Chuyện chay hay mặn, quan trọng nhất vẫn là tôn trọng thứ mình ăn, và đấy cũng là tôn trọng bản thân mình.
Hôm trước nhà tôi có giỗ. Mỗi người một tay bận rộn và khi dọn mâm lên, măng mọc, nem, bóng xào..., những món rất cổ điển và những bà chị họ làm đầu bếp đang quệt mồ hôi để ngồi vào mâm, thì một chị, đến sau và lấy từ trong túi ra hộp đồ ăn riêng, chị ăn chay trường, trong hộp của chị là gạo lứt muối mè. Tất nhiên, không ai bình phẩm gì về chuyện đó, chay hay mặn là quyền mỗi người. Chỉ có điều, mâm cỗ ỉu hẳn, những người ăn mặn tự dưng cảm thấy mình có lỗi, dù nấu rất cố gắng và rất ngon.
Tại cuộc thi đầu bếp nhí ở Mỹ, MasterChef Junior, không nhớ lần thứ mấy, có một thí sinh ăn chay (mà hình như trong mỗi cuộc thi đều có một thí sinh ăn chay), bé đó rất hãi hùng khi phải giết một con tôm hùm đang sống để làm món ăn dự thi...
Bếp trưởng Gordon Ramsay đã nói với thí sinh nhỏ ấy một điều không thể hay hơn, đại khái rằng: chú biết cháu không muốn giết con vật này, nhưng đây là cuộc thi, nên cháu không thể bỏ cuộc. Cách tốt nhất cháu có thể làm là tôn vinh con vật cháu bắt buộc phải giết, bằng cách nấu một món ăn thật ngon từ nó...
Cô bé đã làm theo lời khuyên ấy để vượt qua vòng đấu gian nan đó.
Ăn chay luôn là một câu chuyện được bàn đến trong đời sống hiện tại. Ngày càng nhiều hơn những người ăn chay, các quán chay được mở ra ngày càng nhiều. Ăn chay trở thành một trào lưu vì sức khỏe và sống thọ, và quan trọng nhất là đỡ phạm tội sát sinh.
Người ta vẫn nói về những mâm cỗ chay giả mặn, với chút giễu cợt, rằng trong những món giả đó thậm chí có cả tiết canh lấy màu đỏ từ củ dền, hay chả chó làm y như thật. Báo chí từng rộ lên chuyện mấy nhà sư ăn tiết canh (không phải từ nước củ dền) và say rượu thường xuyên. Rộ lên cho vui, chứ nói cho cùng, chay hay mặn đều là từ tâm con người mà ra. “Ăn mặn nói ngay còn hơn ăn chay nói dối”, các cụ đã nói vậy.
Đôi khi người ta buộc phải làm những việc mình không muốn, nhưng quả thật trong việc nấu ăn, không thể không quý trọng và nâng niu những thứ ta có được từ chợ hay tự nuôi trồng mà có. Nâng niu bằng cách nấu chúng thành những món ngon, chứ không phải là không động đến chúng.
Nông dân, ngư dân... sống bằng gì nếu bỏ hẳn việc chăn nuôi hay đánh bắt? Cả những ngành công nghiệp thực phẩm phát đạt trên thế giới với sự tham gia của hàng triệu triệu người. Nền văn minh nấu nướng tồn tại từ khi con người có lửa và biết làm chín thức ăn cũng không thể chỉ nấu toàn món chay.
Người ta bắt buộc phải ăn, và hãy ăn ngon, đơn giản là thế.
Bà tôi xưa dạy tôi thế này: Khi con đi chợ, bắt buộc mua một con gà, con cá, con tôm..., những thứ đang tươi sống, thì tốt nhất nên lẩm nhẩm trong miệng Chú vãng sinh, để con vật được siêu thoát. Thế là từ nhỏ, quen cách đó, mua con vật gì mà phải giết nó, cứ lẩm nhẩm Chú vãng sinh.
Thực ra trong lòng cũng nghĩ rằng như thế cũng là một thứ đạo đức giả mà thôi. Thương cái xương chẳng còn. Đành cứ hiểu là đọc như vậy, không phải để bớt tội mà để con vật được siêu thoát. Lòng mình cũng nhẹ đi.
Chuyện chay hay mặn còn dài lắm. Thật ra cũng chẳng nên coi là chuyện, bởi điều quan trọng nhất vẫn là tôn trọng thứ mình ăn, đấy cũng là tôn trọng bản thân mình.
(Nguồn: Phụ nữ mới)