Những dấu mốc lịch sử Quảng Trị qua tài liệu lưu trữ

P.V |

Quảng Trị là một tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ, đây là một trong những tỉnh thành có vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, vùng đất này có nhiều lần thay đổi về tên gọi cũng như địa giới hành chính.

Theo ghi chép của các bộ sách thuộc khối tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn thời Hùng Vương dựng nước, Quảng Trị ngày nay thuộc lãnh địa bộ Việt Thường của Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc. Cuối thế kỷ II, nhân triều đình nhà Hán sụp đổ, Trung Quốc rơi vào tình trạng loạn lạc, cát cứ, một chính quyền bản xứ của quận Nhật Nam và xứ Tượng Lâm đã được hình thành, lập nên vương quốc Lâm Ấp. Lãnh thổ của Lâm Ấp được phỏng đoán tương ứng với vùng từ đèo Hải Vân đến đèo Ngang ngày nay, tức bao gồm cả vùng Quảng Trị.

 

Từ thế kỷ IV đến thế kỷ X, cả khu vực này là các châu: Ma Linh, Địa Lý, Ô và Lý. Vào năm 1075, Vua Lý Nhân Tông cho đổi châu Địa Lý thành châu Lâm Bình; châu Ma Linh thành châu Minh Linh. Năm 1307, sau cuộc hôn nhân giữa công chúa Huyền Trân và Vua Chiêm Thành là Chế Mân, 2 châu Ô và Lý trở thành một phần lãnh thổ của Quốc gia Đại Việt. Sau đó, Vua Trần Anh Tông đã cho đổi châu Ô và châu Lý thành châu Thuận và châu Hóa. Đến thời nhà Lê, Vua Lê Thánh Tông cho định bản đồ cả nước thành 12 thừa tuyên. Trong đó, Quảng Trị thuộc Thừa tuyên Thuận Hóa. Từ đây, vùng đất Thuận Hóa thuộc cương vực xứ Đàng Trong của các Chúa Nguyễn. Năm 1801, chúa Nguyễn Phúc Ánh cho lập Dinh Quảng Trị. Đến năm 1831, Vua Minh Mạng cho lập tỉnh Quảng Trị.

Năm 1876, tỉnh Quảng Trị được tái lập gồm 2 phủ Triệu Phong, Cam Lộ và 4 huyện, trong đó, huyện Đăng Xương đổi là Thuận Xương; huyện Địa Linh đổi là Gio Linh; huyện Minh Linh đổi là Chiêu Linh và huyện Hải Lăng vẫn giữ tên cũ.

Sự kiện thành lập tỉnh Quảng Trị có ý nghĩa lịch sử to lớn, là bước ngoặt trong tiến trình hình thành Quảng Trị, khẳng định vùng đất này đã phát triển và trở thành một đơn vị hành chính trực thuộc chính quyền trung ương, sánh ngang với các tỉnh khác trong cả nước.

Ngày 3/5/1890, toàn quyền Đông Dương ra nghị định hợp tỉnh Quảng Trị với Quảng Bình thành tỉnh Bình Trị, dưới quyền của công sứ Đồng Hới. Đến ngày 23/1/1896, toàn quyền Đông Dương lại rút Quảng Trị ra khỏi địa hạt thuộc quyền công sứ Đồng Hới; Quảng Trị cùng Thừa Thiên dưới quyền Khâm sứ Trung Kỳ và đặt một phó công sứ đại diện tại Quảng Trị. Từ năm 1900 đến 1929, tỉnh Quảng Trị được tách ra khỏi Thừa Thiên thành 1 tỉnh riêng biệt gồm 4 phủ là: Triệu Phong, Hải Lăng, Vĩnh Linh, Cam Lộ và Gio Linh. Ngày 5/9/1929, Khâm sứ Trung Kỳ đã ra nghị định thành lập Khu Trung tâm thị xã Đông Hà.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, các đơn vị hành chính cấp phủ đổi thành cấp huyện, bỏ đơn vị hành chính tổng và lập các xã.

Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương chính thức được ký kết. Theo Hiệp định, sông Bến Hải được chọn làm giới tuyến quân sự tạm thời chia đôi tỉnh Quảng Trị. Đại bộ phận các huyện, thị xã, thị trấn và một số thôn xã của Vĩnh Linh ở phía Nam giới tuyến do Chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý; hơn ¾ huyện Vĩnh Linh nằm ở phía Bắc giới tuyến do Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quản lý và trở thành Đặc khu Vĩnh Linh trực thuộc trung ương.

Cuộc phân ly hơn 20 năm đôi bờ Hiền Lương, sông Bến Hải như “nhân chứng lịch sử”, mang trên mình nỗi đau ròng rã chia cắt đất nước. Điều này càng làm cho khát vọng thống nhất non sông, Bắc - Nam liền một dải, của cả nước nói chung và Nhân dân Quảng Trị nói riêng càng thêm mãnh liệt hơn lúc nào hết.

Với ý nguyện thống nhất non sông, cùng cả nước, quân và dân Quảng Trị một lòng thủy chung, son sắt với cách mạng, nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ của Đảng. Những khẩu hiệu “Tất cả vì Quảng Trị thân yêu!”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt!” đã trở thành tâm huyết của mỗi cán bộ, chiến sĩ, nên dù khó khăn, gian khổ, ác liệt, hi sinh đến mấy cũng quyết đập tan hệ thống phòng ngự “kiên cố nhất Đông Dương”, “pháo đài bất khả xâm phạm” mà Mỹ - ngụy đã xây dựng trên đất Quảng Trị.

Chấp hành chủ trương của trung ương, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân khắp các địa bàn trong tỉnh ráo riết xây dựng lực lượng cách mạng, ra sức củng cố, xây dựng căn cứ địa và thành lập lực lượng vũ trang. Đầu năm 1964, quận lỵ Ba Lòng được giải phóng và giữa năm 1964 đến đầu năm 1965, Nhân dân từ nông thôn, đồng bằng của Quảng Trị đã nổi dậy giành chính quyền, phá ấp chiến lược, vùng giải phóng của tỉnh dần mở rộng. Đến năm 1972, Quảng Trị là tỉnh đầu tiên của miền Nam sông Bến Hải được hoàn toàn giải phóng.

Sau khi thống nhất nước nhà vào năm 1976, Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên và Vĩnh Linh được sáp nhập thành tỉnh Bình Trị Thiên. Năm 1989, tỉnh Quảng Trị được lập lại.

Với tổng diện tích tự nhiên là 4.746,4 km2, gồm 10 đơn vị hành chính cấp huyện (8 huyện, 1 thành phố và 1 thị xã), 125 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 101 xã, 13 phường và 11 thị trấn); dân số khoảng hơn 642.000 người, trong đó có khoảng 14% người dân tộc thiểu số. Mặc dù trải qua thời gian, với nhiều lần thay đổi về tên gọi và địa giới hành chính nhưng các địa danh như Triệu Phong, Hải Lăng, Vĩnh Linh, Gio Linh, Đông Hà,…vẫn luôn hiện hữu và tạc vào lịch sử một vùng đất anh hùng.

50 năm sau ngày giải phóng, Quảng Trị đang bùng lên một sức sống mới, vùng đất giới tuyến nay đã hồi sinh thực sự. Các chỉ số phát triển kinh tế tiếp tục được duy trì ổn định; tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ngày càng tăng lên, nằm trong tốp đầu các địa phương khu vực Bắc Trung bộ; lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt nhiều kết quả tích cực, năng suất hầu hết các loại cây trồng đều tăng cao qua các năm; công tác xúc tiến đầu tư được quan tâm đẩy mạnh, tỉnh cũng đã vận động được nhiều nhà đầu tư chiến lược trong, ngoài nước đến nghiên cứu và đề xuất các dự án có quy mô lớn như Tập đoàn T&T, Vingroup, Big C, Bitexco Group, Liên doanh VSIP – Amata - Sumitomo,… bước đầu thu hút 22 dự án trọng điểm được chấp thuận chủ trương đầu tư; lĩnh vực an sinh xã hội được quan tâm, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…

Sự chuyển mình mạnh mẽ của Quảng Trị đã hòa chung vào sự phát triển đi lên của đất nước. Quảng Trị hôm nay đang viết tiếp những trang sử vẻ vang trong một tâm thế mới; chặng đường đã qua đầy gian nan, thử thách, nhưng cũng rất đỗi tự hào là hành trang để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Trị vững bước thực hiện công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển.

Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Trị Ngô Quang Chiến cho biết, nhằm chuyển tải những thông tin về lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh nhà từ xưa đến nay, những năm tháng hào hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và sự hồi sinh mãnh liệt của mảnh đất và con người nơi đây, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ tổ chức Triển lãm “Quảng Trị - Dấu ấn lịch sử qua tài liệu lữu trữ” nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Quảng Trị 1/5 (1972 - 2022), 60 năm thành lập Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (1962-2022).

Theo ông Chiến, triển lãm sẽ trưng bày, giới thiệu khoảng 250 tài liệu lưu trữ quý hiếm, gồm các khối di sản tư liệu thế giới Châu bản, Mộc bản Triều Nguyễn; tài liệu hành chính, bản đồ, họa đồ, hình ảnh thuộc Phòng Lưu trữ Nhà nước Việt Nam; các hình ảnh, tư liệu quý do các cơ quan, ban, ngành của tỉnh Quảng Trị sưu tầm, bảo quản. Nội dung triển lãm được chia làm 3 phần, gồm: Những dấu mốc lịch sử về địa giới hành chính của tỉnh Quảng Trị qua các thời kỳ; Quảng Trị - Những dấu mốc lịch sử trong kháng chiến bảo vệ Tổ quốc; Quảng Trị - xây dựng và phát triển.

“Trong số này, có nhiều tài liệu rất hiếm, lần đầu tiên được đưa ra để giới thiệu đến đông đảo công chúng. Nhằm giới thiệu về lịch sử vùng đất Quảng Trị qua những lần thay đổi tên gọi, địa giới hành chính; lịch sử đấu tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất và quá trình phát triển, hội nhập của tỉnh sau khi đất nước ngừng tiếng bom, bước sang trang sử hòa bình”, ông Ngô Quang Chiến thông tin thêm.

Thời gian trưng bày Triển lãm “Quảng Trị - Dấu ấn lịch sử qua tài liệu lưu trữ” diễn ra từ ngày 28/4 đến hết ngày 2/5/2022 tại Trung tâm Văn hóa  - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị.

Thông qua triển lãm, hy vọng rằng, những tài liệu và hình ảnh được lựa chọn tại đây sẽ góp phần giúp công chúng hiểu hơn về lịch sử hình thành, công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do và bảo vệ, xây dựng đất nước của Nhân dân Quảng Trị anh hùng.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Diễn đàn Trí thức trẻ, thanh niên khởi nghiệp tỉnh Quảng Trị năm 2022

Minh Đức |

Ngày 27/4, tại TP.Đông Hà, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Quảng Trị tổ chức Diễn đàn Trí thức trẻ, thanh niên khởi nghiệp tỉnh Quảng Trị năm 2022. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng; Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Lê Thị Lan Hương tham dự diễn đàn.

Trao giải thưởng cuộc thi tìm hiểu 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị

Nhơn Bốn |

Ngày 27/4, tại TP. Đông Hà, Trung ương Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam tổ chức lễ tổng kết hoạt động “Về nguồn” và trao giải thưởng cuộc thi tìm hiểu 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị 1/5 (1972 - 2022)”. UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Quang Tùng; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đào Mạnh Hùng; Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Lê Thị Lan Hương; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam dự lễ.

Triệu Phong tạo “vòng cung lửa”, góp sức bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị

Đan Tâm |

Sau khi hai huyện Cam Lộ, Gio Linh được giải phóng vào ngày 2/4/1972, đồng bào, cán bộ, chiến sĩ huyện Triệu Phong rất phấn khởi, tin tưởng, mong đợi ngày rũ tung xiềng xích cũng sẽ đến rất gần với quê hương mình. Quân dân Triệu Phong bước vào trận chiến đấu mới với khí thế mới, sức mạnh mới, các đơn vị đã sẵn sàng ở vị trí xuất kích. Tất cả đều biết rằng cuộc chiến đấu sắp tới sẽ diễn ra quyết liệt, nhiều hy sinh, thử thách, nhưng quân dân Triệu Phong vẫn quyết tâm đánh địch, giải phóng quê hương.

Khai mạc Giải Bóng đá thanh niên ngành Ngân hàng Quảng Trị năm 2022

Minh Đức |

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị 1/5 (1972-2022), 71 năm Ngày thành lập Ngân hàng Việt Nam 6/5 (1951-2022), chiều nay 26/4, tại TP.Đông Hà, Đoàn thanh niên Ngân hàng Nhà nước tỉnh tổ chức khai mạc Giải Bóng đá thanh niên ngành Ngân hàng Quảng Trị năm 2022.