Theo dấu chân Nguyễn Ái Quốc trên đất nước của Lê-nin

Anh Tú |

Chuyến đi đến đất nước Liên Xô của Nguyễn Ái Quốc là bước ngoặt lịch sử đối với cách mạng Việt Nam.

Bước ngoặt quan trọng trong hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc là khi Người lần đầu tiên đặt chân đến thành phố Petrograd (nay là Saint Petersburg) - quê hương của Cách mạng Tháng Mười Vĩ đại, đất nước Liên Xô, cách đây gần 100 năm.

Thời khắc lịch sử đó là ngày 30/6/1923 và ít ngày sau, Người lên xe lửa đi Moscow. Mặc dù chỉ lưu lại 6 tháng, đến tháng 1/1924, nhưng quãng thời gian Người ở Liên Xô có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc mà cả với phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam.

Chiếc tàu thủy nhỏ đưa cả đoàn chúng tôi rời bến từ cảng Lớn Saint Petersburg để đi tới vịnh Gutuevsky, nơi cơ quan Quản lý cảng biển Ban Tích đã xác định được vị trí mà ngày 30/06/1923, người thanh niên Việt Nam Nguyễn Tất Thành- Nguyễn Ái Quốc lần đầu tiên đặt chân tới. Đồng hành và hướng dẫn cho chúng tôi là ông Aleksander Morozov- nhân viên cơ quan Quản lý cảng biển Baltic. Theo lời kể của ông Morozov, nước Nga vào đầu thế kỷ XVIII chưa có cảng đi ra biển. Nhiệm vụ chiến lược đặt ra cho Petrograd là xây dựng cảng biển, mở ra cánh cửa đến Châu Âu. Do vậy, cảng Petrograd do Piotr Đại Đế cho xây dựng vào năm 1713, bây giờ được gọi là cảng lớn Saint. Petersburg.

Ông Aleksander Morozov- nhân viên cơ quan Quản lý cảng biển Baltic
Ông Aleksander Morozov- nhân viên cơ quan Quản lý cảng biển Baltic


“Vào năm 1923 cách mạng vừa kết thúc, trước đó là chiến tranh Thế giới Thứ nhất, mọi thứ bị phá hủy, tình hình rất nặng nề, kinh tế chưa được khôi phục. Lúc đó các con tàu đến và vận chuyển hàng hóa chưa nhộn nhịp như bây giờ. Bởi vậy, việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đi đến đây, trên con tàu nhỏ này xứng đáng là dấu hiệu mang tính biểu tượng" -ông Morovzov cho biết.

Ông Morovzov mang theo một tờ giấy A4 copy hình ảnh con tàu Karlipnext, con tàu đã chở người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc sau 12 năm rời bến Nhà Rồng trên hành trình từ Paris (Pháp) qua Hamburg (Đức), đến với đất nước Liên Xô.

Chỉ sau khoảng 30 phút, tàu của chúng tôi đã đến vịnh Gutuevsky. Hiện ra trước mắt là dấu tích xưa- một bức tường cũ còn sót lại, lác đác cây, cỏ dại mọc, nơi mà theo ông Morovzov, trước đây con tàu Karlipnext đã cập bến. Đây không phải là con tàu bình thường, nó là tàu chở hàng và hành khách, có nghĩa chức năng đầu tiên của nó là chở hàng hóa. Với sự giúp đỡ của các chuyên gia quản lý cảng Saint.Petersburg, mà chính là thuyền trưởng Piotr Petrovich Parinov đã xác định được vị trí, nơi có thể Nguyễn Ái Quốc đã đến, được gọi là vịnh Gutuevsky....

Con tàu Kar Lipnext (chụp lại từ bản copy của ông Morovzov)
Con tàu Kar Lipnext (chụp lại từ bản copy của ông Morovzov)

Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn, chúng tôi đã được Tiến sĩ sử học Evgeny Kobelev- chuyên gia nghiên cứu khoa học cao cấp của Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN- Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, tác giả của các cuốn sách "Hồ Chí Minh", “Người Nga nói về Hồ Chí Minh”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Nga” và nhiều bài báo về Người đăng tải trên báo chí Việt Nam và Nga kể rằng, các nhà lưu trữ của Liên Xô đã cẩn thận giữ gìn giấy chứng nhận cho phép Nguyễn Ái Quốc nhập cảnh dưới cái tên nhiếp ảnh gia Chen Vang, người đi du lịch. Giấy chứng nhận do đại diện của Liên Xô ở Đức cấp thay cho hộ chiếu.

"Nhiếp ảnh gia Chen Vang đi trên tàu thủy của Đức vào Petrograd (tức Saint Petersburg ngày nay) ngày 30/6/1923. Tấm ảnh của Hồ Chí Minh thời trẻ dán trên tấm giấy chứng nhận và dấu của đồn biên phòng cảng Petrograd ghi rõ ngày nhập cảnh của vị hành khách nước ngoài là minh chứng cho điều đó" - Tiến sĩ sử học Evgeny Kobelev cho biết.

Bức tường cũ của bến cảng xưa còn sót lại
Bức tường cũ của bến cảng xưa còn sót lại

Theo GS.TSKH Vladimir Kolotov - Giám đốc Viện Hồ Chí Minh thuộc Đại học Tổng hợp Saint.Peterburg- Nga, chuyến đi đến đất nước Liên Xô của Nguyễn Ái Quốc là bước ngoặt lịch sử đối với cách mạng Việt Nam.

"Khi Hồ Chí Minh đến liên bang Xô Viết, thì trước hết ông học được học thuyết cách mạng, tư tưởng Mác-Lenin và công nghệ dựng nước, xây dựng Đảng, đào tạo cán bộ và những giai đoạn quan trọng nhất để làm cách mạng, Tổng Khởi nghĩa và quản lý đất nước sau khi chiếm được quyền lực trong tay. Cho nên việc Hồ Chí Minh đến Liên Xô vào năm 1923 là một sự kiện định mệnh cho cả Việt Nam".

GS.TS Kolotov-Giám đốc Viện Hồ Chí Minh
GS.TS Kolotov-Giám đốc Viện Hồ Chí Minh

Kể từ sau chuyến đi đến đất nước của Lênin trong lần đầu tiên vào ngày 30/6/1923, Nguyễn Ái Quốc còn trở lại Liên Xô trong các khoảng thời gian vào năm 1927, 1934-1938, tổng cộng là hơn 6 năm để học tập và hoạt động trong phong trào Quốc tế Cộng sản. Từ đó, Người dần hoàn thiện cơ sở lý luận và thực tiễn, xác định đúng con đường đưa Cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi, giành độc lập tự do cho dân tộc.

(Nguồn: VOV-Moscow)

Ra mắt sách ảnh "Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh: Hành trình cứu nước"

PV |

Cuốn sách ảnh giới thiệu hàng trăm bức ảnh tư liệu, tài liệu, bút tích quý giá tái hiện quá trình hoạt động của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh giai đoạn từ năm 1911-1945.

Những nơi lưu dấu thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế

Phúc Đạt |

Mảnh đất Huế Kinh kỳ chính là nơi đã góp phần nuôi dưỡng, hun đúc và bước đầu hình thành tư tưởng yêu nước, thương dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để từ đó Người quyết định ra nước ngoài tìm đường cứu dân, cứu nước. Khoảng thời gian 10 năm sống ở mảnh đất Kinh kỳ chính là gốc rễ của một tâm hồn, một nhân cách, một tư tưởng cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiện nay, ở Huế có hơn 20 di tích và địa điểm di tích về Bác Hồ hoặc có liên quan trực tiếp đến gia đình Người không thể không nhắc đến.

Bác Hồ với quê hương Vĩnh Linh

Mỹ Hằng |

Mỗi mùa Tết đến xuân về, mỗi người dân Việt Nam chúng ta đều bồi hồi nhớ Bác cùng những tình cảm bao la mà Bác dành cho đồng bào cả nước. Những câu chuyện, hình ảnh của Bác vẫn nguyên vẹn trong trái tim của mỗi người con Việt Nam. Riêng đối với mảnh đất Vĩnh Linh, sinh thời Bác đã dành cho nơi này những tình cảm hết sức đặc biệt. Nhớ về Bác, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Vĩnh Linh đã có nhiều việc làm cụ thể, thiết thực để xứng đáng với tình yêu thương, niềm tin của Người.

Chiếu phim, văn nghệ mừng 74 năm đồng bào Vân Kiều – Pa Kô mang họ Bác Hồ

K.K.S |

Ngày 26/6/2020, Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hướng Hóa, UBND xã Hướng Linh (Hướng Hóa, Quảng Trị) tổ chức chiếu phim và giao lưu văn nghệ chào mừng kỷ niệm 74 năm đồng bào Vân Kiều – Pa Kô mang họ Bác Hồ (1946 – 2020).