Hoàn thiện nhân cách

Thích Thiện Thống |

Trong thế giới duyên sinh, con người luôn đối diện với nhiều vấn đề, trong đó giữ nhân cách là một trong nhiều việc mà con người phải giải quyết.

Nhân cách là một quá trình giáo dục, học tập không ngừng nghỉ, chỉ cần tự mãn thì sẽ rơi vào sự mất nhân cách trong giao tiếp, ứng xử, công việc… Hoàn thiện nhân cách luôn là vấn đề mới, luôn được quan tâm, nhất là đối với một bộ phận Tăng Ni trẻ. Nhân cách là đỉnh cao của một chỉnh thể: “Pháp học - Pháp hành - Đạo đức - Nhân cách”, hoặc Tam vô lậu học là khuôn mẫu để hoàn thiện nhân cách.

Việc thực hiện “Pháp học - Pháp hành - Đạo đức” sẽ tạo được một hệ quy chiếu “Hòa”, có nghĩa là giữa môi trường xã hội và cá nhân có một quan hệ thăng bằng với nhau - Ảnh minh họa
Việc thực hiện “Pháp học - Pháp hành - Đạo đức” sẽ tạo được một hệ quy chiếu “Hòa”, có nghĩa là giữa môi trường xã hội và cá nhân có một quan hệ thăng bằng với nhau - Ảnh minh họa

Trong các kinh, luật, Đức Phật dạy các đệ tử nhiều phương pháp hoàn thiện nhân cách, từ lý luận đạo đức, thực hành đạo đức cho đến tấm gương đạo đức. Đức Phật đã dạy chúng ta cần có kỹ năng, phương thức  xử lý hành vi, phòng hộ (hàng rào hành động) các căn trước vị ngọt của dục, sự nguy hiểm của dục và sự xuất ly các dục1. Điều đó có nghĩa là chúng ta đánh giá một cách trung thực đời sống tu học trong thời hiện đại, phải chủ động gìn giữ những giá trị cốt lõi nhân cách của một tu sĩ Phật giáo.

Tuy chưa có một định nghĩa nhất quán về nhân cách, nhưng có thể bằng tư duy logic để hiểu nhân cách. Theo đó, nhân cách là một tập hợp các đặc tính của những kiểu mẫu hành vi, nhận thức, và cảm xúc được hình thành từ các yếu tố sinh học và môi trường2. Nói cách khác, nhân cách là sản phẩm của sự phát triển xã hội trong những điều kiện lịch sử nhất định. Mỗi cá nhân có nhân cách đều mang dấu ấn của nhân cách xã hội, chịu ảnh hưởng và tác động của hoàn cảnh xã hội, điều kiện sống, truyền thống lịch sử, văn hóa cũng như trình độ và tính chất phát triển của xã hội.

Trong kinh Di giáo, Đức Phật cho chúng ta một cái nhìn toàn diện về nhân cách bằng hàng rào hành động cụ thể về nhận thức, cảm xúc đối với cuộc sống quanh: “… chẳng được đốn chặt cây cỏ, đào xới đất đai… coi tướng kiết hung, trông xem tinh tú, tìm tòi suy thạnh, coi ngày đoán số đều không nên làm…”3; “Tỳ-kheo các ông! Phải tự vò đầu, đã bỏ những đồ trang sức tốt đẹp, mặc áo hoại sắc, mang bình bát để khất thực tự sống, nhận thấy như thế, nếu còn khởi tâm kiêu mạn phải mau diệt nó đi …”4; “Tỳ-kheo các ông! Tâm dua nịnh cùng với Đạo trái nhau. Vì thế phải nên chất trực tâm mình. Phải biết tâm dua nịnh chỉ là lừa đảo, người nhập đạo không nên có. Do đây, các ông phải nên ngay thẳng lòng, dùng chất trực làm gốc”5.

Từ lời dạy của Đức Phật, cộng đồng tu sĩ Phật giáo đã hoàn thiện nhân cách của mình. Tuy nhiên trong thế kỷ XXI, một thế kỷ của kỹ thuật số: trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), kết nối vạn vật (internet of things) đã đặt ra một câu hỏi Phật giáo phải làm gì?

Để trả lời cho câu hỏi này, Phật giáo cần phải đổi mới trên nền tảng giữ gìn nếp xưa (nguyên phong chấp sự), tức là mỗi cá nhân phải nghiêm khắc với bản thân, sâu sắc trong tiếp thu cái mới của thời đại và tạo thành sự tinh tế văn hóa; hoặc hòa tan vào dòng chảy của xã hội, bằng sự biến động6 to lớn trên không gian mạng.

Tiếp xúc với không gian mạng hiện nay, chúng ta có thể nhận thấy một bộ phận Tăng Ni trẻ chưa có đủ kỹ năng ứng xử và tinh tế trong văn hóa sử dụng, chưa có nhận thức đầy đủ về sự giữ gìn truyền thống và tiếp thu những cái hay từ không gian mạng đem lại, cũng như những hạn chế trên đó. Đơn cử là những thông tin hậu sự thật, thuyết âm mưu về cội gốc của tranh luận7. Từ đó, một bộ phận Tăng Ni trẻ đã từng bước rơi vào cạm bẫy của cảm xúc, cạm bẫy dùng hiện tượng đánh giá bản chất. Qua lời dạy của Đức Phật trong kinh Di giáo, chúng ta có thể có được câu trả lời: “Tỳ-kheo các ông! Các thứ hý luận làm cho tâm mình rối loạn, dù đã xuất gia vẫn chưa được giải thoát. Thế nên Tỳ-kheo phải mau dứt bỏ loạn tâm hý luận. Nếu các ông muốn được quả vui tịch diệt, duy phải khéo diệt trừ mối họa hý luận. Ấy là công đức không hý luận”8; trong văn Cảnh sách, Tổ Quy Sơn cũng dạy: “Đến chừng tuổi cao tác lớn, bụng rỗng lòng kiêu; chẳng chịu gần gũi bạn lành, duy biết ngạo mạn; chưa từng am tường luật pháp, thâu nhiếp toàn không. Lắm lúc to tiếng lớn lời, nói năng vô độ. Chẳng biết kỉnh bậc thượng, trung, hạ tọa, như Bà-la-môn tụ hội khác gì…”9.

Từ những lời dạy của Đức Phật, qua bài học lịch sử, chúng ta nhận thấy được việc hoàn thiện nhân cách, phát huy giá trị văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo làm cho đạo đức, lối sống mẫu mực được phát huy trong xã hội hiện đại, văn minh. Nếu tự thỏa mãn với những gì đã đạt được trong quá khứ thì sẽ tự đánh mất mình, khó đạt được sự an lạc hạnh phúc ở bên trong lẫn bên ngoài. Cho nên các bậc tiền nhân đã đúc kết: “Đường đời là cây thang không có nấc cuối, học tập là quyển vở không có trang cuối”. Người con Phật muốn hoàn thiện nhân cách phải theo tinh thần thực hành lời Đức Phật dạy, hiểu biết lời Đức Phật dạy, một khi đã thực hành và hiểu biết sẽ có lý luận đạo đức (pháp học, pháp hành), sẽ có tấm gương đạo đức và cuối cùng là hoàn thiện nhân cách một tu sĩ Phật giáo.

Tóm lại, việc thực hiện “Pháp học - Pháp hành - Đạo đức” sẽ tạo được một hệ quy chiếu “Hòa”, có nghĩa là giữa môi trường xã hội và cá nhân có một quan hệ thăng bằng với nhau. Nếu có được sự thăng bằng như vậy sẽ đưa đến một nhân cách tự tại, hoàn cảnh dù thế nào đi nữa cũng không thể tác động đến lòng người, ta vẫn là ta trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù khổ hay vui. Vì thế, Phật giáo luôn là nền tảng vững chắc trong việc hộ quốc an dân, là một trong những nhân tố để xây dựng và phát triển Tổ quốc Việt Nam trong hiện tại và tương lai.

(Nguồn: Giác Ngộ)

TAGS

Học cách chia sẻ yêu thương

Thạc sĩ Nguyễn Quế Kỳ |

Từ xưa tới nay, chia sẻ, yêu thương luôn là truyền thống nhân đạo tốt đẹp của người Việt Nam, được nhân dân gìn giữ và không ngừng phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, không phải ai cũng thể hiện đúng ý nghĩa tốt đẹp đó. Do vậy, chúng ta phải học cách chia sẻ yêu thương để thực sự lan tỏa, làm cho cuộc sống thêm tươi đẹp.

Thay đổi hành vi, thay đổi cuộc đời

Hoài Nam |

Khi nói đến bạo lực gia đình, người ta thường hay nhắc đến cụm từ “vòng tròn bạo lực”. Vòng tròn này được hiểu là sự lặp đi, lặp lại của một chu trình: Mâu thuẫn - bạo lực - trăng mật - bình yên - mâu thuẫn…, tạo nên vòng luẩn quẩn mà người phụ nữ không thể nào thoát ra được. Hoặc là im lặng, nhẫn nhục chịu đựng, hoặc là nuôi hy vọng về sự thay đổi của chồng khi đang trong giai đoạn “bình yên” của vòng tròn bạo lực, tất cả điều đó khiến tình trạng bạo hành không thể chấm dứt đối với một số phụ nữ.

Khói thuốc lá chính là kẻ thù đối với sức khỏe của con người

PV |

Theo thống kê, số người tử vong vì các bệnh liên quan tới khói thuốc lá mỗi năm tại Việt Nam gấp 3 lần so với số người nhiễm HIV và tai nạn giao thông.

Con người minh triết trong nhạc Trịnh Công Sơn

Nguyễn Hoàn |

Nhạc Trịnh Công Sơn lâu nay đã “chinh phục hàng triệu con tim, không chỉ ở trong nước, mà ở cả bên ngoài biên giới nữa” (Văn Cao).