Sau khi gây “bão” với câu chuyện thưởng tết Quý Mão từ Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), tổng giám đốc đến nhân viên tạp vụ, bảo vệ… cùng một mức bằng nhau, mới đây câu chuyện ở Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị lại gợi lên nhiều điều khiến chúng ta ngẫm nghĩ: Trong khi nhiều nhà máy, xí nghiệp chật vật tìm mọi cách giữ chân người lao động thì ở công ty này, từ nhân viên, công nhân đến lãnh đạo đều coi doanh nghiệp như chính ngôi nhà của mình, hạnh phúc với những gì mình tạo dựng. Câu chuyện đó đã được một nhà báo kể lại như một gợi ý về “công xưởng hạnh phúc”.
Đây không phải là một tập đoàn hay doanh nghiệp lừng lẫy, nhưng cách thức vận hành của doanh nghiệp này đang tiệm cận với xu hướng phát triển mới của thế giới. Tôi đã nhiều lần nói về Bhutan, một quốc gia bé nhỏ thuộc Nam Á. Quốc gia này không lấy thước đo kinh tế để phát triển mà lấy sự hài lòng của Nhân dân để làm thước đo, hay nói cách khác họ chọn chỉ số hạnh phúc để phát triển quốc gia.
Lý do người Bhutan đưa ra cũng không giống ai: giàu nghèo làm gì nếu phát triển kinh tế không đưa đến hạnh phúc? Thay vì đo bằng GDP (Gross Domestic Product), ta hãy đo bằng GNH (Gross National Happiness tổng hạnh phúc quốc gia). Bhutan đề nghị đo hạnh phúc trên bốn tiêu chuẩn: phát triển đồng đều trong xã hội, bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát huy văn hóa truyền thống, xây dựng một chính thể có trách nhiệm.
Giáo sư Cao Huy Thuần trong một cuốn sách khi so sánh giữa Bhutan và nhiều cường quốc kinh tế khác của thế giới, đã viết: “GDP của Bhutan là 500 triệu đô la, GDP của Nhật là 4.400 tỉ. Một giọt sương bên cạnh bát nước đầy! Nhưng người Nhật có hạnh phúc hơn Bhutan không? Chưa hẳn! Bhutan nghèo nhưng không khổ, không có người ăn xin, nhà nào cũng có ruộng vườn, có trâu bò, có khung dệt, đủ ăn, đủ mặc, giáo dục, y tế miễn phí. Nếu muốn, Bhutan có thể trở thành như bất cứ nước nào trên thế giới, nhưng nếu muốn, không nước nào có thể trở thành Bhutan”.
Cách tư duy này cũng đã được một vài địa phương lưu ý trong triết lý phát triển. Ba năm trước, Yên Bái là tỉnh đã đưa vào nghị quyết Đại hội Đảng bộ vấn đề này với những thước đo cụ thể. Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy đã nói rằng: “Yên Bái không phải cố tạo ra sự khác biệt, mà mục tiêu rõ ràng là cần có triết lý phát triển cho riêng mình”.
Có được triết lý phát triển dựa trên tiềm năng và cơ hội sẵn có, dựa trên nhu cầu của đại đa số cộng đồng cư dân, rõ ràng dù không muốn “tạo sự khác biệt” nhưng câu chuyện này đang mở ra những hướng đi mới. Ba tiêu chí để định lượng chỉ số hạnh phúc của Yên Bái là: Sự hài lòng về cuộc sống/Về tuổi thọ trung bình hiện nay trên địa bàn tỉnh/Sự hài lòng về môi trường. Mỗi tiêu chí được phân tích cụ thể trên nhiều phương diện và công thức tính sẽ là: “Tỉ lệ hài lòng về cuộc sống” nhân (x) với “tỉ lệ đánh giá về tuổi thọ trung bình” và sau đó chia cho “tỉ lệ hài lòng về môi trường sống”. Như vậy, “chỉ số hạnh phúc” ở Yên Bái là những căn cứ khoa học và hoàn toàn định lượng được chứ không phải là một khái niệm mơ hồ.
Câu chuyện ở Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị dường như đang hướng đến mục tiêu như vậy. Ông Hồ Xuân Hiếu, Chủ tịch HĐQT của công ty cho biết: “Không chỉ bây giờ mà nhiều năm qua, chúng tôi đã xây dựng doanh nghiệp của mình như một ngôi nhà chung. Mỗi vị trí có đóng góp khác nhau và đều được ghi nhận. Thậm chí tất cả người lao động tôi đều nắm rõ hoàn cảnh, kịp thời động viên, hỗ trợ khi công nhân của mình gặp khó khăn. Chúng tôi cũng minh bạch doanh thu, lợi nhuận của công ty cho tất cả anh em biết. Lợi nhuận cao, chắc chắn đời sống của hơn 500 nhân viên đều tăng lên. Ở đây không ai nằm ngoài sự phát triển của doanh nghiệp cả”.
Từ câu chuyện của quốc gia, của địa phương đến việc xây dựng một “công xưởng hạnh phúc” cũng là gợi ý về triết lý phát triển của doanh nghiệp, bởi lại nhắc câu chuyện Bhutan như đã nói: “Giàu nghèo làm gì nếu phát triển kinh tế không đưa đến hạnh phúc?”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)