Quảng Trị - Đất anh hùng, sâu nặng nghĩa tình

PV |

Trải qua hàng nghìn năm với bao biến cố thăng trầm, Quảng Trị luôn là mảnh đất có vị trí chiến lược quan trọng trong lịch sử dựng nước và các cuộc kháng chiến giữ nước. Là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, truyền thống yêu nước và cách mạng của dân tộc ta; nơi đối đầu, chia cắt, chiến trường khốc liệt, trở thành địa danh sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thấm đẫm giá trị nhân văn.

Cùng với cả dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, Quảng Trị đã đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân năm 1945. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân Quảng Trị vượt qua mọi khó khăn, giữ vững ý chí, nêu cao khí phách kiên cường, kề vai sát cánh cùng quân dân cả nước anh dũng chiến đấu, sáng tạo nhiều cách đánh độc đáo trên các mặt trận, chủ động tiến công địch, phối hợp với các chiến trường, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết đã chia cắt nước ta thành hai miền Nam-Bắc, lấy Vĩ tuyến 17, nơi con sông Bến Hải hiền hòa của Quảng Trị làm ranh giới tạm thời. Cuộc phân ly ấy tưởng chừng chỉ kéo dài 2 năm và kết thúc sau khi Tổng tuyển cử. Nhưng với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, đế quốc Mỹ đưa quân xâm lược miền Nam, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, căn cứ quân sự để tiến đánh miền Bắc XHCN.

Với một hệ thống đồn bốt dày đặc, cùng với căn cứ, sân bay, hải cảng quân sự và hệ thống hàng rào điện tử Mc.Namara hiện đại, Mỹ đã triển khai mọi kiểu chiến tranh, mọi thủ đoạn bình định “tố cộng”, “diệt cộng” hết sức thâm độc. Chúng dồn dân vào các ấp chiến lược, dinh điền, biến Quảng Trị thành nơi tràn ngập nhà tù, trại giam, trại tập trung. Với một diện tích chưa đầy 5.000 km2 , Mỹ đã dồn vào đây đủ các loại xe tăng, máy bay, pháo hạm, tổ chức càn quét...Nhiều vùng quê Quảng Trị trở thành vành đai trắng vì bom cày, đạn xới, dây kẽm gai, chất độc da cam.

Nhưng với nghĩa khí trung kiên, từ trong đau thương mất mát, Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, bằng ý chí, sức mạnh kiên cường và lòng quả cảm, muôn người như một tạo nên sức mạnh chiến đấu. Khát vọng độc lập, tự do, khát vọng thống nhất non sông càng thổi bùng lên tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của quân và dân hai miền NamBắc. Dòng Bến Hải đêm đêm vẫn tấp nập những chuyến đò chuyển quân từ “lũy thép” Vĩnh Linh vào chia lửa cùng miền Nam ruột thịt. Gần 7 vạn quân và dân Vĩnh Linh vừa sản xuất, vừa chiến đấu bảo vệ vững chắc đầu cầu XHCN.

Thành Cổ Quảng Trị thu hút đông đảo cán bộ, cựu chiến binh và Nhân dân trong cả nước đến tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ - Ảnh: HUY NAM
Thành Cổ Quảng Trị thu hút đông đảo cán bộ, cựu chiến binh và Nhân dân trong cả nước đến tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ - Ảnh: HUY NAM

Phía Nam sông Bến Hải, quân và dân Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, Quảng Hà, Hướng Hóa với nghĩa khí trung kiên, gan vàng, dạ sắt ngày đêm chiến đấu ngoan cường. Xuân Mậu Thân 1968, quân và dân Quảng Trị đã góp phần cùng cả nước làm thất bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ. Đầu xuân 1971, quân và dân Quảng Trị phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực và bạn Lào đã góp phần đập tan cuộc hành quân Lam Sơn 719, làm thất bại âm mưu thử nghiệm chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” tại Đường 9-Nam Lào.

Trước thời cơ và thuận lợi mới, để đưa cuộc kháng chiến tiến lên một bước, làm chuyển biến cục diện chiến trường, tạo tiền đề giải phóng hoàn toàn miền Nam, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Trị Thiên năm 1972.

Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/3/1972, lệnh tiến công giải phóng Quảng Trị bắt đầu. Từ hậu phương lớn miền Bắc, từ Vĩnh Linh lũy thép, từ những cánh rừng Trường Sơn bao la, những đội quân chân đồng vai sắt, băng rừng vượt suối ào ào tràn xuống; từ những địa đạo chìm sâu trong lòng đất, từ những căn hầm bí mật, cán bộ, chiến sĩ đội đất xông lên tiêu diệt quân thù. Nhân dân nhất tề đứng dậy cùng với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, du kích tấn công nổi dậy giải phóng quê hương.

11 giờ ngày 1/5/1972, lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam kiêu hãnh tung bay trên Dinh Tỉnh trưởng tại thị xã Quảng Trị. Quảng Trị tự hào là tỉnh đầu tiên của miền Nam được giải phóng và vinh dự được chọn đặt thủ phủ Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Trước tình thế thất thủ tại Quảng Trị, Mỹ-ngụy tập trung một lực lượng quân đội khổng lồ phản kích tái chiếm thị xã Quảng Trị để giành lợi thế trên bàn đàm phán Hội nghị Paris. Quân và dân Quảng Trị bước ngay vào cuộc chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng. Trong 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa 1972, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ bất chấp mọi hiểm nguy chiến đấu ngoan cường để bảo vệ Thành Cổ và thị xã Quảng Trị; hàng nghìn chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, máu xương các anh đã hòa vào dòng sông Thạch Hãn linh thiêng và nằm lại trong lòng đất Quảng Trị.

Thắng lợi của chiến dịch giải phóng Quảng Trị và cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ, thị xã Quảng Trị đã tạo nên bước ngoặt lịch sử làm thay đổi cục diện chiến tranh và đấu tranh ngoại giao, buộc đế quốc Mỹ phải nối lại đàm phán và đi đến ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, công nhận nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; góp phần tạo tiền đề để quân và dân ta mở chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, vĩnh viễn xóa đi sự chia cắt đau thương, thực hiện trọn vẹn di nguyện thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu cho BắcNam sum họp một nhà, Tổ quốc Việt Nam thống nhất. 

Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, người Quảng Trị luôn tràn đầy ý chí kiên trung, lạc quan, sẵn sàng đương đầu với gian nan, thử thách, sống nghĩa khí, trọng tình thương, lẽ phải, quy tụ được lòng người và tình cảm trân quý của đồng chí, đồng bào khắp mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế.

Để làm nên chiến thắng oai hùng đó, hàng vạn người con Quảng Trị, hàng vạn người con trên mọi miền đất nước đã chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc, vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất này...

Đi ra khỏi cuộc chiến tranh gian khổ và khốc liệt, Quảng Trị phải gánh trên mình hậu quả hết sức nặng nề, lâu dài. Từ hoang tàn, đổ nát, phẩm chất, cốt cách của con người Quảng Trị tiếp tục được khơi dậy, phát huy để bắt tay vào công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng lại quê hương. Dù trong ngôi nhà chung Bình-Trị-Thiên hay khi trở về với tên gọi thân thương của mình, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Quảng Trị luôn phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, cần cù và sáng tạo để tái thiết, dựng xây quê hương.

Ý Đảng hợp lòng dân, những quyết sách đúng đắn, kịp thời của Tỉnh ủy qua các thời kỳ đã được các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiện thực hóa trên quê hương yêu dấu của mình. 50 năm sau ngày giải phóng nhìn lại mới thấy hết sự đổi thay vượt bậc với những thành tựu rất đỗi tự hào, mới thấy hết sự vươn lên mạnh mẽ với những kết quả toàn diện và nổi bật. Chúng ta từng bước xây dựng và hình thành một Quảng Trị đang đổi mới, vươn lên; khẳng định ngày càng rõ hơn hình hài, cốt cách và tầm vóc của mảnh đất và con người Quảng Trị.

Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải trong ngày hội Thống nhất non sông - Ảnh: HUY NAM
Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải trong ngày hội Thống nhất non sông - Ảnh: HUY NAM

Đất anh hùng, sâu nặng nghĩa tình, với tinh thần “cả nước vì Quảng Trị, Quảng Trị vì cả nước”, tỉnh đặc biệt quan tâm công tác chăm lo và thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ. Trong đó, xác định từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công với cách mạng là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Trên cơ sở này, tập trung giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn đọng sau chiến tranh; triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, chế độ ưu đãi nhằm nâng cao mức sống người có công để bản thân và gia đình của họ có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của xã hội; huy động các nguồn lực để hỗ trợ giải quyết cơ bản về nhà ở đối với hộ người có công gặp khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, các chương trình và phong trào tình nghĩa đã và đang được đẩy mạnh trong toàn dân và trở thành một hoạt động chính trị-xã hội mang tính xã hội hóa cao. Nhiều chương trình, phong trào được thực hiện thường xuyên, tạo được hiệu ứng, sức lan tỏa lớn. Đây cũng là nguồn động viên để những người có công với cách mạng tiếp tục sống, cống hiến cho đất nước và mãi là niềm tự hào của người dân Quảng Trị.

Quảng Trị không chỉ chăm sóc tốt người có công còn sống mà còn luôn quan tâm chăm sóc chu đáo các nghĩa trang liệt sĩ. Hàng chục nghìn người con yêu quý của Tổ quốc tuổi mới đôi mươi đã ngã xuống vùng đất này để giành lại hòa bình, độc lập cho dân tộc. Không nơi nào trên đất nước ta mà số người hy sinh và nghĩa trang liệt sĩ lại nhiều như Quảng Trị, với 72 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có hai nghĩa trang liệt sĩ quốc gia, có những nghĩa trang không mộ, nơi hình hài người lính đã hóa thành đất đai, sông núi. Quảng Trị hiện đang thay mặt cả nước chăm sóc hơn 60.000 phần mộ liệt sĩ là con em của các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Ngoài những chương trình trên, tỉnh Quảng Trị còn tích cực phối hợp với các đơn vị quân đội có người hy sinh tại chiến trường Quảng Trị, đã phát động toàn quân, toàn dân đi tìm kiếm, xác định các vị trí chôn cất liệt sĩ trên địa bàn tỉnh và cả trên đất bạn Lào để tiến hành cất bốc, quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ và chương trình chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ. Hằng năm, tổ chức nhiều lễ hội, hoạt động tri ân, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ thu hút đông đảo cán bộ, cựu chiến binh và Nhân dân trên cả nước đến tưởng niệm, tri ân, cầu mong cho đất nước luôn thái bình, qua đó góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy lòng yêu nước, phát huy trách nhiệm của các thế hệ trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Đoàn viên thanh niên chăm sóc các phần mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn - Ảnh: HUY NAM
Đoàn viên thanh niên chăm sóc các phần mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn - Ảnh: HUY NAM

Tự hào về truyền thống cách mạng hào hùng; nhận thức sâu sắc trách nhiệm trước sự hy sinh to lớn của bao lớp người đã ngã xuống vì độc lập, thống nhất Tổ quốc, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Trị quyết tâm xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, sáng tạo trong hành trình xây dựng quê hương thân yêu vững bước đi lên trên con đường hội nhập và phát triển.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn

Trần Tuyền |

Nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 (1947 - 2022), tối nay 15/7, Đoàn khối Doanh nghiệp Trung ương phối hợp  với Tỉnh đoàn Quảng Trị tổ chức lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương Nguyễn Long Hải; Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Thị Lan Hương tham dự.

Một doanh nghiệp tài trợ 5 tỉ đồng chỉnh trang Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn

Tú Linh |

Ngày 13/7, Ban Quản lý nghĩa trang và Đón tiếp thân nhân liệt sĩ, Sở LĐ,TB&XH Quảng Trị cho biết, nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 (1947 - 2022), Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T vừa quyết định tài trợ kinh phí đầu tư công trình chỉnh trang, tôn tạo Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. 

Đoàn công tác của Văn phòng Trung ương Đảng viếng các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang LSQG Trường Sơn, Đường 9 và Thành Cổ Quảng Trị

Minh Đức |

Ngày 9/7, Đoàn công tác của Văn phòng Trung ương Đảng do Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng làm trưởng đoàn đã trang trọng tổ chức lễ viếng, dâng hương, dâng hoa các anh hùng liệt sĩ tại các Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia (LSQG): Trường Sơn, Đường 9, Thành Cổ Quảng Trị, Nhà hành lễ, Bến thả hoa bờ Nam sông Thạch Hãn và Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn. Cùng tham gia với đoàn có UVTƯ Đảng,  Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Trung ương Đảng Lâm Thị Phương Thanh; UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh. Tham dự lễ viếng về phía tỉnh Quảng Trị có UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Quang Tùng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam. 

Thử nghiệm đón khách đến viếng nghĩa trang liệt sĩ vào ban đêm

Trường Nguyên |

Thông tin từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH) Quảng Trị cho biết, bắt đầu từ ngày 1/7 đơn vị đã thử nghiệm việc đón tiếp khách đến viếng các nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) quốc gia Trường Sơn, Đường 9 vào ban đêm.