Lê Cung Bắc, người cùng quê

Hồ Sĩ Bình |

Trong tâm hồn của anh Lê Cung Bắc luôn đồng vọng một nỗi niềm với cố hương, ấy là mong ước có một ngày được về làm phim chính trên mảnh đất quê nhà Quảng Trị...


Tôi luôn nghĩ về anh Lê Cung Bắc là một người Quảng Trị đáng trân trọng, gần gũi với niềm tự hào khi từng được giao du với anh. Anh hơn tôi gần 10 tuổi, thế nhưng mối quan hệ tình cảm gắn bó với anh cũng như các anh em Lê Diễn, Lê Hải, Lê Đức Dục, Đoàn Thạch Hãn... đều bắt nguồn từ là người cùng quê. Mỗi lần anh về làm phim hay đi thăm Đà Nẵng hay Huế thường khi nào anh cũng dành thời gian để lang thang cùng nhóm anh em.

Tôi có nhiều kỷ niệm với anh. Vào TP. Hồ Chí Minh tôi lại về Cần Thơ rồi lên Trảng Bom, Mộc Bài cùng anh. Ngồi chơi tại quán Nhà Tôi bao giờ anh cũng dành một không gian riêng để nói chuyện ngày xửa ngày xưa ở “ngoài mình”...

Anh em cùng quê Quảng Trị với anh Lê Cung Bắc (đứng giữ) trong một lần hội ngộ tại Huế -Ảnh: H.S.B
Anh em cùng quê Quảng Trị với anh Lê Cung Bắc (đứng giữ) trong một lần hội ngộ tại Huế -Ảnh: H.S.B

Một lần, anh và tôi ngủ chung phòng trong khách sạn đợt về Huế chơi dự Festival, tự dưng anh bảo “B ơi giờ anh muốn hút mấy “khói thuốc Lào”, chỗ mô có hè...Tôi nghĩ mãi không ra, giữa cái đất Huế ban đêm lúc này kiếm đâu ra cái điếu cày thuốc Lào. Tôi điện cho Lê Đức Dục...

Ngày đó, Dục đang ở Văn phòng báo Tuổi Trẻ tại Huế nên chắc tìm ra. Mà tìm ra thật. “Có rồi, đưa anh Bắc lên Ga Huế đi...” Hồi đó, mấy quán trà trước sân ga mới có cái “đặc sản” này, chủ yếu để phục vụ khách từ miền Bắc vào Huế. Đêm đó, anh uống trà và hút mấy hơi thuốc Lào về không ngủ được, anh nói ngày mai anh phải ra quê, làng Xuân Thành, Triệu Độ bên sông Thạch Hãn.

Khi biết tôi từng học Việt Hán, ai ngờ anh rất thuộc thơ Đường và có vốn kiến văn khá sâu về văn học cổ Trung Quốc. Chưa hết, anh cũng bỏ rất nhiều thời gian để nghiên cứu sách Phật. Tĩnh Tâm cốc trong cư xá Bắc Hải của anh đầy cả sách Phật. Và chính tinh thần Thiền luận ăn sâu vào tư tưởng của anh đã được chuyển hóa sâu sắc trong nội dung bộ phim nhựa Duyên trần thoát tục, một bộ phim được ghi vào kỷ lục của Phật giáo Việt Nam và được đánh giá rất cao.

Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật, giai đoạn từ năm 1982 - 1992 sau khi anh rời đoàn kịch Bông Hồng chuyển hẳn qua điện ảnh, anh đã có trên 200 vai diễn điện ảnh và truyền hình. Từ đó đến khi rời cõi tạm, anh đã bắt tay làm đạo diễn gần 20 phim (trong đó có nhiều bộ phim truyền hình dài tập như Người đẹp Tây Đô, Không thể rẽ trái, Dòng đời (52 tập), Cõi tình, Xóm cũ, Những chiếc lá thời gian, Bẫy tình, Vó ngựa trời Nam, Đóa hoa tình yêu (32 tập), Nơi trái tim ở lại (24 tập), Ngược sóng (32 tập)...

Cả cuộc đời NSƯT Lê Cung Bắc hầu như chỉ tập trung dành cho nghệ thuật sân khấu và điện ảnh. Ngay từ thời sinh viên đã từng biểu hiện năng khiếu về hai loại hình nghệ thuật này, anh từng là người thành lập ban kịch Thụ Nhân tại Đà Lạt lưu diễn tại các trường đại học miền Nam và các nơi khác.

Trước năm 1975, khi học Cao học tại Sài Gòn anh từng tham gia một số ban kịch truyền hình như Vũ Đức Duy, Quê hương, Sông Thao... và năm 1974 từng được cử đi nghiên cứu về kịch nghệ tại Pháp và Canada. Đam mê theo đuổi, khát vọng đầy trời đi đến tận cùng cho sự sáng tạo nghệ thuật là để phục vụ cho đời sống ngày một đẹp thêm.

Cả đời anh hoạt động sáng tạo trong một tâm thức vang vọng quan niệm của Dostoevsky “Chỉ có cái đẹp mới cứu rỗi thế giới”, có cùng một tư duy của Konstatin Paustovsky “niềm vui của người nghệ sĩ là dẫn đường đến vương quốc của cái đẹp”. Cái đẹp của thiên nhiên, văn hóa, con người để một người làm nghệ thuật luôn biết chống lại những cái ác, cái xấu nhằm tôn vinh cái đẹp.

Trước khi đại dịch bùng phát, tôi và anh Lê Diễn đã đưa anh Lê Cung Bắc và vợ là chị Bùi Thị Giang về Hội An chơi. Ai ngờ lần ấy là lần cuối cùng gặp nhau. Nhớ lại lời anh nói trong đêm ở phố cổ với tôi: “Mình là người Quảng Trị, mảnh đất nghiệt ngã, đau thương trong chiến tranh, mình hiểu cuộc sống cần biết bao lòng yêu thương, sự bao dung để nối kết tình người nhiều khi bị phân ly...”.

Tác giả ( bên trái) với anh Lê Cung Bắc tại Hội An -Ảnh: H.S.B
Tác giả ( bên trái) với anh Lê Cung Bắc tại Hội An -Ảnh: H.S.B

Đó cũng thể hiện tinh thần chủ nghĩa nhân đạo của một đạo diễn tài hoa miền đất bên sông Thạch Hãn. Vì thế có một lần được một tỉnh mời về làm đạo diễn cho cuốn phim ở địa phương, đọc kịch bản nhận thấy nội dung thiếu sự chân thực anh đã thẳng thừng từ chối, mặc dầu trước đó đã mất công đi thực địa để tìm hiểu. Mà theo anh, một đạo diễn cần phải biết dũng cảm từ chối thay vì cố chấp làm đạo diễn cho một phim biết trước sẽ chết.

Dù gần 60 năm xa quê cho đến khi mất, thế nhưng giọng nói chân chất trọ trẹ quê kiểng ấy không hề thay đổi. Trong tâm hồn luôn đồng vọng một nỗi niềm, ấy là ước vọng có một lần được trở về làm phim ngay chính trên mảnh đất quê nhà. Ôi giấc mơ ấy anh đã mang theo về bên kia thế giới. Ngày 13 tháng 6 năm 2021 anh đã trút hơi thở cuối cùng trong ngôi nhà riêng ở Cư xá Bắc Hải.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Nữ giáo viên tâm huyết với hoạt động thiện nguyện

Thục Quyên |

Không chỉ tận tụy với nghề, tận tâm với học sinh, cô giáo Nguyễn Thái Khánh Hoàng, giáo viên Trường Liên cấp hội nhập quốc tế iSchool (Quảng Trị) còn được biết đến là tình nguyện viên đầy nhiệt huyết khi tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, những chương trình thiện nguyện vì cộng đồng.

Lớp học dưới lòng địa đạo

Vân Trang |

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là giai đoạn cuối 1965 - 1967, để con em của 92 hộ dân sống dưới lòng địa đạo Vịnh Mốc, xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) không bị mù chữ, Khu ủy, Đảng ủy, chính quyền khu vực Vĩnh Linh lúc bấy giờ đã chủ động mở các lớp dạy học. 

Chi hội trưởng phụ nữ gương mẫu

Ngọc Trang |

Trong nhiều năm qua, với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Khối 4, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hoá (Quảng Trị), chị Lê Thị Miền luôn nhiệt tình, năng động, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua, hoạt động. 

Trần Trọng Anh - sinh viên học và làm kinh tế giỏi

Tú Linh |

Trần Trọng Anh, đang học năm thứ 2, ngành Chăn nuôi - Thú y, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị, không chỉ là sinh viên học giỏi, anh còn là chủ cơ sở vệ sinh công nghiệp và giặt là thân thiện với môi trường có tiếng tại TP. Đông Hà với thương hiệu “Giặt là xanh”. Mô hình kinh tế này còn tạo việc làm thêm cho một số sinh viên của trường.