Tuổi ba mươi yêu dấu

Đào Tâm Thanh |

Học như cách đặt vấn đề của Nick M, chủ biên của một cuốn sách tuổi hoa niên đình đám một thời: Bạn có nhớ chuyện gì đã xảy ra ở Việt Nam trong 30 năm qua? Doraemon xuất bản lần đầu năm bao nhiêu? Internet thay đổi cuộc sống của chúng ta ra sao? Chiếc điện thoại di động đầu tiên của bạn mang thương hiệu gì? Ba thập kỷ không quá dài nhưng đủ xóa sổ những chiếc băng video VHS và thay thế bằng Youtube...Với riêng tôi, 30 năm là một chặng đường lớn lên cùng quê hương khi Cam Lộ trở về với tên gọi thân thương của mình mà tôi đã vinh dự được chứng kiến với tất cả sự xúc động, tự hào...

Ngày 19/10/1991 là một cột mốc đáng nhớ trong tiến trình xây dựng và phát triển của Cam Lộ, neo vào trang lịch sử bi tráng và lẫm liệt của mảnh đất vùng bán sơn địa này một mốc son mà từ đây con đường đi lên ấm no, hạnh phúc đã nhìn thấy được, cầm nắm được cả hiện thực sôi động và tương lai thịnh vượng phía trước. Nhắc lại chuyện này, tôi vẫn cứ nhớ một đồng nghiệp của tôi, nhà báo Lê Đức Dục cùng là con dân Cam Lộ, trong một bài báo có nhan đề: “Buồn vui thời phố huyện” đăng trên báo Quảng Trị ngày 7/2/1991, chỉ trước tầm 8 tháng là chạm mốc lập lại huyện Cam Lộ đã thở than khi chứng kiến cảnh đìu hiu của khu chợ quê hương từng vang danh một thời khắp trong Nam, ngoài Bắc: “Có điều, nếu không chịu sự lao đao của số phận vùng đất này thì hẳn chợ Phiên Cam Lộ ít ra giờ đã khác.

Cổng làng Cam Lộ - Ảnh: Đ.T.T
Cổng làng Cam Lộ - Ảnh: Đ.T.T

Năm 1977, Cam Lộ trở thành một phần của huyện Bến Hải gồm Cam-Gio-Vĩnh. Năm 1982, Cam Lộ bứt ra khỏi huyện Bến Hải để nhập vào thị xã Đông Hà. Vậy là hai lần xuất-nhập rồi. Một vùng đất, đặt lên bàn cân kinh tế, văn hóa, xã hội nào có thua thiệt gì lắm đâu mà mười mấy năm qua cứ mang phận “nằm kề”. Bởi “nằm kề” nên cho đến hôm nay cái phố huyện ngày xưa vẫn tù mù những ngọn đèn dầu, còn lụp xụp lều tranh và khắc khoải ước mong một ngày về lại…”.

Thì khắc khoải chi nữa bạn tôi, ngày ước mong đó rồi cũng đến mang lại cảm xúc rưng rưng như một lời hẹn ước đã thành. Chiều ngày 20/10/1991, chúng tôi có mặt trên chiếc xe tải trong một đoàn xe từ Đông Hà ngược lên Cam Lộ. Xe lên đến cầu Treo Cam Hiếu, tầm mắt mọi người đã bao quát được và ngước nhìn quê hương với tất cả sự trìu mến. Đó đây, lẫn trong tre trúc, làng mạc, bóng người, bóng núi là những con đường lam lũ mà yêu dấu; đó là những con đường đã có từ ngàn năm trước truân chuyên, từng trải, chìm nổi cùng lịch sử quê hương, đất nước, những con đường biết kể chuyện và biết nói chuyện. Đường lên vùng Cùa, đất thờ vua, đánh giặc; đường ra Khu Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam; đường đến Nhà Tằm, nơi thắp ngọn lửa cách mạng giữa vùng núi Thiện Thiên…

Gia tài ngày chia tách không có gì nhiều, chỉ lốc xốc bàn ghế, sổ sách, giấy tờ, chỉ có cảm xúc là ngập tràn, sự đủ đầy căng nức nơi lồng ngực khi nghĩ về quê hương đã “ra riêng” và bắt đầu cuộc “phục sinh” chắc sẽ gian nan, cực khổ lắm, lâu dài lắm nhưng con đường lớn đã mở, người Cam Lộ mà, đã đi và sẽ đến được cái đích phía trước, có hề chi! 

 “...Nếu có dịp đi vào những mảnh làng Cam Lộ, ai ở xa đến đây sẽ thấy những người dân quê tôi hiền lành, mộc mạc nhưng luôn toát lên sự trầm tĩnh, làm nên nét thanh nhã lịch sự nơi chốn đô thị văn minh và vẻ hồng nhuận, hồn nhiên của chốn núi rừng...”

Trên 35.199 ha đất tự nhiên và 34.975 nhân khẩu buổi ban đầu đó, người và đất Cam Lộ phải và sẽ phải làm lụng, vén khéo, chắt chiu, tạo dựng, xây đắp cho tương lai mình. Chúng tôi đã có dịp tham dự hội nghị sản xuất vụ đông xuân được tổ chức lần đầu tiên sau ngày huyện Cam Lộ được lập lại. Hai vấn đề cấp thiết trong hội nghị này là tập trung sản xuất rau màu, cứu đói cho dân, nhất là người dân Bản Chùa và tháo gỡ khó khăn để triển khai vụ mùa thuận lợi. Giờ đây, sau ba mươi năm, ngồi nghĩ lại vẫn thấy thao thức một câu thốt lên gan ruột của nhà thơ Chế Lan Viên khi trở về quê hương: “Cực đến thế, thương quá đi thôi”!

Ba mươi năm, ở thời khắc ban đầu tạo dựng đó, từ người cán bộ huyện đến cán bộ chính quyền cơ sở, ai cũng xắn tay áo và cùng lo nghĩ bằng cách nào để có bát cơm đầy cho tất cả người dân quê mình. Phải ăn no, mặc ấm trước đã. Giờ đây, người Cam Lộ khi ngồi lại với nhau, lại cùng vắt óc lo nghĩ làm sao mở được thị trường sản phẩm dược liệu vào Mỹ và Châu Âu; làm sao mở lối hanh thông cho tiêu Cùa đi khắp năm châu bốn bể; bằng cách nào để có thể xây dựng đặc sản “Gạo tiến vua” nơi vùng Cùa và nên mang thương hiệu gạo Cần Vương hay gạo Tân Sở. Cam Lộ đã trở thành “miền quê đáng sống” rồi, sắp tới sẽ là trung tâm dược liệu của tỉnh, tiến tới xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu, nơi có các mô hình vùng nông nghiệp công nghệ cao, vườn mẫu, môi trường xanh, sạch, đẹp, an bình…

Rồi những giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025, sản lượng lương thực có hạt đạt từ 14.000-15.000 tấn; mỗi xã, thị trấn có ít nhất một sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên; thu nhập bình quân đầu người đạt từ 75-80 triệu đồng…Chỉ nhắc đến một “điểm nhấn” đó thôi cũng đã là chỉ dấu của sự phát triển vượt bậc trên quê hương Cam Lộ qua ba thập kỷ nỗ lực tạo lập cuộc sống cho chính mình.

Nhưng người Cam Lộ không chỉ giỏi chuyện làm ăn. Nếu có dịp đi vào những mảnh làng Cam Lộ, ai ở xa đến đây sẽ thấy những người dân quê tôi hiền lành, mộc mạc nhưng luôn toát lên sự trầm tĩnh, làm nên nét thanh nhã lịch sự nơi chốn đô thị văn minh và vẻ hồng nhuận, hồn nhiên của chốn núi rừng. Cam Lộ vốn mảnh đất quy tụ nhân sĩ, trí thức yêu nước, hai lần được lịch sử lựa chọn đặt “kinh đô kháng chiến”.

Đường làng Tam Hiệp, xã Cam Thủy -Ảnh: Đ.T.T
Đường làng Tam Hiệp, xã Cam Thủy -Ảnh: Đ.T.T

Đây cũng là địa phương trong nhiều năm qua có cách làm sáng tạo để thông điệp từ câu chuyện lịch sử lan tỏa trong lòng người dân, tạo nên sự đồng thuận của Nhân dân trong công cuộc xây dựng và phát triển của địa phương. Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Anh Tuấn là bạn đồng trang lứa với chúng tôi, là cử nhân Lịch sử của Trường Đại học Tổng hợp Huế danh tiếng. Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi những năm qua, huyện Cam Lộ đã làm rất tốt việc kết nối và phát huy giá trị lịch sử trong đời sống đương đại.

Đối với hai di tích lịch sử cấp quốc gia trên địa bàn là di tích Trụ sở Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam và di tích Thành Tân Sở đang từng bước được bảo tồn, tôn tạo trở thành điểm nhấn về quần thể kiến trúc và là “địa chỉ đỏ” giáo dục lòng yêu nước, tinh thần cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, đồng thời khai thác du lịch góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Bên cạnh đó, các di tích lịch sử khác cũng được địa phương quan tâm chăm lo như: Di tích Nhà Tằm Tân Tường, Đình làng và chợ Phiên Cam Lộ, miếu An Mỹ...

“Chúng tôi muốn tái hiện đầy đủ cảm xúc của vùng đất lịch sử, vùng đất đầy chất sử thi. Đó là một Khe Gió mát xanh vẫn cứ rạo rực du khách đằng xa. Những Hiếu Giang, La La suối, Rì Rì khe…rất nên thơ và giàu âm điệu hào hùng. Những suối nước nóng Tân Lâm, Hang Dơi, Tân Kim, Bến nước Đầu Mầu…mỗi khi dừng chân thì bao giờ cũng muốn trở lại! Một sông Hiếu nhỏ nhoi mà có những bến đò xưa lặng lẽ, mỗi mùa nước dâng cũng vời vợi bên nhớ, bên thương. Có biết bao đêm những chuyến đò Quật Xá, Ba Thung, Bích Lộ, Định Xá… chở người đi đánh giặc; những sớm chiều chở khách sang sông, giờ vẫn sâu lắng nỗi niềm và chất đầy hoài niệm. Những chiếc thuyền buôn từ Cửa Việt, Đông Hà ngược sông Hiếu cập bến Đuồi, chợ Phiên mang theo âm hưởng của một thời sầm uất phố thị...”, Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Anh Tuấn đã tỏ bày như thế khi nói về những ước vọng kết nối và phát huy giá trị lịch sử trong đời sống đương đại trên quê hương mình.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý đã nói rất trúng về gương mặt quê hương tôi, bắt đầu từ thị trấn Cam Lộ: “Phố chỉ là một nửa/ Một nửa quê ngoan hiền”. Rồi quê nhà của tôi sẽ đổi khác, rất khác theo tiến trình đổi mới của đất nước, nhưng chắc chắn rằng, sau bao nhiêu năm nữa, kề bên phố xá xôn xao vẫn là mảnh làng thuần hậu và Cam Lộ thương mến của tôi vẫn sẽ mãi mãi trẻ trung, cường tráng, cứng cỏi, điềm tĩnh như cột mốc tuổi ba mươi yêu dấu…

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Người Cam Lộ

Thuận An |

Trong các làng cổ Quảng Trị được thành lập vào giai đoạn 1307-1553 có ba hương thôn thuộc huyện Cam Lộ (Quảng Trị) ngày nay, đó là Trúc Kinh, Kim Đâu và Trương Xá. Điều này cho thấy việc hình thành các làng quê từ xưa và cho đến hôm nay vẫn theo hướng gần như quy luật từ Bắc vào Nam và từ Đông sang Tây và Cam Lộ cũng vậy.

Cam Lộ: Vùng đất của các loại cây dược liệu

Lệ Như |

Là huyện nằm ở vùng gò đồi, Cam Lộ (Quảng Trị) có điều kiện tự nhiên phù hợp cho việc phát triển các loại cây công nghiệp, trong đó có cây dược liệu. Vì thế, trồng cây dược liệu mở ra bước đột phá phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Kích hoạt mô hình “Chợ dân sinh giảm rác thải nhựa” tại Cam Lộ

Trường Sơn |

Nhằm chung tay giảm rác thải nhựa, hạn chế sử dụng túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần, ngày 25/11/2021, Tỉnh đoàn Quảng Trị phối hợp Ban Quản lý chợ huyện Cam Lộ tổ chức lễ ra mắt mô hình “Chợ dân sinh giảm rác thải nhựa” tại chợ Cam Lộ.

Đề xuất đầu tư 2 dự án FDI lớn tại huyện Cam Lộ

Lâm Thanh |

Ngày 24/11, Phó Chủ tịch UBND Hoàng Nam chủ trì buổi làm việc với Tổng công ty Kotra Việt - Hàn về xúc tiến đầu tư dự án FDI vào địa bàn tỉnh Quảng Trị.