Về vùng "Đất lửa"

Thành Nam |

Tháng Tư nắng như rót mật, những ngày nghỉ lễ, lòng bồi hồi, bâng khuâng. Tự hỏi mình: Đi đâu trong kỳ nghỉ dài ngày? Còn dùng dằng và lưỡng lự, nhưng dường như hai tiếng quê hương, hai tiếng Quảng Trị đã ẩn hiện, là niềm thôi thúc đã có tự bao giờ, nhất là những ngày tháng Tư lịch sử - Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã đến rất gần.

Cuộc sống không phải là toán học mà ở đó ta áp dụng đúng phương trình, đúng định lý thì sẽ cho kết quả chính xác. Bao lần muốn về lại quê hương Quảng Trị trong những ngày tháng Tư lịch sử nhưng lại dở dang. Quảng Trị những ngày chớm hè có gì hay mà lòng cứ thổn thức? Phải chăng về đây để “tận hưởng” không khí nóng như rang, để ôn lại những kỷ niệm đẹp đẽ, để nghe “Những buổi ngày xưa vọng nói về” và để thấu hiểu rằng, quê hương luôn là nơi mà trái tim của mình đã rất nhiều lần thao thức.

 
Sông Bến Hải, cầu Hiền Lương - biểu tượng cho khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước. 

Về với Quảng Trị, với tôi, ở đó đâu chỉ là về với những ngày “Vác tuổi thơ qua những cánh đồng”, về với nơi chôn nhau, cắt rốn, về với tình thân của xóm giềng – là bánh ít cho đi, bánh quy cho lại; “ nơi bầu, bí thương nhau” mà về để nghe thời gian kể chuyện lịch sử của quê hương mình. Quảng Trị của miền quá khứ - nơi có bao điều để nói, bao câu chuyện khiến ta phải nặng lòng. Hôm nay, Quảng Trị trong thời bình vẫn còn những câu chuyện khiến ta cảm động, thán phục, thậm chí  rơi nước mắt.

Quảng Trị trong quá khứ là biểu tượng của đau thương, là minh chứng cho lòng kiên trì, sức mạnh và hy vọng của dân tộc Việt Nam. Với sứ mệnh của mình, Quảng Trị đâu chỉ là điểm đến du lịch tâm linh mà còn là "địa chỉ đỏ" để truyền bá và gìn giữ truyền thống cách mạng, khát vọng thống nhất và lòng yêu nước. Với Quảng Trị ngày xưa, đây là vùng đất của chiến tranh, là “túi bom”, là đau thương với những hoang tàn và đổ nát. Những ngày tháng Tư này, ta làm sao quên được khi lòng bâng khuâng nhớ về những địa điểm như: Tà Cơn, Thành cổ, nơi chia đôi hai miền Nam - Bắc - vĩ tuyến 17.

Thành cổ Quảng Trị, nơi chứng kiến hàng trăm chiến sỹ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh chống lại kẻ thù xâm lược. Những tàn tích của Thành cổ vẫn còn đó, nhắc nhở về những ngày đêm đầy khốc liệt và hy sinh trong mùa hè đỏ lửa năm 1972. Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị còn lưu giữ những hiện vật, hình ảnh và câu chuyện về cuộc chiến tranh,  nơi tưởng nhớ và tri ân các anh hùng liệt sỹ. Bảo tàng còn giữ những câu chuyện cảm động, lời nhắc nhở thế hệ trẻ, người được sống trong hòa bình, hạnh phúc hôm nay đừng quên đi đau thương, mất mát của thế hệ cha, anh ngày trước. Thành cổ Quảng Trị đã có bao cuộc đời thanh xuân đã ngã xuống để đất nước trọn niềm vui, đã có biết bao ân tình phải dở dang, bao cuộc chia ly không mong muốn với lời nhắn gửi: “Hòa bình hãy nhớ đến anh”!

Về Quảng Trị trong ngày hè ươm nắng, chúng ta không có gì ngạc nhiên khi những di tích lịch sử của vùng đất lửa năm xưa đông lắm các đoàn khách hành hương từ Nam tới Bắc. Họ có thể là  cựu binh của mùa hè đỏ lửa năm xưa về thăm Thành cổ Quảng Trị. Về Thành Cổ để được thắp nén nhang và tưởng nhớ cho “những người nắm dưới mộ”. Về đây để tri ân, để tưởng nhớ, để nhắc nhủ mình “Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/ Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ…”. Về Quảng Trị để thăm lại dòng sông lịch sử mang tên Thạch Hãn,  nghiêng mình trước sự hy sinh, mất mát của đồng đội. Về đây mà lòng cứ ray rứt bởi có những người bạn, đồng chí, đồng đội của mình nằm lại nơi chiến trường xưa dù đất nước đã thống nhất, non sông liền một dải từ lâu. Về Thạch Hãn mà nghe, mà thấy cuộn sóng trong lòng vì “đáy sông còn đó bạn tôi nằm” vì “Có tuổi đôi mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”.

Vùng đất Quảng Trị là biểu tượng của sự kiên trì, hy vọng và lòng yêu nước của dân tộc. Về Quảng Trị trong những ngày này, bạn, tôi và nhiều người nữa đừng quên thăm địa danh sông Bến Hải và cầu Hiền Lương nhé! Cùng với Thành cổ Quảng Trị, cụm di tích đôi bờ Hiền Lương - sông Bến Hải là biểu tượng của sự chia cắt và hy vọng thống nhất của dân tộc Việt Nam trong những năm đau thương của chiến tranh. Với cầu Hiền Lương và sông Bến Hải là ranh giới tạm thời giữa hai miền Nam - Bắc Việt Nam, đây là nơi mà hàng triệu trái tim người Việt chứng kiến cuộc chia ly đau thương suốt 21 năm. Ngày nay, cụm di tích này là nơi để nhớ về quá khứ đau thương và gợi lên hy vọng về một tương lai hòa bình và thống nhất.

Cầu Hiền Lương và sông Bến Hải là nơi lưu giữ kí ức về cuộc chiến tranh, nơi chứng kiến của sự hy sinh và lòng dũng cảm của những người lính và dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm. Các công trình tại đây đã đánh dấu những sự kiện quan trọng trong lịch sử, những điểm đến để du khách có cơ hội hiểu sâu hơn về những thăng trầm của quá khứ và lòng kiêu hãnh của dân tộc.

 

Mỗi một công trình tại cụm di tích đôi bờ Hiền Lương đều có những giá trị lịch sử khác nhau, làm cho khách tham quan xúc động và gợi nhớ về một thời đau thương nhưng hào hùng của đất nước. Nơi đây có tượng đài “Khát vọng thống nhất”, Nhà trưng bày vĩ tuyến 17, Nhà liên hợp cũng là nơi khiến du khách phải nặng lòng.

Những ngày tháng Tư về miền đất lửa Quảng Trị, đứng dưới Cột cờ Hiền Lương ngắm hình ảnh lá cờ Tổ quốc sao vàng 5 cánh tung bay trong gió thật sự là một trải nghiệm đầy ý nghĩa và xúc động.  Ở đó, dưới bóng cờ, chúng ta cảm nhận được rõ ràng hơn về giá trị của hòa bình, tự do và lòng yêu nước, là  điều quý báu mà mỗi người dân Việt Nam luôn trân trọng và giữ gìn.

 Vậy là những ngày tháng Tư lịch sử đã cận kề, kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước đã đến. Đất nước hồi sinh, non sông thống nhất, Quảng Trị không còn là vùng tuyến lửa và chia cắt mà đã trở thành biểu tượng cho sự phục hồi và phát triển. Năm xưa, Quảng Trị là đất lửa, là chia cắt thì hôm nay, người dân vùng đất khó đã biết đồng lòng, đoàn kết với mục tiêu, khát vọng là “đùm bọc lấy nhau, xây dựng lại quê hương”.

Phóng sự ảnh: Quảng Trị - Điểm đến hòa bình

Trần Tuyền |

Lễ hội Vì Hòa bình được tổ chức từ ngày 29/6 - 26/7/2024 với chủ đề “Chung tay kiến tạo thế giới hòa bình” nhằm tôn vinh giá trị hòa bình, kêu gọi mọi người cùng chung tay gìn giữ, xây dựng cuộc sống hòa bình, thịnh vượng. Đây là một sản phẩm du lịch mới, rất độc đáo của Quảng Trị. Thông điệp của lễ hội đã lay động lương tri con người. Đây là một cơ hội lớn cho du lịch Quảng Trị phát triển. Du khách sẽ có thêm nhiều lý do để đến với Quảng Trị.

Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 thành công mỹ mãn!

Tùng Lâm |

“Vĩ tuyến 17- Khát vọng hòa bình” - Chương trình nghệ thuật chính luận nhân kỷ niệm 70 năm truyền thống Vĩnh Linh diễn ra vào tối 16/8 tại Kỳ đài bờ Bắc Khu Di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải do Báo Nhân Dân phối hợp tỉnh Quảng Trị tổ chức được đánh giá là hay, có những nét đặc sắc đã khép lại chuỗi các hoạt động của Lễ hội Vì Hòa bình sau hơn một tháng qua tại tỉnh Quảng Trị. Đến giờ phút này, khẳng định rằng, Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 với chủ đề “Chung tay kiến tạo thế giới hòa bình” đã thành công mỹ mãn.

Đêm Hiền Lương em hát

Dung Huyền |

 

Thơ DUNG HUYỀN

Đổi thay đôi bờ Bến Hải

Nguyễn Vinh |

Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, giới tuyến quân sự tạm thời được lựa chọn trùng với sông Bến Hải thuộc địa phận huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Khu phi quân sự là khu vực được thiết lập hai bên bờ sông Bến Hải, là kết quả thỏa hiệp của các cường quốc trong Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954.