Thương những tuổi 20 nằm lại ở Lèn Hà

Thiên Phong |

Đúng 50 năm trước, 13 chiến sĩ thông tin ở Trạm Thông tin A69 làm nhiệm vụ nối liền “mạch máu” thông tin từ hậu phương ra tiền tuyến tại hang Lèn Hà (xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) đã cùng hy sinh sau một trận bom… Họ hy sinh khi đang ở tuổi đôi mươi và trở thành câu chuyện bi tráng như một bản hùng ca bất tử.


Buổi trưa định mệnh

Ông Nguyễn Phú Cương, ở Tam Điệp (Ninh Bình) là một trong những “nhân chứng sống” của sự kiện Lèn Hà 50 năm trước. Ông năm nay đã bước qua tuổi 76 nhưng những ký ức về ngày lịch sử của Lèn Hà ông vẫn nhớ rõ như mới hôm qua.

Trạm Thông tin A69 được đặt trong một hang đá nằm lưng chừng ngọn núi đá vôi mà người dân địa phương thường gọi là Lèn Hà. Sau bữa cơm trưa vội vàng vào ngày 2/7/1972, tổ 3 người được giao nhiệm vụ lên hang trực máy. Những người còn lại như thường lệ ở tại vị trí của tổ mình. Hang này rộng khoảng hơn 400 mét vuông, trong hang có nhiều loại thiết bị thông tin liên lạc. Khoảng hơn 13 giờ trưa, cả trạm giật mình khi nghe tiếng máy bay địch ập tới. Chỉ sau thoáng chốc, những loạt bom liên tiếp được thả xuống. Loạt đầu tiên bom nổ ngay lối dẫn từ chân núi lên hang. Loạt bom thứ hai là bom phạt. Loạt thứ ba là bom napan gây cháy.

Khu Di tích lịch sử cấp quốc gia hang Lèn Hà là địa chỉ đỏ giáo dục lòng yêu nước -Ảnh: THIÊN PHONG
Khu Di tích lịch sử cấp quốc gia hang Lèn Hà là địa chỉ đỏ giáo dục lòng yêu nước -Ảnh: THIÊN PHONG

Tri ân người ở lại Thượng tá Trần Quốc Thái, Chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn 134, thuộc Bộ Tư lệnh thông tin, nói câu chuyện về Trạm Thông tin A69 bắt đầu được “mở ra” từ năm 2012 - vào dịp kỷ niệm 40 năm xảy ra sự kiện này. Và từ đó đến nay, đơn vị này đã dành hết tâm sức để tri ân và hỗ trợ thân nhân gia đình của 13 liệt sĩ. Vào những dịp kỷ niệm tròn năm từ đó đến nay, những gia đình này đều được Lữ đoàn 134 đưa vào Lèn Hà - nơi các liệt sĩ hy sinh để viếng và dự lễ kỷ niệm. Hai gia đình khó khăn nhất trong số 13 gia đình liệt sĩ Lèn Hà là gia đình liệt sĩ Trần Văn Xây và liệt sĩ Lương Văn Chấn đã được Lữ đoàn 134 hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa. Ngoài ra, đơn vị còn tặng sổ tiết kiệm cho 2 gia đình liệt sĩ khó khăn. Vào dịp kỷ niệm 50 năm xảy ra sự kiện Lèn Hà năm nay, tại Khu Di tích lịch sử cấp quốc gia hang Lèn Hà, huyện Tuyên Hóa và Binh chủng Thông tin liên lạc đã long trọng tổ chức Lễ tưởng niệm 50 năm ngày hy sinh của 13 cán bộ, chiến sĩ Trạm thông tin A69. Với những hy sinh lớn lao, chiến công và thành tích xuất sắc, Trạm Thông tin A69 đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương chiến công hạng Nhì, danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Ông Cương thời điểm đó ở vị trí hầm của tổ phụ trách nguồn điện. Hầm này cách chân núi Lèn Hà gần trăm mét và không nằm trong tọa độ thả bom của máy bay nên thoát nạn. Nhưng sau những loạt bom, ông chạy ra khỏi hầm nhìn về phía chân núi Lèn Hà thì cả một vùng dưới chân núi đã thành biển lửa.

Ông như trân người khi đó là vị trí hầm của 10 nữ chiến sĩ trong đơn vị đang trú ẩn khi chưa đến ca lên hang trực máy. Ông Cương cùng những người còn sống ở các bộ phận khác hét lên gọi tên những người đồng đội rồi nhanh chóng chạy đến chân Lèn Hà.

“Một cảnh tượng đau thương diễn ra ngay trước mắt. 9 chiến sĩ nữ hy sinh ngay trong hầm. Có nhiều người bị lửa thiêu cháy không thể nhận dạng. Chỉ có một người là chị Bùi Thị Lung còn sống nhưng bỏng nặng đang cố bò ra khỏi đống đổ nát và rồi cũng không qua khỏi sau đó. Ngay sát cửa hầm, 3 chiến sĩ nam khác cũng bị bom cháy trúng ngay gần người hy sinh”.

Trong 13 người hy sinh trưa hôm đó, có 4 người hơn 20 tuổi là Trạm trưởng Đàm Văn Trình, Trần Văn Xây, Lương Văn Chấn cùng chị Vũ Thị Lan. 9 chiến sĩ nữ còn lại đều chưa đầy 20 tuổi. Thậm chí có 2 người là Hoàng Thị Liên, Chu Thị Mạnh mới qua tuổi 16.

“Đó là tuổi thanh xuân” - ông Cương ngậm ngùi.

Nén đau thương, giữ “mạch máu” thông tin

Bà Nguyễn Thị Thanh là một trong ba người được phân công lên hang Lèn Hà trực máy trong buổi trưa định mệnh ở Lèn Hà. Bà kể sau loạt bom, bà đã nghe những âm thanh của đau thương vang lên dưới chân núi. Bà cũng không kìm được nước mắt khi thấy 13 đồng đội của mình đã hy sinh cùng một lúc sau trận bom. Không chỉ mất cùng lúc 13 người, trạm A69 còn bị bom làm hỏng trạm máy chính, mạng cáp nhập đài. Khoảng 1.500 m đường dây quanh khu vực trạm bị đứt.

Thời điểm đó, trạm trưởng Đàm Văn Trình là một trong những người không may hy sinh. Phó trạm Nguyễn Văn Hựu nén đau thương chỉ huy những người còn sống chia nhau vừa lo cho những người hy sinh, vừa nhanh chóng khắc phục máy móc, đường dây. “Trạm này như điểm “yết hầu” của hệ thống thông tin liên lạc khi là nơi trung chuyển thông tin từ miền Bắc vào Nam và qua Lào, không thể bị đứt gãy được.

Sau hơn một giờ đồng hồ khắc phục sự cố, đường dây thông tin liên lạc đã được khôi phục, trạm máy trở lại hoạt động bình thường. “Cùng lúc 13 đồng đội hy sinh. Nổi đau nhân lên gấp bội khi họ đều còn rất trẻ. Nhưng lính thông tin có lời thề “Tim còn đập, mạch máu thông tin còn thông suốt”, “Đứt dây như đứt ruột, gãy cột như gãy xương”. Không thể chậm trễ dù chỉ là một phút”, ông Cương nhớ lại.

Ai cũng tiếc tuổi 20 thì còn gì Tổ quốc

Thi thể của 13 cán bộ chiến sĩ được an táng ngày chiều muộn cùng ngày. Tất cả đều được chôn trên một ngọn đồi ở gần trạm Lèn Hà. Trạm mới qua một trận bom. Mọi thứ đều đổ nát. Lễ truy điệu chỉ có vài nén nhang. 13 người hy sinh giữa mùa hè, cũng là mùa sim nở. Ông Cương cùng đồng đội chia nhau qua những ngọn đồi quanh đó hái được ít cành hoa sim mang về cắm lên mộ 13 người. Ở khoảnh khắc bom đạn tạm yên. Bóng chiều đổ xuống. Lòng người quặn thắt.

Trong 13 người nằm lại Lèn Hà hôm đó, đã có những người tưởng như đã ở rất gần hạnh phúc. Anh Trần Văn Xây thành liệt sĩ khi trước đó 2 ngày anh mới nhận được thư của vợ ở quê Phú Thọ báo vừa sinh con trai đầu lòng. Anh chỉ vừa vui được thoáng chốc thì tiếng bom vang lên xóa đi tất cả.

Trong 13 người hy sinh thì có 10 cô gái. Tất cả đều đôi mươi và chưa lập gia đình. Chị Vũ Thị Lan, quê Thái Bình là người nhiều tuổi nhất - 22 tuổi. Chị nhập ngũ từ năm 1968. Chị cũng có một tình yêu ở quê nhà. Mới ngày trước đó chị được lệnh lui về hậu cứ rồi ra Bắc lo chuyện lập gia đình. Chưa có xe nên chị phải nán lại chờ thêm 1 ngày. Và chị đã không bao giờ trở về được nữa.

Nhưng câu chuyện thắt lòng nhất với ông Cương là khi mở hòm đựng tư trang của các chiến sĩ hy sinh ra để làm công tác bàn giao. Khi mở hòm đựng đồ của liệt sĩ Chu Thị Mạnh, quê Phú Thọ thì ông bật khóc. Trong hòm đồ có một con búp bê và một chiếc khăn quàng đỏ. Chị Mạnh hy sinh khi mới 16 tuổi.

Ông Chu Văn Hữu, người em trai liệt sĩ Mạnh (ở Văn Lung, Phú Thọ) kể hơn 15 tuổi, chị Mạnh đã viết đơn tình nguyện ra chiến trường. Đến năm 1990, ông Hữu cùng gia đình mới tìm vào xã Thanh Hóa đưa chị về nghĩa trang ở quê nhà. “Gia đình tôi đau đớn tột cùng khi nghe tin chị hy sinh. Nhưng sau khi nghe câu chuyện của chị, gia đình cũng rất tự hào. Chị đã hy sinh vì độc lập tự do của đất nước”, ông Hữu nói.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Thí điểm sản phẩm du lịch đêm tại một số di tích lịch sử

Mai Lâm |

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị đang tích cực phối hợp các đơn vị, địa phương liên quan gấp rút chuẩn bị chương trình thí điểm du lịch đêm tại 2 di tích lịch sử quốc gia đặc biệt là: Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải và Thành Cổ Quảng Trị.

Di tích Thành Cổ Quảng Trị: Thử nghiệm xe điện phục vụ du khách

Tú Linh |

Ngày 8/6, bà Cáp Thị Thiên Trang, Trưởng Ban quản lý Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị cho biết, đơn vị vừa đưa vào sử dụng thử nghiệm 2 xe điện phục vụ đưa đón du khách.

Suối Đá Bàn sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn kết nối với di tích Đền thờ Vua Hàm Nghi

Anh Vũ |

Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ (Quảng Trị) Trần Anh Tuấn trong chuyến khảo sát các điểm có tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn huyện mới đây.

Trồng hoa mừng sinh nhật Bác tại khu di tích lịch sử Làng Vây

Phan Bảo Phú |

Ngày 18/5/2022 Ban Chấp hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Tân Long (Hướng Hóa - Quảng Trị) phối hợp với các tổ chức đoàn thể của xã và các đơn vị đóng trên đại bàn (Đội Trinh sát đặc nhiệm, Đội kiểm soát PCMT, Đồn Biên phòng Thuận) tổ chức Lễ Phát động trồng cây xanh quanh di tích lịch sử Căn cứ Làng Vây.