Ở nơi ‘ngọn rau khoai bò qua 2 tỉnh', dân nói lòng người đã như một tỉnh lâu rồi

Quốc Nam |

Tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị vừa chính thức hợp nhất thành tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên với những người dân 2 xã giáp ranh của 2 tỉnh, từ lâu lòng người đã không còn ranh giới.

 
 Sáng 30-6, cơ quan chức năng đã tháo dỡ hai tấm biển phân chia địa phận Quảng Bình và Quảng Trị trên quốc lộ 1, đoạn giáp ranh giữa 2 thôn Sen Bình và Chấp Bắc - Ảnh: QUỐC NAM 

Hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị chính thức hợp nhất thành tỉnh Quảng Trị từ ngày 30-6. Tuy nhiên với những người dân ở những vùng giáp ranh của 2 tỉnh, thì từ lâu lòng người hai bên đã không còn ranh giới.

Họ sống gần nhau, cùng sẻ chia gắn bó và hỗ trợ nhau như những người hàng xóm láng giềng tình sâu nghĩa nặng.

Ranh giới chỉ trên giấy tờ

Xã Vĩnh Chấp và Sen Thủy là hai xã tiếp giáp nhau thuộc hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị cũ. Đến sáng 30-6, hai xã này đã được nhập thành xã Vĩnh Linh và xã Sen Ngư, cùng thuộc tỉnh Quảng Trị.

Với người dân hai xã này, chuyện nhập hay tách đã không còn quá quan trọng. Vì hàng chục năm qua người dân hai xã vốn đã chung sống hòa thuận, gắn bó với nhau như một.

Thôn Sen Bình của xã Sen Ngư mới thành lập tiếp giáp với thôn Chấp Bắc, thuộc xã Vĩnh Linh mới, nằm ngay gần quốc lộ 1. Mới sáng, ông Hoàng Văn Thanh - 55 tuổi, ở thôn Sen Bình - đã tất bật với công việc bán hàng tạp hóa. Ông liên tục chở hàng đến cho các hộ dân trong thôn, cũng như các hộ dân ở phía xã Vĩnh Linh.

Về sống ở đây từ khi mới tách tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, tròn 30 năm nên ông có đủ trải nghiệm để cảm nhận tình cảm mà người dân quê mình và người dân bên kia tấm biển ranh giới 2 tỉnh cũ dành cho nhau.

"Thực ra chúng tôi sống cùng nhau như những người hàng xóm thân tình. Chỉ có khoảng cách trên giấy tờ hành chính. Còn lòng người thì như đã "nhập" làm một từ lâu rồi", ông Thanh nói.

 
 Quán tạp hóa của gia đình ông Thanh hằng ngày vẫn bán hàng cho cả người dân Sen Bình và cả người dân Chấp Bắc, thuộc 2 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị cũ - Ảnh: QUỐC NAM
 

Thôn Sen Bình nói riêng và xã Sen Thủy (cũ) nói chung cách trung tâm huyện Lệ Thủy cũ đến hơn 20km, nhưng chỉ cách thị trấn Hồ Xá, trung tâm của huyện Vĩnh Linh cũ, chỉ 8km. Gia đình ông cũng như những gia đình khác ở Sen Bình luôn chọn đi về phía Vĩnh Linh khi cần mua hàng hóa. Thậm chí là đi chợ hằng ngày.

Ông Thanh khi lên cấp THCS cũng chuyển vào Vĩnh Linh và tiếp tục học ở đó đến hết THPT. "Đến đời hai đứa con tui cũng cho vào học cấp 2 tại xã Vĩnh Chấp cũ. Nhiều lớp trẻ đến nay vẫn vào đó học. Lâu nay đau ốm gì người dân ở vùng Sen Thủy chúng tôi cũng vào điều trị tại bệnh viện của Vĩnh Linh. Hàng chục người ở hai bên cũng đã nên vợ nên chồng. Nên nói gắn bó có khi còn chưa đủ", ông Thanh khoe.

Ông Nguyễn Thái Dung - 74 tuổi, ở thôn Chấp Bắc, thuộc xã Vĩnh Chấp (cũ) - đã gắn bó ở đây hơn 70 năm. Ông là nhân chứng sống cho những lần "hợp - tan" về địa giới của 2 tỉnh. Nhưng có một điều ông khẳng định chắc nịch là tình cảm của bà con hai bên vẫn luôn gắn bó sắc son, chưa bao giờ thay đổi.

"Khi đó 2 làng của hai bên ranh giới tỉnh kề cận, cùng đi hái sim, hái chổi cùng nhau trên rừng. Hồ Bàu Dum, nằm trên địa phận Sen Thủy vẫn đang là hồ thủy lợi tưới nước cho cả đồng ruộng lúa của huyện Vĩnh Linh mấy chục năm qua", ông Dung kể.

Quảng Bình - Quảng Trị là một nhà

Người dân hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị lâu nay đã lưu truyền điển tích về sự gắn bó của hai xã Vĩnh Chấp và Sen Thủy (cũ) thông qua hình ảnh ngọn rau khoai bò qua hai tỉnh. Không phải tự nhiên hình ảnh ngọn rau khoai được đưa ra ví von.

 
Ông Dung cùng những người cao tuổi thôn Chấp Bắc chăm chú xem chương trình truyền hình trực tiếp công bố việc nhập tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị trên tivi sáng 30-6 - Ảnh: QUỐC NAM 
 

Người dân nơi đây nói rằng ngọn rau khoai này tượng trưng cho sự gắn bó, cũng tượng trưng cho sự khó nghèo của vùng đất, nhưng cũng là biểu tượng của việc sẻ chia gian khó cùng nhau.

Chính quyền xã Sen Thủy cũ cho biết vì ở tiếp giáp nhau mấy chục năm, nên tình cảm của người dân hai xã của hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị cũ vốn đã bền chặt, gắn bó. Phần nữa vì người dân hai bên cũng có phong tục tập quán, lịch sử văn hóa giống nhau. 

Nên lần hợp nhất hai tỉnh thành một lần này càng khiến người dân thêm gắn bó, thắt chặt thêm tình đoàn kết một nhà.

Hai địa phương này nằm ngay trên quốc lộ 1, đây là nơi mấy chục năm qua chính quyền 2 tỉnh cũ đặt biển báo ranh giới của tỉnh. Sáng cùng ngày, cơ quan chức năng của tỉnh đã đến tháo dỡ 2 tấm biển báo này.

"Hai xã của hai tỉnh nhiều năm qua đã kết nghĩa với nhau. Nay nhập lại thành một tỉnh thì tình cảm càng bền chặt", ông Võ Văn Tuấn, nguyên chủ tịch xã Vĩnh Chấp (cũ), nói.

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

TAGS

Quảng Trị nâng cao hiệu quả công tác tổ chức xây dựng Đảng

Nguyễn Vinh |

Thời gian qua, công tác tổ chức xây dựng Đảng ở tỉnh Quảng Trị tiếp tục khẳng định vai trò then chốt trong củng cố nền tảng chính trị vững chắc, chuẩn bị toàn diện cho đại hội đảng bộ các cấp trong tỉnh tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng thời, tỉnh đã triển khai quyết liệt việc sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương và bám sát chỉ đạo của trung ương.

Xây dựng tỉnh Quảng Trị trở thành vùng đất hội tụ trí tuệ, lan tỏa giá trị, kết nối tương lai*

|

Sáng 30/6, tại lễ công bố các nghị quyết, quyết định của Trung ương và của tỉnh về sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh, cấp xã, kết thúc hoạt động ĐVHC cấp huyện, thành lập tổ chức đảng, chỉ định cấp ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh và xã, phường, đặc khu thuộc tỉnh Quảng Trị (mới), đồng chí Lê Ngọc Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã có bài phát biểu quan trọng. Báo Quảng Trị Online trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Công bố Nghị quyết, Quyết định của Trung ương về việc sáp nhập tỉnh Quảng Trị

Ngọc Tân |

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, sau khi hợp nhất, Quảng Trị phải tận dụng thời cơ vàng quyết tâm đến năm 2030 trở thành trung tâm kinh tế của khu vực Bắc Trung Bộ, đến 2050 trở thành trung tâm kết nối của khu vực, quốc tế.

Chân dung ông Lê Ngọc Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị (mới)

Thanh Hiếu |

Ông Lê Ngọc Quang, Ủy viên Trung ương Đảng Khóa XIII, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình (cũ) được Trung ương chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị (mới) nhiệm kỳ 2020-2025 sau khi tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị hợp nhất.

Ông Trần Phong giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị (mới)

Thanh Hiếu |

Tại Quyết định số 1293/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ chỉ định ông Trần Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình (cũ) giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị (mới) nhiệm kỳ 2021 - 2026. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2025.