Cảm nhận về các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm đầy huyền tích nhưng trĩu nặng muôn vàn hy sinh mất mát luôn khắc sâu trong lòng những ai từng sống ở đây hay có dịp đến Quảng Trị. Trong tâm thức của tôi, miền đất này như một bảo tàng chiến tranh sống động với những di tích, chứng tích mang dấu ấn lịch sử vô cùng sâu đậm. Từ đó, ta nhận ra bài học về văn hóa giữ nước của dân tộc gắn liền với khát vọng hòa bình, thống nhất non sông.
Cùa, vùng đất đỏ ba dan thuộc huyện Cam Lộ còn lưu dấu tích của thành Tân Sở, nơi được Vua Hàm Nghi chọn làm kinh đô kháng chiến chống Pháp. Thành được xây dựng từ năm 1883 đến năm 1885. Tại đây, đúng vào ngày 13/7/1885 Vua Hàm Nghi đã ban Chiếu Cần Vương kêu gọi Nhân dân đánh giặc Tây. Phong trào này được sự hưởng ứng nhiệt thành của nhiều sĩ phu ái quốc và Nhân dân trong cả nước.
Tuy Vua Hàm Nghi không thể bám trụ lâu dài ở vùng Cùa nhưng Tân Sở cùng Chiếu Cần Vương đã trở thành biểu tượng chống giặc Pháp xâm lược giai đoạn trước khi Đảng ta được thành lập vào năm 1930.
Thành Tân Sở được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia dù nơi đây qua thời gian gần như đã thành phế tích. Tuy có muộn màng nhưng đền tưởng niệm Vua Hàm Nghi đã được xây dựng trên nền đất di tích thành Tân Sở với kiến trúc giống kinh đô Huế và Long vị của ông vua yêu nước đã được trân trọng rước về đây.Tôi nghĩ phong trào Cần Vương hết sức có ý nghĩa trong chặng đường lịch sử chống thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam. Vua Hàm Nghi, các sĩ phu yêu nước, muôn vạn dân binh ngã xuống trong các cuộc khởi nghĩa xứng đáng được ghi công muôn đời. Họ là những anh hùng liệt sĩ dân tộc có danh và vô danh.
Giá như có một bảo tàng Cần Vương ở trên mảnh đất từng xây đắp nên kinh thành Tân Sở thì hay biết bao. Một bảo tàng có kiến trúc đẹp mang trong nó những hiện vật, tư liệu quý giá về Vua Hàm Nghi và phong trào Cần Vương sẽ là công trình văn hóa, lịch sử, tâm linh giá trị. Đó không chỉ là nơi giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ mà còn là địa chỉ du lịch nổi tiếng của Quảng Trị.
Yêu nước là dòng chảy thiêng liêng không bao giờ ngừng trong con người Việt Nam. Đó là một trong những giá trị văn hóa truyền thống cốt lõi của dân tộc ta. Với dân tộc Việt Nam không gì xót xa, đau đớn khi non sông bị kẻ thù ngoại bang dày xéo. “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” (lời Hồ Chí Minh). Đó là tuyên thệ của dân tộc khi Tổ quốc bị xâm lăng.
Điều đó lý giải vì sao một dân tộc nhỏ bé và nghèo khổ như Việt Nam lại dám đứng lên chiến đấu chống lại những kẻ thù “khổng lồ” như thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Câu chuyện này thật dài và ngoài những cái ta đã biết còn bao nhiêu trầm tích ẩn dấu trong lòng đất, lòng người. Quảng Trị chỉ là một dẫn dụ đầy tự hào và thức tỉnh. Nguồn phù sa yêu nước nồng nàn được bồi đắp từ đây.
Vâng, từ những di tích lịch sử mà khi nhắc đến Quảng Trị ta không thể nào lãng quên được. Mỗi di tích là một câu chuyện lớn, là một phần quá khứ lẫm liệt bi thương, là dấu vết của những năm tháng không bao giờ quên. Tân Sở ta đã nói rồi.
Còn đây, đôi bờ Hiền Lương, địa đạo Vịnh Mốc, địa đạo Vĩnh Quang, Thành Cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Đường 9, đảo Cồn Cỏ, Làng Vây, Khu Chính phủ CMLTCHMNVN… Mỗi ngọn núi, dòng sông, từng tấc đất Quảng Trị mang trong nó những năm tháng không thể nào quên của hành trình giải phóng đất nước lâu dài và gian lao.
Lòng ta rưng rưng khi bước trên mặt cầu Hiền Lương mắt ngước nhìn bầu trời cao rộng soi bóng xuống con sông Bến Hải thao thiết đổ ra biển. Bỗng gặp một câu thơ viết ra từ thời ngày Bắc đêm Nam của Tế Hanh: “Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị”. Chao ơi, số phận dân tộc mình thật bão táp và nghiệt ngã, chiến tranh nối chiến tranh. “Một đời người mà chiến chinh nhiều quá/Em níu giường níu chiếu đợi anh…” Thơ Hữu Thỉnh đấy, thi sĩ tài hoa đã khóc khi đứng trên cầu Hiền Lương.
Trong chuyến đi ô tô vào Quảng Trị dự lễ khánh thành nhà lưu niệm thi nhân tài danh Chế Lan Viên, dừng lại trên cầu Hiền Lương, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam lúc bấy giờ đã điện ra Hà Nội nói với tôi: “Xúc động quá khi gặp lại sông Bến Hải, anh đã không cầm được nước mắt Quý ạ!”. Vâng, tôi hiểu cảm xúc của anh, một nhà thơ lớn, một người lính từng đi qua chiến tranh chống Mỹ. Có một lần mấy anh em chúng tôi ở tạp chí Văn nghệ Quân đội đi thực tế Quảng Trị, khi qua cầu Hiền Lương cũng dừng lại và chính lúc ấy trên bầu trời ẩm ướt sau cơn mưa mùa hạ cầu vồng hiện lên thật lộng lẫy.
Trước mắt các nhà văn, trên sông Bến Hải lúc đó có ba chiếc cầu; hai thực và một ảo đẹp lung linh. Những gì ta thấy được ở Hiền Lương bây giờ là phục dựng; chiếc cầu sắt theo nguyên mẫu Pháp làm năm 1952 với chiều dài 183,65 mét, chiều rộng 5,5 mét đến nhà liên hợp, cột cờ, đồn công an vũ trang của ta ở phía Bắc, đồn cảnh sát của địch ở bờ Nam…Nhưng trong các vật thể đó đang mang những giá trị lịch sử sâu thẳm gánh ý nghĩa củng cố niềm tin và thức tỉnh những lệch lạc nếu có. Lại có hiện vật thật như những chiếc loa cỡ lớn đang được trưng bày. Những cuộc “đấu loa” hằng ngày của hai bên vẫn còn được người cao tuổi nhắc lại như là hoài niệm khó phai.
Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9, Thành Cổ Quảng Trị cho ta một cách nhìn đa chiều về cuộc chiến tranh đã qua. Hiện lên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại với 5 trục dọc và 21 trục ngang đan thành trận đồ bát quái trên trùng điệp Trường Sơn. Hiện lên những gương mặt trẻ trung, nhuốm màu nắng sương, bom đạn, bệnh tật của các anh chị bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến.
2 vạn con người như thế đã ngã xuống trong những năm đánh Mỹ và Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn là nơi quy tụ của hơn 10 nghìn liệt sĩ. Tôi đã viết: Mười nghìn Trường Sơn trong một Trường Sơn/ Mười nghìn bài ca trong bài ca lớn/ Mười nghìn cái tên đêm đêm mẹ nhắc/ Mười nghìn giấc mơ của mẹ chờ ta/ Mười nghìn con đò thương về bến đợi/ Mười nghìn hạt giống chưa về phù sa…Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 cũng quy tụ hơn 10 nghìn liệt sĩ, trong đó có cả nấm mộ tập thể. Họ ngã xuống sau những trận đánh thành công hay thất bại trong chiến tranh.
Trường Sơn. Đường 9. Thành Cổ Quảng Trị. Tiếng chuông ngân vang trong hòa bình mang dư âm của trái tim những người vắng mặt. Không phải số ít, họ là số đông, hàng chục nghìn, hàng vạn. Đau xót nhưng cũng phải nói điều này, các anh chị hy sinh khi còn rất trẻ. Những đôi má măng tơ, những nụ cười tươi tắn, mấy ai trong các anh được một lần hôn…
Chỉ một nụ hôn mà mãi mãi không bao giờ có được. Có người nói với tôi, một lần đến Thành Cổ Quảng Trị là một lần chiêm trải và thanh lọc tâm hồn. 81 ngày đêm máu lửa. 81 tờ lịch đầm đìa máu. Chẳng có nơi nào cỏ xanh hơn nơi này. Cỏ xanh nhói bên dòng Thạch Hãn. “Rêu cũng đỏ như đã từng là máu/ Cỏ xanh hơn nơi vạn chiến binh nằm/ Ù ù gió hay hồn lính trận/ Thổi trăm năm không qua được mùa hè…” (Thơ Nguyễn Hữu Quý).
Thị xã Quảng Trị, nếu một lần bạn tới vào tháng Bảy. Trời lồng lộng gió và chi chít sao. Thạch Hãn đêm, bập bùng hoa lửa trôi trên sông. Trôi về đâu, về đâu để tiếng chuông vừa thỉnh lên chơi vơi dưới những lọn mây trắng buốt. Thị xã cũng đang trôi chăng, những bồng bềnh khói hương ngan ngát tháng Bảy.
Tôi nhắm mắt mong cầu thanh thoát cho thế giới bên kia và bình an cho thế giới này. Có cánh chim nào vừa bay qua đài chứng tích. Tiếng vỗ cánh khoát vào không gian bao la nghe thật mơ hồ. Đang phảng phất đâu đó mùi sen.
Đổ nát tan hoang đã là quá khứ. Cuộc sống đang lành lặn, rộn rã từng ngày. Để có bình yên này đã có rất nhiều người ngã xuống. Đừng ai quên điều đó nhé.
Đừng bao giờ! Và, trên mảnh đất này lần nào tôi cũng nghe rất rõ tiếng vỗ cánh của khát vọng hòa bình. Khát vọng bay lên từ miền đất thiêng Quảng Trị!
(Nguồn: Báo Quảng Trị)