Rưng rưng ký ức “một thời hoa lửa”

Hiếu Giang |

Cuộc chiến đấu tại Thành Cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm thấm đẫm “máu và hoa” 50 năm trước đã trở thành ký ức không thể nào quên với những cựu chiến binh (CCB) đã trực tiếp tham gia chiến đấu giữ từng tấc đất nơi đây. Mùa hè này, khi những chùm hoa phượng thắm đỏ khoe sắc nơi mảnh đất thị xã Quảng Trị, những người lính năm xưa lại có dịp trùng phùng. Ngày gặp lại đồng đội nơi chiến trường xưa, những người lính với mái đầu điểm bạc lại rưng rưng nhớ về ký ức “một thời hoa lửa” đầy bi tráng…

Nén nhang thơm tưởng nhớ đồng đội

Tròn nửa thế kỷ đã đi qua, sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị và thị xã Quảng Trị năm 1972 đã tạc vào hồn thiêng sông núi một bản hùng ca bất tử, một biểu tượng sáng ngời lý tưởng cách mạng của dân tộc Việt Nam.

Trong những ngày tháng 7 không thể nào quên này, tại Thành Cổ Quảng Trị, cán bộ, chiến sĩ, CCB Trung đoàn 95, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 khu vực Hà Nội là những người lính từng trực tiếp chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 đã tề tựu cùng nhau về lại chiến trường xưa, thắp nén hương thơm tưởng nhớ các đồng đội cùng chung một chiến hào đã hy sinh anh dũng. Đúng ngày 13/7/1972, Trung đoàn 95 khu vực phía Bắc là đơn vị đầu tiên được nhận lệnh, hành quân ngày đêm vượt Trường Sơn vào Quảng Trị tham gia trực tiếp chiến đấu cùng với các sư đoàn khác để bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị. Trong suốt 81 ngày đêm chiến đấu ác liệt, Trung đoàn 95 tham gia chiến đấu đến 66 ngày đêm. Trong đó, lực lượng chủ yếu của đơn vị là thanh niên có tuổi đời từ 18 đến 20, là những sinh viên của các trường đại học ở Hà Nội. Thành Cổ Quảng Trị mùa hè năm 1972 được ví như “chảo lửa”.

CCB Trung đoàn 95, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 khu vực Hà Nội thắp hương tại Thành Cổ Quảng Trị -Ảnh: Đ.V
CCB Trung đoàn 95, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 khu vực Hà Nội thắp hương tại Thành Cổ Quảng Trị -Ảnh: Đ.V

Trên diện tích 3 km2 của Thành Cổ, Mỹ đã ném xuống hơn 328.000 tấn bom, đạn, bình quân mỗi chiến sĩ phải gánh chịu 100 tấn bom đạn, tương đương 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Hirosima Nhật Bản năm 1945 trong chiến tranh thế giới lần thứ II. Trên trời, máy bay địch trinh sát suốt ngày, máy bay phản lực, B52 liên tục trút bom đạn. Dưới đất, pháo từ Hạm đội 7, pháo mặt đất của địch cày nát chiến trường nhằm ngăn chặn lực lượng Quân giải phóng miền Nam từ phía Bắc sông Thạch Hãn. Cả một vùng rộng lớn không còn một bóng cây, ngọn cỏ do vũ khí và chất độc hóa học đốt cháy. Ngày nào địch cũng mở đợt tấn công nhằm đột phá mở cửa chiếm lại thị xã. Thực hiện mệnh lệnh của cấp trên, đánh chắc, tiến chắc, Trung đoàn 95 đã tập trung xây dựng trận địa phòng ngự tại thị xã Quảng Trị và các vùng phụ cận đánh địch lấn chiếm bảo vệ Thành Cổ. Dưới mưa bom bão đạn của đế quốc Mỹ, những người lính Trung đoàn 95 kiêu hùng chiến đấu, làm nên một tượng đài bất tử về lòng yêu nước, tinh thần quả cảm và ý chí kiên trung, gan góc đánh cho giặc Mỹ thất bại thảm hại. Cựu chiến binh Hoàng Văn Chiến, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 6, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 95, Sư 325, Quân đoàn 2 xúc động nhớ lại: “Lúc bấy giờ, ngay sau khi vào chiến trường, được lệnh của Trung đoàn và Tiểu đoàn, lúc 11 giờ 30 phút trưa, chúng tôi vượt sông Thạch Hãn sang bảo vệ Thành Cổ thay cho Tiểu đoàn 8 của bộ đội địa phương.

Trong quá trình chiến đấu, nơi đây hứng chịu rất nhiều bom đạn, nhất là sau 48 giờ địch liên tục rải bom đạn hòng hủy diệt Thành Cổ. Nhiều thời điểm rất ác liệt, nhưng anh em rất anh dũng ngoan cường, nhiều lúc chúng tôi phải bỏ hầm ra nằm ở hố pháo để chiến đấu. Có những lúc phải tổ chức anh em vượt ra ngoại thành để tập kích không cho địch bám vào thành. Dẫu cuộc chiến đấu ác liệt, nhiều mất mát hy sinh - nhưng anh em nắm chặt tay nhau thề chiến đấu đến cùng. Hôm nay quay lại nơi đây thắp nhang tưởng nhớ đồng đội, chúng tôi rất xúc động trước sự chăm lo chu đáo của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Trị cho “nấm mồ chung” Thành Cổ Quảng Trị luôn được ấm cúng”. Trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị, dù trên mình mang đầy thương tích nhưng những người lính năm xưa vẫn chiến đấu ngoan cường, quyết không rời trận địa, cứ người này ngã xuống lại có người khác thay thế, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Đã có hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, du kích anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu đầy khốc liệt này. Máu xương của các anh hùng liệt sĩ đã hòa vào lòng đất, vào cỏ cây, sông nước của dòng sông Thạch Hãn.

Trở lại Thành Cổ sau 50 năm để tri ân các cựu chiến binh của Trung đoàn 95, Sư 325 khu vực Hà Nội không khỏi bùi ngùi xúc động. Họ lại nhớ về một thời gian khổ, mất mát, đau thương và không giấu nổi giọt nước mắt khi nhớ về những người đồng đội của mình đã ngã xuống bảo vệ Thành Cổ. Và biết bao câu chuyện cùng với nhiều kỷ niệm sâu sắc mà những người lính năm xưa không thể quên trong những ngày gian khổ trên vùng đất lửa vô cùng ác liệt này. CCB Nguyễn Hữu Luân, nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội 6, Đại đội công binh, Trung đoàn 95, Sư 325, Quân đoàn 2, bồi hồi chia sẻ: “Chúng tôi rất nhớ những đồng đội, anh em chung một chiến hào năm xưa. Và lần trở lại này, chứng kiến thị xã Quảng Trị nói riêng, Quảng Trị nói chung ngày càng phát triển, thay da đổi thịt, thật sự chúng tôi cảm thấy rất vui, xúc động và tự hào…”.

Nỗi nhớ đồng đội và những ký ức một thời lửa đạn mùa hè đỏ lửa năm 1972 lại ùa về trong ký ức CCB Trung đoàn 95, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 khu vực Hà Nội khi về thăm chiến trường xưa Thành Cổ Quảng Trị - Ảnh: ĐV
Nỗi nhớ đồng đội và những ký ức một thời lửa đạn mùa hè đỏ lửa năm 1972 lại ùa về trong ký ức CCB Trung đoàn 95, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 khu vực Hà Nội khi về thăm chiến trường xưa Thành Cổ Quảng Trị - Ảnh: ĐV

Trọn lời thề với Tổ quốc, non sông

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức về trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị trong trái tim CCB Nguyễn Văn Hợi (76 tuổi), nguyên Trợ lý Quân lực của Tiểu đoàn K3 - Tam Đảo dường như chỉ mới xảy ra ngày hôm qua. “K3 Tam Đảo còn - Thành Cổ Quảng Trị còn”, lời thề danh dự của Tiểu đoàn 3 trước Tư lệnh mặt trận Lê Trọng Tấn khi đơn vị ông được giao nhiệm vụ đặc biệt chốt giữ Thành Cổ Quảng Trị đã đi vào lịch sử. Trong suốt những ngày tháng chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị, đơn vị của ông đã bảo vệ tốt trận địa, đồng thời làm thất bại âm mưu của địch, bảo vệ thành bằng mọi giá.

CCB Nguyễn Văn Hợi chia sẻ: Tôi còn nhớ như in trận đánh ngày 23/8/1972, đỉnh điểm của trận đánh ác liệt tại Thành Cổ Quảng Trị khi lực lượng chúng tôi còn ít người nhưng phải đương đầu với số lượng lớn quân địch trong đại đội lính thủy đánh bộ của ngụy. Lúc này, bằng sức mạnh phi thường và ý chí kiên định, đồng chí Hán Duy Long, chiến sĩ Đại đội 9 đã bắn liên tục 9 quả B40 và 1 quả B41 vào đội hình địch, dù sau đó bị ngất ngay tại công sự. Chúng tôi đã kiên cường đánh trả quân địch khiến chúng phải tháo chạy ra khỏi Thành Cổ Quảng Trị ngay sau đó. Hết người này ngã xuống thì người khác xông lên để thực hiện lời thề với Tổ quốc, với non sông. Ngày chúng tôi sang sông Thạch Hãn để vào Thành Cổ Quảng Trị chiến đấu có 325 người, trong 81 ngày đêm ấy thêm lực lượng bổ sung gấp 3 - 4 lần như vậy. Thế nhưng cho đến bây giờ, đồng đội tôi chỉ còn lại rất ít người… Nhưng bom đạn có thể giết chết sinh mệnh con người nhưng không thể đè bẹp được ý chí, quyết tâm và lòng quả cảm của những chiến sĩ cộng sản kiên trung.

Xem Quảng Trị như quê hương mình

Sau ngày đất nước thống nhất, phần lớn các CCB của Trung đoàn 95, Sư 325, Quân đoàn 2 khu vực Hà Nội mỗi người có mỗi công việc khác nhau. Hầu hết, anh em đồng đội vừa phải chịu đựng những cơn đau khi vết thương tái phát, vừa phải mưu sinh cuộc sống đời thường. Xuất phát từ nguyện vọng chung, Ban liên lạc CCB Trung đoàn 95, Sư 325, Quân đoàn 2 khu vực Hà Nội được thành lập. Từ khi thành lập đến nay, Ban liên lạc luôn chú trọng hoạt động tình nghĩa và tri ân đồng đội đã hy sinh vì độc lập tự do cho dân tộc. Đồng thời, tổ chức cho hội viên tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa, thăm lại chiến trường xưa nơi họ hiến dâng tuổi trẻ cho độc lập thống nhất của Tổ quốc. Tổ chức các chuyến hành hương về nguồn cho các CCB của Trung đoàn để tri ân, tưởng nhớ các đồng đội nằm lại tại nghĩa trang liệt sĩ các huyện, thị trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Bên cạnh đó, Ban liên lạc đã thường xuyên tìm kiếm và thông tin chính xác 220 liệt sĩ ở những địa điểm Trung đoàn tham gia chiến đấu cho các gia đình có người thân hy sinh.

Về thăm thị xã Quảng Trị những ngày tháng 7 lịch sử, CCB Trần Ngọc Long, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320 đọc kỹ những dòng thơ được khắc lên bia đá nơi Thành Cổ: "Hễ có Việt Nam, có Cổ thành/Kết vòng hoa lửa nối Khe Sanh/Huân chương khó đủ từng viên gạch/Tấc đất từng giây, mỗi lá cành". Tháng 5/1972, ông được chuyển về công tác tại Trung đoàn 48, mật danh Quang Sơn. Đơn vị ông có nhiệm vụ cùng 2 Tiểu đoàn bộ đội địa phương chiến đấu bảo vệ Quảng Trị, trong đó có Thành Cổ Quảng Trị.

Ông Long kể lại, khi vào làm nhiệm vụ tại Thành Cổ Quảng Trị, đơn vị đã lấy khẩu hiệu “Quang Sơn còn - Quảng Trị còn”, có nghĩa là Trung đoàn 48 còn thì thị xã Quảng Trị sẽ còn. Thời điểm ấy bom đạn địch ngày đêm đánh phá ác liệt, trong đó uy hiếp lớn nhất đến từ pháo Hạm đội 7 của Mỹ từ ngoài biển dội vào liên tục. Dù khó khăn, gian khổ là vậy nhưng ông và các đồng đội luôn nỗ lực chiến đấu hết mình để bảo vệ và canh giữ từng tấc đất ở đây. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông là trận đánh ngày 8/7/1972 với Tiểu đoàn 8 Thủy quân lục chiến của ngụy, từ phía làng Trâm Lý tiến công qua cánh đồng để đánh vào khu vực làng Quy Thiện (xã Hải Quy, huyện Hải Lăng). Với cách đánh táo bạo, sáng tạo, bất ngờ, quân ta đã bố trí mai phục sẵn khiến quân địch chịu tổn thất nặng nề. Đây là chiến công oanh liệt gây tiếng vang lớn lúc bấy giờ.

CCB Nguyễn Văn Hợi và Hán Duy Long (thứ nhất và thứ 2 từ phải qua) chụp hình lưu niệm cùng đồng đội - Ảnh: ĐV
CCB Nguyễn Văn Hợi và Hán Duy Long (thứ nhất và thứ 2 từ phải qua) chụp hình lưu niệm cùng đồng đội - Ảnh: ĐV

Tròn nửa thế kỷ trôi qua nhưng ký ức khốc liệt của chiến tranh vẫn vẹn nguyên trong tâm trí ông Long. Lần này, về thị xã Quảng Trị, CCB Trần Ngọc Long đã mang theo 500 cuốn sách “Những anh linh bất tử” để làm quà tặng các đồng đội từng chiến đấu tại Thành Cổ Quảng Trị. “Các chiến sĩ đã có mặt trong 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ thực sự là những người đã trọn vẹn hy sinh cả cuộc đời mình ở tuổi mười tám, đôi mươi để có sự bình yên hôm nay. Chúng tôi không bao giờ quên sự hy sinh cao cả đó của đồng đội mình. Chúng tôi coi thị xã Quảng Trị là quê hương thứ 2 của mình, sau nhiều năm quay trở về, lòng rộn ràng niềm vui khi thấy thị xã ngày một đổi thay”, ông Long trải lòng.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Gặp mặt kỷ niệm sự kiện 50 năm 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị

Đức Việt |

Ngày 12/7, tại Quảng trường Giải phóng thị xã Quảng Trị, Hội Chiến sĩ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 tổ chức trang trọng lễ gặp mặt kỷ niệm sự kiện 50 năm 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị (1972-2022) và 75 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7 (1947-2022). Tham dự lễ có Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an; Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang, Chủ tịch Hội Chiến sĩ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972; các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động và khoảng 2.300 hội viên Hội Chiến sĩ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 trong cả nước.  

Đoàn công tác của Văn phòng Trung ương Đảng viếng các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang LSQG Trường Sơn, Đường 9 và Thành Cổ Quảng Trị

Minh Đức |

Ngày 9/7, Đoàn công tác của Văn phòng Trung ương Đảng do Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng làm trưởng đoàn đã trang trọng tổ chức lễ viếng, dâng hương, dâng hoa các anh hùng liệt sĩ tại các Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia (LSQG): Trường Sơn, Đường 9, Thành Cổ Quảng Trị, Nhà hành lễ, Bến thả hoa bờ Nam sông Thạch Hãn và Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn. Cùng tham gia với đoàn có UVTƯ Đảng,  Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Trung ương Đảng Lâm Thị Phương Thanh; UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh. Tham dự lễ viếng về phía tỉnh Quảng Trị có UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Quang Tùng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam. 

Di tích Thành Cổ Quảng Trị: Thử nghiệm xe điện phục vụ du khách

Tú Linh |

Ngày 8/6, bà Cáp Thị Thiên Trang, Trưởng Ban quản lý Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị cho biết, đơn vị vừa đưa vào sử dụng thử nghiệm 2 xe điện phục vụ đưa đón du khách.

Những di thư Thành Cổ

Lê Bá Dương |

Cuộc chiến bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 thấm thoắt đã 50 năm! Với quãng thời gian nửa thế kỷ, nhiều câu chuyện đầy ấn tượng về những người lính chiến đấu anh dũng, hy sinh trong cuộc chiến khốc liệt bảo vệ cổ thành Quảng Trị đã được truyền kể nhưng vẫn chưa thể hết những gì mà các chiến sỹ từng phơi gan đồng, dạ sắt trong từng ngày, từng giờ đối mặt với bão lửa, mưa bom trên từng tấc đất cổ thành bầm đỏ máu xương.