Tôi nhớ ngày xưa, mỗi lần Tết đến, đợi lúc cả nhà đông đủ, mẹ sẽ gọi chú Sáu về chụp ảnh. Thời đó, tiệm của chú là hiệu ảnh duy nhất trong vùng. Năm nào cũng vậy, hình ảnh chúng tôi lớn lên, cả nhà sum vầy bên nhau đã được ghi lại qua những tấm ảnh thân thương.
Khi nhận ảnh, mẹ sẽ dán vào cái khung lớn, nơi chứa những tấm ảnh khác. Nhắc mới nhớ, ngày trước nhiều người cũng làm hệt vậy, bước vào nhà nào đó, bạn dễ bắt gặp một khung ảnh treo trên tường. Có nhà thì đặt ảnh vào tấm kính dưới mặt bàn, khách đến ngồi chơi dễ dàng ngắm ảnh rồi thăm hỏi, bàn luận về những tấm hình đó, như thể một cách gợi chuyện thật gần gũi, tự nhiên.
Tôi thường xúc động trước những tấm ảnh đen trắng bởi cảm giác thời gian đi qua để lại vết dấu khá nhiều. Nét già nua hằn lên gương mặt dáng hình của ông bà, cha mẹ. Những ngây thơ hồn nhiên của đám con nít đã lạt phai đi, ai nấy trưởng thành với gương mặt âu lo, đầy suy tư và có phần cẩn trọng. Ngó vào tấm ảnh, biết sức mạnh thời gian thật ghê gớm, nhất là khi trong hình hiện diện chừng ấy người mà nay người còn người mất. Nghe vô thường bình thản ở gần bên.
Thời đó, ảnh chụp bằng phim nên phải đợi rửa khá lâu, cao điểm như đợt Tết có khi phải đợi hơn tháng. Cảm giác chờ coi tấm ảnh mình được chụp cũng háo hức lắm. Ít dịp chụp ảnh nên nhìn tấm ảnh nào cũng thấy những nụ cười ngại ngùng, hơi gượng gạo chứ không như bây giờ, từ con nít đến người lớn đều biết “diễn” trước ống kính. Không phải so sánh hơn thua nhưng tôi quý tấm ảnh ngày xưa bởi sự chân thật, có chiều sâu chứ không kiểu “công nghiệp” như giờ.
Hồi đó, mô típ chụp đa số do thợ ảnh đạo diễn nên đôi khi ảnh Tết nhà nào nhà nấy na ná nhau. Các gia đình ngồi ở bộ bàn ghế, ngó máy ảnh và cười, có khi cầm ly chúc tụng, hoặc đứng cạnh chậu bông đặt trước hiên nhà. Ngày nay, có nhiều đạo cụ, bối cảnh, phông nền đa dạng, ảnh được trau chuốt đẹp đẽ, người trong ảnh hoàn hảo từ da dẻ tới dáng dấp. Những khác biệt đó là hiển nhiên, nhưng dường như sự hồ hởi, háo hức cũng vơi đi nhiều.
Những bức hình ngày Tết hồi ấy giá trị bởi đó là dịp con nít có áo quần mới, người lớn cũng tươm tất, nhà cửa gọn gàng, đẹp đẽ khi được điểm thêm vài chậu bông vạn thọ hay thược dược. Không như bây giờ, tụi mình đầy đủ hơn, áo quần có thể sắm quanh năm, cửa nhà được chú trọng nhiều về hình thức. Sự nôn nao sum vầy, tề tựu để chụp bức ảnh chung với gia đình hình như trở thành không nhất thiết.
Bây giờ chụp ảnh không khó, với chiếc điện thoại thông minh trên tay, ai cũng có thể ghi lại mọi khoảnh khắc mình muốn. Vô vàn ảnh đó ít khi được in ra. Chúng ta có thêm nhiều công cụ để lưu giữ và “trưng bày” từ các nền tảng mạng xã hội. Có điều, ta chưng cho người khác xem nhiều hơn là chính mình xem.
Có người chụp ảnh bản thân rất nhiều, chụp thức ăn đồ uống, chụp phong cảnh vu vơ. Thế nhưng lại quên chụp ảnh với người thân, đặc biệt là ông bà cha mẹ. Như bạn tôi, một ngày cha bạn đột ngột mất, bạn chưng hửng khi không tìm thấy một tấm ảnh chung nào của hai cha con. Thật may, khi lục lại cuốn album cũ, bạn tìm được một bức ảnh ố màu chụp lúc bạn năm tuổi, cha bồng bạn trên tay. Tấm ảnh không thể gói hết nỗi buồn và nhung nhớ về cha nhưng giúp bạn nhận ra khoảnh khắc đó đã thành mãi mãi.
Bây giờ, tại những địa điểm du xuân như công viên hay điểm du lịch, các thợ ảnh đứng sẵn để phục vụ cho khách. Chúng ta có thể lưu lại hình ảnh gia đình du xuân vui tươi náo nhiệt, thế nhưng tôi vẫn yêu những bức ảnh được chụp tại nhà. Để nhớ lại lúc đó mình từng này thì nhà mình như thế, góc bàn này, khung cửa sổ là như vậy bởi biết đâu qua năm tháng những thứ đó chẳng còn, ngay cả mình và người cạnh bên cũng đổi thay trong từng chớp mắt. Không hẳn rằng trăm năm đời người được đóng khung trong tấm hình vô tri, giá trị của kỷ niệm là khi đi qua rồi ta mới thấy trân quý và tiếc nuối khôn cùng.
Tết này, đừng quên chụp ảnh cùng gia đình, bạn nhé!
(Nguồn: Báo Quảng Trị)