Cuộc chiến bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 thấm thoắt đã 50 năm! Với quãng thời gian nửa thế kỷ, nhiều câu chuyện đầy ấn tượng về những người lính chiến đấu anh dũng, hy sinh trong cuộc chiến khốc liệt bảo vệ cổ thành Quảng Trị đã được truyền kể nhưng vẫn chưa thể hết những gì mà các chiến sỹ từng phơi gan đồng, dạ sắt trong từng ngày, từng giờ đối mặt với bão lửa, mưa bom trên từng tấc đất cổ thành bầm đỏ máu xương.
Xuyên suốt những câu chuyện đó, là đau đáu một câu hỏi của không ít người: Những người lính và những người đương thời lúc đó nghĩ gì giữa thời khắc sống chết cận kề trong cuộc chiến khốc liệt đó với mục tiêu duy nhất phải chiến thắng?
Trong cuốn sách "Những di thư Thành Cổ" này, chỉ xin dẫn lại một số trong nhiều bức thư của những người thân gửi từ hậu phương được những người lính đọc và giữ bên mình như một phần cơm ăn, nước uống, khí thở trong những ngày chiến đấu đối mặt với cái chết đến vào từng khắc, từng giờ. Đặc biệt là những bức thư, thậm chí là những đoạn thư của người lính viết vội trước và trong những thời khắc nghẹt thở của cuộc chiến gửi cho gia đình ở hậu phương. Trong đó, có một vài bức thư kịp gửi vội cho những đồng đội bị thương chuyển về phía sau may mắn đến tay người thân ở hậu phương, một vài bức thư chưa kịp gửi, sau này được tìm thấy cùng xương cốt liệt sỹ… Tất cả trở thành những bức di thư thấm bầm máu thịt, như còn ấm nóng hơi thở của những người ngã xuống trong thời khắc sinh tử, trở thành một trong những thông điệp viết bằng lửa truyền đến mai sau.
Rất tiếc, trong một thời gian ngắn dành cho việc kêu gọi, thuyết phục những cựu chiến binh, đặc biệt là thân nhân liệt sỹ hiểu và tự nguyện gửi những bức di thư được gia đình lưu giữ như kỷ vật vô giá, nên số lượng thư nhận được không nhiều. Song may mắn, với số lượng thư không nhiều đó lại góp đủ những tâm trạng, suy nghĩ của những người viết, từ chiến sỹ, đến chỉ huy, từ những người lính gốc nông dân, đến những sinh viên từ giảng đường với ngôn ngữ, văn phong mộc mạc, chân quê nhưng ngời sáng niềm tin vào chiến thắng, và chính niềm tin đó đã giúp họ chiến đấu một cách xả thân, dù biết cái chết đến từng ngày, từng giờ.
Đó là lời được nhắc đi nhắc lại đến mấy lần Thôi nhé mẹ đừng buồn… con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau! màLiệt sỹ Lê Văn Huỳnh viết vào tháng 9/1972 trước ngày anh xác định “đi nghiên cứu bí mật của lòng đất” - Một cách diễn đạt thay cho hai từ “hy sinh” với tâm thế bình thản đón nhận cái chết của người chiến sĩ gốc nông dân quê lúa Thái Bình. Người đời có thể ngạc nhiên với những chỉ dẫn của chính Liệt sĩ về nơi mình sẽ nằm lại… coi đó là một bức thư thiêng, nhưng chính sự mộc mạc mà chỉn chu của những lời viết trong bức thư thực sự cho thấy sự lớn lao của tâm thế người chiến sĩ bảo vệ Thành Cổ.
Hoặc như dòng cuối bức thư gửi cho gia đình của Liệt sĩ Trần Kim Chiến (quê xã Thanh Tân, Kiến Xương, Thái Bình) viết gửi giữa cuộc chiến bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị 1972 như một dự báo về sự hy sinh của mình với câu tái bút cuối bức thư: Nhận được thư con thày tạm đừng gửi thư cho con nhé!
Để rồi 4 tháng sau (11/1972) anh đã hy sinh tại làng Lệ Xuyên, Triệu Trạch, Triệu Phong trong khi cùng đơn vị chốt chặn địch lấn chiếm vùng giải phóng thuộc phía đông cổ thành Quảng Trị. Và điều trùng hợp xót xa, cùng thời điểm đó, người anh trai kề Liệt sĩ Trần Kim Chiến là Trần Khắc Suất cũng đã hy sinh anh dũng trong một trận đánh tại tỉnh Bình Long (Nam Bộ).
Và bên cạnh những người lính cầm súng trực tiếp chiến đấu, nhà báo Đoàn Công Tính trong vai trò của một phóng viên chiến trường với tay súng, tay máy. Sau những ngày đội bom, hứng đạn cùng các chiến sỹ, những cuộn phim được anh gói ghém cẩn thận kèm theo bức thư ngắn để đời, gói kèm bọc phim nhựa chưa kịp tráng với vỏn vẹn 41 chữ:
Tôi là Đoàn Công Tính, phóng viên báo Quân đội nhân dân. Nếu tôi hi sinh, xin mang hộ những cuộn phim này về giao cho tòa soạn báo Quân đội nhân dân ở số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội.
Vâng, một bức thư ngắn, ngắn đến không thể ngắn hơn một chú thích của một bức ảnh, nhưng lại thẫm màu lời di chúc của những người lính trên trận tuyến chiến đấu. Bình thản dự báo về cái chết hoàn toàn có thể đến với mình, nhưng vượt lên mọi sợ hãi, nuối tiếc cuộc sống, là ý thức về nhiệm vụ chiến đấu được giao. Trong trường hợp này, đó là ý thức của một nhà báo chiến sĩ trên vị trí phóng viên chiến trường với nhiệm vụ bám sát, ghi nhận những hình ảnh chân thực, sống động về cuộc chiến đấu của những chiến sĩ quân giải phóng trên tuyến chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 mà đích đến là những hình ảnh đó được trải phơi trên mặt báo như một chiến công góp vào chiến công chung của đồng bào chiến sĩ.
Có nhiều những bức thư, dòng thư như vậy, song ấn tượng nhất khi nhập tâm, dốc sức hình thành cuốn sách “Những di thư Thành Cổ”, đó là những bức thư và câu chuyện liên quan đến Liệt sĩ Lê Binh Chủng mà tôi có cơ duyên được tiếp cận và ghi chép ngay từ khi tìm thấy và đưa hài cốt Liệt sĩ Lê Binh Chủng cùng 4 chiến sĩ của anh từ cái hầm bị bom vùi thành mồ chôn sống 5 người lính tại chân Thành Cổ Quảng Trị.
Theo anh em trực tiếp đưa những di cốt Liệt sĩ từ hầm chôn lên, ngoài 4 di cốt được phát hiện trong tư thế nằm ngay ngắn như được những người còn sống lúc đó gói đặt, di cốt của Liệt sĩ Lê Binh Chủng được phát hiện trong tư thế ngồi tựa vào vách hầm, khung xương tay ôm chặt chiếc xắc cốt, bên trong xắc là một bọc nhựa, trong đó gói một cuốn sổ tay Đảng viên, ba lá thư và một cuốn nhật ký ghi chép công việc hàng ngày của đại úy Lê Binh Chủng, quê ở Quỳnh Lưu, Nghệ An, đang là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 3 bộ đội địa phương Quảng Trị. Rất có thể đây là người cuối cùng trong số 5 người hy sinh trong căn hầm bị bom vùi lấp như chôn sống. Sau khi thận trọng gỡ, tách từng trang giấy còn ẩm hơi đất, những người có mặt đọc vội nội dung để phân loại từng trang chữ trong số thư, sổ tay, nhật ký tìm thấy sau 28 năm nằm sâu trong lòng đất, trải qua bao mùa lũ lụt, ngập úng, trong tình trạng trộn trong sự phân rã của di hài 5 người lính, đã dính bết vào nhau, nên khó khăn lắm mọi người mới tách ra được một số trang thư và những trang cuốn nhật ký để đọc.
Cũng như những cuốn nhật ký công tác thông thường của những cán bộ chỉ huy dùng để ghi chép công việc hàng ngày, phần đầu cuốn sổ là những thông tin về hoạt động của đơn vị... nhưng đến những trang cuối, bất ngờ lại được ghi thành nhật ký cá nhân mà qua nội dung, người đọc có thể hình dung những điều diễn ra trong những ngày cuối cùng của cuộc đời những người lính bị “chôn sống” trong căn hầm nhỏ dưới chân Thành Cổ.
Đó là một chiều mưa dầm đầu tháng tám năm 1972, một trái bom lớn từ chiếc AD6 của địch đã làm sập hẳn một góc tường thành. Những khối gạch lớn của bức tường đã vùi sâu chiếc hầm của 5 người lính. Tình thế ngặt nghèo, người trong hầm có thể nghe rõ tiếng đồng đội mình í ới gọi tìm đồng đội từ bên ngoài, nhưng những đồng đội từ bên ngoài đó không thể nghe những tiếng gọi cấp cứu của đồng đội trong hầm. Cuộc kiếm tìm đồng đội rồi cũng kết thúc khi bị cuốn theo từng đợt chiến đấu giằng co với những đợt quân địch liều lĩnh cố xâm nhập đánh chiếm Thành Cổ. Những người lính từng biết và cố tìm đồng đội đó cũng lần lượt hy sinh trong từng trận đánh tiếp theo. Năm người lính rồi cũng nhận thức được tình thế vô vọng của mình, đành ngồi đếm trừ từng thời khắc còn lại của cuộc đời dưới căn hầm đã trở thành nấm mồ chung. Cứ vậy, những người lính lả dần trong đói khát, thiếu dưỡng khí, lần lượt trút hơi thở cuối cùng trên tay người đồng đội cũng đang lả dần vì kiệt sức. Vậy nhưng như một định mệnh tất yếu của người chỉ huy, tiểu đoàn phó Lê Binh Chủng lại là người hy sinh sau cùng sau những lần vuốt mắt, sắp đặt tư thế nằm cho 4 người đồng đội của mình và ghi lại những gì diễn ra của cả năm con người trong năm ngày cuối cùng.
Không cơm ăn, nước uống, khí thở bị quánh đặc mùi tử khí… Nguồn sinh lực duy nhất giúp anh phải sống cho đến tận cùng công việc có thể của người chỉ huy trong nghiệt cảnh đó với đồng đội của mình lại chính là những bức thư của vợ anh gửi từ hậu phương mà anh nhận trước đó. Và diệu kỳ thay, những lá thư nồng nàn tình yêu thương và đầy nhiệt huyết cách mạng của người vợ, vốn là nguồn động viên anh khi còn sống, trong hoàn cảnh nghiệt ngã này lại trở thành động lực, là sinh khí giúp anh sống tiếp từng ngày cuối đời. Vậy nhưng cũng như ý thức tiết kiệm chút nguồn sáng của chiếc đèn pin đang yếu dần, Mỗi ngày Lê Binh Chủng chỉ tự cho phép mình đọc dè dặt từng đoạn trong bức thư. Cứ vậy, những lời yêu thương được người lính nhấm nháp, tùng tiệm đủ để nuôi sống anh từng giờ cho đến ngày mai. Cứ thế, đã có năm ngày mai như vậy được Lê Binh Chủng nhận biết qua kim giờ chiếc đồng hồ trên tay anh. Và cho đến ngày mai thứ 5, chừng biết mình không thể sống tiếp, trong ánh sáng lịm dần từ chiếc đèn pin sắp cạn kiệt nguồn, Lê Binh Chủng viết vội những dòng cuối cùng vào trang cuối sổ tay rồi gói chặt toàn bộ giấy tờ, tài liệu và những trang thư vào bọc ni lông, bỏ vào chiếc xắc cốt ôm chặt vào lòng rồi ngồi tựa vào vách hầm. Rất có thể anh đã trút hơi thở cuối cùng vào khoảng thời gian không lâu sau đó của “ngày mai” thứ 5 - đó là ngày 7/8/1972, đúng 5 ngày sau khi anh và các đồng đội của mình bị chôn sống trong hầm mộ. Vĩnh viễn anh không thể biết rằng, ngày anh và 4 đồng đội hy sinh lại được ghi trong giấy báo tử gửi về địa phương là ngày 3/8/1972, trong khi anh trút hơi thở cuối cùng vào 5 ngày sau đó. Và cũng phải mất 28 năm sau, tháng 5/1999, tình cơ khi thi công đường ống dẫn nước cho khu bảo tàng Thành Cổ, những công nhân tham gia thi công đã vô tình phát hiện căn hầm nơi lưu giữ di hài và những điều diễn ra trong những thời khắc cuối đời của 5 người lính. Tiếc thay, một phần do bị chôn sâu trong lòng hầm ẩm ướt quá lâu, số tài liệu, những trang thư, trang nhật ký dính bết vào nhau, khi mở ra chữ mất, chữ còn. Càng tiếc và xót xa hơn, ngay sau đó, khi Quảng Trị cùng với miền Trung ngập chìm trong đại hồng thủy, tháng 11/1999, những trang thư, nhật ký đó cùng với hiện vật được lưu giữ trong bảo tàng Thành Cổ đã bị nước lũ hủy hoại thêm, chỉ còn nhận dạng ra được mấy trang, trong số những trang mà chúng tôi đã từng tiếp xúc, đọc vội ngay từ khi được đưa cùng hài cốt các đồng đội lên khỏi mặt đất trong cái ngày đặc biệt mà tôi không bao giờ quên.
Trong cuốn sách ấp ủ vào thời điểm 50 năm sau cuộc chiến bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972, xin được dẫn ra những đoạn mà tôi còn nhớ, cùng bản chép thư từ những bức ảnh mà tôi đã viết thành bài trong chuyên mục “Những bức thư thời cứu nước” in trên báo Tuổi Trẻ mà tôi còn lưu giữ.
Đó là những khúc đoạn chữ rõ, chữ nhòe mờ được ghi chắp nối thành nhật ký cuối đời của Liệt sĩ Lê Binh Chủng:
(Trang…) Hôm nay, hình như là ngày thứ hai cả mấy anh em bị vùi trong hầm. Vẫn nghe rõ tiếng anh em mình bên ngoài gọi nhau… nhưng trong hầm dù đã cố gọi to nhưng không ai bên ngoài nghe thấy...
(Trang…) Thêm một ngày bị vùi lấp, may còn chiếc đèn pin, thỉnh thoảng bấm lên ghi vội tình cảnh của mấy anh em… rồi lấy thư của Khơi ra đọc… cũng chẳng giám đọc hết một lần, vừa tiết kiệm pin, vừa phải đọc dè để còn có cái mà đọc trong những ngày mình còn sống…
(Trang…) Hôm nay, chiến sỹ thứ tư cùng bị vùi trong hầm đã lại hy sinh sau khi cùng mình chứng kiến ba anh em trước đó lần lượt hy sinh… còn lại một mình, chiếc đèn cũng yếu dần chắc do pin đã cạn,... đành cố gắng đọc nốt phần còn lại trong thư của Khơi rồi phải gói cất vào bọc chờ đến lượt mình...
Thêm một đoạn khác, thực chất như là thư của Liệt sĩ viết trong những ngày cầm chắc cái chết, nhưng chưa và không kịp gửi cho người vợ và con ở hậu phương:
Em biển Khơi... Anh ra đi, nếu có hy sinh tính mạng cho Tổ quốc, thì em cũng phải can đảm, bớt đau khổ, đừng khóc lóc buồn nản… Đó là lẽ dĩ nhiên trong cuộc sống của người lính chiến đấu. Nếu anh có chết thì em nhớ nói cho con nghe về người cha của nó mà nó chưa bao giờ nhìn thấy... Em cố gắng giữ bức thư này cho đến ngày thống nhất, nếu anh còn về với mẹ con em. Nếu không, bức thư này em sẽ giữ nó mãi mãi cho tới khi con khôn lớn, em sẽ trao lại cho con!
Cùng với những trang nhật ký, là hai bức thư của chị Phan Thị Biển Khơi viết bằng những lời mộc mạc, chan chứ yêu thương được tìm thấy cùng di cốt của Liệt sĩ Lê Binh Chủng, đã trở thành kỷ vật vô giá không chỉ được trưng bày trong Bảo tàng Thành Cổ Quảng Trị, mà còn là những di thư viết nên nhân cách sống bình dị mà cao đẹp của một trong những người một thời tự nguyện chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc, mà không gian cụ thể đó chính là một khúc đoạn khốc liệt của chiến dịch 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ cổ thành Quảng Trị 1972!
Bức thư thứ nhất của chị Phan Thị Biển Khơi gửi cho chồng là Lê Binh Chủng năm 1972:
Đồng Trạch ngày 20/01/1972
Anh Binh Chủng thương yêu của Mẹ con em…
…Nhiều đêm em đã khóc khi con nó gọi ba, mạ… Thương con còn nhỏ đã thiếu tình cảm. Nhưng lớn lên nó sẽ tự hào vì có người cha trong hàng ngũ chiến sỹ quân giải phóng miền Nam. Cả em và anh cùng nhau thi đua công tác, làm sao thật xứng đáng với lòng tin của Đảng, lòng mong muốn của nhân dân. Và em báo tin cho anh rõ là: với tình hình khẩn trương, xã ta sơ tán người từ 1 đến 15 tuổi. Thằng An nhà ta cũng trong diện đi. Đã chuẩn bị sẵn, nó sẽ đi với bà ngoại. Còn em sẽ ở lại chiến đấu bảo vệ làng. Khi nghe chắc anh cũng thương con nhưng biết làm sao được. Vì nó đi để bảo vệ hạnh phúc cho ta sau này anh ạ. Còn em ở lại tình nguyện bám đất, quyết thi đua với anh ở tiền tuyến. Khi nước nhà thống nhất, chúng ta gặp nhau đều là những người cộng sản đỏ. À quên mất, về tình hình sức khỏe gia đình ta đều khỏe cả. Em và con đều khỏe hơn trước nhiều…
…Thôi đêm đã khuya hung rồi. Xin phép anh tạm dừng bút. Thành tâm chúc anh khỏe và hoàn thành mọi nhiệm vụ.
Mẹ con gửi anh cái hôn độc nhất
Em
Biển Khơi
Bức thư thứ 2:
Đồng Cao, ngày 15/5/1972
Anh Binh Chủng thương yêu của mẹ con em!
Cầm bút biên thư cho anh trong lúc chiến trường Trị Thiên đang thắng to. Tin vui bay về hậu phương làm cho mọi người dân lòng đầy sung sướng. Tự hào thay trong hàng ngũ những người chiến thắng đó có anh, người mà em gửi gắm bao niềm thương nỗi nhớ.
Anh thương yêu!
Ba bốn chục năm nay, lòng người bao mong muốn hướng về miền Nam thân yêu, về Trị Thiên ruột thịt. Hôm nay trên chiến trường Trị Thiên đã vang lên tiếng cười của những người dân từng mất nước. Được trở lại, chắc lúc này anh vui lắm.
Vì cuộc chiến không ranh giới, sống với chết bất thường, mấy ai nói trước được. Mấy hôm nay em cứ tự hỏi, không biết gian khổ, ác liệt, không biết có làm sức khỏe anh có giảm đi tí nào không? Báo tin cho mẹ con em biết với nha. Đã lâu bận việc hay sao mà anh ít biên thư thế hở anh? Anh tranh thủ biên thư về kẻo mẹ con em mong lắm. Còn tình hình gia đình ta nói chung đều khoẻ, không ai đau ốm gì. Riêng em và con đều khỏe. Con nó đã bỏ bú, ăn cơm sẵn cá nên dạo này nó khỏe hơn trước nhiều anh ạ.
Tình hình mùa màng năm nay lúa tốt lắm. Có thể nói từ trước tới nay chưa từng có. Đã bước vào thu hoạch mùa rồi, bận lắm! Mọi người vừa thu hoạch vừa huấn luyện quân sự để sẵn sàng đối phó với kẻ thù. Còn tình hình máy bay thì chúng cứ oanh tạc luôn, thường xuyên phải ngủ hầm. Gần đây chúng còn bắn vào làng và giữa đồng, nhưng chỉ có một chị bị chết, còn an toàn cả.
Cầu Lý Hòa bị cắt xe đến nay vẫn chưa qua được. Tình hình hầm hào ở nhà vẫn tương đối và chắc lắm! Ngoài đồng đi gặt vẫn có hầm trú ẩn. Báo tin thế để anh biết.
Còn bao chuyện rất muốn nói với anh, nhưng khuya quá, em tạm dừng bút để ngủ, mai còn phải dậy sớm lúc ba giờ đi gặt nữa.
Cuối thư, kính chúc anh khoẻ mãi, vui, công tác tốt, chiến đấu hăng, an toàn, đó là điều mong muốn duy nhất của em và con.
Gửi lời thăm các anh trong đơn vị, lời thăm sức khỏe.
Em gửi tới anh cái hôn trìu mến,
Em: Biển Khơi.
Còn nữa, những điều viết trong những bức di thư đã và đang được Nhà xuất bản Trẻ hoàn tất để kịp xuất bản như một món quà tặng đặc biệt cho bạn đọc trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Quảng Trị (1972 - 2022) và 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị (1972 - 2022). Cùng với nhiều những câu chuyện sống và chiến đấu của những người lính giải phóng quân một thời hoa lửa đó đã và đang được gợi kể, cuốn sách nguyên bản "Những di thư Thành Cổ" này, sẽ thêm một góc nhìn để hiểu về tâm thế những người chiến sĩ bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị 1972. Họ là những con người bằng xương, bằng thịt, chân chất chân quê, đã chiến đấu hết mình với niềm tin vào thắng lợi cuối cùng với mục tiêu giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Cựu chiến binh Lê Bá Dương thả hoa tưởng niệm trên sông Thạch Hãn - TL
(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)