Tràm hoa vàng tươi trên giấy

Nhụy Nguyên |

Làm tràm là nghề phụ của những người nông dân, mà có tiền hơn cả cấy cày. Làm nông tập trung thời gian từng đợt vào lúc gieo, làm cỏ, thu hoạch, còn làm tràm người dân tranh thủ quanh năm. Cậy vào ruộng nương, lúc có phương việc xúc lúa khoai đậu lạc đi bán thấy xon xót

Đứa cháu cưới vợ, lúc còn ở trong Sài Gòn đã gọi tôi nhất thiết phải ra quê dự và chụp giùm đôi nó mấy pô ảnh. Tôi bảo chú chụp hoa lá cho vui chứ chụp đám cưới thì chịu. Nó nói không phải ảnh tiệc cưới, nhờ chú chụp ngoài nương tràm thôi. Trong tôi hiện ngay ra nơi đó, một đồi tràm xanh ngắt anh N trồng dành làm vốn cho mấy đứa con ra riêng. Những lần trước ngồi trong gian nhà ngói lộng gió của ông anh cột chèo nhìn ra tôi thấy màu vàng đang dần chảy loang khắp ngọn đồi xanh. Có lần tôi với em đã lọ mọ trèo qua cả phía bên kia đồi, chạm bãi cỏ thênh thang xen lẫn những đám ruộng, xa xa bầy trâu vẫn gặm cỏ với cái chuông treo nơi cổ. Đi mệt thì ngồi lại bìa đồi uống nước, chợt có mùi thơm ngai ngái, thoảng qua rồi nồng đượm. Tôi băn khoăn còn em lấy làm ngạc nhiên bảo, hoa tràm mà anh không nhận ra à. Rụng vàng đây nè. Tôi như thấy một phông nền được làm nét, nhìn hoa tràm vương trên tóc trên áo, hoa tràm rải vàng mà nãy giờ không để ý rồi mùi hương đã nhắc thức. Có điều gì như sự mỉa mai vô lý. Tôi thích đến nơi ngôi nhà khai hoang trên ngọn đồi này từ hồi vợ chồng anh chị mới ra riêng, lúc chỉ vài gia đình cùng đến. Ở đây như một không gian ngược lộng lẫy với hoa tràm, hoa chè, hoa khoai lang và vô vàn bông lác lặng yên như những dáng thiền giữa nền trời chiều đang sẫm xuống, đây cũng là lúc hoa tràm dậy hương.

Rừng tràm ở Hải Lăng, Quảng Trị - Ảnh: Nguyễn Hữu Thưởng
Rừng tràm ở Hải Lăng, Quảng Trị - Ảnh: Nguyễn Hữu Thưởng
Từng chuyến xe tải chở cây tràm đã tước vỏ trắng bóc chạy dọc quốc lộ tôi thường gặp mỗi khi ra bên ngoại. Con đường rẽ vào nhà thờ La Vang, qua nhà thờ rồi chạy về thôn Tích Tường (xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị) toàn tràm là tràm. Nhiều chỗ người ta đang tước vỏ và bốc tràm lên xe tải. Tràm phủ mát con đường ngoằn ngoèo, trước đây vào đêm tôi qua đây cứ rờn rợn. Một chiều khác tôi chạy xe ngược hướng mặt trời đương xuống, mãi lao theo như hút vào một vòm mê cung lộng lẫy. Nay người ta đã phá đi vài dãy tràm hai bên để mở rộng con đường. Giữa chặng gặp cái hồ rộng được trồng sim và nhiều loại cây tạo cảnh quan cho một điểm đến. Tôi và em thường dừng lại bên bờ hồ, có năm loài hoa gì hồng trắng phủ kín mặt nước, đẹp chao ơi. Nửa buổi sáng trời mát, nắng chiếm nửa hồ, ngồi dưới tán tràm nghe mùi hương thơm loang, thả khói thuốc yên lặng trong nỗi cảm ơn cái khoảng không trong mát hẳn ít ai biết đến này.

Tôi quý anh chị, mà đôi lúc lại nghĩ nếu không có mấy đứa cháu chắc gì tôi vui như tết mỗi lần về đây. Có một chiều tôi vừa đến, mấy con chó sủa giữa sân nhà trống hoác, tắt máy mới nghe tiếng chặt cây ở bên đồi. Mấy cha con đang lựa tràm đốn làm chái bếp. Tôi leo lên cao nhìn xuống chênh vênh lưng đồi. Những cây tràm thẳng tắp nằm lẫn trong đám nhánh lá xanh đậm. Thằng út của anh N lên tiếng trước. Chú ra đến rồi à. Xong rồi chú, để cháu pha trà chú với ba uống. Tôi nói nó bắc cho nồi nước sôi, để chú hái đọt chè vô hãm. Bao giờ đây cũng sẵn luôn cả đồ ăn trong vườn, chỉ vậy mà tôi như được an dưỡng sau tất tả cuộc sống. Ngồi nơi lưng chừng hút thuốc, nhìn xuống lứa tràm non gần dưới chân đồi, đã vàng hoa rơi trên mặt ruộng.

Anh N nói đồi tràm ni thu hoạch xong mà đốt là nó mọc mầm như nấm, không hiểu sao. Nếu đốn cây xong, để gốc vậy thì tràm nảy mầm yếu và lơ thơ, còn đốt xong thì như được kích thích, cả vạt vươn mầm đẹp mơ mộng trong nắng. Nhà anh chỉ có ngọn đồi nhỏ này, cứ một hecta trồng gần hai ngàn cây. Nhiều người anh quen biết trong làng có cả rừng mênh mông, lâu lâu bạn rủ đi thăm tràm, gói cả mồi rượu và cơm vô trong bày chuyện đến tối mịt mới về. Hồi xưa chưa ai biết đến giá trị đất đai, vẫn nghe có người khoanh vùng được cả trăm hecta, trồng tràm theo từng lứa xen nhau rồi bán dần thành triệu phú. Người nông dân ai tranh thủ được thì đi làm thuê. Đứa cháu của em người vâm váp lực điền, mươi năm trước sắm cái máy cưa đốn tràm, mỗi ngày làm gấp đôi tiền công lao động khác. Nhưng tai nạn cũng lắm, nào tràm đè chẹt tay, nào lưỡi cưa va phải…

Đứa út con anh N nhen lửa xong bắc cái ấm bự đen thui lên kiềng. Củi tràm. Hồi xưa tôi về đây, củi đủ loại, muốn đượm và nhanh thì rút vỏ tràm ra nấu, từng bó khô quăn chồng sau hè. Cái thời đâu đó ở quê mới có đôi nhà đầu tư làm hầm bếp gas, còn lại đều nấu củi. Ngay cả khi có điều kiện mua bếp gas để trong nhà sạch sẽ rồi, người quê do phải nấu rau lợn nên còn chụm củi. Củi nhà nấu kiếm gần, củi bán phải đi mấy chục cây số đường rừng chặt rồi gánh về mất cả ngày trời; mới có câu “cực như đi củi”. Về sau phong trào trồng tràm lan rộng, củi bắt đầu đầy, với lại đã có loại cám hòa nước cho lợn và bò ăn sẵn nên người dân không phải nấu nhiều, củi cũng thừa huống hồ vỏ tràm. Lại nhớ những ngày em nhọc nhằn. Gia đình nhỏ của tôi ở rìa thành phố, một ngày đi chơi vô trong núi, thấy vỏ tràm vứt dọc đường nên em lượm về đun. Sáng cùng con xe cũ rích vô núi, gom hai bó vừa ôm, cột lên sau cũng quá đầu người. Có lúc chồng lên đổ xuống mấy bận, may có mấy anh bộ đội ngang qua giúp.

Khoảnh khắc khiến tôi nhớ tràm nhất là hôm đó với em lên mộ người thân tầm sáng. Chúng tôi thắp hương cắm lên mộ quanh đó, chợt sững lại. Một vùng mầm tràm và lá non rực rỡ. Cái gam màu vừa xanh vừa đỏ hồng ửng lên trong nắng như được hòa bởi bàn tay nghệ sĩ thiên nhiên không ai pha nổi. Nó khiến tôi chới với, sững sờ, ngạc nhiên và có gì như tắc nghẹn. Chỉ là những cây tràm đốn còn gốc, rồi mầm mọc lên, tôi cứ nghĩ nếu ngày mai thôi là lá sẽ già thêm và sắc màu không tươi như thế này, hay nếu tôi đến sớm hơn thì gam màu đỏ hồng cũng chưa hiện, rồi nếu nắng già hơn chút cũng khiến màu hòa không nhuyễn và thiếu độ chín. Nó là sự hài hòa tương duyên vừa đủ để làm rối dạ kẻ đứng nhìn.

Năm kia ra quê chạp mộ tôi cũng thấy nhiều nhánh tràm hồng tươi non, đẫm ướt trong mưa phùn. Còn em lúc đợi nhang tàn đã phát hiện vạt nấm lẫn trong lá cỏ. Trước nay người ta chỉ ăn những loại nấm ngọt chứ ít ai biết đến vị đắng của nấm tràm. Có điều nấm tràm ăn xong sẽ có vị ngọt lưu nơi họng; kiểu như uống một ngụm trà chát nhưng chút thì thấm ngọt, và đó là điều khiến ta muốn dùng nữa. Hồi xưa tôi chỉ biết đi hái nấm mộc nhĩ ở những cây già hoặc chỗ gốc đốn lâu ngày, thân ẩm ở giai đoạn chuyển khô; vô Huế biết nấm rơm; ra chợ biết thêm các loại nấm ngon khác bổ sung vào thực đơn xanh. Một ngày chúng tôi chạy lên dốc Nam Giao, thấy người ta bày bán nấm một dãy dài. Tôi cũng không biết là loại nấm gì, thấy vui mắt. Còn em thì quá rõ, mua về cạo sơ trên chóp và dưới gốc, ngâm nước muối thoảng, rồi xào, nấu canh. Tôi ăn đâm ghiền. Ngày sau mua về mấy ký đổ ra cả rổ đầy, trưa đó em nấu cháo nấm chay nêm tương ớt. Thiệt là ngon. Hôm qua tôi gần như chỉ ăn nấm, một chảo, múc cả tô mà ăn với lá ngò gai vừa hái thơm phức. Nấm xào với ném, chín còn xắt vô lá hành tươi, ngò, chỉ vậy mà như đặc sản với chúng tôi. Hôm nay thì món cháo tràm chay thuyết phục tuyệt đối. Đang lan man nghĩ nấm tràm chỉ thời vụ từ đầu thu gặp mưa dầm thì mọc, nhiều nhất vào đêm mưa rồi khuya tạnh đến sáng; rồi hết, sau không biết tìm đâu mà ăn mà làm mồi uống bia đãi bạn. Chợt hay trong xóm có gia đình mua nấm về cạo sạch, chia từng cân cất vô ngăn đông, bán khách xa. Vậy ít ra chúng tôi cũng có chút thực phẩm xanh ngon lành để dành qua tới mùa đông.

Ấy là chuyện những năm trước. Bây giờ món nấm tràm dân Huế và Quảng Trị đã quá quen. Tôi còn nghe có người ăn suốt mùa, làm món gì cũng nhắc vợ bỏ nấm vô. Loại thực phẩm không còn bỡ ngỡ như trước nữa, mà ngược lại, cứ đến loạt nấm đầu tiên trong năm là nghe xôn xao cả trên “làng phây”. Tôi và em có ngày nắng đẹp rong chơi, chạy qua con đường trong núi Thủy Phương, dọc đường chợt gặp những người bán nấm. Họ là dân chuyên hái nấm tràm; đến mùa mà hễ đêm có mưa là thắp đèn đi vào tầm ba giờ sáng, đến lúc chúng tôi ngang qua khoảng tám giờ đã chở ra từng bao tải bán cho người mua sỉ về chợ. Tôi dừng lại và không cưỡng được vẻ đẹp và vị ngon trong tưởng tượng. Đó là loại nấm tuyệt nhất, tươi nhất. Tươi là mới hái, non là người ta hái loạt đầu chỉ chọn nấm mới hú, tức nấm nhú búp còn đỏ hồng, loại này giá cao. Người đi hái muộn chỉ hái được loại nấm đã bung xòe. Chúng tôi mua rất nhiều về cạo ủ đông để lâu lâu có bát canh nấm với rau khoai lang ngọt xớt. Từ ngọn xớt thật ra không phải nói quá, nấm tràm nấu canh với rau khoai lang sẽ có nước vị nước không thể chê, chưa nói đến việc đầu bếp thêm loại thực phẩm khác vào nữa.

Nấm tràm mọc rộ dưới tán rừng tràm - Ảnh: Nguyễn Hữu Thưởng
Nấm tràm mọc rộ dưới tán rừng tràm - Ảnh: Nguyễn Hữu Thưởng
Mấy đứa cháu bên ngoại cứ nhắn cho dì nó ra chơi lấy nấm về ăn. Đang mùa chúng đi hái, lúc nào cũng sẵn. Dịp chạp chúng tôi chuẩn bị ra thì lại nghe ngoài nhà có người đau, vậy là lỡ hẹn. Đứa cháu nói đợi gần hết mùa nấm mà dì không ra được, cháu gửi vô cho. Năm ngoái chúng tôi ra, chở vô cả xe như đi buôn với đủ loại thực phẩm quê, và không thể thiếu nấm tràm. Thầy tôi vừa rồi mua nhiều nấm chia ra cho nhà tôi một nửa. Thầy nói mua của bà bán nơi góc phố nọ. Tôi về làm thấy nấm không ngon lắm bởi để lâu, bị dập và ít búp nữa. Thoáng nghĩ có lẽ đêm tối thầy ít để ý nấm còn ngon hay không. Sau tôi thường ngang qua chỗ đó, thấy bà cụ lọm khọm với rổ nấm mớ rau vườn mới nhận được bài học “mua giùm” của thầy. Thiên nhiên cũng lạ lùng, ban phát cho con người đủ thứ thực phẩm lạ và ngon. Ở đây tôi không sa đà kể thêm về loại “đệ nhất nấm mối” với nhiều chi tiết lạ lùng, với cái màu trắng tinh khôi của nó. Cùng nhiều loại rau lạ (mà quen) trước nay rất ít người biết/dùng đến, mà nay trở thành những thực đơn đặc biệt trong nhà hàng; cũng nghe nói nấm tràm tươi ủ đông còn bán ra nước ngoài. Chúng tôi đã có ý định làm một chuyến hái nấm nghiêm túc, mà lần lữa nhác nhớn. Đã có lần đi sớm, cũng dựng xe cùng em bước vô đồi tràm, hái được một bao nhỏ. Nó là loại nấm đã nở toe song cho tôi chút trải nghiệm thích thú. Lá tràm rụng dày lối, loại nấm vừa hú lúc tờ mờ người ta hái hết. Tôi dùng que vừa bước vừa gạt lá khô một đoạn dài mới tìm thấy được hình hài của loại nấm ngon nhất này. Không hiểu người ta gọi mầm nấm là “nấm mới hú” xuất phát ở đâu? Tôi nghe từ hú thấy hay, họ không gọi là mới nhú mà là mới hú, cứ như thoáng ngạc nhiên khi cây nấm lần đầu vươn mình lên đất, lên lớp lá để gội ánh sáng và nắng. Có người giải thích lá rụng xuống khô mục, dầu trong lá đủ thời gian gặp mưa sẽ lên nấm. Tôi thấy có lý, chỉ là thắc mắc sao đồi tràm rừng tràm nhiều, mà chỉ ít nơi có nấm mọc. Trong một đồi bát ngát cũng vài vạt mọc dày, chỗ sưa sết, và phần mênh mông còn lại thì không thấy một cọng nấm nào.

Về thôn Tích Tường ngồi với anh N, chúng tôi thường làm vài ly rượu ngâm rễ cây anh tìm mỗi lần đi rừng rú. Màu rượu đỏ sậm, uống đằm và khá mạnh. Mồi thường vẫn là những thứ có sẵn như măng, dĩa nấm xào với rau trong vườn. Ngôi nhà ngang mới làm được mấy năm để có chỗ cho con cháu mỗi lần từ trong Nam về. Dạo đó anh còn đau khớp, vẫn một mình tự xây cùng với chị phụ hồ, lai rai rồi cũng xong như tay thợ có hạng. Tôi ngồi trên bộ sa lông làm bằng tràm. Anh nói tràm lớn tuổi giờ hiếm rồi. Loại tràm giống mới trồng đất xốp có khi 3 năm là bán được, nếu không phải từ 4 năm trở lên. Tràm trồng ở đồi như anh N phát triển chậm hơn đất nương, tuy gỗ chắc và bền hơn. Ngày trước giống cũ, anh nói phải trồng trên 7 năm mới bán được. Bây giờ thì nhỏ và non người ta vẫn mua, loại này chủ yếu xay bột làm giấy. Tràm trên hai mươi năm họ dành đóng đồ dùng. Nhà chúng tôi cấp bốn, trước đây cũng đi lựa tràm về thợ bào thẳng làm kèo. Thuở mới cưới xong, vợ chồng anh N ra ngọn đồi này khai hoang lập nghiệp, trong các loại cây trồng, có cây tràm. Mấy cây trước cửa gần bờ đê cạnh bên hồ cá là lớn nhất, vỏ đen sù sì đến nay đã mấy chục năm, người ta đến gạ mua anh không bán. Nay anh hạ xuống, thuê thợ về đóng bộ bàn ghế và tủ gương ngay trước sân nhà mình. Anh nói có dạo hạ cây mít chở đi làm cửa, nay mới phát hiện là họ tráo bớt gỗ mít già khằn nhà mình đóng trộn gỗ mít non. Giờ anh thuê thợ về dẫu tiền công cao cũng chịu. Bộ bàn ghế bằng gỗ tràm vân hiện rõ nhiều nét tuyệt đẹp, vàng sậm, phần ròng của cây có chỗ ăn ra gần ngoài dác. Anh nói còn hai cây tràm và nhiều mít sau nhà. Tôi cũng thường lui thăm vườn anh chị, mênh mông với chè xen lẫn mít, tràm, cây ăn quả và tiêu. Người dân trong làng ngoài thời vụ ở ruộng nương là tranh thủ đi làm thêm đủ việc để kiếm tiền lo cho con ăn học và nhất là lo các khoản cưới hỏi, lễ lạt.

Làm tràm là nghề phụ của những người nông dân, mà có tiền hơn cả cấy cày. Làm nông tập trung thời gian từng đợt vào lúc gieo, làm cỏ, thu hoạch, còn làm tràm người dân tranh thủ quanh năm. Cậy vào ruộng nương, lúc có phương việc xúc lúa khoai đậu lạc đi bán thấy xon xót. Làm tràm có tiền chi lo đám cưới đám hỏi, giỗ chạp cúng kiếng, các khoản con cái học hành cũng dễ. Hồi trước người dân vùng gần rừng núi thường tranh thủ vào rừng bó củi về bán, nay các đồi núi cây hoang không mấy ai đốn. Những rừng tràm khai thác, củi nhánh bỏ lại nhiều; vỏ tràm vốn là thứ nấu đượm cũng nằm từng bãi dọc đường. Mỗi đồi tràm, người chủ mua giống, thuê người trồng. Trồng tràm không nhọc nhằn như thu hoạch. Từ cưa cây cho đến tước vỏ, vác tràm ra đến xe, bốc lên đều vã mồ hôi, mệt lử. Cứ khoảng dịp đầu năm, đường sá còn trơn, khó khai thác nên tràm lên giá. Có năm thời tiết thuận lợi, giá tràm bỗng dưng tụt. Ai lỡ mua những rừng tràm lớn, bán chưa kịp thì lỗ, đành khai thác cầm chừng, số còn lại thương lượng với chủ vườn cho giữ lại chờ giá... Tràm được trồng gối đầu theo từng vùng, hầu như mùa nào cũng có bán; mùa nắng là thời điểm thu hoạch chính. Tràm lấy gỗ ít cũng phải chục năm trở lên. Loại tràm không cốt lấy gỗ có keo tai tượng phát triển nhanh được người dân trồng nhiều. Mua tràm phải rành, “có mắt”, và nói chung cần kinh nghiệm; kinh nghiệm chủ yếu được rút ra từ những lần thất bại. Thường họ sẽ mua cả rừng, có khi diện tích lên tới hàng ngàn hecta, khai thác vài ba tháng mới hết. Lúc tới mua cần đoán định loại tràm, bao tuổi. Nhiều vạt không lớn song chắc, nặng; nếu tràm lớn mà ít tuổi sẽ xốp. Cũng có rừng tràm rộng quá, người mua không khảo sát hết, càng khai thác vào sâu cây càng sưa nên lỗ. Thế nên quan trọng nhất là khám rừng. Không rành thì thuê người đến khám và đo đạc hộ. Tuy nhiên khám và đo kỹ cũng chưa chắc lãi. Chủ nhà thường nói dôi ra diện tích tràm, đòi hỏi người mua phải lội vào đồi xem loại tràm: keo tai tượng, tràm hoa vàng hay dâm hom, tràm trồng sưa hay dày, tuổi bao nhiêu, sẽ cho ra số lượng nhẹ hay nặng. Cũng là keo tai tượng song có loại nhẹ bẫng, loại thì nặng, tinh mắt lõi đời mới hay, và nó trở thành bí quyết của người mua.

Người làm công chủ yếu là nông dân nên cách nghĩ đơn giản hơn. Người có sức tranh thủ làm đều, ai bận thì vài ngày rồi nghỉ. Người làm cần khỏe, dai sức. Có cô chưa làm bao giờ, nghĩ chắc cũng cực như làm ruộng là cùng, nghe người ta kêu thì đi. Đến nơi làm nửa buổi đã xuội tay xuội chân, gắng hết buổi thì lơ cơm. Nghĩ nếu bỏ về ngại mang tiếng nên kéo cho hết ngày, nhận tiền rồi mai ốm liệt, hao sức lại còn tốn thuốc thang, bồi dưỡng. Nhiều người chóng mệt bởi thường phải đứng giữa nắng. Sáng sớm hưởng chút mát dưới những bóng cây, nửa buổi cây đốn hết, đường lại gập ghềnh nên mau xuống sức. Khâu lột vỏ, ngày trước người làm công dùng khúc gậy đập vỏ dập mới bóc được, về bại bả vai, tay run không bưng nổi cơm, người mới thì bàn tay nổi cục bong nước đau rát. Sau mấy mùa làm, nay họ dùng một thanh sắt đập dẹt, cứ thế xỉa vào thân tách vỏ rồi tước. Công đoạn mệt nhọc nhất là vác tràm ra đường bốc lên xe. Có cây tràm quá lớn, người làm công lúc đốn xong còn trộm nghĩ hay là tìm cách lăn xuống suối “phi tang” chứ mấy người è ra vác không nổi. Tràm mới bóc thường nặng và rất trơn, khó bốc. Trước đây việc bốc tràm được chủ hàng thuê riêng, sau người làm công nhận bao. Cố gắng bỏ thêm chút công sức thời gian, song cũng nhiều lúc bở mật. Có những xe tới con dốc tự dưng tràm trơn tuột xuống đường, thế là toán làm công phải bốc lên lại.

Tranh thủ nông nhàn, làm tràm tạo nguồn thu nhập khá quan trọng của những người nông dân đang từng bước đặt chân lên phố sắm sửa cho cuộc sống quê mùa thêm sáng. Bây giờ phong trào làm tràm đã giảm, có làm cũng đỡ cực hơn xưa. Cái hồi người dân từ việc nông ngô lúa sắn khoai dư cái ăn song đồng tiền eo hẹp, rỗi tranh thủ làm tràm thấy có tiền cũng ham, cực cũng gắng bởi so với làm củi xưa kia thì còn cực hơn. Tôi vẫn lưu câu chuyện của đứa cháu vợ chồng lo làm tràm giữa kỳ nhiều đồi rừng thu hoạch, giá công cao nghỉ ngày mô tiếc ngày đó, trong làng mời đám cưới cũng chịu, nên đành cho đứa con nít đi dự. Nó đến vẫn ngồi vô bàn đường hoàng. Người quê thật thà cũng không lấy làm lạ, chỉ hỏi cha mẹ mi đi mô. Dạ, cha mạ con bận tràm. Ai cũng nhắc câu chuyện đứa trẻ dự đám cưới này mãi, mà cha mẹ nó cũng vô tư đi kể hoài. Em hồi nhỏ từng đi củi với mạ với chị, từ mờ sớm đến tốt mịt mới gánh về đến nhà. Em nói không có tràm, trong lúc củi rẻ bèo, dân mình không biết làm gì ra tiền. Đứa cháu hồi ấy làm đến ôm bệnh, vào viện khám, từ đó về thôi vác tràm. Tôi nhớ nó lần dẫn theo một chuyến vô rừng; có đoạn tôi thấy một rừng ong nuôi bay vù và những thùng gỗ vuông đặt dày khắp dưới những gốc tràm. Tưởng họ nuôi ong ở đó, giờ mới biết là họ chở ong đến ở tạm mấy tháng trong thời điểm tràm ra hoa, để hút mật, xong lại di chuyển ong đến vựa hoa khác.

Tôi chạy ra quê, dọc đường luôn nhìn qua nhà máy nguyên liệu giấy, được xay chủ yếu từ cây tràm. Ấn tượng về loài tràm trong tôi sâu đậm khi nhìn những đống dăm chất ngất giữa sân nhà máy, rồi sẽ nghiền mịn làm giấy. Ngày nay các nhà liên quan viết lách đã thao tác chủ yếu trên máy tính, nhưng mỗi khi nghĩ đến những khu rừng bị đốn, những khoảng trống nhường lại cho từng trang giấy trắng, tôi thật không dám viết bậy. Tôi nhớ đến những ngọn tràm vừa vươn lên đỏ hồng trong nắng; ngồi với anh N tôi vẫn nhắc lúc nào đốt đồi tràm, mầm lên thì alô để tôi ra chụp hình cho vui. Nói vậy song lúc anh gọi thì gặp trời âm u. Tôi hỏi anh tràm tháng trước thấy còn non vậy mà bán rồi đốt rồi à. Anh cười, đùa chứ hồi nãy lên đồi chợt thấy nấm mọc lơ thơ rồi, mai chú ra coi nấm mọc như… nấm. Tôi xem thời tiết thấy mai có nắng to, mừng, nói anh N sẽ ra sớm đón nắng mai với bọn nấm. Nữa là tôi sẽ căn cho đúng dịp mùa hoa tràm. Cái màu hoa tôi từng nhìn cảm giác như đang ứa mật loang trên trang giấy chưa hiện chữ nào.

(Nguồn: Cửa Việt)

TAGS

Thu nhập khá từ nghề chế biến tinh dầu tràm

Nam Phương |

Tận dụng nguồn nguyên liệu tràm tự nhiên có sẵn tại địa phương, vợ chồng chị Trần Thị Khánh Trang (sinh năm 1988), ở thôn Tân Kỳ, xã Gio Quang, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã chế biến tinh dầu tràm, qua đó mang lại thu nhập khá cho gia đình và tạo việc làm cho một số lao động thời vụ tại địa phương.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển ở Hải Lăng

Ngọc Trang |

Được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền, sự nỗ lực của Nhân dân, thời gian qua, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) triển khai nhiều giải pháp khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng biển, ven biển và đạt những kết quả tích cực. 

Cam Lộ: Trồng tràm năm gân trên đất bạc màu mở ra hướng đi mới hiệu quả

Anh Vũ |

Sau hơn 1 năm xuống giống, những diện tích tràm năm gân trồng trên vùng đất chua phèn, bạc màu ở thôn Cam Vũ, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) bắt đầu cho thu hoạch với năng suất 60 tạ/ha.

Dự kiến trồng mới 17 ha rừng tràm ở Láng Sen

PV |

17 ha rừng tràm đặc dụng sẽ được trồng mới trong 2 năm 2022-2024 tại Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (tỉnh Long An) nhằm bổ sung số cây bị chết, tạo sinh cảnh cho các loài chim nước, cải thiện môi trường sống của các loài thủy sản.