Mảnh đất Quảng Trị một “bảo tàng” sinh động nhất về chiến tranh cách mạng với 475 di tích lịch sử, 72 nghĩa trang liệt sĩ. Vì thế, Quảng Trị từ lâu đã trở thành địa chỉ “về nguồn”, là địa chỉ tri ân, hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội.
Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi gặp và trò chuyện với ông Nguyễn Văn Giang hiện đang sống tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình khi ông đang cùng gia đình đến thăm Thành Cổ Quảng Trị. Được biết, đây đã là lần thứ 3 gia đình ông đến Quảng Trị để thăm các di tích lịch sử cách mạng. Từ khi chương trình du lịch “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội” được tổ chức tôi hiểu rằng những di tích lịch sử nơi tôi đã đi qua đều là di sản quý giá của dân tộc, đều có một phần xương thịt của những người con trên khắp mọi miền đất nước. Thế nên chỉ cần có điều kiện, tôi đều đưa gia đình, con cháu về đây tham quan, để con cháu của tôi hiểu hơn về sự hy sinh của cha ông, từ đó nỗ lực sống tốt hơn mỗi ngày”, ông Giang chia sẻ.
Chiến tranh đi qua để lại trên đất Quảng Trị một bảo tàng đồ sộ và sinh động về di tích chiến tranh cách mạng. Hệ thống di tích đồ sộ đó có giá trị rất lớn đối với hoạt động du lịch hồi tưởng, du lịch hoài niệm, tạo sự thu hút hấp dẫn các chính khách, nhà nghiên cứu lịch sử và khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu. Tháng 7/2005, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bộ Quốc phòng, Tổng Cục Du lịch tổ chức hội thảo quốc gia về chương trình du lịch “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội”. Theo đó, Công ty Du lịch và Xúc tiến đầu tư thuộc Tổng Cục Du lịch bảo vệ thành công đề tài khoa học cấp bộ liên quan việc khai thác các giá trị di tích chiến tranh cách mạng để phục vụ xây dựng du lịch hoài niệm ở Quảng Trị. Cùng với đó, tỉnh đã tăng cường phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tổ chức nghiên cứu, điều tra, khảo sát, xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh, tăng cường xây dựng, quảng bá thương hiệu loại hình du lịch hoài niệm. Nhờ vậy mà du lịch “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội” dần trở thành một thương hiệu du lịch nổi trội của tỉnh, mang lại nhiều ý nghĩa về chính trị và xã hội sâu sắc. Thực tế trong những năm qua, du lịch hoài niệm thu hút nhiều lượt khách đến với Quảng Trị. Hằng năm có trên 100 đoàn đại biểu thanh niên các tỉnh, thành phố, cơ quan, doanh nghiệp đến thăm viếng các nghĩa trang và di tích lịch sử. Các đoàn thể, tổ chức xã hội, tôn giáo cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động như hành hương về chiến trường xưa, lễ cầu siêu, lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.
Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng công tác đầu tư bảo tồn, trùng tu, tôn tạo hệ thống di tích chiến tranh cách mạng luôn được tỉnh quan tâm đầu tư, làm cơ sở để phát triển hơn nữa chương trình du lịch “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội”. Tỉnh đã chú trọng triển khai các hoạt động giúp nâng cao hiệu ứng, hỗ trợ phát triển du lịch hoài niệm. Hợp tác với một số tỉnh miền Trung, các địa phương trên Hành lang kinh tế Đông-Tây để liên kết phát triển du lịch hoài niệm. Các doanh nghiệp dịch vụ, lữ hành ở Quảng Trị và các tỉnh, thành phố trong nước đã cho ra đời các chương trình tour, tuyến hợp lý, hấp dẫn; làm tập gấp, bản đồ, các ấn phẩm quảng bá; tổ chức liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp du lịch, lữ hành cả nước và Việt kiều ở Lào, Thái Lan để khai thác loại hình du lịch này…
Mặc dù đã đạt được kết quả quan trọng nhưng vì một số lý do khách quan, chủ quan, chương trình du lịch “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội” trên thực tế vẫn gặp một số khó khăn nhất định như tác động của khí hậu khiến di tích xuống cấp, thiếu nguồn lực về tài chính để thực hiện trùng tu, tôn tạo thường xuyên. Nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn nhiều hạn chế. Cách thức tổ chức khai thác sản phẩm du lịch hoài niệm và các dịch vụ hỗ trợ còn lúng túng. Những sản phẩm lưu niệm, kỷ vật chiến tranh gắn với du lịch hoài niệm vẫn đang thiếu… Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đỗ Văn Bình cho biết: “Thời gian tới, để phát triển du lịch hoài niệm, tỉnh sẽ tiếp tục chú trọng triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung quy hoạch, đầu tư, tôn tạo, phục dựng hệ thống di tích lịch sử cho tương xứng với tầm vóc lịch sử; triển khai nhiều hoạt động quảng bá để thu hút sự quan tâm, lựa chọn của khách du lịch, kết nối du lịch hoài niệm với các loại hình du lịch khác để tăng tính liên kết, hấp dẫn với du khách.”
(Nguồn: Báo Quảng Trị)