Bác Hồ với quê hương Vĩnh Linh

Mỹ Hằng |

Mỗi mùa Tết đến xuân về, mỗi người dân Việt Nam chúng ta đều bồi hồi nhớ Bác cùng những tình cảm bao la mà Bác dành cho đồng bào cả nước. Những câu chuyện, hình ảnh của Bác vẫn nguyên vẹn trong trái tim của mỗi người con Việt Nam. Riêng đối với mảnh đất Vĩnh Linh, sinh thời Bác đã dành cho nơi này những tình cảm hết sức đặc biệt. Nhớ về Bác, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Vĩnh Linh đã có nhiều việc làm cụ thể, thiết thực để xứng đáng với tình yêu thương, niềm tin của Người.

Ngày 1/1/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng cho Khu vực Vĩnh Linh.

Bác chưa có dịp đến thăm Vĩnh Linh. Thế nhưng, mảnh đất này luôn để lại nhớ thương trong lòng Bác. Người nhớ rành rọt từng tên đất, tên làng ở Vĩnh Linh. Khi biết chuyện một địa đạo ở xã Vĩnh Quang bị bom Mỹ đánh sập khiến hơn 60 người chết, Bác rơi nước mắt. Nhận tin báo về việc các em nhỏ Vĩnh Linh sơ tán ra các tỉnh miền Bắc bị bom Mỹ cướp đi mạng sống trên đường đi, Bác không nuốt nổi miếng cơm. Nhiều cán bộ, chiến sĩ từ Vĩnh Linh ra thủ đô rưng rưng xúc động khi nghe Bác ân cần hỏi thăm từng chi tiết nhỏ trong cuộc sống mà cảm giác như Người đã và đang ở giữa đất quê nhà.

 

Tình cảm của Bác Hồ đối với mảnh đất Vĩnh Linh đến nay vẫn được lưu giữ trong từng bức thư, lời căn dặn, món quà. Giữa tháng 6/1957, Bác chia sẻ với cán bộ Vĩnh Linh có mặt trong cuộc gặp gỡ với Người ở Đồng Hới, Quảng Bình: “Vì xe không đến được mà Bác chưa có điều kiện vào thăm”. Trước 3 vạn đồng bào Quảng Bình và Khu vực Vĩnh Linh có mặt lúc bấy giờ, Người nói: “Quảng Bình cùng với Vĩnh Linh ở tuyến đầu miền Bắc, tiếp giáp với miền Nam. Mọi việc làm tốt hay xấu của các cô, các chú ở đây đều có ảnh hưởng nhất định đến cách mạng miền Nam, đều có ý nghĩa đến việc bảo vệ miền Bắc. Nếu kẻ địch có hoạt động liều lĩnh gì thì Quảng Bình, Vĩnh Linh phải đương đầu với chúng trước hết và phải bảo đảm đánh thắng chúng trước hết”. Luôn dõi theo cán bộ, chiến sĩ và người dân Vĩnh Linh, Bác gửi thư thăm hỏi, chúc mừng từng chiến công dù là nhỏ nhất. Ngày 11/11/1966, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân xã Vĩnh Thủy bắn rơi 6 máy bay của giặc Mỹ. Ba ngày sau, bà con nhận thư khen của Bác với nội dung: “Bác vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ đặc biệt khen ngợi đồng bào, cán bộ và bộ đội Vĩnh Linh. Các địa phương hãy ra sức thi đua đánh giặc giỏi, thắng lớn như Vĩnh Linh”.

Ngày 17/9/1967, cán bộ, chiến sĩ và người dân Vĩnh Linh bắn rơi 2 máy bay B52, Bác có thư: “Vĩnh Linh thật xứng đáng là tiền tuyến anh hùng của miền Bắc XHCN”. Ít tháng sau, Người lại gửi thư khen ngợi quân và dân Vĩnh Linh bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 200: “Vĩnh Linh càng đánh càng thắng, càng đánh càng mạnh”. Người tặng hai câu thơ: “Đánh cho giặc Mỹ tan tành/Năm châu khen ngợi Vĩnh Linh anh hùng”. Trong giai đoạn toàn miền Bắc xây dựng CNXH, Bác Hồ đã gửi tặng hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Kim nay là xã Kim Thạch một chiếc máy cày, động viên nhân dân hăng hái lao động, sản xuất.

Năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi đi xa. Nén nỗi đau vào lòng, đồng bào, cán bộ, chiến sĩ Vĩnh Linh không ngừng vươn lên, cùng cả nước “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất non sông như Bác hằng mong đợi. Người dân “đất thép” luôn nỗ lực trong mọi nhiệm vụ để xứng đáng là tuyến đầu miền Bắc XHCN, hậu phương của miền Nam. Sau này, hòa bình lập lại, lãnh đạo và nhân dân huyện Vĩnh Linh lại tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết cũng như kinh nghiệm trong những năm kháng chiến, xây dựng Vĩnh Linh thành “lũy hoa” trong thời kỳ đổi mới.

Nhớ về Bác, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Vĩnh Linh luôn nỗ lực noi gương Người từ trong mọi việc. Đặc biệt thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới cho người dân. Qua các nhiệm kỳ đại hội, Đảng bộ Vĩnh Linh đã có những nghị quyết phù hợp từng giai đoạn. Trong quá trình chuyển động mạnh mẽ có tính bứt phá táo bạo, Vĩnh Linh đã đi đầu toàn tỉnh trên nhiều lĩnh vực bằng các nghị quyết chuyên đề như: phát triển cơ sở hạ tầng; cải tạo vườn tạp để thay thế cây trồng có giá trị kinh tế hàng hóa; nuôi tôm sú xuất khẩu; bê tông hóa, nhựa hóa giao thông nông thôn; dồn điền đổi thửa; cao tầng hóa trường học; thắp sáng đường quê; xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững… Cùng với đó chú trọng công tác đền ơn đáp nghĩa, đảm bảo an sinh xã hội… Bằng sự cần cù, sáng tạo, đổi mới tư duy, nhân dân Vĩnh Linh đã tạo ra những thành tựu trong lao động, sản xuất, xây dựng quê hương đổi mới, xứng trọn với niềm mong đợi của Bác.

Hôm nay, đến với Vĩnh Linh, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay da, đổi thịt của miền quê một thời là nơi chia cắt của hai miền Nam - Bắc. Hiền Lương - Bến Hải, Địa đạo Vịnh Mốc, đường Hồ Chí Minh cùng những địa danh lịch sử đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách gần xa. Những công trình khang trang, to đẹp mọc lên ngày càng nhiều. Điện, đường, trường, trạm về từng bản làng. Làn gió nông thôn mới đã tỏa lan khắp các miền quê của huyện.

Đến nay, một số chỉ số phát triển của Vĩnh Linh đã đạt khá. Cụ thể, tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 15,3%; Thu ngân sách trên địa bàn huyện hàng năm đạt và vượt so với dự toán được giao, năm 2020 đạt trên 186,6 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Nông nghiệp, nông thôn và nông dân có nhiều khởi sắc, là điểm sáng của Quảng Trị về kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người đạt 55,8 triệu đồng/năm, tăng 28,5 triệu đồng so với đầu nhiệm kì. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016- 2020 giảm còn 2,9%, giảm 1,6% so với năm 2015. Toàn huyện có 13/15 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Những thành quả ấy chính là phần thưởng xứng đáng cho nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Vĩnh Linh trong học tập, làm theo tấm gương của Bác.

 

Để nỗ lực vươn lên, xây dựng quê hương giàu đẹp như Bác hằng mong muốn, Vĩnh Linh tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất, năng lực và đủ uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân. Cùng với đó, Vĩnh Linh hướng đến phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh; tích cực, chủ động hội nhập, hợp tác, huy động hiệu quả các nguồn lực phục vụ phát triển; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp; tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới; chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực phát triển mới….

Mùa xuân nhớ Bác, cán bộ và nhân dân huyện Vĩnh Linh nguyện một lòng tin theo Đảng, tiếp tục phát huy truyền thống Anh hùng trong chiến đấu và thời kỳ đổi mới để xây dựng quê hương ngày càng rạng rỡ, thực hiện trọn vẹn ước mong cao cả của Bác Hồ.

TAGS

Chiếu phim, văn nghệ mừng 74 năm đồng bào Vân Kiều – Pa Kô mang họ Bác Hồ

K.K.S |

Ngày 26/6/2020, Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hướng Hóa, UBND xã Hướng Linh (Hướng Hóa, Quảng Trị) tổ chức chiếu phim và giao lưu văn nghệ chào mừng kỷ niệm 74 năm đồng bào Vân Kiều – Pa Kô mang họ Bác Hồ (1946 – 2020).

Văn nghệ sỹ tỉnh Quảng Trị với các tác phẩm về Bác Hồ

Mai Trang – Minh Dương |

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là đề tài phong phú và hấp dẫn, có sức truyền cảm cho những sáng tạo của các văn nghệ sỹ. 

Lăng Bác Hồ - nơi hội tụ tình cảm, niềm tin

PV |

Thể theo ý nguyện thiết tha của toàn Đảng, toàn dân, trong phiên họp sáng 29/11/1969, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã bàn và quyết định: Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người.

Những di tích gắn với năm tháng tuổi thơ của Bác Hồ ở Huế

PV |

Thừa Thiên-Huế tự hào là mảnh đất đã gắn bó với thời gian niên thiếu của Hồ Chủ tịch trong khoảng 10 năm (1895-1901 và 1906-1909), khi Bác và gia đình đến sinh sống, lao động, học tập tại Kinh đô.