Lòng này như đã sang xuân

Yên Mã Sơn |

Phố như chật hơn trong tiếng lao xao của tết: người người bỏ lại sau lưng núi đồi của Lào để hồi hương ăn tết; những chuyến hàng cuối năm nặng trĩu ưu tư; những chiếc xe khách tiếng còi xa vang vọng... Cái vội vã hiện hữu trên từng khuôn mặt người được giục giã bởi hình ảnh của quê hương, của người thân trong những ngày đoàn tụ gia đình.

Từ cửa khẩu về sâu vào nội địa, những “rừng” chuối hai bên đường như muốn "nuốt" trọn những chiếc xe khách ghé tới. Chuối từ rừng sâu, đồi cao của đất Việt, chuối từ Bản Phường, Sa Muồi (Lào) vượt sông vượt suối về ngập tràn phố thị phục vụ khách. Chẳng biết từ bao giờ loài chuối “mật mốc” được trồng trên dải đất biên giới này để ngày nay người ta mệnh danh là kinh đô chuối. Chuối “leo lên xe” theo chân người ra bắc vào nam, hiển hiện trang trọng trên bàn thờ gia tiên trong những ngày xuân. Theo chân chuối, những cành mai cũng “vượt biên” theo chuyến hồi hương của lữ khách. Đi cả năm trời, tết là dịp để nghỉ ngơi và hồi tưởng. Nhành mai rừng xứ Ai Lao cũng là món quà giá trị làm nên hương vị tết.

 

Những a chói đót chập chùng theo nhau cõng xuống thị trấn như đem cả hơi thở núi rừng về giữa lòng phố xá. Mép đường nhựa ngập tràn đót khô, ngút ngàn, tít tắp dưới nắng vàng hươm... Mấy em bé Vân Kiều theo mẹ xuống núi bán măng, bán đót. Em bám váy mẹ dè dặt khi ai đó đòi chụp ảnh, hỏi tên. Những a chói đót tươi vừa được hái là đặc ân của đất trời mỗi khi tết đến. Đót cho em áo mới, cho mẹ và ba những túi gạo thơm mà chẳng cần giã, giần sàng. Phố đã ngập tràn hoa. Hoa từ Đông Hà, Huế và xa hơn có Quảng Nam, Bình Định đem về xứ này làm nên những sắc màu diệu vợi. Người người đi thưởng hoa xuân mà quên đi nhọc nhằn, quên đi một năm kinh tế khó khăn, thời tiết khắc nghiệt.

Mùa đót ở Lao Bảo
Mùa đót ở Lao Bảo

Tết là lúc để con người hào phóng cho đi hoặc ít nhất mua bán không mặc cả. Và cái họ nhận lại là niềm hạnh phúc dù nhỏ nhoi của cái gật đầu cám ơn, cái bắt tay thật chặt. Đó là lúc người ta sẵn sàng mua một sản vật cuối cùng cốt để cho người bán về sớm với gia đình. Và thật ấm lòng khi nghe được câu chuyện của một người làm ăn xa nhưng không đủ tiền về quê được nhà xe cho đi miễn phí...

 

Mâm tất niên giản đơn của những hội xe thồ, bốc xếp đặt chênh vênh bên vỉa hè. Hương trầm nghi ngút theo gió cuốn về trời. Câu khấn giản dị, cầu cho năm mới bình an, vững tay lái, vững chân phanh. Chén rượu giữa ngã ba đường ấm lòng trong cơn gió xuân. Những gã vô gia cư lang thang cũng được góp vui trong bàn tiệc. Họ tổng kết một năm chạy đôn chạy đáo trên mọi nẻo đường bằng lời hát như những kẻ du ca. Tự tin vào giọng ca, hào sảng đầy lạc quan. Những bàn tay gân guốc, đem nhẻm vì nắng gió Lào. Những bàn tay thô ráp, chai sạn nhưng hết mình trong công việc để xây dựng tổ ấm của mình bằng sức lao động chân chính.

 
 Người Vân Kiều ở Hướng Hóa đem đặc sản núi rừng về phố.

Chợ tết nhộn nhịp, đổi thay từ sắc màu cho đến mùi vị nhưng góc chợ của các cô gái Vân Kiều cũng vẫn như mọi ngày. Vẫn măng tươi, rau dớn, riềng, ớt... Giữa những thực phẩm được vun trồng bằng nhiều hóa chất, từ chất tăng trưởng đến thuốc trừ sâu thì những sản vật của các em luôn có một chỗ đứng đầy kiêu hãnh ở chợ biên giới này. Mùa xuân đã làm cho má những cô gái đỏ hơn khi bước chân xuống núi không quên bôi thêm son. Tiếng cười giòn tan dưới cái nắng xuân trong góc chợ cũng làm cho các chàng trai xiêu lòng. Những chiếc smart phone đã kéo những cô gái của núi rừng Trường Sơn bắt kịp thời đại. Họ không còn lo cái ăn, cái mặc như ngày xưa nữa. Cái họ đang hướng đến là một chân trời mới nhờ vào “tính thương mại” vốn đã ngủ quên trong tập quán hái lượm.

 
 Chợ hoa xuân ở Lao Bảo

Người người đi dưới nắng xuân lòng vời vợi nhớ về ngày tháng cũ. Câu hát vang lên từ quán cốc ven đường “Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về. Mùa bình thường mùa vui nay đã về...” Ừ nhỉ, cũng chỉ là mùa bình thường trong bốn mùa của đất trời nhưng sao mãi xao xuyến giữa mảnh đất biên ải này.

Phải chăng trong lòng này đã xuân?

TAGS

Nhóm tác giả tạp chí Cửa Việt đoạt giải Nhất khẩu hiệu (slogan) Du lịch tỉnh Quảng Trị

H.C.D |

Ban tổ chức cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) và khẩu hiệu (slogan) Du lịch tỉnh Quảng Trị vừa tổng kết và trao giải sau 9 tháng tổ chức.

Thăm rừng phong hương mùa thay lá

Lê Trường |

Những ngày đầu năm mới, khi thời tiết giao mùa cũng là lúc rừng cây phong hương (hay còn gọi là sau sau) ở huyện miền núi Hướng Hóa “trở mình” thay màu lá. Sắc màu rực rỡ của rừng sau sau đã thu hút lượng lớn khách du lịch đến tham quan, khám phá và trải nghiệm ở Hướng Hóa. Qua lăng kính nhiều người, những sắc màu ấy hiện lên như bức tranh mang vẻ đẹp thơ mộng, tựa góc “trời Âu” ngay ở miền Tây Quảng Trị.

Bánh dày - món bánh không thể thiếu trong ngày Tết truyền thống của đồng bào Mông

Lê Phú |

Bánh dày và hoạt động giã bánh dày là điều không thể thiếu trong các dịp lễ Tết của đồng bào dân tộc Mông ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

Hoa anh đào khoe sắc bên hồ Pá Khoang

Trung Kiên |

Ngày 12/1/2024, Lễ hội hoa anh đào - Điện Biên Phủ năm 2024 chính thức khai hội. Trên khắp bán đảo ở xã Pá Khoang, thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), hàng nghìn cây anh đào bung nở, đua nhau khoe sắc. Đến với đảo hoa, du khách được tận hưởng cảm giác thư thái giữa thiên nhiên, không gian khoáng đạt, yên bình. Lễ hội Hoa anh đào diễn ra từ ngày 12 - 14/1 với nhiều hoạt động đặc sắc diễn ra, mang đậm nét văn hóa của Nhật Bản và các dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên.