Những khi buồn chán, người ta thường tìm lại dấu cũ - người đời quen gọi là kỷ niệm. Nó như một chỗ dựa lúc chông chênh.
Hồi còn bé, tôi theo mẹ gánh gạo đường xa. Hai mẹ con đi qua đồi cát trắng. Đằng sau là vệt dấu chân dài hun hút đến cuối trời. Dấu to là mẹ, dấu bé là con. Sáng hôm sau vẫn trên lối cát ấy nhưng những dấu chân không còn. Lúc đó tôi ao ước có thứ gì như chiếc máy ảnh để lưu giữ những hình ảnh đáng yêu đó. Khi có được máy ảnh thì thứ muốn giữ lại không còn. Những dấu chân trên cát giờ đây thật xa lạ, dù đó là của mình.
Tôi thường đợi mẹ đi chợ về sau giấc ngủ chiều. Ngủ ngon, trở mình thấy mẹ không ở bên cạnh thì ngồi khóc. Những phiến đá xanh rêu dưới gốc mít già. Chiều chiều ra đấy, ngồi khóc bưa rồi nín thinh, đợi mẹ. Chiều nào cũng thế, khi chiếc nón lá của mẹ nhấp nhô trên con đường gần ngõ là chạy ào ra ôm mẹ để tìm quà. Phiến đá ong vẫn xanh ngắt rêu, nhưng cái chỗ ngồi bị mài nhẵn, soi vào đó tìm thấy cả những buổi chiều xưa. Sau này lớn lên, đi xa, mỗi lần nhớ nhà là nhớ cái bậc thềm đầy rêu và dấu ngồi trên phiến đá. Đó là dấu tích của tâm hồn tuổi thơ và là một “di tích” của tuổi trẻ, dù ở tận chân trời cuối đất vẫn cứ nhớ.
Mỗi con người có những dấu cũ, thời gian không thể xóa nhòa. Có những dấu cũ mang hình bóng của cá nhân nhưng cũng có không ít dấu cũ chứa đựng bóng dáng một thời đại, một thế hệ hoặc lớp người.
Tôi đã từng khóc khi thấy vết chai sẹo trên vai chị tôi. Cái dấu tích không thể quên về một thời chị gánh hàng rong từ quê lên phố ròng rã mấy năm trời nuôi em ăn học. Giờ lớn lắm rồi nhưng mỗi lần gặp chị tôi đều nhắc đến vết sẹo ấy, nó sâu đậm nghĩa tình ruột thịt.
Tôi từng bị ám ảnh bởi cái dấu ngồi của nhà văn Trần Dần. Bạn bè thường gặp ông ngồi dựa tường, nhìn xa xăm, suốt 30 năm. Giữa mảng tường vàng ố còn hằn lại dấu hình chiếc lưng của nhà văn già tài hoa, lận đận. Đó cũng là dấu ngồi không chỉ của một số phận mà của một thời.
Ở quê tôi có những “dấu tích” của người xưa mãi đi vào lịch sử. Người dân Quảng Trị và miền trong ghi nhớ Nguyễn Hoàng thời mở cõi qua những cái tên Trà Liên, Trà Bát…; nhớ công ơn của Nguyễn Khoa Đăng qua tên truông nhà Hồ, phá Tam Giang. Dấu vết để lại của vĩ nhân chưa hẳn chỉ là chức tước. Điều làm người đời sau trân trọng, ghi nhớ trước hết là họ đã để lại công lao gì cho nước cho dân.