Làng tôi nhỏ lắm. Cả làng lơ thơ, vỏn vẹn đôi chục nóc nhà vách gỗ cũ kỹ trông như những tổ chim câu neo vào sườn núi biếc xanh.
Xa làng đã mấy chục năm, vậy mà trong mỗi giấc mơ của tôi vẫn luôn chập chờn hình bóng làng xưa với những sợi khói mảnh mai vấn vương trong nắng chiều. Thỉnh thoảng, tôi vẫn mơ mình chân trần chạy nhảy trên con đường nhỏ, bên những vườn cây sum suê hoa trái của ngôi làng bình yên ấy.
Người làng tôi toàn dân tứ xứ. Vài bác cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc trót tơ vương mấy cô sơn nữ dịu dàng mà ở lại nơi này. Hai vợ chồng trẻ quê xứ Quảng vốn là công nhân Công ty xây dựng Miền Tây thấy nơi đây mưa thuận gió hòa mà dừng chân. Vài anh cán bộ Ty Văn hóa, mấy chú bộ đội thông tin phải lòng điệu hát trao duyên ngọt ngào mà không nỡ lòng dứt áo ra đi.
Mỗi người một lý do, mỗi người một hoàn cảnh nhưng đều chung niềm yêu thương mảnh đất hiền hòa, bốn mùa cây lá tốt tươi mà không muốn rời xa. Cứ thế, mỗi năm một vài người tụ lại. Mấy chục con người từ bốn phương trời cùng giúp nhau cắt tranh, xẻ gỗ, vạt đất dựng nhà. Ngôi làng theo năm dài tháng rộng mỗi ngày lại đông thêm một chút.
Vào những chiều đông buốt giá, mây phủ mờ ngọn núi trước nhà, nỗi nhớ quê hương lại cồn cào trong máu thịt mỗi người dân trong làng. Mọi người thường tập trung ở nhà tôi, ngồi quây quần trên tấm chiếu giữa sân vừa nhâm nhi tách trà nhài, vừa rì rầm kể cho nhau nghe những câu chuyện không đầu không cuối. Cũng có khi vui vẻ, mỗi nhà góp một chút thức ăn rồi cùng nhau nấu nướng. Vừa ăn mọi người vừa hát để vơi bớt nỗi nhớ quê hương.
Bác Kim là cán bộ người miền Nam tập kết ra Bắc, tay cầm trái mướp rừng đắng nghét, đệm thêm miếng ớt chỉ thiên hái ven đồi, vừa ăn vừa ngân lên điệu vọng cổ lúc da diết, lúc lại buồn thăm thẳm. Khi hát hai mắt bác cứ nhắm nghiền như thả hồn trôi về phương Nam xa xôi, trôi về miền quê quanh năm nắng vàng ấm áp của mình.
Chú Hoan làm ở Ty Văn hóa thì vừa lấy đũa gõ vào thanh gỗ cạnh bàn vừa ngâm nga một đoạn Chầu Văn cổ… Cô chú người xứ Quảng không hay hát nhưng nấu nướng rất ngon. Cứ mỗi dịp làng tập trung, hai vợ chồng họ lại chiêu đãi mọi người món mỳ tự làm, nấu với tôm cá bắt được ở con suối cạnh nhà nhưng sao ngon đến lạ.
Sau này lớn lên, tôi cũng từng vài lần ăn món mỳ Quảng nhưng không thể tìm thấy hương vị đã được ăn ngày ấu thơ. Cứ thế mọi người vừa ăn, vừa đàn, vừa hát như dốc tất cả những tâm tư khắc khoải của những đứa con xa quê vào những làn điệu du dương bay bổng ấy.
Làng tôi vui nhất có lẽ là những ngày giáp tết. Không khí trong làng cứ chộn rộn từ sáng tới chiều. Nhà nhà lo dọn dẹp, trang hoàng sắm sửa cho một cái tết đoàn viên. Người đi từ rừng về cho nhau nắm lạt giang để dành gói bánh chưng, bánh mật. Người từ dưới xuôi lên biếu nhau cân miến dong quê mình. Các cụ già mang bát đũa, xoong nồi ra suối kì cọ đến sáng choang lên mới thôi.
Cứ thế, tiếng nói cười lao xao rộn lên. Những khuôn mặt lấp lóa nụ cười. Nhưng háo hức nhất có lẽ là đám trẻ con chúng tôi. Cứ chiều chiều, mấy đứa lại chạy ra ven đường đón chờ mẹ đi chợ về. Vừa thấy thấp thoáng bóng mẹ đã lao ra níu lấy chiếc làn mây trên tay mà săm soi, ngắm nghía. Mắt đứa nào đứa nấy sáng lên khi thấy lẫn trong đôi câu đối đỏ là vài bánh pháo quấn giấy hồng thật đẹp, vài hộp mứt xinh xinh gói trong giấy bóng kính. Tiếng pháo cứ đì đẹt nổ từ 18 tháng chạp đến tận giao thừa. Mùi khói pháo, mùi lá chuối phơi khô để gói bánh mật quyện vào nhau, thơm nhẹ, lan trong gió khiến đám trẻ con chúng tôi năm nào cũng mong Tết đến thật nhanh.
Khi thủy điện Hòa Bình bắt đầu đóng các tổ máy, con đường số 6 chạy ngang qua làng chìm sâu dưới nước hồ trở thành con đường cụt. Lớp nhựa trải trên bề mặt lâu ngày không còn được tu sửa vênh lên như miếng bánh đa khô nỏ. Gió mưa khiến lớp nhựa ấy cứ mỏng dần đi chỉ còn trơ lại lổn nhổn sỏi đá. Ngày ngày, không còn nghe thấy tiếng xe khách ngược Mai Châu, Sơn La còi vang khi chạy qua những khúc cua quanh làng. Làng gần như bị lãng quên khiến người lớn buồn thiu.
Chỉ có đám trẻ con nhòng nhòng hơn ba chục đứa, sàn sàn tuổi nhau, lộc ngộc những mái đầu cắt trụi, lác đác dăm mống con gái hoe hoe tóc vàng là ngày nào cũng vui như hội. Bởi chúng tôi chả có gì phải buồn khi trong vườn, đầu ngõ, lưng núi… mùa nào cũng ăm ắp hoa trái.
Chiều chiều, lùa trâu bò từ trên núi về trong túi áo, túi quần đám trẻ con là đủ thứ quả chín: Vài trái sim tím lịm, một nắm quả mâm xôi mọng đỏ, dăm quả bồ quân ngọt ngào… Mùa nào thức nấy, chúng tôi lớn lên bằng những thứ quả giản dị của làng. Nhưng đứa nào đứa nấy phổng phao, rắn rỏi như cây lim, cây nghiến trên rừng.
Cứ thế, tuổi thơ tôi trôi qua bình yên giữa ngôi làng nhỏ bốn mùa thẫm xanh màu hoa trái, giữa những người dưng mà yêu thương nhau chẳng khác gì ruột thịt. Để rồi một ngày ngoái đầu nhìn lại, thấy tóc mình đã lấm tấm bạc, thấy mình đã xa làng gần nửa cuộc đời. Con đường uốn quanh làng ngày nào bây giờ thênh thang, thẳng tắp. Không còn lèo tèo dăm ba mái nhà tranh neo mình bên sườn núi vắng mà thay vào đó là những ngôi nhà xinh xắn dành cho du lịch sinh thái, lúc nào cũng lung linh ánh đèn, rộn rã tiếng nói cười. Thỉnh thoảng trở về, ngắm nhìn những chuyến xe lao vụt qua tôi lại thảng thốt như mình vừa đánh rơi tuổi thơ mình đâu đó. Ký ức về ngôi làng nhỏ lúc nào cũng nằm sâu trong trái tim tôi. Thương nhớ đến nao lòng!
(Nguồn: Tản Văn Hay)