọt chảy xiết không phải là lựa chọn cư trú của loài chắt chắt. Loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ này chỉ sinh ra ở vùng đáy sông nước lợ. Thế nên trên thủy trình của sông Thạch Hãn, chỉ có đoạn cuối nguồn mới có chắt chắt. Tham khảo trên trang Wikipedia thì biết rằng, ở nước ta, chắt chắt chỉ tập trung sống chủ yếu ở các vùng nước lợ hạ nguồn sông Gianh (Quảng Bình) và sông Hiếu, sông Thạch Hãn (Quảng Trị). Mùa khô hằng năm, vào khoảng tháng ba cho tới tháng tám âm lịch, khi nước mặn từ cửa biển dâng lên sẽ hợp lưu cùng với nước ngọt từ đầu nguồn sông Thạch Hãn đổ về hòa vào nhau thành nguồn nước lợ. Và đó cũng chính là mùa của chắt chắt.

Sáu tháng nước lợ trong năm đã tạo môi sinh màu mỡ cho con chắt chắt sinh sôi nảy nở ở cuối nguồn Thạch Hãn. Vì vậy, nói tới con chắt chắt, người dân nhiều nơi không biết, nhưng dân các làng ở cuối nguồn sông Thạch Hãn thì lại rất rành. Rành cào, xúc, đãi chắt chắt và cũng rành chế biến thành nhiều món ăn mát lòng mát dạ trong mùa hè. Dọc theo vùng hạ nguồn sông Thạch Hãn có nhiều làng chuyên nghề cào chắt chắt như làng Giang Hến, An Giạ, Mai Xá…

Đãi chắt chắt bên bờ sông Thạch Hãn - Ảnh: N.T
Đãi chắt chắt bên bờ sông Thạch Hãn - Ảnh: N.T
Phương thức cào chắt chắt ở những làng nghề này đều giống nhau, ấy là người ta làm cái cào bằng tre, có kẹp miệng một cái bao lưới rồi thả xuống sông và nổ máy đò kéo trượt đi. Khi cào chắt chắt, người ta đặt chiếc bàn cào xuống sát đáy sông rồi dùng hai tay kéo cào. Cào kéo tới đâu, cát bùn sẽ lọt qua khe giữa các thanh nan tre ra ngoài, còn con chắt chắt thì được giữ lại. Người cầm cào thường đi thụt lui ngược chiều con nước, nên người ta thường nói đùa đây là nghề “ăn tới mần lui”. Một ngày hai buổi, chừng lúc nước xuống, đò các làng ra giữa sông cào chắt chắt mỗi ngày hàng chục tạ mà chắt chắt chẳng bao giờ cạn kiệt.

Người ta cào chắt chắt xong đem về bến sông đãi trong những chiếc rổ lớn cho sạch cát, rồi đem bán khắp các chợ và cung cấp cho các nhà hàng. Chắt chắt được bán tươi từng mớ, hoặc bán chín. Vào mùa hè, hầu như ở các chợ đều có bán chắt chắt của ngư dân cào ở mạn Mai Xá, An Giạ, Giang Hến... Ngày này sang ngày nọ các mệ, các o lại gánh một đầu gánh là rổ đựng mặt chắt chắt đong bằng chén, đầu kia là thùng đựng nước luộc chắt chắt đi khắp nơi và nó đã trở thành món ăn đặc sản. Nổi tiếng nhất là chắt chắt làng Mai Xá, do làng này có món bún chắt chắt nằm trong tốp một trăm món ăn ẩm thực đặc sản tiêu biểu của Việt Nam. Và mỗi năm, làng Mai Xá đều có lễ hội rước chắt chắt vào tháng giêng, trên bến sông trước đình làng, những con đò được treo cờ xí rực rỡ, tiếng trống vang lừng...

Làng tôi thì nằm phía bên bồi của sông Thạch Hãn nên bờ sông không sâu hẳm. Khúc sông chảy qua làng tôi lại rộng có nhiều phù sa và cát. Chính vì thế có nhiều loại tôm cá và rất nhiều chắt chắt. Không như những làng cào chắt chắt có nghề, họ chạy thuyền máy ra giữa sông, cắm cào ở chỗ sâu mà cào chắt chắt. Người làng tôi chỉ cầm rổ ra sông xúc chắt chắt về ăn trong nhà, nếu dư mới đem ra chợ bán. Bây giờ làng tôi không còn mấy ai lội sông xúc chắt chắt nữa, có muốn ăn chắt chắt thì ra chợ mua. Nhưng ngày trước, chắt chắt sông Thạch Hãn là món chủ lực đã nuôi người làng tôi những năm khốn khó.

Vào những ngày hè nóng bức khi còn nhỏ, canh chừng lúc nước sông xuống thấp, lũ trẻ chúng tôi lại đội rổ rá theo người làng xuống khúc sông cuối làng xúc chắt chắt. Khúc sông Thạch Hãn chảy qua làng tôi dạo ấy chắt chắt nhiều và dày đặc dưới sông. Chỉ cần đưa tay cào xuống mặt cát là có thể vớt chắt chắt lên. Chỗ nào sâu hơn thì người làng tôi dùng rổ tre để xúc chắt chắt. Chỉ cần dí vành rổ vào đáy sông rồi lấy chân gạt cát vào rổ, sau đó bưng lên chao cho cát trôi đi là trơ ra những con chắt chắt. Vào những buổi trưa mùa hạ như thế, nước sông đục ngầu vì người làng thi nhau xúc chắt chắt. Nhiều khi chỉ mấy mẻ xúc, người lớn cũng lấy được một rổ chắt chắt đầy. Còn trẻ con, nếu xúc không giỏi thì trong chừng một giờ cũng được một rổ chắt chắt khá nặng tay. Hồi trước, có những đứa trẻ trong làng tôi đi xúc chắt chắt suốt mùa hè đem bán và chắt chiu dành dụm mua được cặp và sách vở cho năm học mới.

Chắt chắt xúc từ sông về, người làng tôi đổ hết ra thau, lượm lặt hết sỏi và rác trộn lẫn trong chắt chắt. Sau đó ngâm nước vo gạo khoảng nửa ngày để chúng nhả hết cát, bùn rồi cho vào nồi đem luộc. Và khi luộc chắt chắt phải để ý đến lửa, vì nếu luộc quá lửa thì chắt chắt không làm sao há miệng được. Khi nước sôi, chắt chắt bắt đầu há miệng thì dùng đôi đũa khuấy liên tục cho mặt chắt chắt rời khỏi vỏ và chắt chắt sẽ ứa ra thứ nước màu trắng đùng đục như nước vo gạo, rất ngọt. Sau đó đổ nước luộc ra để riêng dùng nấu canh, còn phần chắt chắt thì đổ ra rổ rồi cho vào thau nước lạnh để đãi kĩ càng bao giờ hết mặt thì thôi.

Chắt chắt chế biến được nhiều món ăn thanh mát trong mùa hè - Ảnh: N.T
Chắt chắt chế biến được nhiều món ăn thanh mát trong mùa hè - Ảnh: N.T
Luộc một rổ, đãi xong được chừng một tô vừa mặt chắt chắt. Nhưng chỉ cần bấy nhiêu đó người làng tôi đã có thể chế biến được nhiều món khác nhau. Chắt chắt nấu canh với rau muống, rau khoai lang, rau ngót, rau cải, rau dền các loại, nấu với đọt bí đỏ, bông thiên lý, rau mồng tơi, rau sam, rau mã đề... Ngoài nấu với rau, người làng tôi còn hay nấu chắt chắt với quả bầu, với khế chua, mít non, bắp chuối, môn ngọt và cả với dưa cải chua. Rồi mặt chắt chắt xào rau bí, xào lá lốt, xào mít non, xào khế, xào sả ớt, xào mướp đắng, mướp ngọt... Rồi món chắt chắt nấu cháo gạo trộn gừng ăn nóng nữa, vừa ngon lại không bao giờ thấy ngấy. Thi thoảng, người làng xào chắt chắt với rau răm hoặc trộn với đậu phụng rang, rồi lấy bánh tráng nướng xúc ăn.

Người làng tôi nấu chắt chắt với tất cả những gì có sẵn trong vườn của các gia đình, hầu như tiện gì nấu nấy. Có những bữa ăn của người làng tôi chỉ toàn chắt chắt. Nhiều dịp nhà có khách đến chơi không báo trước cho gia chủ, người làng tôi chỉ cần xuống sông xúc chắt chắt, sau đó ra quanh vườn hái vài trái cây, đọt rau, nhúm lá là có ngay mâm cơm khách thịnh soạn với các món: chắt chắt xào mướp ngọt, chắt chắt xào rau răm xúc bánh tráng, cháo chắt chắt, chắt chắt nấu canh với rau muống… Tất cả những món ăn trên tuy chế biến chỉ từ một nguyên liệu chính là chắt chắt nhưng khi đặt lên mâm nhìn thật phong phú và hấp dẫn. Màu sắc mỗi món khác nhau, hương vị mỗi món khác nhau. Tôi tin bây giờ cho dù đủ thứ cao lương mỹ vị, nhưng nếu được ăn một bữa chắt chắt như thế hầu hết mọi người sẽ khó quên.

Sau này, tôi thỉnh thoảng được ăn những món canh chắt chắt ở trong các hàng quán cũng không thấy được hương vị như canh chắt chắt của làng tôi. Tinh hoa của canh chắt chắt là ở nước luộc, nước luộc phải tùy theo lượng chắt chắt càng nhiều thì nước luộc càng ngon ngọt. Hầu như ở các hàng quán không tự luộc chắt chắt mà người ta thường nhập mặt chắt chắt đã đãi sẵn kèm cả nước luộc. Cho dù thế nào thì chắt chắt đãi sẵn cũng đã làm mất đi một phần hương vị của chắt chắt, và cả nước luộc sẵn cũng nhạt thếch. Còn ở làng tôi, người ta luộc một rổ chắt chắt lấy chừng hai tô lớn nước luộc làm canh, vì thế mà nồi canh chắt chắt ngọt lịm.

Một đặc biệt của canh chắt chắt là trời càng nắng, càng nóng thì ăn càng sướng, càng ngon. Vì chắt chắt có tính hàn, nên vào mùa hè nóng nực, có tô canh chắt chắt vừa ngon ngọt vừa thanh mát là món ăn giải nhiệt tuyệt vời. Lúc này đang tháng sáu, ngọn gió nam nóng bắt đầu thổi mạnh, ngồi ăn cơm gạo mới đồng làng chan canh chắt chắt sông quê mang cho tôi cảm giác thỏa mãn và chẳng có mong muốn món ăn nào hơn thế¢

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

TAGS

Mang ẩm thực muôn nơi về “miền hoa nắng”

Trúc Phương |

Dù chỉ diễn ra trong 3 ngày từ 12 - 14/7 nhưng Lễ hội Văn hóa - Ẩm thực quốc tế “Hương vị miền hoa nắng”, một hoạt động trọng tâm nằm trong chuỗi sự kiện Lễ hội Vì hòa bình gây ấn tượng mạnh mẽ với du khách và người dân địa phương. Nhiều món ăn thơm ngon, hấp dẫn, mang theo nét văn hóa đặc trưng của các địa phương trong và ngoài nước được giới thiệu tại lễ hội lần này.

Lễ hội Văn hóa - Ẩm thực với chủ đề “Hương vị miền hoa nắng” đã thu hút khoảng 32.000 lượt khách

S.H |

Ngày 14/7, tại Khu du lịch - dịch vụ Cửa Việt, huyện Gio Linh, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị phối hợp với Tạp chí Vietnam Travel tổ chức bế mạc Lễ hội Văn hóa - Ẩm thực với chủ đề “Hương vị miền hoa nắng”.

Lễ hội Văn hóa - Ẩm thực quốc tế “Hương vị miền hoa nắng” thu hút đông đảo du khách trước giờ khai mạc

Trúc Phương |

Ngày 12/7, đông đảo du khách từ khắp nơi đã đến với Lễ hội Văn hóa - Ẩm thực quốc tế “Hương vị miền hoa nắng” diễn ra tại Khu du lịch biển Cửa Việt, huyện Gio Linh.

Khai mạc Lễ hội Văn hóa - Ẩm thực quốc tế “Hương vị miền hoa nắng”

Trúc Phương |

Ngày 12/7, tại Khu du lịch - dịch vụ Cửa Việt, huyện Gio Linh, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị phối hợp với Tạp chí Vietnam Travel tổ chức khai mạc Lễ hội Văn hóa - Ẩm thực quốc tế với chủ đề “Hương vị miền hoa nắng”. Đây là hoạt động trọng tâm trong chuỗi các sự kiện của Lễ hội Vì Hoà bình nhằm tôn vinh sự đa dạng, đặc sắc của nền ẩm thực Việt Nam nói chung và ẩm thực Quảng Trị nói riêng trong hoạt động du lịch. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cùng đông đảo người dân, du khách gần xa tham dự.