Gần 50 năm sau chiến thắng Đường 9 - Nam Lào, chúng tôi lại có dịp đi qua các tỉnh Savannakhet, Salavan, Sê Kông, Champasak, Attapư, vùng đất được mệnh danh là trữ tình và hào phóng của đất nước Triệu Voi. Vào năm 1971 chiến thắng Đường 9- Nam Lào cóý nghĩa to lớn thúc đẩy sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam và hai nước Lào, Campuchia đi đến thắng lợi. Đồng thời, đây là sự kiện đánh dấu bước phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam trong tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô, đánh tiêu diệt lớn trên chiến trường…
Hành trình của chúng tôi bắt đầu từ Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, qua Bản Đông. Bản Đông là một địa danh nổi tiếng thuộc huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet, nước bạn Lào. Từ Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, chỉ chừng hơn 30 phút đi xe ô tô, du khách đã có thể đến đây, thả mình trong sự tĩnh lặng như là đặc trưng riêng có của những bản làng trên đất nước Triệu Voi hiền hòa. Bản Đông khép mình lặng lẽ giữa những cánh rừng già, bên đường 9 - con đường xuyên suốt chiều dài lịch sử của tình hữu nghị đặc biệt ViệtLào. Vậy nhưng, khi ký ức được đánh thức, Bản Đông như một tráng sĩ rủ mình đứng dậy, bước ra từ trang sử với tất cả sự hào hùng của một vùng đất từng được mệnh danh là “tọa độ lửa” thời hai nước Việt - Lào cùng chung chiến hào đánh Mỹ. 50 năm trước, với thắng lợi rực rỡ Đường 9- Nam Lào, Bản Đông đã vút cao bài ca chiến thắng, bẻ gãy cuộc hành quân Lam Sơn 719, làm phá sản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ và quân đội Sài Gòn.
Bản Đông vẫn còn đó chiếc cầu treo Hữu Nghị bắc qua sông Sê Pôn nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh qua đất bạn Lào do Bộ đội Trường Sơn xây dựng năm 1975. Qua cầu treo, đi chừng 20 km, đến bản Naloong, dấu tích đường Hồ Chí Minh vươn qua đất Lào vẫn được giữ gần như nguyên vẹn. Trong những năm đánh Mỹ, con đường này vươn dài về phía Mường Noòng, Tù Muồi, đến tỉnh Salavan (Lào) lật cánh vào vùng Tây Nguyên Việt Nam, hình thành tuyến vận tải chiến lược của Bộ đội Trường Sơn đưa vũ khí, khí tài, hàng hóa quân nhu vào chiến trường, đảm bảo hậu cần vững chắc để giải phóng miền Nam. Chỉ 1.500 mét thôi, nhưng con đường đã đem đến cho chúng tôi thật nhiều cảm xúc. Những phiến đá lát đường lèn chặt im lặng trong cây cỏ như còn hằn những dấu bánh xe, dấu chân người trùng trùng, điệp điệp ra trận hơn nửa thế kỷ trước. Đến Bản Đông, một địa chỉ mà du khách muốn tham quan là Bảo tàng truyền thống liên minh chiến đấu Lào- Việt Nam. Đây là công trình do tỉnh Quảng Trị giúp về thiết kế, nội dung, trưng bày và đào tạo hướng dẫn viên với tổng mức đầu tư 5,5 tỉ đồng từ nguồn tài trợ của Bộ Quốc phòng Việt Nam. Với trên 120 ảnh tư liệu quý, nhiều hiện vật cùng một số sa bàn, tiểu cảnh được bố trí khoa học, công phu, bảo tàng đã tái hiện sinh động chiến thắng Đường 9 - Nam Lào, một trong những sự kiện mang tầm chiến lược, là minh chứng sống động cho tình đoàn kết chiến đấu keo sơn, gắn bó của quân và dân hai nước Việt- Lào trong những năm tháng chung sức, chung lòng giành độc lập, tự do cho mỗi dân tộc.
Lần theo những kỷ vật, tư liệu trong Bảo tàng truyền thống liên minh chiến đấu Lào - Việt Nam, du khách như được sống lại những năm tháng hào hùng thuở trước. Vào năm 1971, kiên quyết đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 của địch, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh quyết định mở chiến dịch phản công tiêu diệt lớn quân địch ở khu vực Đường 9- Nam Lào. Chiến sự diễn ra rất ác liệt. Đến ngày 3/3/1971, ta chặn đứng địch ở Bản Đông không cho chúng phát triển lên Sê Pôn. Trước sức tấn công mạnh mẽ của ta, ngày 18/3/1971, địch bắt đầu rút khỏi Bản Đông trong hoảng loạn, ta lập tức công kích vào toàn bộ khu vực Bản Đông. Sáng 20/3/1971, ta làm chủ hoàn toàn Bản Đông, Cuộc hành quân Lam Sơn 719 đánh ra Đường 9 - Nam Lào của Mỹ - ngụy biến thành một cuộc tháo chạy hỗn loạn. Sau 52 ngày tốc chiến tốc thắng, chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào của lực lượng vũ trang ta đã kết thúc thắng lợi.
Năm tháng qua đi, trên hành trình hội nhập và phát triển, những địa phương trên vùng chiến địa năm xưa của nước bạn Lào và Việt Nam đã có nhiều đổi mới. Nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây, nơi hội tụ các điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, giao thương, Quảng Trị là địa phương có chung đường biên giới với tỉnh Savannakhet và Salavan của nước bạn Lào. Nhiều năm qua, tỉnh Quảng Trị đã thiết lập mối quan hệ hợp tác có hiệu quả với các tỉnh bạn Lào có chung đường biên này. Điểm nổi bật trong những năm qua đó là hoạt động trao đổi, buôn bán hai chiều giữa Việt Nam và Lào đã có những bước phát triển đáng kể, đem lại hiệu quả thiết thực cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư, bình quân tăng 4%/năm trong giai đoạn sôi động nhất vào những năm 2011-2016. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hai chiều thông qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Densavan giai đoạn 2011-2016 đạt 1,774 tỉ USD.
Tỉnh Quảng Trị và 2 tỉnh Savannakhet, Salavan đã tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá đầu tư, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Tại tỉnh Savannakhet, nhiều doanh nghiệp của Quảng Trị đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, đầu tư trồng cao su tại Mường Phình và Mường Noòng; triển khai hoạt động thanh toán biên mậu khu vực Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Densavan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu tại biên giới Việt - Lào. Thông qua các kỳ hội chợ trọng điểm, doanh nghiệp hai bên đã tích cực quảng bá, giới thiệu về sản phẩm đặc trưng của từng địa phương, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng thị trường ở hai chiều ngược lại. Các tổ chức xúc tiến thương mại của Quảng Trị và các tỉnh bạn Lào đã ký nhiều biên bản ghi nhớ để tăng cường hợp tác nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong hợp tác liên doanh, liên kết hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, vào đầu tháng 8/2018, tại thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) và Tổng Công ty Điện lực Lào (EDL) tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hợp tác quản lý kỹ thuật và kinh doanh mua bán điện giữa EVNCPC với EDL. Thực hiện Hiệp định hợp tác năng lượng điện giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào ký năm 1996 và chỉ đạo của EVN, EVNCPC đã bán điện cho nước bạn Lào từ năm 1998. Điểm bán điện đầu tiên là Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, cấp điện cho huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet, Lào. Quy mô cấp điện tăng dần theo nhu cầu sử dụng điện của nước bạn, đến năm 2018, EVNCPC và EDL đã ký kết hợp đồng mua bán điện qua 5 địa điểm với 3,85 triệu khách hàng sử dụng điện, trong đó có 2,75 triệu khách hàng được lắp công tơ điện tử. Trong quá trình hợp tác, EVNCPC không ngừng mở rộng, nâng cấp lưới điện, tối ưu chất lượng điện năng để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện tăng cao của nước bạn Lào. EVNCPC đã nâng dung lượng MBA, đầu tư thêm các TBA 110kV gần biên giới ở các Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, La Lay, tỉnh Quảng Trị và tỉnh Quảng Nam. Năm 1998 hợp tác mua bán điện đạt sản lượng 220.645 kWh, doanh thu 13.239 USD. Đến năm 2015, tổng công suất bán điện qua 5 cửa khẩu đạt 14,5MW, đạt sản lượng và doanh thu bán điện cao nhất trong 20 năm. Tổng sản lượng điện năng mua bán trong 20 năm (1998-2018) đạt 299,28 triệu kWh, doanh thu 20,99 triệu USD.
Khi Khu kinh tế Đông Nam hình thành, việc xây dựng Quốc lộ 15D từ Cửa khẩu quốc tế La Lay nối với cảng Mỹ Thủy trong tương lai sẽ rút ngắn khoảng 80 km so với lộ trình như hiện nay. Trong rất nhiều tác động tích cực, một trong những hiệu ích mang lại là khi Quốc lộ 15D được mở ra, tiềm năng về đất đai cả một vùng rộng lớn của tỉnh từ phía Tây và Đông Nam Đakrông, Nam Cam Lộ, đến Đông Nam Hải Lăng, thị xã Quảng Trị sẽ được khai thác hiệu quả, góp phần phân bố lại dân cư, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội ở những vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Đặc biệt, việc thông thương các tỉnh Nam Lào ra biển trên tuyến Quốc lộ 15D sẽ rút ngắn khoảng cách về địa lý, góp phần nối các tỉnh Nam Lào với miền Trung Việt Nam, trong đó có việc thúc đẩy sự phát triển du lịch đường bộ, góp phần đem lại sự thịnh vượng cho các tỉnh Nam Lào và Quảng Trị trong tương lai gần.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)