Hằng năm cứ đến tháng 7 chúng ta lại nhớ đến sự kiện lịch sử thất thủ kinh đô Huế 7.1885 và không thể nào quên vai trò của Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường với những oan khiên kéo dài suốt cả trăm năm. Việc đánh giá nhìn nhận lại ông là quá ư cần thiết. Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng và điều kiện làm được việc này.
Gần đây, đã có những hội thảo, những nghiên cứu minh oan cho Nguyễn Văn Tường, tuy nhiên rõ ràng vẫn chưa đáp ứng đúng mong mỏi của nhiều độc giả. Vì vậy sự ra đời cuốn sách nói trên đã thổi một luồng gió mới thực sự vào không khí học thuật và vẽ lại thật chính xác, tỏ tường chân dung một nhân vật lịch sử, một trọng thần triều Nguyễn có vai trò đặc biệt quan trọng đối với nhiều đại sự quốc gia.
1. Đây là cuốn sách đồ sộ về dung lượng với gần 2.000 trang in. Điều thú vị là do chính hậu duệ đời thứ ba của Kỳ vĩ quận công, Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886) là GS Nguyễn Quốc Trị biên soạn, nhằm minh định lịch sử và minh oan cho tổ tông bằng một công trình khảo cứu quá công phu với 12 năm theo đuổi, tìm kiếm tư liệu ở các thư viện quốc gia Hoa Kỳ rồi Pháp, với nhiều thứ tiếng khác nhau có giá trị to lớn về mặt văn bản học, có độ tin cậy cao nhất. Có người đánh giá cuốn sách này bằng ba luận án tiến sĩ sử học nghiêm túc. Ngay trong lời tựa, học giả GS.TS Cao Huy Thuần cũng đã khẳng định: "Quyển sách sách này đem lại một cái giật mình vô cùng cần thiết về sự trung thực. Đây là một tác phẩm sử học không thể thiếu cho bất cứ ai nghiên cứu và dạy học về giai đoạn lịch sử đau thương này".
Cũng cần điểm lại đôi nét chính trong hành trạng chính trị của Nguyễn Văn Tường trong thập niên 80 của thế kỷ XIX. Sau thất thủ kinh đô 1885, hai đại thần trụ cột của triều đình là Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường hộ giá vua Hàm Nghi ra Tân Sở (Cam Lộ, Quảng Trị). Nửa đường Nguyễn Văn Tường quay lại Huế, Tôn Thất Thuyết hay tin cho người về Kinh phóng hỏa đốt nhà ông Tường. Pháp cũng căm ghét ông Tường vì phá hỏng âm mưu của Pháp, nên bắt giam ông đày ở Côn Đảo (Côn Lôn), sau đó đưa sang giam cầm ở đảo Haiti trên biển Thái Bình Dương và chết trong lúc bị lưu đày. Ông bị sử sách và dư luận vùi dập rồi lên án là tội đồ lịch sử, bị quy là tính cách tráo trở, lúc khó khăn lại đầu hàng kẻ thù, tiếp tay cho giặc...
Sau biến động tại kinh thành Huế 1885, dư luận hầu như hoàn toàn bất lợi cho ông Nguyễn Văn Tường. Sử thuộc địa bôi nhọ ông, đến ngay như bộ sách uy tín BAVH (Đô thành hiếu cổ) của người Pháp cũng dựng chuyện lên án ông một cách đầy dụng ý, về sau sử trong nước cứ thế nói theo. Ngay cả dân gian cũng bất công với ông. Trong "Vè thất thủ kinh đô" đã hơn một lần gọi tên ông là chính danh thủ phạm phản trắc, nham hiểm và rủa sả Kỳ vĩ quận công, kể cả chuyện ông bị Pháp bắt ông tù Côn Lôn, như nhổ được một cái gai trong mắt dân chúng lúc bấy giờ: "Nguyễn Tường ăn ở hai lòng/Trời xui Tây lại đóng còng Côn Lôn". Danh tiết ông bị vây bủa trong ma trận sử sách và dư luận suốt một thế kỷ, đến cuối thập niên 80 của thế kỷ trước mới bắt đầu hé lộ tia sáng cuối đường hầm mịt mù, u tối. Nhưng phải đến khi ông Nguyễn Quốc Trị xuất bản công trình hệ thống, bài bản này với những tư liệu đầu nguồn thì mọi chuyện mới thực sự đầy đủ, sáng tỏ đầy thuyết phục về một nhân vật và giai đoạn lịch sử bi tráng với quá nhiều biến động.
2. Đọc cuốn sách này ưu điểm dễ nhận thấy đầu tiên là tư liệu ngồn ngộn mà lại là tư liệu gốc, tư liệu đầu tay, một bảo chứng bằng vàng khi nghiên cứu lịch sử, đặc biệt là khi muốn vén màn sương bí ẩn của quá khứ đã bị quá nhiều hỏa mù thập diện mai phục, cơ hồ xóa nhòa sự thật khách quan.Cuốn sách lần lượt giải mã thấu đáo nghi án về Nguyễn Văn Tường và Nhà Nguyễn, chủ yếu nửa sau thế kỷ XIX để tiếp cận sự thật lịch sử như nó vốn có. Tác giả đi thẳng vào những tồn nghi để trả lời hàng loạt những câu hỏi hệ trọng nhất, đó là: Nguyễn Văn Tường có diệt đạo và giết Văn Thân? Ông cũng có giết hại vua, quan, hoàng thân, công tử như bị đồn thổi và cáo buộc hay không? Mặt khác người viết cũng giải minh nghi vấn: Có hay không sự tàn nhẫn của các "bạo chúa" Nhà Nguyễn? Và các vua Nhà Nguyễn có tàn nhẫn diệt đạo Gia Tô hay không? Nguyễn Văn Tường và vua quan Nhà Nguyễn có tham lam? Và ngay cả những câu hỏi rất riêng tư của vương triều và hoàng thân quốc thích nhưng có thể quan hệ rất lớn đến chính sự cũng cần đáp án rõ ràng như: Minh Mạng có giết cháu dòng trưởng vì sợ chúng tranh ngôi, Nguyễn Văn Tường tư thông với Học Phi, giết Kiến Phúc? Và vua Kiến Phúc có bị đầu độc hay không? Một câu hỏi cũng rất mấu chốt trong quan hệ ngoại giao trong giai đoạn này là: Ai gian trá: người Pháp hay Nguyễn Văn Tường và vua, quan Nhà Nguyễn? Tất cả các câu hỏi đều được giải đáp một cách đầy đủ, khoa học, cụ thể và biện chứng. GS Nguyễn Quốc Trị cũng đã chỉ ra tác hại dài lâu của sử thời Pháp thuộc ảnh hưởng sâu đậm vào dư luận, khiến không chỉ đương thời và nhiều đời sau hiểu sai về Nguyễn Văn Tường và Nhà Nguyễn.
Không những giải oan các tội danh không có mà Nguyễn Văn Tường và Nhà Nguyễn phải gánh chịu hàm oan cả thế kỷ, cuốn sách bằng các luận điểm, luận cứ, luận chứng thuyết phục đã khẳng định Nguyễn Văn Tường còn có công, không những thế còn có công lớn trong sách lược chống đô hộ Pháp. Trong đó có chủ trương then chốt mở đầu bằng đối sách: "Phò vua Tự Đức với sách lược "Hòa để thủ, thủ để mưu chiến", với các sách lược cụ thể: Đề nghị tạm bỏ Nam Kỳ để hòa hoãn và tự cường, áp dụng sách lược "hòa để thủ" khi Pháp xâm chiếm Bắc Kỳ lần đầu, giữ gìn chủ quyền để mưu chiến với các hiệp ước. Tiếp đó chỉ ra hiệu quả của việc áp dụng chính sách "hòa để thủ dưới các triều vua kế vị" với các sách lược cụ thể: Thủ với hệ thống sơn phòng và tận dụng mâu thuẫn Trung-Pháp, tìm một thế hòa mới với hiệp ước Patenôtre, xúc tiến phong trào Cần Vương và hậu thuẫn cuối cùng: hệ thống sơn phòng và phòng trào Cần Vương. Tất cả các mảnh ghép chân dung rất đáng tin cậy này đã góp phần hoàn chỉnh hình ảnh chính xác con người yêu nước thương nòi đến tận cùng của Nguyễn Văn Tường, tầm nhìn chính trị và ngoại giao của một tài năng kinh bang tế thế trong bối cảnh vận nước đang cơn bĩ cực, thế sự rối ren, nhân tâm ly tán, tin đồn thất thiệt lộng giả thành chân.
3. Hình dung con người chính trị Nguyễn Văn Tường là một phức hợp hết sức rối rắm, mù mờ lại bị bao bọc bởi quá nhiều thông tin giả trá, hư ngụy được tạo dựng nên bởi những ý đồ độc ác và nham hiểm. Bởi vậy cả trăm năm qua, chân dung đích thực của ông như là một câu đố của nhân sư trong nền sử học nước nhà. Dù đi sau với một hành trình như mò kim đáy bể, GS Nguyễn Quốc Trị đã có một công trình khoa học và rất công phu để minh oan cho nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường và cũng là ông cố của mình, cũng như giải oan đối với Nhà Nguyễn. Như vậy, theo quan niệm truyền thống phương Đông, có thể coi trung hiếu vẹn toàn. Tâm huyết và công lênh ấy không thể không ghi nhận dù ở phương diện quốc gia hay là chuyện riêng họ tộc.Hiện ông Nguyễn Văn Tường đã được chiêu tuyết và tôn vinh, ở Quảng Trị HĐND tỉnh cũng đã có dự kiến đặt đường phố mang tên ông, tại làng quê ông ở An Cư đã có bia của giới sử học vinh danh công lao một người ái quốc đã hy sinh vì nước. Dù muộn, nhưng vẫn là kết thúc rất có hậu đối với một công thần yêu nước và tận hiến, đã chịu đựng nhiều búa rìu dư luận và chấp nhận tù đày rồi bỏ xác xứ người.
Nói như Truyện Kiều, kết cục tốt đẹp: "Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời"!
Nguyễn Văn Tường sinh năm 1824 tại làng An Cư, xã Triệu Phước (Triệu Phong, Quảng Trị), mất ngày 30/7/1886 tại Papeete, một làng trên đảo thuộc địa Tahiti của Pháp. Sau một vài tháng quàn giữ, di thể của ông được Tôn Thất Đính đưa về nước và an táng tại quê nhà đầu năm 1887.
Năm 2007, Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Hội khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế và UBND xã Triệu Phước đã cho xây dựng nhà bia ghi công lao đóng góp to lớn của Nguyễn Văn Tường đối với triều đình nhà Nguyễn và đất nước ngay trong khuôn viên đền thờ ở quê nhà.
Năm 2017, đền thờ và lăng mộ kỳ vỹ công Nguyễn Văn Tường đã được UBND tỉnh Quảng Trị công nhận là di tích cấp tỉnh.