Hoa xương rồng trên cát

Nguyễn Ngọc Hiển |

1. Làng tôi nghèo! Cái nghèo từ đất đai cỗi cằn, chua mặn, cát bay, cái nghèo ấy tích tụ nhiều năm nên củ khoai tháng giêng ăn non vẫn còn mằn mặn...

Nghèo đến nổi làng tôi phải ly tán bốn phương, quanh năm tảo tần với đất, hết mùa màng gieo cấy, vun trồng, trai gái trong làng vất vả ngược xuôi gánh gồng đi buôn đi bán, mua rau chợ Thuận về bán chợ Chùa, mua chè chợ Do về bán cho cả vùng Triệu Trạch, Triệu Sơn, Triệu Tài, Triệu Đại...

“Mấy trăm năm đất làng chua mặn

Sông cũng gầy đi vì nghèo

Tôi lớn lên trên doi cát trắng

Gió Lào về sỏi đá cũng tong teo”

           (Làng - Nguyễn Hữu Minh Quân)

 Ngày cha tôi còn sống, ông đã kể cho chúng tôi bao nhiêu câu chuyện về làng, từ chuyện khai thiên lập địa của các cụ tổ họ Lê, họ Nguyễn, đến chuyện dải đất mang hình con cá gáy hướng ra triền sông chờ thời cơ để vượt vũ môn hóa rồng nhưng ngàn năm nay vẫn lỗi một lời ước nguyện. Kể về những tháng năm cơ cực đã từng đi hái rau trai, đi đào củ éo, moi hết cộc chuối để ăn, kể về những ngày đi ở đợ “chú cho ăn ít, thím cho ăn diều, ăn ri mà kể là diều, cơm côi cháo đưới kỵ chiều bựa qua...”.

Và cứ vậy những câu chuyện của cha cứ theo tôi mãi mãi từ thời ấu thơ vất vả cho đến tận bây giờ.

Cũng từ lời cha kể: Ngày xưa, thời làng bị người Tàu đô hộ khiến dân làng mạt vận, nhụt ý chí đấu tranh để không thể tụ hội dân làng nổi lên đánh giặc và yểm cho làng không bao giờ có người tài giỏi để đứng ra cứu nước, giúp dân. Chúng cho đào hai cái giếng gọi là giếng Soãn, giếng Cừa. Tương truyền rằng khi đào xong nước giếng đỏ ngầu như máu bởi đó là hai con mắt rồng. Đau đớn, rồng quẫy đuôi vét hết đất sông quê tạo nên gò Cây Quả, bùn bắn lên tung toé bồi đắp cho xóm đông phù sa để bây giờ cây cối tươi tốt quanh năm.

Làng quê thanh bình. Ảnh: N.N.H
Làng quê thanh bình. Ảnh: N.N.H
Người dân làng tôi đã vùng dậy, đuổi quân đô hộ giành lấy non sông gấm vóc. Và cứ vậy đời đời con cháu nối nhau chống xâm lăng, bảo tồn thôn xóm. Từ mái tranh nghèo, sau lũy tre làng đã có những người con ưu tú của quê hương ra đi theo tiếng gọi của non sông và họ đã không bao giờ về nữa, có người bia đá chiến trường chưa kịp ghi mộ chí, họ trở thành những chiến sĩ vô danh. Cũng như những người mẹ trên dải đất Việt này, những người mẹ ở làng tôi cũng đã từng tiễn đưa con lên đường đi trấn ải Bắc, chinh chiến phía Nam, cũng từng ngồi bên bậu cửa chờ tin chồng, tin con và chờ mãi cho đến bây giờ...


2. Cho đến mãi mùa xuân năm 1975, cả dân tộc vỡ òa trong niềm vui giải phóng, nước nhà độc lập, non sông thu về một dải.  

Nhờ ơn Đảng, Bác Hồ lớp trẻ chúng tôi lớn lên trong vòng tay chăm bẵm của quê hương, của toàn xã hội, được học hành đỗ đạt nên người và bùa yểm của người Tàu xưa không còn linh nghiệm nữa.

Lũ học trò làng tôi tảo tần hôm sớm, đầu trần chân đất, sáng đến trường, chiều về lặn lội từ cây Mưng, Tân Định, Bàu, Trằm mò cua, bắt ốc để lấy cái ăn, cái mặc... Âu cái nghèo đã giúp lũ trẻ chúng tôi biết vươn lên từ nhọc nhằn vất vả. Sự ăn chơi, đua đòi, chưng diên, quay bài, học thêm, học trò chúng tôi chưa bao giờ từng biết. Dù áo rách vai, quần hai ba mảnh vá vẫn đến lớp đến trường, vẫn học giỏi chăm ngoan nổi tiếng cả vùng.

Năm con tôi vào lớp ba, thằng bạn nghèo của tôi lấy được tấm bằng thạc sĩ. Ngày xưa để nó được đi học, ba nó đã lột từng cái kèo, cái cột... bán lấy tiền nuôi con ăn học. Để được đi học, hè về bạn tôi làm tất cả các việc đồng áng từ cuốc đất, tát cá, mót khoai kể cả đi làm thuê cho bà con chòm xóm... cơ cực đến nỗi khi vào giảng đường đại học cho đến khi ra trường vẫn một bộ áo quần cũ. Năm bạn tôi ra trường cũng là năm nhà nó bị bão xô đổ. Hôm “vinh quy bái tổ”, nó đặt tấm bằng thạc sĩ lên bàn thờ ba, cứ vậy rồi khóc.

Năm sau anh tôi thi đỗ chuyên viên chính, bạn tôi được đi du học ở Úc. Các em, các cháu ở quê ngày càng có nhiều đứa vào đại học, cao đẳng và để các em được đi học gia đình phải đầu tắt mặt tối làm lụng vất vả quanh năm, chạy ngược, chạy xuôi vay mượn tứ bề... đến lúc bán luôn cả nhà để con mình có điều kiện tiếp tục đi học. 

Gia sản của một gia đình nông dân ở làng tôi có thể là một đàn vịt trăm con, nó là thu nhập để nuôi sống cả gia đình. Ấy vậy mà khi con cần, cha mẹ vẫn sẵn sàng bán cả đàn vịt để mua máy vi tính cho con. Để không phụ lòng cha mẹ, cháu tôi đã gắng sức học hành, ra trường cháu được nhiều cơ quan, doanh nghiệp nhận về làm việc với mức lương hậu hĩnh. Cháu từ chối, một mực xin về Quảng Trị để góp một phần công sức, trí tuệ xây dựng quê hương.

Cứ vậy hằng năm vào mùa thi cử làng tôi luôn đứng vào hàng nhất nhì trong toàn huyện về số học sinh thi đỗ đại học.

Bởi vậy, nếu ai về làng tôi hỏi thăm thì đừng hỏi gia đình có bao nhiêu con, bao nhiêu lúa, bao nhiêu khoai mà xin hỏi nhà mình có mấy cháu vào đại học. Và tên gọi “làng đại học” cũng bắt đầu từ đấy.

 3. “Làng ta bây giờ đổi khác

      Đất không chua, nước chẳng mặn

      Đường nhựa chạy từ tỉnh về

      Xóm thôn tưng bừng ánh điện

      Bê tông phủ kín bờ đê

      Trẻ em bây giờ giỏi ngoan hơn trước

      Con gái bây giờ tha thướt đẹp mê

      Nhà cửa cao tầng hao hao phố xá”

     (Làng - Nguyễn Hữu Minh Quân)

  Âu đó cũng là tinh hoa tiết ra từ đất như cây xương rồng trên cát, dẫu nghiệt ngã đến mùa vẫn nở nụ đơm hoa.

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

TAGS

Đọc hồi ký “Bụi cát chân mây”

Võ Thị Quỳnh |

Tự dưng khi cầm tập sách “Bụi cát chân mây” trên tay, với tranh bìa chân dung nghệ sĩ Lê Cung Bắc qua đôi mắt đầy nhớ thương của họa sĩ Trần Thế Vĩnh, chưa đọc những lời lý giải của tác giả cùng phu nhân tác giả hồi ký, không hiểu sao trong tôi hiển hiện một bụi cát (như thể bụi cây) nơi chân mây (cuối trời).

Người dân lo sợ thuyền hút cát gây sạt lở đê kè

Nhơn Bốn |

Vừa qua nhiều hộ dân ở Khu phố 5, Phường 2, thị xã Quảng Trị phản ánh đến Báo Quảng Trị tình trạng thuyền khai thác cát kéo dài từ trong năm 2022 đến nay trên khu vực sông Vĩnh Định chảy qua địa bàn giáp ranh giữa thôn Đồng Tâm 1, Đồng Tâm 2, xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong với địa bàn Khu phố 5, Phường 2, thị xã Quảng Trị, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đê kè dọc theo khu dân cư...

Triệu Phong: Lập quy hoạch bãi cát trái phép thành công viên cây xanh

Vân Phong |

Bí thư Huyện ủy Triệu Phong (Quảng Trị) Trần Xuân Anh cho biết, Thường trực Huyện ủy vừa thống nhất bố trí 500 triệu đồng để lập quy hoạch một công viên cây xanh bên sông Thạch Hãn.

Xã Vĩnh Thái phát triển hiệu quả kinh tế biển và vùng cát

Hải An |

Về vùng biển bãi ngang xã Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) bây giờ sẽ được nghe câu chuyện “hái ra tiền” của nhiều người dân cần cù, sáng tạo đã biết tìm chọn hướng để đầu tư phát triển các mô hình kinh tế có giá trị cao từ biển xanh, cát trắng bạc màu.