Những người “gánh” gia đình trên vai

Hoài Diễm Chi |

Từ lâu, trên mọi nẻo đường từ thành thị đến nông thôn, chúng ta thường bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ với đôi quang gánh hay chiếc xe đạp, xe đẩy bán hàng rong ruổi mưu sinh. 

Những thức quà vặt, xôi, bánh và rau củ quả, cả thức ăn tươi sống được người bán mang đi qua từng ngõ ngách cùng tiếng rao như chưa bao giờ mệt mỏi. Đằng sau mỗi gánh hàng rong ấy là mỗi phận đời nhọc nhằn cùng bao nỗi lo toan. Họ gánh trên vai miếng cơm manh áo và tương lai của cả gia đình...

Chiều muộn, chúng tôi gặp bà Lê Thị Ái rong ruổi với đôi quang gánh đi trên con đường Trần Hưng Đạo, thị xã Quảng Trị (Quảng Trị). Chuyện trò mới biết chỉ với gánh bánh lọc, bánh nậm đơn sơ, người phụ nữ này đã một mình nuôi 4 đứa con ăn học, trưởng thành.

Bà Ái sống ở Khu phố 1, Phường 1, thị xã Quảng Trị. Ở tuổi 64 nhưng thoạt nhìn cứ nghĩ bà đã ngoài 70. Hằng ngày, bà gánh bánh lọc, bánh nậm, bánh ram ít đi dọc những vỉa hè, hàng quán để bán rong. Tầm gần trưa, bà Ái đến một góc ở chợ thị xã Quảng Trị xin ngồi nhờ để bán hết số bánh còn lại. Buổi trưa, bà quảy gánh trở về nhà nghỉ ngơi chốc lát rồi tiếp tục làm bánh, hấp bánh để sau 2 giờ chiều lại đi bán tiếp.

Bà Hoàng Thị Tâm đã có 37 năm rong ruổi bán hàng khắp mọi nẻo đường -Ảnh: M.Đ
Bà Hoàng Thị Tâm đã có 37 năm rong ruổi bán hàng khắp mọi nẻo đường -Ảnh: M.Đ
Theo lời kể của bà, hôm nào khách đông, bán hết hàng thì lãi khoảng chừng 70-90 ngàn đồng. Còn những hôm trời mưa, bánh bán ế thì có khi chỉ hòa vốn. Chồng mất sớm khi đứa con gái út chỉ mới 4 tuổi. Một mình bà Ái với gánh bánh lọc, bánh nậm, bánh ít tần tảo chắt chiu nuôi cả 4 người con ăn học, có nghề nghiệp ổn định.

“Nghề làm bánh được bà ngoại truyền lại cho tôi từ thuở còn niên thiếu, rồi theo gánh hàng rong theo tôi mấy chục năm nay. Nay cả 4 người con đều có công việc ổn định và lập gia đình nhưng tôi không muốn phiền đến con cháu nên vẫn tiếp tục buôn bán”, bà Ái chia sẻ.

Với những người phụ nữ bán hàng rong, các món hàng tuy giá trị không cao nhưng đối với họ đó là cả một tài sản để nuôi sống gia đình. Những bước chân ngày ngày đi qua biết bao con phố, vất vả là thế nhưng cũng không thiếu niềm vui bởi xung quanh luôn có sự quan tâm, ủng hộ của khách hàng.

Có dịp làm quen với chị Phạm Thị Loan (55 tuổi), ở Khu phố 4, phường Đông Lễ, TP. Đông Hà, chúng tôi càng thấu hiểu thêm về nỗi vất vả, cơ cực của người phụ nữ khi mưu sinh “lưu động” để tích cóp nuôi con ăn học. Cuộc đời chị Loan trải qua nhiều điều không may mắn, dẫu vậy, vì tương lai của các con, chị phải cố gắng bươn chải để kiếm tiền.

Chồng mất khi con còn rất nhỏ, phải là một người phụ nữ rất mạnh mẽ, chịu thương chịu khó thì chị Loan mới có thể một mình vừa gồng gánh kinh tế gia đình, vừa làm chỗ dựa tinh thần, nuôi dạy hai đứa con trai ngoan ngoãn, biết cố gắng học hành. Gắn bó với công việc bán hàng rong ngót 30 năm nay, chị Loan có khá nhiều khách quen và thường xuyên được khách gọi đặt hàng mang đến tận nhà.

Từ khi trời chưa hửng sáng, chị Loan đã ra chợ trung tâm TP. Đông Hà để lựa chọn thực phẩm chuẩn bị cho chuyến bán hàng “lưu động” của mình.

Chị kể, trước đây chị gánh đi bộ cả chục năm, rồi tích cóp mua được chiếc xe đạp, thêm 15 năm đạp xe bán thức ăn khắp các ngõ hẻm thành phố, chị mới có một chiếc xe máy cũ để đi bán thuận tiện hơn, chở được nhiều hàng hơn.

Chiếc xe cũ của chị Loan trông như một cửa hàng thu nhỏ, bởi trên đó có đầy đủ các “đồ nghề” như dao, thớt, cân, túi nilon... để đựng hàng cho khách và hai chiếc sọt bỏ hàng. Dẫu vất vả nắng mưa và đôi vai nặng gánh mưu sinh nhưng nụ cười hồn hậu lúc nào cũng xuất hiện trên khuôn mặt sạm đen, khắc khổ của chị.

Chị nói: “Nghề này dù có suốt ngày ngoài đường vất vả nhưng tôi vẫn thấy vui vì mình được đi khắp các con đường lớn nhỏ trong thành phố, gặp được nhiều người và quan trọng là có thu nhập để trang trải cuộc sống. Nếu có điều ước, tôi chỉ mong mỗi ngày bán hết hàng, có lãi để tiếp tục sống tốt cho ngày mai là vui rồi”.

Cũng làm nghề bán hàng rong, bà Hoàng Thị Tâm (sinh năm 1962) ở khu vực 3 Nhan Biều, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, vất vả hơn vì phải đi xa từ quê lên phố. Mỗi ngày khi trời mới tờ mờ sáng, bà đã quảy đôi quang gánh chất đầy các loại hoa quả của nhà trồng được, thêm ít bánh, đồ ăn vặt lấy ở chợ đầu mối rồi bắt xe khách ra TP. Đông Hà để gánh đi bán rong.

Bà kể: “Gia đình tôi thuần nông, kinh tế không mấy dư dả, lại phải nuôi 3 con ăn học nên khá vất vả. Để có thêm nguồn thu, tôi trồng rau, củ quả sạch và gom thêm hàng ở chợ quê gánh ra thành phố bán. Có những hôm mệt, tưởng như không gánh hàng đi nổi nhưng cứ nghĩ đến các con là tôi như có thêm động lực”.

Suốt 37 năm qua, gánh hàng bé nhỏ của bà Tâm đã nuôi lớn 3 người con. Con trai cả của bà hiện là giáo viên tại tỉnh Quảng Ngãi, con gái thứ hai tốt nghiệp Cao đẳng ngành kế toán và con trai út hiện đang học năm thứ 4 Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng.

Điều hạnh phúc nhất của bà là các con đều rất chăm ngoan, học giỏi và có hiếu với cha mẹ. Rảo bước khắp các con đường để bán hàng, dù đã có đủ áo mưa, mũ nón, khẩu trang nhưng khi dừng lại, đôi vai bà cũng run lên vì lạnh. Bà Tâm kể, trời mùa mưa, hoa quả bán được ít nên phải lấy thêm bánh chưng, giò chả, đồ ăn vặt bán thêm. Trừ đi tiền xe khách từ Triệu Phong ra TP. Đông Hà, hôm nào bán hết hàng thì bà kiếm được khoảng 100 ngàn đồng.

Nhiều hôm bán không hết, đồ ăn vặt dính nước mưa ướt không bán tiếp vào hôm sau được thì lỗ vốn. Bởi vậy nhiều khi bà bất chấp cả nắng gắt hay mưa lạnh, gánh hàng đi khắp các ngõ hẻm, rao to hơn để mong sớm bán hết hàng.

Mỗi người một câu chuyện, mỗi hoàn cảnh nhưng những người phụ nữ trên đều có một điểm chung là chịu thương chịu khó, chọn “buôn gánh bán bưng” làm kế sinh nhai. Với những người phụ nữ bán hàng rong, mong muốn của họ chỉ đơn giản là bán hết được gánh hàng để có thêm thu nhập và sớm trở về nhà quây quần bên mâm cơm gia đình cùng chồng con.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Những tấm gương điển hình trong công tác hội phụ nữ

Thanh Lê |

Họ là những cán bộ cơ sở mẫu mực, tâm huyết với công tác hội, góp phần đưa phong trào phụ nữ đạt được nhiều thành tích đáng tự hào, xứng đáng là tấm gương điển hình, là những “bông hoa” đẹp trong công tác hội và phong trào phụ nữ tại địa phương. Họ đại diện cho 125 chủ tịch hội cơ sở trên địa bàn tỉnh tham dự hội nghị toàn quốc lần thứ III tại Hà Nội.

Quảng Trị có 4 đại biểu được vinh danh chủ tịch hội phụ nữ cơ sở giỏi toàn quốc

Thu Thảo |

Ngày 19/10, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức Chương trình biểu dương Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở giỏi toàn quốc năm 2023 với chủ đề “Những bông hoa tháng 10”. 

Đẩy mạnh hoạt động thể dục - thể thao trong cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Gio Linh

Hoài Diễm Chi |

Thời gian qua, phong trào thể dục- thể thao (TDTT) phát triển khá sâu rộng trong các cấp hội và cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện Gio Linh (Quảng Trị).


Chuyện về người phụ nữ khuyết tật đóng phim ngày ấy…

Nguyễn Ngọc Chiến |

Nơi góc phố Đông Hà, cạnh một trường tiểu học, mới sáng ra người ta đã thấy một người phụ nữ thường có mặt rất sớm ngày ngày bán hàng ăn cho các em học sinh