Mùa nước đỏ lại đến rồi sẽ đi qua, mẹ thiên nhiên ngàn đời vẫn vậy. Duy chỉ có con người không biết bảo vệ, trân trọng những gì mà thiên nhiên ban tặng, khai thác quá mức để người đời sau nghe chuyện câu tôm hùm mùa nước đỏ như là cổ tích…
Đợi chờ con nước đỏ
Tháng 9 âm lịch, những trận mưa lớn kéo dài làm nước sông Bến Hải lên nhanh. Ruộng đồng hai bên bờ sông lai láng trong mùa nước nổi. Dòng nước hung hãn, đỏ ngầu theo dòng sông tuôn về cửa biển rồi đổ ra đại dương.
Theo những trận mưa cuồn cuộn như thác đổ là hàng vạn tấn phù sa chảy ra biển. Phù sa là nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào cho các loài thủy sản. Vì vậy, mùa nước đỏ là khoảng thời gian các loài thủy sản tiến vào vùng biển gần bờ để kiếm ăn. Các loại tôm, cá, cua, mực hoạt động nhiều hơn. Đến tôm hùm, loại ít di cư dường như ở lỳ trong hang suốt mùa nước ấm nay dường như cũng trở nên hoạt bát hơn. Chúng bận rộn kiếm ăn và chuẩn bị cho mùa sinh sản mới…
Năm nào có lũ lớn, nước đỏ ngầu là năm đó người dân thả rập, bủa lưới sẽ thu được nhiều mực nang, ghẹ, cá, tôm bạc, đặc biệt với tôm hùm là mùa đánh bắt chính trong năm. Người ngư dân nắm vững quy luật ấy của tự nhiên và luôn chờ con nước đỏ đầu mùa…
Ra khơi
Khi vụ cá nam kết thúc, người ngư dân có đôi chút thời gian nghỉ ngơi sau những ngày dài bám biển. Với họ, những ngày không đi biển nói là nghỉ ngơi nhưng thực chất là lúc họ tu sửa lại ngư lưới cụ để bước vào vụ đông, trước khi con nước đỏ đầu mùa tràn về. Nhà nhà đan lưới, xe sợi, kéo dây. Các hoạt động tu sửa thuyền bè, làm ngư lưới cụ ở các làng chài trở nên nhộn nhịp khác thường. Đêm đêm, khắp nọi ngã đường, đàn ông, đàn bà, người già đến trẻ con đốt đuốc đi bắt cóc (con cóc). Hàng trăm bó đuốc bập bùng trong đêm, soi sáng những đường quê. Cảnh tượng thật đẹp, dấu ấn quê hương in đậm trong sâu thẳm ký ức của chúng tôi, những đứa trẻ lớn lên trong những tháng năm này của đất nước…
Thuở ấy, người ngư dân đi biển đánh tôm hùm, mực nang thường đi bằng thuyền thúng. Mỗi thuyền thúng có khoảng ba chục chiếc lừ (rập) - theo cách gọi của ngư dân. Vụ đông là vụ thời tiết không thật thuận lợi thường có sóng lớn, gió to và lắm khi mưa dầm dề lạnh buốt. Ấy thế, hai người một thúng, bằng sức người họ mãi miết ra khơi. Cả vạn chài đều như vậy. Họ đến các ngư trường đánh bắt tôm hùm cách xa bờ chừng 5 đến 10 km, có khi còn hơn, kéo dài từ bờ biển Vĩnh Thái đến Mỹ Thủy.
Đến ngư trường, một người chèo, người còn lại cài mồi cóc vào rập rồi thả xuống biển. Cứ như thế cho đến khi chiếc rập cuối cùng được thả xuống, họ buông neo chờ. Thời gian chờ chừng hút xong vài điếu thuốc, họ bắt đầu kéo rập. Đây là thời gian lao động vất vã nhất. Người chèo phải dùng hết sức chèo thuyền thúng đi ngược gió, ngược nước sao cho người kéo chiếc rập không bị nghiêng tôm sẽ bắn ra ngoài. Người kéo rập cũng không kém phần vất vã vì rập nặng, lại còn tôm. Mỗi chiếc rập thu được vài ba con, khi trúng ổ thu được 10 - 15 con chỉ một lần kéo. Thuở ấy, tôm hùm nhiều vô kể, cứ thả rập xuống biển là có tôm hùm. Tôm hùm là loại tạp ăn, hễ thấy mồi là ăn ngấu nghiến. Có nhiều con ở ngoài rập nhưng cứ bám chắc vào mồi cho đến khi được kéo lên thuyền dường như vẫn không biết mình bị bắt. Vì vậy ngư dân sử dụng con cóc thịt dai đỡ tốn mồi.
Theo cơn gió bấc rét căm căm, sóng biển thỉnh thoảng tạt vào thuyền như muốn vắt kiệt sức người. Mo cơm đi biển nguội ngắt, có khi chan phải nước mưa. Những người say sóng không thể lao động trong môi trường khắc nghiệt này. Cứ như vậy, mỗi thuyền thúng thực hiện chừng 8 - 10 lần bủa và kéo rập, đến xế trưa khi chuyển con nước, tôm ít ăn dần người ngư dân thu ngư lưới cụ trở về. Mỗi thuyền thúng đánh bắt được 30 – 40 kg, những thuyền thu được hơn 50kg tôm hùm không phải là hiếm.
Cả trăm chiếc thuyền thúng lần lượt trở về làm cho bến cá trở nên náo nhiệt hơn. Những sọt tôm hùm la liệt ở khắp nơi, kẻ bán người mua tấp nập bến sông. Tôm hùm là loại xuất khẩu có giá trị kinh tế cao, công ty thủy sản đưa xe đông lạnh về tận bến thu mua cho bà con. Hàng chuyến xe chở tôm đưa về nhà máy đông lạnh Cửa Tùng. Những con tôm gãy càng bị loại, bà con luộc lên đem bán ở chợ Do. Phiên chợ quê đầy rẫy những rổ tôm hùm luộc đỏ chói, thơm phức. Thuở ấy, nó chẳng phải sơn hào hải vị cao sang, bình thường như các nông sản vùng quê nên ai cũng có thể thưởng thức món đặc sản cao cấp của ngày nay ấy.
Công ty Thủy sản dùng gạo, vải và một ít tiền để đổi lấy tôm hùm. Giá thành mỗi kg tôm hùm chỉ đổi khoảng 3 - 4kg gạo. Kể cũng lạ, người câu tôm hùm chỉ được phép nhập sản phẩm cho nhà máy đông lạnh Cửa Tùng, nếu chở vào nhà máy đông lạnh Sông Hương (cùng tỉnh Bình Trị Thiên), tuy được giá cao hơn nhưng lập tức bị hàng rào thuế quan huyện bắt giữ, tịch thu. Cảnh thuế vụ rượt đuổi con buôn chạy giữa đồng ngày ấy là chuyện bình thường… Mà thôi, ở thời điểm cuối thời kỳ bao cấp, đất nước bắt đầu chuyển sang cơ chế thị trường, người dân thiếu thốn đủ bề, có gạo, có vải và một ít tiền là người dân phấn khởi rồi. Nhờ có tôm hùm, người dân vùng biển có cuộc sống khấm khá hơn, hầu như nhà nào cũng mua được radio cassette. Tiếng nhạc làm rộn ràng những làng chài vốn bình yên, quanh năm chan hòa tiếng sóng biển…
Như là cổ tích
Ngày trước, người đánh bắt tôm hùm, ghẹ, mực, cá cháo, cá mú, cá hồng… luôn trông chờ con nước đỏ đầu mùa và mùa nước đỏ được gọi là mùa no ấm. Ngày nay, việc đánh bắt tôm hùm diễn ra hầu như quanh năm với các loại nghề khác nhau, đặc biệt là nghề lặn. Mùa hè lúc nước biển ấm, trong suốt và cũng là mùa tôm hùm đẻ trứng. Ngày này qua ngày khác, cánh thợ quần thảo các hang hốc ở độ sâu trên 20m, bắt hết tôm hùm. Tôm nhỏ, tôm to, tôm đực, tôm cái đang mang trứng bị đánh bắt bán cho các nhà hàng, khách sạn. Tôm hùm không có cơ hội đẻ trứng, tái đàn, thậm chí không còn nơi ẩn nấp.
Giờ đây, mùa nước đỏ lại về nhưng nguồn lợi thủy sản đã và đang cạn kiệt, nghề thả rập câu tôm hùm không được người dân tha thiết như xưa. Mặc dù vậy, ký ức về những mùa nước đỏ ở thế hệ chúng tôi không bao giờ phai nhạt. Có lẽ những thế hệ tiếp theo khó có cơ hội để chứng kiến mùa nước đỏ ấm áp, đủ đầy của ngày xưa… Mùa nước đỏ lại đến rồi sẽ đi qua, mẹ thiên nhiên ngàn đời vẫn vậy. Duy chỉ có con người không biết bảo vệ, trân trọng những gì mà thiên nhiên ban tặng, khai thác quá mức để người đời sau nghe chuyện câu tôm hùm mùa nước đỏ như là cổ tích…
(Nguồn: QRTV)