Sêpôn - Nửa dòng sông trôi

Yên Mã Sơn |

Có một con sông ở Quảng Trị, nằm bên kia sườn tây của đại ngàn Trường Sơn làm ranh giới tự nhiên của hai nước Việt – Lào. Sông Sêpôn - con sông chỉ có một bờ.

1. Sông Sê Pôn chảy qua tám xã, thị trấn vùng biên giới của huyện Hướng Hoá dài chừng hai mươi lăm km. Mỗi xã, thị trấn ở bên này sông thuộc huyện Hướng Hoá đối xứng với mỗi cụm bản bên kia sông thuộc hai huyện Sêpôn, Mường Nòng, tỉnh Savannakhet, nước bạn Lào.

Đi qua địa phận Lao Bảo, sông uốn thành một vòng cung ôm lấy thị trấn, bên kia sông là dãy núi cao của Lào mà theo người dân Việt gọi một cái tên rất đẹp là dãy Yên Mã Sơn, tiếng Lào là Samatẹt (núi Ngựa phi), núi có hình thù con ngựa đang phi nước đại, điểm cao nhất là ở Tân Long, đoạn từ ngã ba chạy vào các xã vùng Lìa; bên này sông là thung lũng Lao Bảo, được bao bọc bởi các dãy núi hùng vĩ, điểm cao nhất theo đường Quốc phòng Lao Bảo - Hướng Phùng được gọi là Đồi Chua. Sông Sêpôn đổ vào sông Mê Kông hùng vĩ ở thị xã Pakse của Lào, chiều dài gần trăm cây số, có những nơi mùa cạn có thể lội qua được, cũng có những nơi rất sâu, nước xoáy quanh năm được gọi là rốn sông…

Sông Sêpôn đi qua Lao Bảo như một con rắn khổng lồ, uốn lượn bên thị trấn yêu kiều, sầm uất, ở đây được xem là khúc sông đẹp nhất vì có dãy Yên Mã Sơn soi bóng lung linh, có cồn cát ở giữa, có những bến sông mơ màng ngủ dưới sương sớm đợi những chuyến đò từ nước bạn. Thuở nhỏ, chiều chiều chúng tôi xuống tắm sông, sông trong xanh, mát lạnh, có thể chạy đùa trên bãi cồn giữa sông, cái bãi cồn này một nửa là của Việt, nửa kia là của Lào. Tuổi thơ của những người con Hướng Hoá đã tắm trên một dòng sông là ranh giới chung của hai nước, nhưng không có đứa trẻ nào biết con sóng bên kia của Lào, con sóng bên này của ta! Sông có nhiều suối của Việt Nam xuôi theo sườn Tây Trường Sơn đổ về, trong đó có một con suối mang đậm tình hữu nghị Việt - Lào mà một nhạc sỹ đã viết: “Ơi em gái Sêpôn…, em có tắm dòng suối La La từ nơi anh Hướng Hoá chảy qua mang tình anh thiết tha thiết tha…”. Suối La La giờ đây được tập đoàn Mai Linh xây dựng thuỷ điện để hoà cùng dòng điện quốc gia.

Qua sông Sêpôn - Ảnh: Hoàng Tiến
Qua sông Sêpôn - Ảnh: Hoàng Tiến

2. Sông Sêpôn cũng từng chứng kiến những bi kịch, sự tàn khốc cũng như hào hùng của sử Việt. Nép mình bên dòng sông này là nhà tù Lao Bảo, từ con đường mòn bên cạnh nhà tù xuống một con dốc là đến bờ sông, con đường mòn ghi bao dấu chân của các chí sỹ cách mạng gánh nước từ dòng sông đổ lên những máng suối nhân tạo, làm một con suối nước chảy quanh năm để trồng rau xà lách xoong Hảo Sơn, thứ rau chỉ sống ở dòng nước chảy mà các nhà cai ngục của Pháp nghĩ ra để thoả mãn sự thèm muốn! Một màu xanh của cây vông đồng bao phủ nhà tù, không gian tĩnh lặng, thi thoảng trái ngô đồng rơi trong gió như lời thì thầm của cổ nhân. Được xây dựng vào năm 1908 đến nay đã hơn một trăm năm, nơi đây đã giam cầm những chí sỹ cách mạng của miền Trung như Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu…, tượng đài là hình ảnh người tù nhân hiên ngang trong xiềng xích, trên tượng là bốn câu thơ của nhà thơ Tố Hữu. Nhà tù đã bị máy bay Mỹ phá tan vào năm 1968, giờ còn những phế tích rêu phong. Di tích này được xếp hạng di tích Quốc gia vào năm 1991, năm 1999 người ta dựng lại Khu A của nhà tù và tượng đài. Vừa qua, chính quyền tỉnh Quảng Trị đã đầu tư hai mươi tỷ đồng để tôn tạo khu di tích này, đây là điểm đến của khách tham quan trong chuỗi di tích du lịch tâm linh của Quảng Trị

Cũng chính trên dòng sông Sêpôn này, ngày xưa các bộ lạc dân tộc Lào đã cùng nhân dân Hướng Hoá gùi xe tăng tập kết ở xã Thuận, rồi vượt sông Sêpôn bằng những con bè để đánh Làng Vây - cứ điểm quan trọng giữ phía Tây Khe Sanh. Các tướng lĩnh Mỹ và quân đội Sài Gòn đã từng kinh ngạc khi xe tăng bất ngờ xuất hiện tham chiến cùng bộ binh quân giải phóng ở vùng đất lam sơn chướng khí này. Họ kinh ngạc cũng phải, bởi lịch sử chiến tranh thế giới chắc chẳng nơi đâu mà đạn pháo, xe tăng được gùi cõng bằng những đôi chân trần của người dân, được đóng bè tre nứa vận chuyển để đảm bảo bí mật bất ngờ như ở Việt Nam.

3. Dọc theo dòng sông là các bản làng của Lào, các dân tộc Lào ở những khúc sông này như dân tộc thiểu số của Việt Nam, đều ăn xôi với mắm, xụm và dế nướng. Dế nướng là một món khoái khẩu của người Lào. Dọc theo những triền cát ven sông, các bà mẹ địu con trên lưng tay cầm cái chét (cuốc nhỏ) đào những con dế từ những hang sâu, hôm nào đào được nhiều thì đem bán cho các quán xôi xụm ở chợ Karol, ít thì mang về dùng. Món dế có lắm người không dám ăn, nhưng khi chiên lên thơm lừng, ăn rồi ai cũng khoái. Dọc theo dòng sông về phía Việt Nam là các thôn người Kinh và Vân Kiều, những năm đầu lên khai hoang lập ấp ở vùng này, những dải đất dọc sông là địa điểm đắc địa, ai cũng muốn ở vì gần nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu, đất đai lại màu mỡ, tuy nhiên hàng năm lại gánh chịu lũ quét hoặc lụt cục bộ do cái khúc uốn của dòng sông làm tức nước. Mùa khô, đồi hoang trơ trọi, cỏ lá bị cháy đen, thiêu rụi bởi những cư dân làm nương, làm rẫy. Mùa này thường xuất hiện một loài chim, gọi lúc sáng sớm và lúc hoàng hôn, tiếng kêu như ai oán giữa mùa hè khắc nghiệt của núi rừng, giữa những tàn tro theo gió bay về từ những đồi hoang. Cái tích về con chim này đã được mẹ tôi kể lại trong những năm đầu đặt chân lên Lao Bảo, dựng ngôi nhà đơn sơ bên dòng sông Sêpôn: Người Thượng một năm đốt rẫy một lần, thường là tháng tư tháng năm, sau đó đợi mùa mưa xuống, những tàn tro của lá, của xác cây là nguồn phân bón lúa. Theo mùa, có một bà mẹ đưa con lên rẫy, móc con vào gốc cây để rảnh tay làm việc. Một ngày nọ sau những ngày cây lá khô, bà mẹ châm lửa đốt rừng, lửa cháy nghi ngút, rừng cháy vàng, những tiếng nổ lốp đốp, những tàn tro bay lên, một lát sau bà mẹ nghĩ đến con, quay lại, nhưng con đã nằm trong rừng lửa, gào thét trong vô vọng. Đứa con để trong yếm treo lên cây đã cháy theo rừng, theo những phút dại khôn của trần gian… Nhiều ngày sau, đứa con hoá thành một loài chim, sớm tối về bản làng mà hót rằng: con còn côi côộc, ôốc dôộc chưa tề (côộc là gốc cây, ôốc dôộc là xấu hổ - tiếng Quảng Trị) và cứ lặp đi lặp lại như vậy! Nó khóc khi mẹ để quên nó trên gốc cây giữa rừng lửa. Hằng năm, đến mùa đốt rẫy, người Kinh và đồng bào Thượng đều nghe tiếng kêu đó! Dọc những triền đồi ven sông Sêpôn là những thửa ruộng lúa khô. Đây là thứ lúa nếp rất dẻo dùng để nấu xôi. Người Lào cũng như các dân tộc Việt Nam đều rất trân trọng hạt lúa, họ cũng quan niệm hạt lúa là hạt ngọc, là thứ thiêng liêng nhất của con người. Bởi thế, ruộng lúa của người Lào rất “sạch”. Sạch sẽ ở đây được hiểu là sự tôn trọng, giữ gìn bằng những luật lệ rất khắt khe. Nếu không được phép của chủ ruộng mà có một người lạ nào đi vào rẫy lúa sẽ bị phạt trâu cúng tế thần lúa để chuộc tội. Nếu ai bất cẩn để trâu bò ăn lúa hoặc đi vào rẫy lúa là coi như mất trâu, bò và còn bị phạt thêm một con trâu, con bò khác nữa để cúng làng! Đến mùa gặt, họ đem theo nhiều dụng cụ để đựng lúa và cứ thế tuốt bông lúa ngay trên cành, không cần cắt, đưa về nhà rồi dùng trâu đạp hay máy móc. Bởi thế nên năng suất lúa của các bản, làng ở đây rất thấp, số lượng lúa mất vương vãi ở trên rẫy rất nhiều.

Từ bến sông Sêpôn phía Việt nhìn qua, những bản làng bình yên với khói bếp bay lên đầm ấm. Tiếng chày giả gạo cứ đều đều nhịp nhàng, khoan thai… Dọc theo sông về phía Việt đi vào các xã vùng Lìa là những cánh rừng thâm u, rậm rạp. Đó là những cánh rừng ma, vì phía dưới những tán cây cổ thụ là những nấm mồ nơi yên nghỉ thiên thu của người Vân Kiều, Pa Kô. Họ bảo sống nhờ rừng giờ chết cũng trở về với rừng xanh.

4. Có hai phố núi nằm sát bên dòng sông này, chỉ cách nhau chưa đầy hai cây số. Bên kia là bản Karon, trung tâm của Khu kinh tế cửa khẩu Densavan, huyện Sêpôn tỉnh Savannakhet, Lào và bên này là Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo. Cả hai đều nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây mà các nhà quy hoạch và đầu tư bắt đầu khởi động, hứa hẹn thành tựu trong một tương lai rất gần. Cửa khẩu Lao Bảo giờ không chỉ là hàng Thái Lan quá cảnh đất Lào sang Việt Nam mà giờ hàng Việt đã “ào” sang, xâm nhập, cạnh tranh với hàng Thái tại đất Lào. Những mặt hàng nhu yếu phẩm, máy nông ngư cơ của Việt đã được người Lào tiêu dùng với giá rẻ và chất lượng hơn của Thái Lan.

Đô thị vàng Lao Bảo, người ta đã ví thị trấn nhỏ vùng biên ải này như thế. Đó là vùng đất hình thành trên cái nền… nhà tù như cách nói của nhà báo Lê Đức Dục. Có người từng ví nó như một Thẩm Quyến của Việt Nam. Nói vậy có vẻ kỳ vọng và lý tưởng hóa quá. Nhưng với những gì nó đang có so với những gì nó đã có cách đây hơn ba mươi năm thì ví von như thế cũng chẳng có gì là… ba hoa.

Năm 1491, triều Lê định lại bản đồ cả nước, Lao Bảo thuộc châu Thuận Bình, bên cạnh là châu Sa Bồi (hay còn gọi là Sa Bôn, Na Bôn tức là huyện Sêpôn - Lào ngày nay), cả hai châu này đều thuộc huyện Đăng Xương, phủ Triệu Phong.

Năm 1622 Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên cho rằng: “Sông Hiếu ở xã Cam Lộ thuộc huyện Đăng Xương giáp với đất Ai Lao, các bộ lạc Man, Hoàn, Vạn Tượng, Trấn Ninh, Quy Hợp đều có đường thông đến đấy, bèn sai đặt sinh, mộ dân chia làm sáu thuyền quân để coi giữ, gọi là dinh Ai Lao”. (Theo sách Đại Nam thực lục tiền biên, tập I, NXB Sử Học, HN 1962).

Có lẽ, trước Chúa Sãi, Lao Bảo chỉ biết là một phên giậu phía Tây giáp với đất Ai Lao, ngoài người Thượng định cư ở đây từ lâu thì người miền xuôi xem đây là vùng đất xa xôi, chỉ biết qua lời nói.

Dinh canh phòng được đóng cạnh sông Sêpôn, nơi có ngôi làng tên là làng Bảo của người Vân Kiều và một số cư dân người Ai Lao sống xen kẽ. Xứ này rừng thiêng nước độc, rất phù hợp cho phạm nhân, một đi không trở về nên Chúa Nguyễn đã cho lập cái dinh này, về bản chất nó là một nơi lưu đày các phạm nhân của triều đình, bị điều lên đây vừa tù đày vừa làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương.

Đến năm 1883, vua Minh Mạng hạ lệnh đắp dinh Ai Lao và đổi tên thành Bảo Trấn Lao với chu vi chín mươi trượng, cao sáu thước, mở hai cửa có năm mươi lính đóng quân.

Năm 1899, thực dân Pháp sáp nhập Lào vào Đông Dương thuộc Pháp, chia một nửa huyện Thành Hóa (tức Hướng Hóa) sáp nhập với tỉnh Savannakhet, Lào; phần còn lại (trong đó có Lao Bảo)  thuộc về Việt Nam.

Về tên gọi địa danh Lao Bảo, có thể bắt nguồn từ tên Bảo Trấn Lao có từ thời nhà Nguyễn. Cũng có người cho rằng nó bắt nguồn từ địa danh làng Bảo của người Vân Kiều nằm sát bên sông Sêpôn mà ngày nay là bản Ka Túp thuộc thị trấn Lao Bảo.

 

Bên cạnh sông Sêpôn là nhà máy Tinh bột sắn của công ty thương mại Quảng Trị. Nhà máy Tinh bột sắn thực sự đã là “cứu cánh” cho các dân tộc Việt - Lào sống sát bờ sông này. Trước đây họ trồng sắn để ăn, ăn không hết cứ để lăn lóc dưới sàn nhà, cứ thế sắn hỏng hay nảy mầm mà chẳng biết làm gì. Từ khi có nhà máy thì các bản của người Lào cũng như các xã ven sông của đất Việt giàu lên không ngừng. Nhưng nói đến nông sản của những vùng đất con sông Sêpôn chảy qua mà không nhắc đến cây chuối thì không được, bởi nơi này là đất của chuối mít móc, thứ chuối thơm và ngọt nức tiếng của Quảng Trị. Chuối trồng dễ chăm sóc, ít vốn, quanh năm sống chỉ “nhờ trời” nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thị tứ Tân Long, nơi nổi tiếng với chợ chuối xuất ngoại. Người ta ví cái chợ này là “chợ xanh”, vì khi qua đây, chỉ có một màu xanh của chuối. Ở đây nhà nhà đều trồng chuối, chuối từ sau hè nhà, trên đồi cao hay xa hơn nữa, người ta thuê đất ở tận nước Lào, sát mé sông Sêpôn ở các huyện Mường Noong hay huyện Sêpôn để trồng chuối. Đã có người đề ra ý tưởng thiết lập thương hiệu chuối cho vựa chuối Tân Long với cái tên rất ngoại: Chuối Sêpôn.

Những buổi chiều mùa đông, khi muốn tìm về chút lặng lẽ của thơ, dập dìu của nhạc, tôi thường tìm về một bến sông Sêpôn ngay ở cuối làng. Tôi thích nhìn những con thuyền lừ đừ đi trong làn sương mỏng, lúc ẩn lúc hiện của người dân chở chuối từ Lào về hay những con người lam lũ ngâm mình dưới đáy sông để đãi chắt chắt hay lấy cát. Ôi con thuyền mờ ảo đi trong sương mù, tự nhiên lại thấy hình ảnh của con thuyền độc mộc của mấy chục năm trước, cũng trên dòng sông này: Con thuyền độc mộc của học giả Nguyễn Văn Vĩnh trôi lênh đênh trên sông Sêpôn, trong tay ông là cây bút và tập bản thảo ký sự “Một tháng với những người đi tìm vàng”. Trong đó như có một nửa dòng sông Việt đang trôi. 

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt số 214 tháng 07/2012)

Quy tập 3 hài cốt liệt sĩ ở huyện Sê Pôn và huyện Gio Linh

Kim Quy - Xuân Diện |

Từ ngày 9 - 15/11, Đội 584, Phòng Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị đã tìm kiếm, quy tập được 3 hài cốt liệt sĩ ở địa bàn trong và ngoài nước.

Nước sông Sê Pôn dâng cao, nhiều địa phương lên kế hoạch di dời dân

Điếu Ngao |

Do ảnh hưởng của bão số 5 (CONSON), ngày 12/9/2021, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có mưa lơn kéo dài làm nhiều địa bàn ở huyện Hướng Hoá, Đakrông bị chia cắt, có nguy cơ ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất.

Cận cảnh bờ sông Sê Pôn bị sạt lở nghiêm trọng sau mưa lũ

Thiên Sơn |

Sau đợt mưa lũ vừa qua, dọc sông Sê Pôn biên giới Việt – Lào (Hướng Hóa, Quảng Trị), xuất hiện nhiều điểm sạt lở, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng chục hộ dân nơi đây.

Trồng 1 triệu cây keo giống phủ xanh biên giới sông Sê Pôn

Yên Mã Sơn |

Ngày 06/12/2020, Đồn Biên phòng Thanh (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị) phối hợp với Câu lạc bộ Hoa Tình Nguyện, VY'S TEAM đã trao tặng 01 triệu cây giống keo lai cho nhân dân  2 xã Thanh và Xy (Hướng Hóa).