Một cuộc chuyển nhà

Hoàng Công Danh |

Khi chiếc xe tải vừa đến trước cổng nhà, anh đã ướm mắt nghĩ chắc không thể chuyển hết đồ đạc trong một chuyến. Thôi thì được bao nhiêu hay bấy nhiêu, cứ chuyển những thứ cần thiết trước. Những món không quan trọng, hoặc đã quá cũ thì bỏ đi cũng được, chứ thuê thêm một chuyến nữa khéo tiền phí đắt hơn tiền đồ đạc.

 
  Minh họa: ĐẶNG MINH QUÝ

Đây không phải lần đầu tiên anh chuyển nhà, nhưng là lần chuyển nhà đi xa nhất từ trước tới nay, hơn một trăm cây số. Những lần trước chỉ chuyển loanh quanh trong thành phố, qua những căn nhà trọ. Lần gần nhất cũng mới năm ngoái, khi anh mua được chỗ này, một căn nhà cũ ở vùng ven đô người ta bán rất rẻ. Lúc đó anh mừng khôn xiết vì nghĩ từ nay đã khỏi chuyển nhà, được an cư mà lạc nghiệp như cách nói của ông bà ta xưa. Đời, đúng là không ai ngờ được.

Hàng xóm mới chưa thân quen được bao lâu đã phải chia tay. Vài cây lưu niên anh trồng chỉ bắt đầu bén rễ vào đất, ra một đôi tầng lá chưa đủ bóng mát che khoảnh sân nho nhỏ để dựng chiếc xe máy ở đó như anh dự tính.

Anh đứng ngẩn ra, ánh mắt đầy đăm chiêu. Đứa con gái mười tuổi đang khệ nệ bưng ra một thùng chứa đầy gấu bông to nhỏ.

- Cho chúng lên xe với ba ơi.

Anh gật đầu. Lát sau, con gái lại bưng ra một mớ lỉnh kỉnh mấy thùng giấy carton có những nét vẽ sơn phết nguệch ngoạc.

- Mấy thứ đó bỏ đi con, đem theo chật chội lắm.

- Nhà của chúng đó ba. Mình chuyển nhà, chúng cũng chuyển nhà luôn chứ.

Bất giác anh khựng lại. Trẻ con bao giờ cũng vô tư hồn nhiên và có những ý tưởng người lớn không nghĩ ra được.

- Ừ, tất cả những thứ của con đều được mang theo hết.

- Không cần đâu ba, vài bữa mình còn về lại mà.

Anh chợt nhớ ra là mình chưa nói với con chuyện bán nhà. Hôm trước anh đã ký giấy bán cho người ta với cái giá rẻ hều, rẻ hơn rất nhiều giá năm ngoái anh mua. Bất động sản lên xuống bất ngờ, thôi thì cũng là chuyện thường tình. Cuộc chuyển nhà lần này để tiện cho việc công tác, nên anh đã xác định rời đi khỏi thành phố này, đến một nơi đầy mới mẻ. Chỗ sắp dọn đến ấy trong tâm tưởng từ trước đến nay anh chưa hề nghĩ đến.

Bán ngôi nhà của mình để chuyển đến nơi thuê trọ, một quy trình ngược, ít ra là đối với anh. Nói không luyến tiếc thì thành ra vô tâm, nhưng anh có lý do khi bán căn nhà này. Năm ngoái, có một bà cụ đi bói dạo tự nhiên ghé vào nhà anh, rồi bảo chỗ đất này không có vượng khí. Anh chẳng mấy tin vào trò mê tín, nhưng rồi anh cũng có chút dè chừng, nhất là từ khi vợ anh bỏ đi khỏi nhà bữa Tết, để lại một tờ đơn viết tay.

Đã tính toán từ trước là sẽ sắp cái gì lên xe trước, cái gì lên sau, thế mà đến lúc này anh vẫn lớ ngớ. Cậu tài xế phụ giúp một tay bưng đồ, phần việc này không có trong giao kết vận chuyển, nhưng cậu có kinh nghiệm và giờ đây chính cậu ta mới là người sắp đặt mọi thứ lên xe. Anh như một kẻ phụ việc luống cuống, vụng về.

- Tập trung vào anh ơi, còn nhiều đồ quá, chút nữa nắng lên lè lưỡi.

Xem ra cậu ta cũng là người vô tư, vui tính. Anh thì ngổn ngang tâm trạng. Bưng cái tủ mà trí óc lại tưởng tượng đến những lần cánh cửa tủ bật mở, một tấm gương soi hiện ra trong đó một người phụ nữ thon thả. Anh thường đứng sau lưng vợ, hai bàn tay ôm vào hông nàng và ngắm nhìn khuôn mặt xinh xắn ấy qua tấm kính.

“Mình có nhà rồi, từ nay sống hạnh phúc hơn anh nhé”. Câu nói ấy giờ chỉ còn là lời quá khứ. Một quá khứ mới đây thôi mà như đã thật xa xăm. Lúc bưng cái giường ngủ ra khỏi cổng, tự dưng tay anh bủn rủn như có ai đó trì níu. Anh phải bảo cậu tài xế đặt xuống nghỉ một lúc mới nhấc lên thùng xe được.

Anh nhóm một đống lửa nhỏ sau nhà để đốt những thứ thải loại. Vài ba tấm ván kê đồ bắt lửa cháy rắc rắc. Mấy khúc tre để dành phòng khi ràng rẹp chống bão, giờ cũng là một mớ củi mà thôi. Đống sách cũ gián gặm đứt gáy ném luôn vào lửa cùng cuốn lịch tường đã lâu anh quên lật xé mỗi buổi sáng, đốt đi ngày tháng cũ.

Khói xông lên một mùi thơm khác lạ, đó hẳn là vị khói của những thứ đong đầy ký ức. Một tập ảnh từ thời hẹn hò của anh và vợ, cả album ảnh cưới dày cộp cũng cho luôn vào lửa. Những hình người của một thời tươi đẹp bùng cháy lên ngọn lửa đủ màu xanh tím, chắc là do lớp màu tráng ảnh có dầu.

- Ổn rồi anh nhỉ. Đi thôi.

Cậu tài xế vừa hỏi, vừa giục. Trời hôm nay đầy mây. Mây che hết ánh nắng một ngày hè nên không ai để ý đến lúc này đã trưa trật.

- Hút điếu thuốc đã, đợi cho cháy hết rồi đi.

Lửa ngọn đã tắt, chỉ còn lọn khói bay lên từ đống tro muội. Khói ấy có mà đợi cả ngày, vì chúng được ngúm cháy âm ỉ từ một khối củi nào đó ở phía dưới.

- Để em giội cho một thùng nước là nó tắt ngay ba mươi giây.

- Đừng. Đợi chút nữa đi.

Xe nổ máy rục rịch chuyển bánh, anh bồng con gái lên ngồi cùng bên ghế lái phụ.

- Ba ơi, khoan đã, còn quên chậu cây.

- Cây gì con.

- Cây hạnh phúc đó.

Lúc này anh mới nhớ ra cái chậu cây nho nhỏ để phía sau chái nhà. Cây ưa bóng râm nên ở chỗ khuất đó lúc nào lá nó cũng xanh mướt. Hình như ai đó đã nói rằng hạnh phúc là thứ nên giấu kín, cũng đúng với loại cây mang tên này.

- À thôi, khi nào mẹ đi công tác xong thì mình cũng sẽ về lại nhà mà, phải không ba. Chắc lúc đó nó lớn lắm rồi.

Xe lăn bánh, gương chiếu hậu soi bóng căn nhà lùi xa dần. Anh ôm con gái vào lòng thật chặt. Rồi anh mở điện thoại nhắn tin cho người mua nhà xin đền cọc, không bán nhà nữa. Anh tự nhủ rồi sẽ quay về, chẳng đất nào là đất không vượng khí.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

TAGS

Làm giàu từ đồng đất quê hương

Thanh Hoa |

Trong bối cảnh đô thị hóa, không ít người trẻ chọn ly hương, câu chuyện của những người “quay về” làm giàu từ chính mảnh đất quê hương đã trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho nhiều người. Với tư duy dám nghĩ dám làm, anh Phan Văn Hiên, thôn Phúc Tự Tây, xã Hoàn Lão đã “hồi sinh” những cánh đồng lúa từng bị bỏ hoang thành “bờ xôi ruộng mật”, những ao hồ đầy ắp cá... mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nơi chở che, nay thành quê hương

Ngọc Mai |

“Tháng 3/1968, tôi là một trong 72 thủy thủ thuộc đoàn vận tải đặc biệt của xã Cảnh Dương (nay là Hòa Trạch), tỉnh Quảng Bình (cũ) đưa vũ khí vào chiến trường miền Nam. Trong một đêm gió lớn, chúng tôi dong buồm ra khơi. Đoàn thuyền “được gió” nhanh chóng lướt đi trong biển đêm. Sáng hôm sau, đoàn cập bến Vũng Si, Vịnh Mốc, Vĩnh Linh, Quảng Trị (cũ). Chiến tranh ác liệt khiến chuyến đi kéo dài. Nhiều người bị địch bắt, số còn lại buộc phân tán vào các thôn, nhờ dân che giấu. Những tháng ngày sống trong sự đùm bọc của Nhân dân Quảng Trị đã để lại ký ức không thể phai mờ trong lòng tôi!”.

Đất lạ hóa quê hương

Nguyên Kha - Nhị An |

Tỉnh Quảng Trị hiện có 6.836 cán bộ của các cơ quan Đảng, cơ quan chuyên môn và đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, các tổ chức chính trị-xã hội, Văn phòng HĐND tỉnh và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Trong đó, có 1.194 người di chuyển về làm việc tại trung tâm hành chính tỉnh (phường Đồng Hới) và có nhu cầu bố trí nhà công vụ. Theo khảo sát, hiện nay, trên địa bàn phường Đồng Hới có 11 cơ sở nhà, đất đủ điều kiện bố trí nhà ở công vụ. Trong đó, có 3 cơ sở nhà, đất cơ bản đủ điều kiện bố trí nhà công vụ với 137 phòng; 8 cơ sở nhà, đất trụ sở dôi dư, dự kiến cải tạo làm nhà công vụ để bố trí 528 phòng ở cho cán bộ, viên chức.

Nhà báo Phan Quang trách nhiệm với công việc, nặng tình với quê hương

Vĩnh Trà |

Nhà báo lão thành, nhà văn nổi tiếng Phan Quang (tên khai sinh là Phan Quang Diêu) sinh năm 1928 ở xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Năm 1988, ông về Đài Tiếng nói Việt Nam nhậm chức Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập, tôi mới được làm việc dưới sự quản lý của ông. Ông hơn tôi 18 tuổi, đúng ra phải gọi bằng chú, xưng cháu nhưng ông bảo người cùng cơ quan gọi nhau anh em cho dễ làm việc, vả lại là người quê miềng cả mà. Ban đầu ái ngại nhưng gọi mãi thành quen. Tính ông vẫn thế, điềm đạm, chỉnh chu và lịch lãm.