Cụ bà Phạm Thị Cháu, 94 tuổi, làng Hà Tây, xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, người lưu giữ chiếc khăn có ghi chữ “Kỷ niệm” ngót nghét hơn nửa thế kỉ qua. Với cụ Cháu, chiếc khăn là kỉ vật thân thuộc, quý giá nhất đối với cuộc đời bà sống gần trọn một thế kỷ, “ông gửi khăn về cho người làng, nói sau tổng tuyển cử ông về, nói rứa…”.
Quảng Trị bây giờ đang là mùa khô. Cái nắng nóng hơn bốn mươi độ như thiêu đốt cây cỏ ở ven đường. Nhưng thật bất ngờ khi chúng tôi đặt chân đến mảnh đất làng Hà Tây, một vùng đất bằng phẳng ven biển mặn mòi nắng gió mà những khóm muống biển, hàng lưỡi hổ xanh rì tăm tắp. Tất cả chúng được cưu mang bởi cát trắng, nắng biển, gió Lào. Cũng như người làng Hà Tây, sống nương nhờ vào cát, vào biển. Dù khó khăn đến mấy bởi chiến tranh gian khổ và những chật vật sau khi đất nước được hòa bình lập lại người Hà Tây vẫn luôn rắn rỏi, hun đúc nên tinh thần quật cường để vươn lên. Bởi vậy từ những khó khăn Hà Tây hôm nay như đã sang một trang mới đối với đời người, lịch sử làng và người dân nơi đây. Sống một cuộc đời hạnh phúc, no đủ và đầy lạc quan, yêu đời, tin vào Đảng, vào Nhà nước, vào chính bản thân mỗi người trong tạo dựng cuộc sống mới ngày càng giàu đẹp hơn.
Đỗ xe gần bờ sông Hà Tây, chúng tôi men theo con đường nhỏ để tìm đến ngôi nhà cụ Phạm Thị Cháu nằm giữa khu vực cát trắng bời bời. Anh Phạm Văn Khánh, cháu họ của cụ đón chúng tôi vào nhà, rót nước mời khách xong anh trở lại với công việc thường ngày là kinh doanh dịch vụ. Cụ Cháu không cần biết chúng tôi từ đâu, đến làm gì nhưng vẫn lấy túi da mang ra khoe “ở trong đây có cái ni hay lắm, tui cất hơn năm mươi năm rồi”. Nói xong cụ cười nhưng ánh mắt chứa chan niềm xúc động. Có lẽ chỉ có giá trị tinh thần mới đem đến cho con người ánh mắt chứa chan như thế. Và đó phải là tình yêu mới có những tia sáng ấm áp trào dâng ở người phụ nữ có vóc dáng nhỏ thó này. Ánh sáng của niềm tự hào và hạnh phúc trong ngôi nhà đầy giấy chứng nhận chiến công.
Hầu hết câu chuyện của cụ Phạm Thị Cháu đều là mảnh kí ức chắp vá, về quá khứ, chiến tranh, cả hòa bình. Mọi thứ đối với cụ Cháu thật khó khăn, có lẽ do tuổi cao, đã trải qua quá nhiều chuyện trong cuộc đời và có thể trong tâm trí của bà nỗi nhớ về chồng - tình yêu duy nhất của cụ đã choán hết không còn chỗ trống cho những câu chuyện khác xung quanh cuộc đời cụ. Ba mốc quan trọng trong đời cụ Cháu là khi gặp chồng lúc hơn hai mươi tuổi, gặp ở bến sông và thời gian chồng cụ gửi chiếc khăn về cho cụ qua một đồng chí cũng là người con của làng Hà Tây.
Trong ngôi nhà tình nghĩa của chính quyền địa phương xây tặng gia đình chính sách cách đó không lâu là một căn phòng được xây mới, nền lát đá hoa của Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị trao tặng. Ở đâu cũng được treo giấy chứng nhận có công của chồng cụ Cháu: Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Ba, Bằng khen Ủy ban Hành chính Khu ủy Vĩnh Linh, Huy chương chiến thắng hạng Hai, Huy chương kháng chiến hạng Nhất… Trong dòng chảy lịch sử của gia đình đầy truyền thống cách mạng này là một nàng dâu thấm đượm tình yêu “ông (chồng) tội dữ lắm, ngày đầu tiên gặp ở bến sông Hà Tây, ông lấy cái nón lành lặn đội lên đầu tui, lấy cái nón rách của tui đội lên đầu ông. Người chi mà thiệt là thương, không ưng không được…”.
Nụ cười bỏm bẽm của một cụ bà hơn 94 tuổi kể về câu chuyện tình yêu, cách đó hơn 70 năm bên bến sông chỉ có hai người. Chẳng có gì nhiều nhặn ngoài hành động đẹp đẽ của chàng trai tên Lê Văn Kỳ mà câu chuyện tình yêu đi suốt chiều dài lịch sử. Dường như dưới lớp khô cằn của cát, của đất trời Hà Tây là mạch nước trong lành, mát mẻ, đó cũng chính là tình yêu của đôi trai gái trên con sông này. “Làng tui ở gần sông, nhưng gặp ông cũng chỉ có một lần đó thôi, sau ngày cưới nhau ông đi kháng chiến cùng với trai tráng trong làng, chiến tranh ai cũng đi đánh giặc để giành lại đất nước...”, cụ Cháu bộc bạch thêm.
Hai chiếc khăn được cụ Cháu gói trong bao kiếng một cách kĩ lưỡng, chúng lại được bỏ vào một cái túi da trong chiếc tủ cạnh giường ngủ để lâu lâu mang ra xem và để có người đi qua hỏi về chồng mình cụ lại đem ra khoe. Chiếc khăn thứ nhất được dệt bằng len, dài non một mét, rộng gần 20cm, có hoa văn kẻ rô, màu sẫm. Chiếc khăn thứ hai to hơn bàn tay, màu trắng, bên trên có ghi chữ “Kỷ niệm” đó là kỉ vật đi cùng cụ Cháu ngót nghét hơn nửa thế kỉ, là thứ thân thuộc nhất của cụ về chồng. “Ông gửi khăn về cho người làng, nói sau tổng tuyển cử ông về, nói rứa…”, ánh mắt xa xăm của cụ Cháu lại dán vào không gian rất gần đó là chiếc khăn. Nó gần mà xa quá, mấy chục năm trời mà như hôm qua, tiếng ai hẹn ước còn văng vẳng, mà ngày đó cũng xa rồi.
Trong câu chuyện khả dĩ vốn bình thường, dung dị, đầy cảm xúc hôm chúng tôi thăm cụ Phạm Thị Cháu, Nhà văn Yên Mã Sơn cứ lật trở câu chuyện chiến tranh nhưng cụ Cháu hầu như không đề cập đến. Những giấy tờ liên quan đến chồng, cụ Cháu đã bỏ vào tủ rồi khóa lại, chiếc chìa khóa lâu ngày cũng không thể mở được tủ, âu đó cũng là cái “duyên”. Hỏi về kháng chiến, lặng im, về ngày giải phóng, lặng im, về ước mơ, cụ Cháu lại lật những chiếc khăn ra bàn “ông nói sau tổng tuyển cử ông về…”.
Có lẽ chiến tranh không chỉ là đạn bom, không chỉ là nhà cháy tan hoang hay làng xóm bị lật tung bởi những âm thanh bát nháo. Mà chiến tranh thực sự đầy bão giông trong chiếc túi da chứa hai chiếc khăn kí ức. Lời hẹn thề còn đó, nét chữ của người thương còn đó, thậm chí hơi ấm hay mùi mồ hôi còn vấn vít mấy chục năm không rời khỏi trí nhớ của bà. Mọi thứ có thể gọi là hạnh phúc nhưng nó rất ngổn ngang, nếu không có chiến tranh, người con gái tên Cháu ngày xưa cùng chàng trai tên Kỳ sẽ con đàn cháu đống, hạnh phúc sum vầy chứ không phải hôm nay cụ bà Phạm Thị Cháu lại côi cút với những chiếc khăn kí ức.
Thiếu tá Nguyễn Xuân Thế - Chính trị viên Phó Đồn Biên phòng Triệu Vân cho chúng tôi hay: “Mệ cháu không có con cái, có mấy đứa cháu qua lại cơm nước cho mệ, các đồng chí trong đội địa bàn cũng thường xuyên lui tới chăm nom. Đó là nghĩa cử của con cháu, với chúng tôi là nghĩa cử đối với gia đình chính sách, có công với cách mạng…”.
Ngót nghét 70 năm đi qua, đó cũng là khoảng thời gian giao ước cho lời hẹn “sau tổng tuyển cử anh về”. Đi gần hết đời người, cụ Cháu vẫn đinh ninh đó là lời hẹn như từ mới hôm qua, vì chiếc khăn vừa mở ra thì mọi thứ còn nguyên vẹn. Tình yêu trong trái tim cụ Cháu và lời hẹn ước của chồng là sợi dây nối hôn nhân, nối những hạnh phúc và yêu thương. “Ông hẹn thì ông sẽ về…”, cụ Cháu nói với chúng tôi như thế, cụ ước mơ chồng mình quay về từ cuộc chiến, mặc dù lấp lánh trên tấm bằng Tổ quốc ghi công có tên Liệt sĩ Lê Văn Kỳ, hy sinh ngày 28 tháng 5 năm 1972.
Hoa giấy ngoài vườn vẫn rực đỏ giữa những ngày hè nắng rát, con nước trên sông Hà Tây có khi vơi khi đầy, nhưng tình yêu thương và lời hẹn ước vẫn đầy ắp trong lồng ngực cụ bà Phạm Thị Cháu. Chuyện tình vượt thời gian, nó đi hết những tháng năm chiến tranh giông bão đến những ngày hòa bình và cho đến hôm nay vẫn còn nhắc. Khi chúng tôi tạm biệt ngày nắng nôi ở Hà Tây, với ngôi nhà, với người đàn bà sống gần trọng một thế kỉ mà câu chuyện tình yêu như mới bắt đầu từ ngày hôm nay cho đến mãi những ngày sau.