Đó là một trong hai dòng sông chạy ngược lên hướng Tây của tỉnh Quảng Trị. Dòng sông chỉ có một bờ, vì bờ bên kia thuộc đất nước bạn.
Chỉ rộng hơn 100m, sông Sê Pôn chảy qua huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị mang sứ mệnh lớn lao - làm biên giới tự nhiên của hai nước Việt - Lào. Cạnh bên sông ở khóm Duy Tân là nhà đày Lao Bảo. Đây là một trong năm nhà tù lớn nhất Đông Dương do Pháp xây dựng vào năm 1908. Nhà tù được xây dựng dựa trên nền móng cũ của dinh trấn do nhà Nguyễn lập nên để bảo vệ phía biên giới phía Tây. Đặc trưng của nhà tù là những cây vông đồng với gai lởm chởm, có tuổi đời vài trăm năm.
Theo người dân truyền tụng, ngày xưa, bọn cai ngục đã phạt những nhà yêu nước bằng cách cho họ trèo lên cây. Nhà tù đã bị bom đánh sập, chỉ còn lại những nhà lao với sắt thép ngổn ngang nhưng cũng đủ chuyển tải những thông điệp về sự tàn khốc của thực dân khi đày ải những chí sĩ cách mạng. Trên con đường mòn phủ đầy cỏ dại đi xuống phía sông in dấu chân của nhà cách mạng nổi tiếng như Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Lê Thế Tiết… từng gánh nước phục vụ sinh hoạt của nhà tù.
Năm 1975, những người miền xuôi dưới huyện Triệu Phong lên làm kinh tế mới, họ chọn hướng bờ sông để làm nơi cư ngụ. Mạ (mẹ - BT) mình bảo, đêm đêm nghe tiếng bước chân thú xào xạc ngoài vườn. Chỉ biết vặn ngọn đèn dầu lên cho rạng và im lặng trong sợ hãi.
Trước ngày thống nhất đất nước, dãy đất dọc sông Sê Pôn về phía Việt Nam đa phần là người Vân Kiều, Pa Cô sinh sống. Những người dân kinh tế mới đã cùng người dân bản địa khai hoang những thửa đất mới, bằng mồ môi, nước mắt họ xây dựng quê hương mới và mang lại sự trù phú, thịnh vượng dọc bờ sông này.
Trong ký ức những người khai hoang, sông Sê Pôn là con sông dữ nhưng cũng là con sông mang lại “cái ăn” cho họ. Phù sa màu mỡ ven sông là nơi canh tác tốt nhất để đắp đổi cái bụng khi 3 tháng lương thực nhà nước cấp cho dân kinh tế mới đã hết. Họ sống cạnh sông để tiện cho sinh hoạt vì gần nguồn nước. Thế là những bản làng dọc bờ sông hình thành, được ghép từ những tên làng của quê hương cũ. Con sông có cái tên lạ - Sê Pôn trở thành con sông gắn liền với cuộc đời mới của họ, mà không phải là những cái tên Hán Việt như Thạch Hãn, Hiếu Giang, Vĩnh Định… ở dưới đồng bằng Triệu Phong. Những đứa trẻ thế hệ thứ hai lớn lên, chôn nhau cắt rốn bên cạnh dòng sông, tắm mát và ăn những củ sắn, củ khoai được chắt chiu từ phù sa dòng sông.
Trong ký ức của tôi, những ngày hè dòng sông cạn đến ngang gối, trẻ con có thể lội qua bên kia sông. Bên kia sông, những bản làng của người Lào trầm mặc dưới tán cây rừng. Dù chia cách con sông, khác nhau về quốc tịch nhưng họ có thể nói tiếng Việt vì đa phần là bà con dòng họ của người Vân Kiều, Pa Cô ở Việt Nam. Phía bên kia Lào, dãy núi hùng vĩ kéo dài từ vùng Lìa đến cửa khẩu quốc tế Lao Bảo là ngọn Yên Mã Sơn. Người Lào gọi là núi ngựa phi. Núi soi bóng xuống dòng sông, tạo nên cặp sơn thủy hữu tình của huyện Hướng Hóa.
Nhà tôi cách bên sông không xa. Nhớ tuổi thơ cùng mạ xuống sông tắm, gánh những thùng nước mát từ dưới sông lên để sinh hoạt. Trên sông, những chiếc thuyền bủa lưới bắt cá có khi quên cả giới hạn địa lý, “vượt biên” qua bờ bên kia để mưu sinh. Một vài chiếc thuyền với những người đàn ông da chì dầm mình dưới nước xúc những xô cát đổ lên đò rồi đưa vào bờ làm vật liệu xây dựng. Những chiếc đò máy rẽ sóng chạy từ phía Lào về mang theo hàng hóa rồi thẩm lậu vào đất liền qua những bến sông. Từ đây, hàng ngoại theo các chuyến xe xuôi về đồng bằng và tỏa đi muôn nơi.
Sông Sê Pôn trong xanh và hiền hòa nhưng đến mùa lũ vẫn là con sông hung dữ. Có rất nhiều nỗi đau từ dòng sông này khi mùa lũ đến. Có lẽ đậm nét nhất trong ký ức tôi là người bạn cùng lớp, năm học lớp 9, vì mưu sinh đã bơi qua sông bẻ măng bị nước lũ cuốn trôi. Phải mất nhiều ngày sau mới tìm thấy bạn tôi khi được một người Lào báo tin. Một nhánh cây ven sông đã níu xác bạn lại sau khi trôi qua phía Lào khoảng 10km.
Lớn lên, tôi rời xa dòng sông tuổi thơ. Thi thoảng nghe tin những người bạn còn bám trụ lại quê nhà báo tin vừa lặn được những chai rượu quý từ dưới sông. Vốn là con sông chở đầy hàng lậu từ Lào về. Hàng năm cơ man hàng hóa theo những chuyến đò chạy ngược từ phía Lào về, trong đó có những đò chở rượu. Có khi vì sóng lớn hoặc va vào nhau mà bị chìm. Những chai rượu quý như theo đó cũng chìm xuống sông, bùn cát phủ lên rồi quên lãng. Cho đến một ngày những chàng trai tinh nghịch tắm sông đạp trúng rượu. Những người sành rượu truyền tụng, rằng rượu ngâm dưới nước lâu năm uống rất ngon.
Có thể nói sông Sê Pôn là dòng sông nghĩa tình. Hai bên bờ đối diện nhau là hai quốc gia nhưng những bản làng hai bờ sông ấy thường kết nghĩa anh em. Họ chia sẻ khó khăn, giúp nhau phát triển kinh tế. Những năm dịch Covid-19, những chuyến hàng gồm gạo, nhu yếu phẩm, áo quần và thuốc men đã được cõng qua sông. Mỗi khi đau ốm, phía bên kia cũng nhờ quân y, trạm y tế hỗ trợ. Cách nhau một con sông nhưng khác nhau về văn hóa, tập quán. Đặc biệt sự chênh lệch về điều kiện sống là một điều dễ nhận thấy. Những đứa trẻ ở Lào thiếu thốn đủ thứ. Ngay cả con chữ cũng không được dễ dàng đón nhận như trẻ em bên này biên giới.
Bên kia sông là bản Denvilay, nơi có cửa khẩu phụ Denvilay (đối diện cửa khẩu phụ Thanh của Việt Nam), thuộc huyện Mường Nòng, tỉnh Savannakhet. Trong một lần sang bên kia sông, tôi đã nghe trưởng bản Denvilay nói, “bắt” cái chữ ở đây cũng khó như lên rừng bắt thú. Thầy hôm nay lại cho học trò nghỉ. Thầy phải nghỉ dạy để lên rừng kiếm ăn vì lương không đủ sống…
Ở những bản làng phía Lào cũng có những cô dâu người Việt qua đây lấy chồng. Tôi không thể quên hình ảnh cô gái dân tộc Pa Cô Hồ Thị Hải Âu dạy hát cho đám trẻ những bài hát Việt. Hải Âu từng là nữ sinh trường Quốc học Huế, quê ở huyện Đakrông nhưng đã “lạc bước” làm dâu xứ người. Dù không được chính thức làm giáo viên, nhưng bằng trình độ của mình, cô dạy miễn phí cho trẻ em trong bản. Và ở đó, từng chiều ê a lời hát Việt giữa thâm u đại ngàn của đất Lào.
Dòng sông mang phù sa để tạo nên những nương sắn, nương chuối trù phú; dòng sông cũng tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động bốc xếp hàng hóa từ những bến sông. Có hàng hóa theo những chuyến đò cập bến là có tiền đong gạo. Từ cánh bốc vác, người chạy thồ, chị bán hàng ăn, quán nước… đều chờ vào những chuyến đò ấy. Dường như ở thị trấn nhỏ này, ngoài cửa khẩu quốc tế Lao Bảo là nơi “hái ra tiền”, các bến sông cũng là nơi mưu sinh quan trọng. Bởi vậy mà một người bạn địa phương khác đã nói với tôi rằng, ở biên giới mà không “lậu lạc” thì làm sao phát triển được. Dù không đồng tình nhưng có lẽ bạn tôi nói cũng đúng ở góc độ nào đó.
Làm sao tôi quên được những người bạn tuổi thơ cùng lớn lên trên dòng sông này. Giờ họ vẫn bám bến sông để vác hàng, thồ hàng. Thương làm sao trên một khúc sông Sê Pôn đầy nắng gió ấy, bạn nhìn ra từ ngôi nhà đơn sơ và nói: mấy hôm nay các lực lượng chức năng làm căng quá, đường lại cấm nữa rồi. Biết làm gì để nuôi con…
Tôi im lặng và ngó đi nơi khác. Có lẽ dòng sông là nơi ẩn giấu những phận người. Nên chi khi người đời nhìn dòng sông trù phú từ màu xanh sắn, chuối thì lại có một dòng sông khác, có khi cưu mang, có khi nặng gánh những cuộc đời.