Thay đổi hành vi, thay đổi cuộc đời

Hoài Nam |

Khi nói đến bạo lực gia đình, người ta thường hay nhắc đến cụm từ “vòng tròn bạo lực”. Vòng tròn này được hiểu là sự lặp đi, lặp lại của một chu trình: Mâu thuẫn - bạo lực - trăng mật - bình yên - mâu thuẫn…, tạo nên vòng luẩn quẩn mà người phụ nữ không thể nào thoát ra được. Hoặc là im lặng, nhẫn nhục chịu đựng, hoặc là nuôi hy vọng về sự thay đổi của chồng khi đang trong giai đoạn “bình yên” của vòng tròn bạo lực, tất cả điều đó khiến tình trạng bạo hành không thể chấm dứt đối với một số phụ nữ.

Câu chuyện bị chồng bạo hành của chị Hồ Thị V. - một phụ nữ dân tộc thiểu số ở xã Mò Ó, huyện Đakrông (Quảng Trị) - đã từng ám ảnh chúng tôi trong một chuyến công tác ở miền núi cách đây khá lâu. Bước vào cuộc hôn nhân được một thời gian ngắn, chị thường xuyên bị chồng đánh đập, nhất là những lúc say xỉn. Mỗi lần như vậy, chị V. về nhà mẹ ở Gio Linh lánh nạn, vài ba hôm đợi chồng nguôi giận lại lên. Khi mẹ mất, chốn nương náu bình yên tạm thời của chị không còn nên mỗi lần bị chồng đánh đập, chị ôm con nhỏ chạy quanh bản. Những năm tháng đó, cuộc sống của chị quay tròn trong chuỗi ngày bị đánh đập, được làm lành, rồi bị đánh đập. Hỏi tại sao không báo với chính quyền địa phương, chị lắc đầu: “Không được đâu, chồng biết đập càng đau. Nó còn dọa giết, mà say lên nó làm thiệt đó, nên sợ lắm”. Nỗi sợ vì bị đánh đau hơn, thậm chí sợ chồng giết rồi không có ai nuôi con khiến chị V. không dám lên tiếng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đó là nỗi sợ hãi của một người phụ nữ dân tộc thiểu số. Nhưng với một số phụ nữ bị bạo hành khác, có nhiều lý do ngoài nỗi sợ hãi khiến họ im lặng, trong đó tâm lý xấu hổ cản trở chị em lên tiếng khi bị bạo hành. Rất nhiều gia đình rơi vào tình trạng bạo lực thường xuất hiện một cách ngắt quãng theo từng sự kiện hoặc có thể được duy trì liên tục trong một khoảng thời gian. Sau khi bạo lực diễn ra, sẽ có một khoảng thời gian êm đẹp, khi đó cả hai hoặc một người sẽ tin rằng rồi mọi chuyện sẽ thay đổi. Trong suốt khoảng thời gian êm đẹp đó, người gây bạo lực có thể xin lỗi, tặng quà, tạo ra sự cố gắng đặc biệt để tăng không khí yêu thương và bình yên trong gia đình. Còn người phụ nữ, từ những động thái xoa dịu đó thì hy vọng rằng tình trạng hôn nhân của mình sẽ thay đổi nên sẵn sàng bỏ qua những lỗi lầm trước đó. Nhưng sau khoảng thời gian êm đẹp, sự căng thẳng bắt đầu hình thành trở lại, trạng thái cân bằng tiếp tục bị phá vỡ bằng những hành động bạo lực tiếp theo. Cứ như vậy, vòng tròn bạo lực đã vây hãm cuộc đời của nhiều người phụ nữ.

Theo báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019, cứ ba phụ nữ thì có gần hai phụ nữ (gần 63%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra. So với số liệu năm 2010, tỉ lệ phụ nữ bị các dạng bạo lực đã giảm nhẹ và sự thay đổi tích cực diễn ra rõ nét ở nhóm phụ nữ trẻ tuổi, họ không cam chịu và mạnh mẽ hơn trong đấu tranh với bạo lực. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực với phụ nữ vẫn được che giấu do định kiến giới còn khá phổ biến trong xã hội. Sự im lặng, kỳ thị của cộng đồng và “văn hóa đổ lỗi” là những rào cản khiến người bị bạo lực không dám lên tiếng và kìm hãm sự giúp đỡ. Cũng theo kết quả điều tra, một nửa số phụ nữ bị chồng bạo hành chưa bao giờ kể với ai; không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền.

Rõ ràng, sự im lặng của nạn nhân là một phần nguyên nhân dẫn tới tình trạng bạo lực gia đình vẫn tiếp diễn. Trong vòng tròn bạo lực, muốn thoát ra khỏi thì phải phá vỡ một trong những mắt xích của chu kỳ bạo lực đó. Câu chuyện của chị V. là một ví dụ. Khi nhà tạm lánh trên địa bàn xã Mò Ó được xây dựng, chị có một nơi yên ổn để tạm lánh khi chồng lên cơn say. Im lặng và chạy trốn vẫn được chị chọn làm giải pháp để thoát khỏi trận đòn roi của chồng nhưng việc chị chọn nhà tạm lánh để trú ngụ đã giúp chị phá vỡ được một mắt xích trong vòng tròn bạo lực mà mình mang trên người suốt nhiều năm. Đó là khi chị đến địa chỉ này thì câu chuyện bạo lực không chỉ là chuyện riêng của gia đình chị. Chính quyền địa phương đã mời người chồng lên làm việc. Lần thứ nhất nhắc nhở và phạt 500 ngàn đồng, lần thứ hai số tiền phạt tăng gấp đôi và phải lao động tại trụ sở UBND xã, nơi nhiều người dân qua lại. Điều đó khiến chồng chị xấu hổ. Từ đó, việc bạo hành đối với chị V. giảm hẳn và đến khi các con có gia đình thì tình trạng này được chấm dứt.

681 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng và 4 nhà tạm lánh được xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị không chỉ là nơi người phụ nữ bị bạo hành được nương náu, xoa dịu tạm thời nỗi đau mà còn giúp chính quyền địa phương có cơ sở nắm bắt, tìm hiểu, ngăn chặn tình trạng bạo hành. Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2020 diễn ra từ ngày 15/11-15/12/2020 có chủ đề “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”; ngày 25/11/2020 là ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ..., cho thấy sự quan tâm của xã hội đối với vị thế và đời sống tinh thần của người phụ nữ. Tuy vậy, bạo lực trên cơ sở giới vẫn là một thách thức lớn ở Việt Nam. Để thay đổi tình trạng bạo lực gia đình không có cách nào khác là người phụ nữ phải nhận biết rõ về vai trò của mình và lên tiếng. Cùng với nhiều giải pháp được triển khai, việc nâng cao nhận thức về giá trị bản thân, nâng cao trình độ hiểu biết, đặc biệt là kiến thức gia đình, kiến thức pháp luật để tự bảo vệ mình và lên tiếng khi bị bạo hành của người phụ nữ là một giải pháp quan trọng để ngăn ngừa, phòng chống bạo lực. Chỉ có thay đổi hành vi mới giúp người phụ nữ thay đổi cuộc đời.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em

BBT |

Chủ đề của Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2020 diễn ra từ ngày 15/11 - 15/12 là “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”.

Đà Nẵng xây dựng thành phố an toàn, không bạo lực với phụ nữ và trẻ em

Quốc Dũng |

Đà Nẵng đang xây dựng Đề án thành phố an toàn, không bạo lực với phụ nữ, trẻ em từ năm 2020-2025, phấn đấu đến năm 2030 có 100% xã, phường... có quy định về an toàn, không quấy rối và bạo lực.

Phát hiện vàng trong áo quần cũ, một gia đình người Vân kiều muốn trả lại

Yên Mã Sơn |

Ngày 2/11/2020 ông Hồ Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Lìa (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) cho biết, trên địa bàn một người dân vừa phát hiện vàng trong áo quần cũ cứu tế, muốn trả lại cho chủ nhân.

Cả gia đình Chủ tịch UBND xã mất tích trong vụ sạt lở

Thanh Mai |

Ông Lê Hoàng Việt, Chủ tịch UBND xã Trà Leng đã mất liên lạc từ hôm qua, nhiều khả năng ông Việt cũng là nạn nhân trong vụ sạt lở này.