Niềm hạnh phúc đoàn tụ

Tú Linh |

Hành trình hơn 30 năm đi tìm hài cốt liệt sĩ là ba ruột và ba chồng của chị Đỗ Thị Vinh đầy gian nan, vất vả nhưng lại có một kết thúc có hậu. Câu chuyện hiếu nghĩa của chị được nhiều người biết đến và không khỏi thán phục. Không những tìm được hài cốt ba, chị còn ngược ra Bắc tìm gốc gác, máu mủ của mình để gia đình được sum họp đủ đầy.

“Dù con trai hay con gái đều đặt tên Vinh”

Dọc đường vào nhà chị Đỗ Thị Vinh (sinh năm 1968), ở Khu phố 1, Phường 2, thị xã Quảng Trị, những cành phượng đã bắt đầu bung mắt, chờ đợi tiết trời thuận lợi để đơm hoa. Vừa đón chúng tôi, chị vừa nghe điện thoại của người chú ruột từ miền Bắc hỏi thăm sức khỏe cô cháu gái. Chị Vinh xúc động chia sẻ về câu chuyện của mình - một đứa trẻ sớm mồ côi ba từ trong bụng mẹ.

Chiến trường Quảng Trị từ những năm 1966 trở về sau luôn diễn ra ác liệt, lực lượng bộ đội chính quy và địa phương liên tục tấn công địch để nắm thế chủ động. Năm 1966, chiến sĩ Đỗ Hữu Nhân vừa tốt nghiệp Trường Sĩ quan kỹ thuật quân sự Hà Tây (nay là Hà Nội) đã xung phong vào miền Nam, hoạt động tại địa bàn ven biển huyện Triệu Phong. Thời gian này, người sĩ quan trẻ Đỗ Hữu Nhân đem lòng yêu thương cô gái ở làng Hà Tây, xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong là chị Lê Thị Duyền, trong hoàn cảnh hai người cùng tham gia hoạt động cách mạng. Họ hẹn nhau đợi một ngày gần nhất khi tiếng bom, đạn của kẻ thù tạm ngớt thì sẽ báo đơn vị tổ chức lễ chúc phúc cho hai người.

Hàng xóm cảm động khi nghe câu chuyện của chị Vinh -Ảnh: TÚ LINH
Hàng xóm cảm động khi nghe câu chuyện của chị Vinh -Ảnh: TÚ LINH
“Nhưng chiến tranh luôn nghiệt ngã và đau đớn, có đợi chờ đơm hoa, kết trái cho hạnh phúc riêng ai. Ba tôi đã anh dũng hy sinh trong một trận càn của địch vào Thôn 1, xã Triệu Lăng giữa năm 1968. Trước khi mất, ba vẫn chưa biết tình yêu ông gửi lại đang lớn dần trong bụng mẹ tôi”, chị Vinh rưng rưng. Đồng đội chôn vội thi thể ông trong vườn của một gia đình ở Thôn 1. Cũng vào năm đó, bà Duyền có hai người em ruột hy sinh. Nén nỗi đau mất người yêu gần cưới và mất các em, bà Duyền vẫn âm thầm hoạt động cách mạng.

Khoảng gần sáu tháng sau ngày ông Nhân hy sinh, bà Duyền chuyển dạ, sinh ra người con gái đặt tên là Đỗ Thị Vinh. Bà Duyền nhiều lần kể lại với chị Vinh, khi yêu nhau, ba mẹ chị hẹn ước sau này khi sinh đứa con đầu lòng, dù trai hay gái đều đặt tên Vinh, đứa con thứ hai sẽ đặt tên Quang.

Ngày 30/4/1975, đất nước toàn thắng, các gia đình bắt đầu tìm nhau sum họp, chị Vinh hỏi mẹ, ba của con đi bộ đội, ở đâu chưa về? Con gái đã lên 7 nên bà Duyền lúc này nói cho con biết ba chị đã hy sinh từ năm 1968, vẫn chưa tìm ra hài cốt. Chỉ ít lâu sau ngày đất nước hòa bình, mẹ chị Vinh sớm về với tổ tiên ông bà, từ đó chị trở thành đứa trẻ mồ côi ba mẹ. Trước lúc mất, tất cả thông tin về ngày tháng, nơi chồng hy sinh, người giúp chôn cất liệt sĩ Nhân bà đều kể lại cho con gái nghe với hy vọng sau này khôn lớn, chị sẽ cố gắng tìm ra hài cốt người ba thân yêu của mình.

Chiếc răng mạ vàng

Chị Vinh cảm động kể trong khổ đau chị đã may mắn gặp được người chồng luôn yêu thương, thấu hiếu và chia sẻ với chị. Chồng chị là anh Nguyễn Văn Bang (sinh năm 1964), cán bộ huyện Triệu Phong. Có chồng, con luôn động viên, tạo điều kiện nên chị quyết tâm thực hiện ước nguyện đi tìm hài cốt của ba. Năm 2000, chị tìm về những địa điểm, nhân chứng, đồng đội được mẹ kể lại thì may mắn gặp người trực tiếp chôn cất ba chị. Người đồng đội này cho biết đã đưa hài cốt ông Nhân vào Nghĩa trang Liệt sĩ xã Triệu Lăng rồi đánh dấu thứ tự để sau này có duyên sẽ gặp và chỉ cho thân nhân liệt sĩ biết.

Chị Vinh bên di ảnh của ba ruột tại nhà riêng -Ảnh: TÚ LINH
Chị Vinh bên di ảnh của ba ruột tại nhà riêng -Ảnh: TÚ LINH
Chị Vinh gặng hỏi thêm về các đặc điểm của ba mình thì được biết đồng đội của ba khi an táng phát hiện ông có một chiếc răng mạ vàng. Khi còn sống, mẹ chị cũng thường kể phía hàm trái của ba có chiếc răng mạ vàng.

Tìm được hài cốt của ba, chị Vinh rất xúc động. Hạnh phúc như trào dâng nhưng điều chị Vinh vẫn còn băn khoăn là quê quán ba mình ở đâu? Chị Vinh luôn suy nghĩ rằng cây phải có cội, nước phải có nguồn, vì vậy phải tìm cho bằng được quê nội của mình.

Hai năm sau, chị quyết định gửi thư đến Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị trình bày câu chuyện của gia đình mình và đề đạt nguyện vọng muốn tìm ra quê quán liệt sĩ Đỗ Hữu Nhân. Thấu hiểu hoàn cảnh của thân nhân gia đình các liệt sĩ nên chỉ một thời gian ngắn sau, chị Vinh được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị cung cấp đầy đủ địa chỉ, quê quán của liệt sĩ Đỗ Hữu Nhân.

Theo đó, chị Vinh được biết ba mình sinh năm 1935 ở xã Xuân Thượng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Để chắc chắn, chị gửi thư ra UBND xã Xuân Thượng và gia đình thân nhân liệt sĩ Đỗ Hữu Nhân thông báo mình là người phát hiện được phần mộ của liệt sĩ. Lúc này, chị Vinh vẫn chưa cho bà con bên nội biết mình là con gái của liệt sĩ Đỗ Hữu Nhân.

Ba ngày sau khi nhận được thư của chị Vinh, đúng dịp 30/4, gia đình liệt sĩ Nhân lập tức vào Quảng Trị gặp “người báo tin” tìm ra hài cốt con em mình. Đoàn có 4 người đều là em ruột của liệt sĩ Nhân, trong đó có 3 nam, 1 nữ.

Sau khi hỏi thăm về đặc điểm nhận dạng, một người em liệt sĩ nghẹn ngào kể lại: năm 1966, trước khi ông Đỗ Hữu Nhân vào chiến trường Quảng Trị, bố ông Nhân biết trước sau gì con trai mình cũng hy sinh vì chiến tranh lúc đó quá ác liệt nên ông đưa con đến tiệm nhờ mạ vàng vào một chiếc răng ở hàm bên trái để sau này nếu có mệnh hệ gì sẽ dễ nhận dạng.

Cuộc trò chuyện đang diễn ra thì chị Vinh òa khóc nức nở. Một người bà con bên mẹ chị cùng có mặt hôm đó không kìm nén được cảm xúc nên cho đoàn biết chị Vinh chính là người con gái của liệt sĩ Đỗ Hữu Nhân. Khi ông Nhân hy sinh, chị mới 3 tháng tuổi trong bụng mẹ. Cuộc trùng phùng trong hạnh phúc của chị Vinh và gia đình liệt sĩ Đỗ Hữu Nhân diễn ra trong nước mắt và nụ cười hạnh phúc.

Ba ngày sau, chị cùng các cô, chú ra Bắc thăm quê nội của mình. Người chú ruột thay mặt ông bà trao cho chị di ảnh ông Đỗ Hữu Nhân. Lần đầu được gặp ba qua ảnh, chị lần tay trên từng nét mặt của ba mà nước mắt cứ tuôn trào.

Theo lời các chú thì chị rất giống ba. Những ngày ở quê nội là thời gian chị hạnh phúc nhất trong cuộc đời. Từ đây chị biết quê hương, chị không còn luôn sống trong nỗi tủi thân như trước nữa. Chị tự hào được biết ông bà nội có đến 9 người con, người bác đầu hy sinh ở chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, ba của chị là con thứ hai, các cô chú khác đều có công việc đàng hoàng. Từ đó, hằng năm, chị đều sắp xếp công việc, thời gian phù hợp để cùng chồng và các con ra xã Xuân Thượng, huyện Xuân Trường thăm bà con quê nội, thắp hương cho ông bà tổ tiên.

Vào Nam tìm hài cốt ba chồng

Tưởng rằng khi tìm được hài cốt ba, chị Vinh bớt băn khoăn hơn. Vậy nhưng chị vẫn còn nỗi day dứt vì ba chồng chị là liệt sĩ Nguyễn Đức (sinh năm 1936), Thôn 4, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, tham gia hoạt động cách mạng, bị địch bắt giam ở nhà tù Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, thời điểm đó vẫn chưa biết hài cốt đang ở đâu. Do bị địch đánh đập dã man nên ông Đức hy sinh vào ngày 19/3/1969, trước sự chứng kiến của người em ruột Nguyễn Thanh Bình cùng bị địch bắt giam ở nhà tù Phú Quốc.

Chị Đỗ Thị Vinh hạnh phúc vì đã thực hiện được tâm nguyện lớn của cuộc đời mình -Ảnh: TÚ LINH
Chị Đỗ Thị Vinh hạnh phúc vì đã thực hiện được tâm nguyện lớn của cuộc đời mình -Ảnh: TÚ LINH
Chị kể, nhiều đêm nằm nhìn chồng mà thương như đứt từng khúc ruột. Mình hạnh phúc vì tìm ra được ba và quê nội, còn chồng thì chưa thực hiện được ước nguyện đi tìm hài cốt ba mình.

Rồi trong một lần cố gắng kết nối tìm kiếm, chị Vinh biết được ba chồng đang an nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Phú Quốc ở tỉnh Kiên Giang. Mừng quá, chị bàn với mẹ chồng và chồng vào Phú Quốc thăm nơi an nghỉ của liệt sĩ Nguyễn Đức.

Chị kể rằng, đêm trước khi vào Phú Quốc, chị mơ thấy ba đẻ mình hiện về mách bảo: vào Nghĩa trang Liệt sĩ Phú Quốc sẽ thấy hai ngôi mộ mang tên Nguyễn Đức, nhưng mộ ba chồng con có hòn đá khá lớn nằm sát đầu mộ. Khi có mặt tại Nghĩa trang Liệt sĩ Phú Quốc, chị không tin nổi vào mắt mình vì mọi cái diễn ra giống như giấc mơ của chị. Tận mắt nhìn thấy mộ liệt sĩ Nguyễn Đức vào một buổi chiều mưa tầm tã ở Phú Quốc, chị Vinh xúc động đứng như chôn chân trước nơi đấng sinh thành của chồng yên nghỉ. Sau hai lần vào thăm, lần thứ ba, gia đình chị quyết định đưa ông về quê hương.

Chị cùng gia đình đưa ông về an nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Triệu Lăng. Hai ông thông gia được nằm cùng một khuôn viên trong sự vui mừng của bà con họ hàng, làng xóm cũng như chính quyền địa phương. Hành trình tìm hài cốt ba đẻ và ba chồng của chị Vinh kết thúc có hậu mà không phải ai cũng may mắn có được.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Lý do giúp người Phần Lan luôn hạnh phúc

PV |

Phần Lan đã 5 năm liên tiếp xếp ở vị trí số 1 trong danh sách các nước hạnh phúc nhất thế giới của World Happiness Report. Theo Tiến sĩ Frank Martela, triết gia và nhà nghiên cứu tâm lý chuyên nghiên cứu các nền tảng của hạnh phúc ở Phần Lan, có 3 điều mà người dân đất nước hạnh phúc nhất thế giới này không bao giờ làm.

Ngày Quốc tế Hạnh phúc: Tìm thấy niềm vui trong những hành động tử tế

Thanh Tú |

Theo Liên hợp quốc, ngày 20/3 hằng năm - Ngày Quốc tế Hạnh phúc - là một dịp để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của hạnh phúc trong cuộc sống của nhân loại trên khắp thế giới.

Hạnh phúc vì được cống hiến cho quê hương

Tú Linh |

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”, cùng với thái độ làm việc nghiêm túc, khoa học và hết lòng chăm sóc sức khỏe người bệnh, Thạc sĩ, Bác sĩ, Phó Trưởng Khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị Trương Văn Khánh Nguyên (sinh năm 1992), luôn được bệnh nhân, đồng nghiệp tin yêu, quý trọng bởi năng lực và đức độ.

Nghĩ từ câu chuyện “Công xưởng hạnh phúc”

Lê Đức Dục |

Sau khi gây “bão” với câu chuyện thưởng tết Quý Mão từ Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), tổng giám đốc đến nhân viên tạp vụ, bảo vệ… cùng một mức bằng nhau, mới đây câu chuyện ở Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị lại gợi lên nhiều điều khiến chúng ta ngẫm nghĩ: Trong khi nhiều nhà máy, xí nghiệp chật vật tìm mọi cách giữ chân người lao động thì ở công ty này, từ nhân viên, công nhân đến lãnh đạo đều coi doanh nghiệp như chính ngôi nhà của mình, hạnh phúc với những gì mình tạo dựng. Câu chuyện đó đã được một nhà báo kể lại như một gợi ý về “công xưởng hạnh phúc”.