Từ xa xưa cho đến thời hiện đại, nước Việt là xứ sở của binh đao. Nhưng thật lạ lùng là chỉ ở Quảng Trị mới có hai câu ca dao thấm thía nỗi đau chinh chiến: “Mạ thương con ra ngồi cầu Ái Tử / Vợ trông chồng lên đứng núi Vọng Phu”.
Trong kháng chiến chống Pháp, chính nhà báo, nhà sử học người Pháp Béc-na Phôn đã gọi con đường từ Quảng Trị vào Huế là “Con đường không vui”, về sau trong kháng chiến chống Mỹ, đối phương có người cũng định danh đoạn đường này là “Đại lộ kinh hoàng”. Sau khi giặc Pháp về làng Mai Xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh tàn sát du kích, dã man chặt đầu thị uy thì nhạc sĩ Phạm Duy đã có ngay tượng đài âm nhạc bi tráng: “Bà mẹ Gio Linh” như một khúc tưởng niệm bi thiết và thành kính bằng âm thanh trước những nghĩa sĩ hy sinh lẫm liệt vị quốc vong thân. Còn nhà văn Chu Lai, một cựu đặc công thời kháng chiến chống Mỹ về sau trở thành cây bút sáng tác chuyên nghiệp đã nói với cố nhà văn Xuân Đức rằng Quảng Trị là “Xứ sở trận mạc”.

Và ngay cả nhà thơ Thu Bồn quê Quảng Nam khi có dịp về Quảng Trị sau ngày thống nhất thì ông không làm thơ mà bắt tay vào viết một cuốn tiểu thuyết khá hoành tráng trong một thời gian ngắn đáng kinh ngạc, đó là hai tập “Dưới đám mây màu cánh vạc” mà nhân vật chính là nguyên mẫu anh hùng liệt sĩ Trần Thị Tâm quê ở làng Mỹ Thủy, xã Hải An, huyện Hải Lăng. Cuốn truyện lúc mới xuất bản đã được dư luận chú ý và được dịch sang tiếng Nga cho độc giả Xô Viết...Thiết nghĩ gom lại những thông tin trên thì dường như đó không phải là một sự ngẫu nhiên tình cờ mà gặp nhau ở một sự đồng điệu đã trở thành tâm điểm cảm xúc khi nghĩ về Quảng Trị, như vận vào mảnh đất đã phải trải qua vô vàn đau thương, mất mát.
Cách đây mấy chục năm tôi đã tìm lại mộ người thân của bạn là kiến trúc sư Cao Việt Dũng ở Hà Nội. Anh có chú ruột là liệt sĩ Cao Mười, hy sinh tại Quảng Trị khi tuổi mới đôi mươi vừa rời ghế nhà trường dấn thân trận mạc. Chúng tôi vào Hải Lăng cải táng giữa bời bời cát trắng. Khi đưa hài cốt lên tàu hỏa, tôi cầm theo mấy chai rượu Kim Long đưa cho bạn và dặn Cao Việt Dũng: “Ra tới nơi khi mai táng nhớ rót rượu quê Quảng Trị cho chú nhé!”. Mấy đứa tôi lên tàu, dùng dằng chia tay, tàu Thống Nhất chỉ dừng lại ga Đông Hà vài phút rồi tiếp tục hành trình. Vậy là tiễn chú Cao Mười ra tận ga Đồng Hới mới quay lại về nhà. Nhớ lại vẫn rưng rưng! Lại nhớ một người Hà Nội khác mà tôi may mắn được trò chuyện vào một đêm mùa hè khi tìm hiểu về một công trình được tiến hành bằng cả tâm nguyện của một cựu chiến binh.
Đó là đại tá Trần Ngọc Long (sinh năm 1941), nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48 (Trung đoàn Thạch Hãn) từng vào sinh ra tử. Ông là “hạt gạo trên sàng” còn lại sau 81 ngày đêm năm 1972 khốc liệt chiến đấu ở Thành Cổ Quảng Trị nung nấu ý tưởng làm một cuốn sách về đồng đội đã hy sinh khi đã 70 tuổi, cái tuổi gần đất xa trời. Ông còn là trưởng ban liên lạc Trung đoàn 48. Ông may mắn gặp một người đồng đội cũng tràn đầy tâm huyết khi ấy có chức vụ rất cao trong quân đội, thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông Nghiên nguyên là đại đội trưởng thuộc tiểu đoàn ông Long từng chỉ huy ở Thành Cổ Quảng Trị năm 1972.
Ông Nghiên đồng tình cao với khát vọng của thủ trưởng cũ, coi đó là công việc ân tình nhất định phải làm với đồng đội, kể cả người đang sống và nhất là cho những chiến binh đã ngã xuống năm xưa. Sau khi cân nhắc, Thượng tướng Nghiên đã đề xuất cấp cho ông Long một giấy giới thiệu đến các đơn vị quân đội trong toàn quân và các địa phương để sưu tra danh sách liệt sĩ Thành Cổ Quảng Trị, một công việc đòi hỏi công phu, cẩn trọng, tỉ mỉ. Đại tá Trần Ngọc Long kể: “Chúng tôi muốn có một sự lưu niệm đầy ý nghĩa gắn liền với cuốn sách này. Vậy là độc bản kỳ thư ra đời tại Hà Nội. Và sau khi bàn bạc, sách được lựa chọn trưng bày trong Bảo tàng Thành Cổ Quảng Trị, nơi rất nhiều du khách trong và ngoài nước thường đến tham quan”.
Và kỳ thư lại có thêm kỳ sự: lễ rước sách từ Hà Nội vào Thành Cổ. Đúng là chuyện lạ thời nay. Ông Long cho hay: “Ngày 8/7/2011 từ Tượng đài liệt sĩ Ba Đình, một đoàn xe diễu hành, nghi lễ trang trọng rồi từ Hà Nội vào Quảng Trị. Có cả đội tiêu binh, quân nhạc hẳn hoi. Vào đến Thành Cổ Quảng Trị khi rước sách xuống chúng tôi vui mừng khôn xiết. Bà con Quảng Trị cũng hân hoan. Vậy là tâm nguyện bao người đã thành hiện thực. Đó là ngày 10/7/2011”. Một ngày thiêng liêng không thể nào quên với không riêng mảnh đất Quảng Trị.
Có nhiều bài thơ, bài hát viết về những nỗi đau thương, mất mát gắn liền với Quảng Trị xúc động lòng người. Riêng với tôi có lẽ bài thơ “Khát vọng Trường Sơn” của nhà thơ áo lính Nguyễn Hữu Quý đoạt giải Nhì (không có giải Nhất ) của cuộc thi thơ tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1996 là một tác phẩm độc đáo. Ý tưởng xuyên suốt bài thơ là mười nghìn liệt sĩ nghĩa trang Trường Sơn được thể hiện một cách đắc địa và ấn tượng. Nhưng sự hy sinh và cả nỗi đau, cả niềm ngưỡng vọng không chỉ là ngần ấy, dù bản thân những điều vừa nói cũng đủ cho một tượng đài bất hủ.

Để có được một nước non toàn vẹn còn vô vàn nỗi đau và khát vọng không chỉ nằm lại ở nghĩa trang: “Mười nghìn tấm bia, còn mười nghìn nữa/ Mười nghìn đồng đội nằm rải Trường Sơn/Mười nghìn hài cốt chưa về khói hương/Mười nghìn đơn côi nằm trong cõi vắng/Mười nghìn cô quạnh lang thang cõi rừng…” Còn bài hát “Cỏ non Thành Cổ” của nhạc sĩ Tân Huyền như chạm đến sâu thẳm cõi lòng những sợi dây rung cảm tinh tế nhất và cũng nhân văn nhất, mỗi khi nhớ đến những nghĩa sĩ vị quốc vong thân. Bài hát nhẹ nhàng mà thấm thía, thảng thốt như một lời nhắc nhở sâu xa: “Cho tôi hôm nay vào Thành Cổ, thắp một nén hương viếng người nằm dưới cỏ. Cỏ xanh non tơ, cỏ xanh non tơ xin chớ vô tình, với người hy sinh trên mảnh đất quê mình...”.
Nhưng liệt sĩ không chỉ là những người hy sinh trong chiến tranh. Tôi nhớ có lần trò chuyện với cố Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hoan. Ông tâm sự rằng mình từng là chỉ huy trưởng công trường đại thủy nông Nam Thạch Hãn mà dân gian thường gọi tắt là Đập Trấm có chứng kiến những anh chị đã dũng cảm hy sinh vì công trình thủy lợi nhưng vì nhiều lý do chưa hoặc không được công nhận là liệt sĩ vì không đủ thủ tục theo quy định hiện hành. Ông tâm sự: “Hồi đó, anh em từ cán bộ đến thanh niên xung phong làm các công trình thủy lợi 202, ai cũng nỗ lực hết sức mình hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không nặng về chuyện khen thưởng. Rồi công việc cứ cuốn đi, nên sau này khi làm chế độ cho những người hy sinh cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc vì thủ tục”. Đó cũng nỗi trăn trở của một cán bộ cao cấp cho đến cuối đời.
Mới đây anh Lê Quang Lam, Chi cục trưởng Chi cục trưởng Thủy lợi tỉnh Quảng Trị cũng có bày tỏ nỗi lòng của anh và cũng của bao người: “Theo tôi nên có một tấm bia tưởng niệm liệt sĩ đã hy sinh ở công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn và đặt ở nơi đây. Một tấm bia giản dị thôi nhưng là ý nghĩa để người sống hôm nay luôn nhớ về những tấm gương đã xả thân vì sự no ấm của quê nhà. Anh là nhà báo nên xem ý kiến này có thể thông tin rộng rãi để nhiều người chia sẻ”. Tôi trân trọng ghi nhận một tâm nguyện chính đáng và những mong sớm được viên thành. Và tôi cũng thiết nghĩ hết thảy những ai xả thân vì quê hương đất nước cần được chính quyền và người dân ghi tạc bằng tất cả tấm lòng, bằng những gì sâu thẳm nhất của một con người...
(Nguồn: Báo Quảng Trị)