Tự dưng khi cầm tập sách “Bụi cát chân mây” trên tay, với tranh bìa chân dung nghệ sĩ Lê Cung Bắc qua đôi mắt đầy nhớ thương của họa sĩ Trần Thế Vĩnh, chưa đọc những lời lý giải của tác giả cùng phu nhân tác giả hồi ký, không hiểu sao trong tôi hiển hiện một bụi cát (như thể bụi cây) nơi chân mây (cuối trời).
Từ lâu, tôi chỉ biết Lê Cung Bắc là một cựu học sinh Nguyễn Hoàng, là diễn viên thật góc cạnh, thủ nhiều vai đa tính cách, đầy ấn tượng khó thể quên; cũng là một đạo diễn xuất sắc có trái tim vàng, có con mắt xanh, yêu lịch sử, yêu điện ảnh, rất đa tài, sống tình cảm và tâm huyết, góp cho đời rất nhiều bộ phim quý. Ông ấy là một người luôn trẻ: “Tuổi tác chỉ là con số thôi, còn tâm hồn, năng lượng tinh thần của mình nếu vẫn trẻ trung thì vẫn là trẻ”; luôn dấn thân dù học một đường nghề chọn lại là nẻo riêng điện ảnh (“Điện ảnh với tôi là niềm đam mê dữ dội”).
Hóa ra, tôi chỉ biết bề nổi của nghệ sĩ Lê Cung Bắc mà thôi. Đọc hồi ký, tôi mới thấy được ông thật kiên trì cõng niềm tin con người qua mọi giông bão.
Mãi đến lúc thấy mình như ngọn đèn leo lét, ông mới thổ lộ tất cả điều gan ruột cả cuộc đời (Võ Sông Hương ghi lại). Ông nói về dòng dõi sang quý: Ông nội là Ngài Lê Phát- Đệ Tam Giáp Tiến sĩ: “người đầu tiên đưa ruộng đất Xuân Thành vào bảng vàng bia đá ngàn thu và cũng là người đầu tiên trong dòng họ mang triều nội lại gần với mảnh đất quê khi ngài được bổ nhiệm vào nội các triều đình. Ngài là người làm cho mảnh đất này trở nên vinh hiển”. Cha là Lê Hữu Sảng - Hàn Lâm Viện Thị Giảng, con trưởng, cùng ba chú, cô ruột của ông đều là những bậc danh sĩ của Quảng Trị. Ông nói về ba người Mẹ (Mẹ Cả, Mẹ Hai, Mẹ Ba), về các anh chị em cùng cha khác mẹ, với một tấm lòng thương yêu trân quý, không hề có sự phân biệt, cách ngăn,…Tất cả cũng chỉ vì một tâm nguyện con cháu muôn đời sau chiêm ngưỡng hành trạng của các ngài và thấm nhuần đạo lý “thân mình thọ không bằng danh mình thọ, đó mới là cái còn lại với muôn đời không bao giờ mất”. Đại gia đình ông đúng là một xã hội Việt Nam thu nhỏ, phản ánh một tao đoạn lịch sử vắt qua hai thế kỷ XIX, XX đầy biến động.
Tác giả đã nói: “Thời tôi sinh ra là thời mà đất nước chúng ta rất khó khăn và lộn xộn. Một mặt là các lực lượng kháng chiến trấn giữ các vùng sâu vùng xa và đi về các làng để hoạt động. Một mặt thì lực lượng của Tây, hàng ngày tổ chức các cuộc ruồng bố bắt bớ”. Số phận thăng trầm, bên này bên kia, bên bồi bên lở,… vết thương chiến tranh đã từng làm đau lòng bao gia đình, bao thế hệ và đến giờ vẫn chưa thể gọi đã lành lặn, thôi nhức nhối; vậy mà ông kìm nén vào đâu để cuối đời ghi ngắn gọn trong một câu đau đớn nhẹ tênh: “ Năm 1947, cha tôi mất khi tôi mới 10 tháng tuổi. Cái chết của cha tôi đến hôm nay vẫn là một nghi án”. Bên cạnh ấy là “Mẹ tôi - phận đời đa đoan”; “Anh tôi -Lê Hữu Màng - Một đời trôi nổi”; “Chị tôi- Hoàng Anh - Con chim quý” và người bạn đời của ông – cô Bùi Thị Giang, cũng thật lắm long đong theo “cuộc đời ba chìm bảy nổi một trăm lẻ tám cái lênh đênh” của chồng.
Võ Sông Hương đã ghi lại lời kể thật ngắn gọn: “Cô Giang là người yêu thời sinh viên sâu đậm nhất và gắn bó với chú cho đến bây giờ đã gần 50 năm. Cô là người hy sinh cho chú nhiều nhất, chịu đựng bao nhiêu thứ, cô lo cho chú từng miếng ăn giấc ngủ, dạy dỗ con cái…”. Từ cái thuở ban đầu, cuộc tình trải qua rất nhiều trắc trở: “Tôi theo đạo Phật, Giang theo đạo Thiên Chúa, mà bên đạo Thiên Chúa buộc tôi phải rửa tội thì gia đình Giang mới cho cưới. Mê quá rồi, yêu quá rồi, tôi chấp nhận hết dù mẹ tôi không bằng lòng nhưng mẹ tôi hiền và rất thương tôi nên tôi muốn làm gì thì làm. Lúc đó tôi đang trong quân trường Thủ Đức nên việc học Kinh xin cha tuyên úy rửa tội cũng dễ dàng hơn.”…
Theo lời tác giả Lê Cung Bắc kể, chúng ta có thể hình dung về người phụ nữ vợ ông: Xinh đẹp, có nhiều người theo đuổi, nhưng lạ lùng, đằm thắm, chấp nhận ông một quân nhân tiền bạc không có; lại còn “quyết định tổ chức đám cưới sớm hơn dự kiến để chúng tôi được chăm sóc Mẹ thuận lợi hơn”.
Rồi sau khi kết hôn, ông đã “bội ước” để nàng đi nhà thờ một mình, ông thờ Phật, vậy mà nàng chỉ trách ban đầu rồi cho qua, vẫn là cô dâu hiền thảo sống chung hòa thuận với mẹ chồng, lo đầy đủ lễ theo đúng tập tục gia phong. Nàng đã lên thác xuống ghềnh cùng chồng sau 30 tháng 4 năm 1975; chăm nuôi con nhỏ lúc ông 2 năm 6 tháng 5 ngày học tập cải tạo; gian nan cùng chồng ở vùng kinh tế mới ở ấp Trảng Lớn, Châu Thành, Đồng Nai. Một người vợ đã có Lời thưa mở đầu tập hồi ký: “nguyện là cái bóng sau lưng anh, lo cho gia đình, nuôi dạy con cái, ít khi tham gia vào công việc của anh, với mong muốn để anh an tâm theo đuổi cái nghiệp mà theo anh: “Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa…” (Nguyễn Du)…
Xin cảm ơn cô Bùi Thị Giang người tình duy nhất, mối tình duy nhất của tác giả và xin cảm ơn hai nghệ sĩ Võ Sông Hương - Hồng Ánh đã thêm nhiều lần nữa cho chúng tôi được nghe nghệ sĩ Lê Cung Bắc kể chuyện tâm tình rất chân thành: “Hồi xưa, mộng của chú là trở thành một nhà ngoại giao nên khi chú học năm thứ 3, chú chọn môn nhiệm ý là bang giao quốc tế. Ước vọng của chú lớn lắm, chú muốn ứng cử vào thượng nghị sĩ nữa kìa…nhưng thời thế xoay đổi, chiến tranh xảy ra, chú bị bắt đi lính…rồi sau 75 đi học tập cải tạo, đi kinh tế mới… nhiều lúc nghĩ lại đời mình nó tro tàn quá… Để chú kể con nghe…”…
Ông viết về gia đình với lòng trìu mến biết ơn, với ông những khó khăn thách thức, khách quan và chủ quan, cá nhân hay lịch sử, những ba-ri-e trên đường đời đã trở thành những thử thách bản lĩnh con người, nâng phẩm hạnh người sáng lạn hơn.
Tôi đọc ông với sự ngạc nhiên và ngưỡng vọng dâng đầy. Vì ông luôn tri ân những ngôi trường tiểu học, trung học và chính ông cũng là niềm tự hào của các trường thuộc kháng chiến (1950-1954, Quảng Trị), Trường Lê Bá Cang (1954-1957, Sài Gòn), Trường Trung học Nguyễn Hoàng (Quảng Trị, giúp tác giả có những kiến thức cơ bản để phát triển tư duy) và Trường Trung học Quốc học (Huế, là cái nôi hình thành nhân sinh quan).
Vì ông luôn tôn trọng người bạn đời Bùi Thị Giang với nếp nhà “phu phụ tương kính”. Vì ông luôn tìm thấy sự thú vị kể cả lúc đầy đắng cay: “Thú vị hay không là do mình. Cực khổ lắm nhưng phải biết thi vị hóa để sống...”. Vì ông đã dâng trọn cuộc đời cho nghệ thuật, đi đến tận cùng với lòng nhân ái bao dung, hào hiệp và trượng nghĩa. Vì ông như điểm hẹn tụ hội của rất nhiều sự yêu thương, trân kính của hầu hết mọi người nhiều lứa tuổi, trong gia đình, ngoài xã hội…
Xin kính bái biệt người nghệ sĩ luôn đau đáu hướng về quê nhà Quảng Trị, đã mang theo bao dự định, bao khát vọng dang dở về cõi cao xanh.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)